.

Cá tính và sáng tạo với "made in Đà Nẵng"

.

Ngành thời trang của Đà Nẵng vẫn chưa thực sự có những thương hiệu nổi tiếng, có thể trình diễn và quảng bá tại các thành phố lớn khác. Nhưng đi sâu tìm hiểu lĩnh vực này mới biết không vì tiềm lực nhỏ, dân số ít, mà những nhà thiết kế an tâm dừng lại, họ vẫn tung ra hàng trăm mẫu thiết kế mỗi mùa. Những mẫu thiết kế mang đậm cá tính, tính ứng dụng và sáng tạo, làm nên “made in Đà Nẵng”.

Nhà thiết kế Phan Diệu Hương và sản phẩm mang thương hiệu Phan boutique.
Nhà thiết kế Phan Diệu Hương và sản phẩm mang thương hiệu Phan boutique.

Thời trang không biên giới

Bất chấp việc không tọa lạc trên những “con đường thời trang” đầy rẫy các cửa hiệu như Lê Duẩn, Phan Châu Trinh… các mẫu thiết kế mang thương hiệu của Điệp collection và Phan boutique vẫn phát triển không ngừng.

Bước vào nơi trưng bày hàng trăm mẫu váy dạ hội và áo cưới của Điệp collection ở số 291 Đống Đa, khách hàng không khỏi ngạc nhiên… vì ở ngay Đà Nẵng, (chứ cần đi đâu xa), bạn sẽ chọn được những mẫu váy dạ hội hiện đại. Và không bởi vì áo váy rực rỡ mà kén người mặc, cần những người có “form” chuẩn, nhà thiết kế Huỳnh Văn Điệp khẳng định là với những người mập, số đo các vòng không như ý, anh vẫn có thể thiết kế những bộ váy phù hợp vóc dáng. Đó là cái tài của người thiết kế.

Vào nghề cách đây 25 năm, từ khi Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh thành khác chưa mấy người nhắc đến cụm từ thời trang, nhưng anh Điệp không vì thế mà rời quê hương đi nơi khác, bởi anh hiểu nghề này ở đâu cũng có đất sống, cơ bản là mình thích ứng với nó như thế nào. Và nghề không phụ người, năm 1995 tên tuổi của Điệp collection nổi lên ở Đà Nẵng như “một hiện tượng”, khách hàng ở các nơi khác nghe nói đến tay nghề của anh cũng tìm đến đặt hàng. 10 năm nay, người bạn đời của anh vì đam mê thời trang mà dứt nghề dạy học, cùng chồng thiết kế và nâng tầm ý tưởng lên cho Điệp collection rất nhiều. Huỳnh Văn Điệp bảo thương hiệu anh có được hiện nay là do khách hàng đánh giá sản phẩm và tặng cho; đây là món quà có ý nghĩa nhất với người thiết kế thời trang. Thế mới biết thời trang là không biên giới.

Mỗi năm anh Điệp sáng tạo ra 4 bộ  thiết kế cho 4 mùa trong năm, mỗi bộ có khoảng 40 mẫu váy khác nhau. Gồm có đồ dạ hội, dành cho tiệc nhẹ, tiệc lớn, đám cưới, sinh nhật… Khi khách hàng gặp nhà thiết kế, những ý tưởng của cả hai bên đều được trao đổi cụ thể, những chi tiết không ưng ý (nếu có) mà khách hàng gặp ở mẫu thử sẽ được điều chỉnh như ý. Đó là cái tiện lợi của sản phẩm thời trang có nhà thiết kế bên cạnh, có thể mẫu thiết kế đó sẽ chuẩn hơn, phụ kiện đi kèm cũng phù hợp hơn.

Không già dặn tuổi đời và tuổi nghề như anh Điệp, cô gái Phan Diệu Hương với thương hiệu thời trang Phan boutique vẫn ngày ngày chăm chỉ cho ra đời những mẫu thiết kế đậm cá tính và tính ứng dụng rất cao.

Vốn là dân chuyên Lý, Diệu Hương chọn ngành kinh tế của ĐH Đà Nẵng để lấy bằng đại học. Nhưng rồi đam mê thời trang cộng với năng khiếu thiết kế khiến cô quyết không từ bỏ ước mơ. Hương quyết định Nam tiến, chọn làm việc tại Phòng Marketing của tạp chí Đẹp. Đây là môi trường để Hương học ngành thiết kế. Sau giờ làm, buổi tối Hương đăng ký các khóa học ngắn hạn về thiết kế thời trang ở Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, rồi cô đăng ký học thêm nghề may bởi nhà thiết kế phải biết các kiến thức để chỉ cho thợ may biết mình cần gì. Vẫn chưa tự tin với nghề thiết kế, sau khi về Đà Nẵng lập gia đình, Diệu Hương quay lại TP. Hồ Chí Minh học thêm 6 tháng thiết kế. Tháng 3-2009, cửa hàng thời trang mang thương hiệu Phan boutique ra đời trên đường Phạm Văn Đồng.

Các mẫu thiết kế của Diệu Hương thiên về xu hướng tiện dụng, có thể mặc được ở nhiều nơi như công sở, đi chơi, chứ không hẳn chỉ đi dự tiệc. Do đó trong các bộ sưu tập của mình Phan boutique thường giới thiệu các mẫu đầm xòe, cổ thuyền, “form” rộng và thoải mái, hợp với nhiều lứa tuổi. Theo Diệu Hương thì khi chọn váy áo của cô thiết kế, khách hàng nên mặc thử trước để tìm được cái áo nào hợp kiểu dáng và màu sắc. Và cô gái 30 tuổi, thiết kế thiên về màu trầm này không có những kiểu váy hở vai, hở ngực như nhiều người lầm tưởng về giới trẻ và người thiết kế trẻ. Vì thế chất liệu cô thường dùng là cotton 100%, vải thô. Mùa này Hương mạnh dạn thiết kế thêm nhiều áo váy trên chất liệu len, cotton nỉ… Chọn thiết kế của Phan boutique, khách hàng cũng không sợ bị “đụng hàng” vì mỗi bộ thiết kế, Diệu Hương chỉ làm nhiều nhất là 3 mẫu, giá thành không vì thế mà quá cao, ngược lại giá khá mềm so với nhiều tiệm bán váy áo may sẵn trên thị trường.

Thời trang may sẵn lên ngôi

Sau 3 tháng thành lập xí nghiệp Veston, vào tháng 8 vừa qua, lô hàng áo vest trị giá hơn 200 nghìn USD của công ty CP Dệt may 29-3 đã được đưa sang thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, những mẫu áo vest của công ty với các số đo cho người Việt Nam cũng được đưa ra chào hàng tại siêu thị Coop Mart và Big C. Ngoài ra đội ngũ thiết kế của công ty hằng tháng đưa ra thị trường khoảng 30 mẫu thiết kế để may đồng loạt. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh công ty cho biết, mặc dù các mẫu khăn của 29-3 chiếm 50% hàng hóa của công ty bán trên thị trường nội địa, có mặt ở hơn 400 khách sạn ở miền Trung-Tây Nguyên, nhưng công ty vẫn chú trọng các mặt hàng áo quần may sẵn khác. Dù việc khẳng định thương hiệu cho áo quần công sở may sẵn cần một thời gian nữa mới đứng vững được trên thị trường, nhưng đây cũng là một chiến lược cần hướng đến của công ty trong thời gian tới.

Hiện nay Công ty CP Dệt may Hòa Thọ với lợi thế là có những cửa hàng thời trang riêng, đã có thể khẳng định thương hiệu với các loại áo, quần công sở. Và việc đầu tư mẫu thiết kế, chất liệu vải… vẫn đang được các công ty thời trang chú ý. Bởi thị trường tiêu dùng cho mặt hàng thời trang ở Đà Nẵng hứa hẹn nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.