Thời tiết chuyển từ xuân sang hè dù chưa nóng bức nhưng người dân đã cảm thấy thật may mắn nếu có được một bóng mát trước nhà, trong khu dân cư mình sinh sống.
Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng hỗ trợ bà con tổ 55 (cũ) phường An Khê trồng cây xanh xây dựng vườn hoa. |
Những vườn hoa xã hội hóa
Ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, có một “miếng kẹo đậu” rộng 750m2 nằm giữa giao lộ Nguyễn Trác - Ngô Thế Vinh, trước thuộc tổ 40, nay đổi thành tổ 40B. Ông Trần Đình Minh, tổ trưởng tổ dân phố 40B, kể: Nơi đây từng là một vùng cỏ dại, là “điểm nóng” cho rắn rít và xì ke ma túy tụ tập. Bà con nêu bức xúc, được phường đồng ý cho dọn dẹp. Dân bỏ ra 150 ngày công và đóng góp tiền, phường hỗ trợ 1 triệu đồng và 2 trụ bóng rổ. Công ty TNHH Việt Pháp có văn phòng gần đó thấy cảnh quan công ty cũng đẹp thêm nên ủng hộ 3 bộ dụng cụ thể dục trị giá 36 triệu đồng. Một anh làm bên dự án tái định cư hỗ trợ 18 cây cau, 2 cây khế...
Từ đó, cái “công viên mi-ni” này trở thành sân vui chơi, dạo mát của bà con quanh vùng. Học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt, Trường tiểu học Lý Công Uẩn, sinh viên ở nhà trọ quanh đó cũng đến tập thể dục, vui chơi. Đầu tháng 9 năm ngoái, mô hình này được Sở Xây dựng khen thưởng với mức 300 nghìn đồng. Tổ dân phố vận động thêm được 1,5 triệu đồng mua một máy cắt cỏ để chăm sóc, duy tu “công viên” theo hướng dẫn chuyên môn của Công ty Công viên cây xanh (CVCX) Đà Nẵng.
Ở tổ dân phố 195 và 196 (tổ 55 cũ), phường An Khê, quận Thanh Khê, cũng có hai khoảnh đất bỏ hoang rộng 1.700m2 thuộc Dự án Phần Lăng 1&2 nằm dọc hai bên kênh hở bên đường Hồ Tương. Đây từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường: muỗi, cây cối um tùm, rác thải, xác động vật vứt xuống kênh. 5 ca sốt xuất huyết bùng phát tại đây vào đầu năm 2011 là giọt nước tràn ly khiến cho các cơ quan chức năng tìm giải pháp cứu nguy. Cuối tháng 10-2011, UBND thành phố có công văn giao Sở Xây dựng kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục kênh thoát nước và trồng cây xanh tạo cảnh quan đô thị cho khu vực này.
Ông Huỳnh Tấn Thưởng, tổ trưởng dân phố 196, cho biết phường đã huy động cán bộ văn phòng UBND phường cùng với bà con tham gia làm sạch cảnh quan. Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê chở hơn 20 xe rác. Bà con đóng góp được gần 49 triệu đồng, ai không góp tiền thì góp công lo san ủi mặt bằng, đổ bê-tông các lối đi bộ. Công ty CVCX hỗ trợ 48 cây muồng tím. Một vườn dạo sạch sẽ, mát lành đã được hình thành từ sự đóng góp của toàn xã hội.
Ông Minh giờ rất yên tâm: “Chính những vườn hoa mi-ni xã hội hóa như thế đã mang lại hạnh phúc cho trẻ thơ quanh vùng”. Ông Thưởng thì vẫn chưa hết lo: “Vườn dạo bên bờ kênh đã mang lại nét đẹp văn hóa cho người dân, nhưng bà con vẫn đang lo bờ kênh không có lan can rất nguy hiểm. Giá như có doanh nghiệp nào hỗ trợ làm lan can thì bà con rất tán thành việc gắn lô-gô của doanh nghiệp để biết ơn họ”.
Để thành phố đẹp hơn
Những điểm sáng nói trên là một trong những kết quả ban đầu của Đề án Xã hội hóa phát triển cây xanh đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2015 được UBND thành phố ban hành ngày 13-12-2012. Theo đó, phấn đấu đến năm 2015, diện tích cây xanh đô thị bình quân đầu người ở Đà Nẵng đạt từ 7m2 – 8m2 (hiện nay là 5,02m2).
5 năm trước, Công ty Cây xanh Đà Nẵng (lúc đó trực thuộc Sở Giao thông-Công chính) triển khai thực hiện việc bàn giao thí điểm cây xanh đường phố cho các hộ dân 2 phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn) và Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) để bà con quản lý, bảo vệ, chăm sóc. Để bàn giao được khoảng 200 cây có bóng mát cho mỗi phường, công ty mất hơn 2 tháng để triển khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty, người dân không mặn mà khi ký bản cam kết lúc nhận bàn giao. Khi cây chết, công ty tự phát hiện và trồng giặm; khi cây ngã đổ, công ty phải xử lý... Tóm lại, việc bàn giao cây xanh đường phố theo dạng xã hội hóa cho dân chưa hiệu quả.
Cũng theo báo cáo của công ty, ngay cả việc để người dân xây dựng các vườn ươm “vệ tinh” theo Đề án cũng không khả thi. Cây xanh ít nhất phải được 7 năm tuổi mới đạt chuẩn đường kính thân cây 6cm và chiều cao 3m để đưa vào trồng đường phố. Nhưng các vườn ươm này chỉ tạm được vài năm, nếu giải tỏa thì mang cây đi đâu? Trong khi đó, công ty hiện có vườn ươm trên Hòa Ninh rộng gần 18ha (đang mở rộng thêm 30ha đến giáp chân núi Bà Nà), không thiếu đất để sản xuất ổn định lâu dài và hứa hẹn cho cây xanh đạt yêu cầu. Công ty đề nghị, việc ươm cây nên tập trung ở Hòa Ninh, không lập vườn ươm vệ tinh do tư nhân làm.
Ông Nguyễn Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Đô thị - Sở Xây dựng, cho biết ngoài 2 khu vực dân cư nói trên, đã có một số mô hình tổ dân phố, tập thể tham gia trồng, chăm sóc và phát triển cây xanh công cộng. Ví như các tổ dân phố 22 và 24 phường Mỹ An tự trồng một hàng cây giáng hương tạo nên vẻ mỹ quan trên tuyến đường Phan Tứ. Bà con khu dân cư An Hòa, phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) tham gia trồng, chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh trong khu vườn dạo trên đường Đặng Văn Ngữ. Công ty cổ phần Trung Nam đã dọn vệ sinh 2 lô đất tại ngã tư Nguyễn Lương Bằng - Nguyễn Tất Thành (chưa có kế hoạch xây dựng) và đầu tư trồng cây xanh, lát gạch vỉa hè và lối đi dạo tạo thành một khu công viên công cộng với tổng diện tích khoảng 3.545m2…
Tất cả các việc làm này đã góp phần làm cho thành phố mát và đẹp hơn; nhưng rất tiếc, vì nhiều lý do, vẫn chưa trở thành một phong trào rộng khắp và mạnh mẽ…
Xã hội hóa phát triển cây xanh: Một số hạn chế và nguyên nhân - Việc vận động các đơn vị doanh nghiệp đóng góp kinh phí triển khai xã hội hóa (XHH) phát triển cây xanh đã có một số kết quả nhất định nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, do việc triển khai XHH được thực hiện vào thời điểm kinh tế khó khăn. - Quan điểm sử dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, đậu đỗ xe vẫn còn phổ biến nên chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng trong việc xây bồn hoa, trồng cây xanh trên vỉa hè. - Công tác XHH mới được triển khai thí điểm trong một thời gian ngắn, nên chưa nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng. Nguyễn Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý Đô thị - Sở Xây dựng |
VĂN THÀNH LÊ