.

Những linh hồn mang tên Được

.

Cồn Ma như một hòn đảo nhỏ được viền quanh bằng những hàng dương liễu, đứng trên đỉnh Sơn Trà nhìn xuống trông như một giọt nước. Người dân Nại Hiên Đông ví như giọt nước mắt rơi từ cửa biển Đà Nẵng vào đất liền, bởi đây là nơi an nghỉ của những ông Được, bà Được.

Cồn Ma không còn là “giọt nước mắt” mà là một công trường xây dựng lớn. Ảnh: V.T.L
Cồn Ma không còn là “giọt nước mắt” mà là một công trường xây dựng lớn. Ảnh: V.T.L

Nguyễn Hoàng dừng xe lại, chỉ về khu đất phía bắc cầu Thuận Phước, cất cao giọng giữa làn gió cuối đông oi nồng mùi biển: Đó là Cồn Ma. Cồn Ma có từ bao giờ, chưa ai xác quyết được, từ thời ông nội của Hoàng đã có rồi và thuần là tên gọi dân gian, chưa bao giờ đi vào địa danh hành chính. Nó nằm bên cửa khẩu Đà Nẵng, rất thuận lợi cho việc cập tàu vào và đưa những ông Được, bà Được lên tìm cho họ một chỗ an nghỉ cuối cùng. Người đi biển hễ gặp xác người lênh đênh bất kể từ đâu dạt tới, bất kể màu da sắc tóc, đều ghé tàu lại đưa họ về, dù mới xuất bến, dù chuyến biển đó có tổn phí đến hàng chục triệu đồng.

Lênh đênh phận người

Hoàng quê Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam nhưng sinh ở Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Trước khi lên bờ làm tổ trưởng dân phố số 132 (tổ 31 cũ) Nại Hưng 2, anh từng theo ghe cha mình đi biển. Cha anh đã “được” trước sau 3 người, đều còn trẻ, đặt tên là chú Được, chú Được Hai, cô Được Ba. 5 năm trước, tôi gặp anh trong lúc chờ cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm một tử thi trôi dạt vào chân cầu Thuận Phước. Lần đó anh “hé lộ” ít nhiều những nỗi đau thương của những xác người trôi giạt trên sông biển và tấm lòng của ngư dân Sơn Trà nói riêng, Đà Nẵng nói chung.

Ông Đỗ Đức Dũng, 68 tuổi, liên tục 25 năm làm trưởng ban đại diện đền thờ Ngư ông Cửa khẩu Đà Nẵng, qua lời Hoàng, từng là một trong những trai bạn dày dạn sóng gió vùng đất Nại Hiên Đông. Ông bảo, vớt xác người là cái lệ bất thành văn, nó “ăn” trong tim trong ruột của ngư dân bao đời nay rồi. “Được” xác, chủ tàu dùng chiếu hoặc mền bó lại cẩn thận rồi đưa vào thúng rái đặt bên phải tàu, là bên dành cho người không phải người nhà, gọi là bên đốc, tính từ đuôi đến mũi tàu; cũng có thể treo bên hông phía đốc, rồi chạy tàu về Cồn Ma. Bản thân ông Dũng cũng gặp một người như thế, ông đặt tên là Đỗ Văn Được. Theo lệ thường, ông đưa xác về, trình báo với cơ quan chức năng rồi tổ chức an táng họ với đầy đủ các nghi lễ như là người thân mình mất.

Ngoài việc lập một khám thờ trước nhà, các “chủ tang” còn lập một khám thờ nhỏ trước mộ, ít khi dựng bia mà trồng hai cây xanh đầu và cuối mộ để đánh dấu. Đặc biệt, Hoàng bảo, mộ nào cũng cắm một cây cờ, lá này hư thì thay lá khác, trước đây chạy tàu qua Cồn Ma là thấy một rừng cờ. Mở cửa mả xong, các chủ tàu ra mộ thắp hương van vái ông Được, bà Được, rồi lại ra khơi với một lư hương mới đặt ở nơi trân trọng trên tàu.

Ông Năm Bờ năm nay gần 90 tuổi, 60 năm đi biển ông “được” tất cả 5 người, 3 ngoài biển và 2 trên sông. Trước khi chôn cất người xấu số, các chủ tang đều cẩn thận ghi lại nhân dạng cùng với các vật dụng như áo quần, nhẫn, răng vàng, bông tai… Nhờ đó, một thân nhân người chết ở Huế nghe tin tìm vào gặp ông Năm, xác minh đó đúng là người nhà của mình đã mất tích. Họ rất cảm kích tấm lòng của những ngư dân như ông Năm, chờ “đủ ngày” là đưa hài cốt về cải táng ngoài Huế.

“Cũng có mấy người không toàn thây, có khi chỉ một cánh tay, cánh chân, nửa người... Nhìn cảnh nớ xót xa lắm chú ơi, mình không quen biết mà cũng rơi nước mắt, huống chi người thân của họ. Chết, ai cũng mong có miếng đất để nằm, rứa mà có người lại lênh đênh trên mặt biển”, ông Năm bùi ngùi.

Thế lực vô hình

Chuyện kể về những ông Được, bà Được không hiếm đối với những dải đất bọc quanh vịnh Đà Nẵng.

Các chủ tàu thường đến thắp hương miếu Cồn Nhàn Xứ ở phía Nam cầu Thuận Phước để cầu mong các ông Được, bà Được phù hộ mình.
Các chủ tàu thường đến thắp hương miếu Cồn Nhàn Xứ ở phía Nam cầu Thuận Phước để cầu mong các ông Được, bà Được phù hộ mình.

Ông Nguyễn Văn Còn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, kể rằng ở vùng biển Thanh Hà (Thanh Khê và Hà Khê) ngày trước cũng có một khu đất hoang, gọi là Cồn Trắng, nay là nơi đóng chân của Đồn Biên phòng Phú Lộc (Đồn 248 cũ), dùng cho việc chôn cất người chết trên biển. Sâu trong đất liền một chút cũng có một khu âm linh dành cho những người xấu số này, nay là khuôn viên cơ quan phường Xuân Hà.

Làng Nam Ô trước cũng có một bãi tha ma, gần chợ Nam Ô mới bây giờ, dành chôn cất những người “được” gần biển Nam Ô, xa hơn thì các chủ tàu đưa ra ngoài Bãi Chuối, phía bắc Hải Vân, sát với Lăng Cô.

Vì sao ngư dân lại tự nguyện một cách tâm linh trong việc nghĩa này? Ông Đặng Dùng, một cư dân Nam Ô, lý giải: Người dân biển tin rằng làm việc phước đức đó thế nào cũng sẽ được người chết phù hộ cho trúng mùa và được bình an trên biển khơi.

Ông Dùng kể, Nam Ô có nghề đánh cá cơm than làm mắm, trong đó nổi tiếng nhất là ông Phan Lang. Mỗi lần mành khơi về mà được mùa là ông treo cờ lên báo tin mừng, không có cờ thì chí ít là một cái áo may-ô. Nhìn chiếc tàu “lún” xuống dưới mặt biển vì… trúng, trẻ con trong làng ùa ra hát đồng dao: “Mành dô (mồ danh), cá cơm than Lê Lợi”. Dù ông tên Lang, nhưng bà con quen gọi là Lợi theo tên người con gái đầu của ông. Còn đám trẻ thì “ghiền” nhân vật Lê Lợi lừng danh trong lịch sử nên có nói chi, chúng cũng cứ “Lê Lợi” mà gọi.

Ông “Lê Lợi” này nổi tiếng là người luôn ra tay “hành hiệp” với những xác người “được” trên sông biển. Cả cha ông cũng thế. Tuy cha con ông rất giỏi nghề biển giã, nhưng người ta vẫn tin rằng nhờ có tấm lòng rộng rãi, quảng đại mà họ luôn có một thế lực vô hình phò trợ, cứu khốn phò nguy.

Một lần, có người “ứng đồng” ở dinh Cô hồn, bảo rằng đi biển mùa này sẽ có lộc. Ông Lợi nghe thấy, đưa tàu ra khơi, chạy suốt một ngày đêm thì “được” một xác người, ông đưa lên tàu, vì tử thi đã bắt đầu phân hủy nên ông ướp muối vào rồi lấy chiếu bó lại. Về, lo xong chuyện tống táng, ông lại đi biển và liên tục trúng mùa cá chuồn. Hồi đó ai được 6-7 thiên cá chuồn đã xem là trúng, ai được vạn là trúng lớn, nhưng ông Lợi thì phải tính đến hàng muôn, nghĩa là trăm nghìn.

Ông Năm Bờ có người em ruột tên là Chín Lớ, ông này là dân vạn câu, chết ở biển Cửa Đại, xác trôi ra tới Lăng Cô. Theo lời ông Năm thì em ông rất hiển linh, hay cứu giúp người trên biển nên được ngư dân Lăng Cô và Cửa Đại lập miếu thờ. Có lần ông Năm ra khơi đánh lưới chuồn, gặp bữa gió cắn răng (rất mạnh), máy lại hỏng, ông khấn vái người em, một lát sau gió đổi chiều nhẹ nhàng đẩy tàu ông vô Cù Lao Chàm. Lần khác, đi khơi một chuyến rất hì, chạy về được nửa ngày thì máy hỏng, ông Năm “gọi” người em. Một lát thấy có con chim đậu trên cột buồm rồi sà xuống trên tay ông. Tự dưng ông buồn ngủ, làm một giấc đến sáng hôm sau thì thấy tàu đã về tới bến, dù máy pan và gió vẫn thổi ngược!...

Đạo lý nghìn đời

Cồn Ma rộng khoảng 5ha. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Bí thư phường Nại Hiên Đông, tương truyền đây là nơi tàu Pháp bị chìm ngày trước, lâu ngày đất tụ lại thành cồn. Dân thấy cồn sạch sẽ, cao ráo nên chọn làm nơi chôn cất những người chết trôi trên sông, biển. Vì thế, đây còn gọi là cồn Ông Được Bà Được. Đó là những người không rõ nhân dạng, không tìm ra thân nhân. Năm 1998-1999, Cồn Ma được giao cho dự án Nuôi trồng thủy sản theo Chương trình 773. Không thành công, năm 2004 lại giao cho Vinashin làm Nhà máy Đóng tàu tại vịnh Mân Quang, bây giờ chuyển cho Công ty CP Đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước.

Không biết chắc được có bao nhiêu mộ chôn ở đây. Nhiều mộ chỉ là mộ đất, lâu ngày bị gió thổi bay nấm, người sau cứ thế chôn chồng lên mộ trước. Nhưng theo ông Đỗ Đức Dũng, khi bàn giao Cồn Ma để triển khai các dự án, đã di dời hơn 60 hài cốt lên nghĩa trang Hòa Sơn. Còn lại 9 bộ hài cốt được các chủ tàu đưa về nghĩa trang gia tộc của mình.

Nại Hiên Đông có Tứ chánh vạn gồm bốn vạn chính: vạn Giã cào, vạn Câu, vạn Lưới chuồn, vạn Lưới khơi. Từ năm 2008 tới nay, ông Dũng cho biết, Tứ chánh vạn chưa “được” ai. Ông bảo, xưa còn chạy ghe, cao nhất cũng chỉ 45CV, ra khơi là “hồn treo cột buồm”. Chừ tàu lớn, thành phố mình trang bị cho ngư dân máy móc liên lạc hiện đại nên ít có tai nạn trên biển.

Cồn Ma, qua bao đổi thay, giờ không mang hình “giọt nước mắt” nữa và những linh hồn mang tên Được cũng đã có nơi yên nghỉ mới. Song, có một điều không hề dời đổi, là tập tục cao đẹp nghìn đời đó của người dân vùng biển vẫn mãi lưu truyền qua các thế hệ và trở thành một đạo lý bất biến với thời gian…

Ký của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.