.

Vọng phu trên cát

.

Không hóa thạch kẻ ra đi, hóa thạch kẻ đợi chờ…

(Chế Lan Viên)

Những câu chuyện sinh nghề tử nghiệp của người dân làng chài như sóng biển khơi không bao giờ có hồi kết. Dẫu thời gian có vùi lấp chuyện xưa thì chuyện nay lại được viết bằng nước mắt mặn chát của một đời biển động

Biển không chỉ là lưới nặng cá đầy mà còn có bao nhiêu là sóng gió.Ảnh: N.H
Biển không chỉ là lưới nặng cá đầy mà còn có bao nhiêu là sóng gió.Ảnh: N.H

Hồn treo cột buồm

Ông Trần Xoài, một lão ngư dân ở Nại Hưng 2, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, năm nay gần 90 tuổi, kể rằng trong đời ông chứng kiến bao nhiêu bạn bè, người thân ra  khơi. Có người trở về, có người đi mãi mãi, nhưng chưa bao giờ ông thấy lòng quặn thắt như gần 30 năm trước.

Hồi ấy ông và mấy bạn nghề lênh đênh thả lưới, thấy một đám áo quần và vật dụng nối nhau bằng sợi dây thừng nổi lềnh bềnh trên sóng nước. Cả thuyền hì hục kéo lên thì phát hiện có 12 xác người cột tay nhau bằng dây thừng gai mặn mùi biển. Bằng đôi mắt dân biển chính gốc, ông biết đây là những ngư dân đi biển đắm tàu do bão. Có lẽ trong cơn giận dữ của đất trời, họ biết chắc chắn sẽ không thoát được về đến đất liền nên cột tay nhau để khỏi mất xác. Mọi người đưa xác họ về, thông báo nhân dạng lên ti-vi, lên báo mà không ai đến nhận. Không tên tuổi, không ngươi thân, những người con của biển được yên nghỉ giữa lòng cát trắng nơi đất khách quê người.

Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Còn ở phường Xuân Hà buồn hơn ca câu hát đã vận vào đời người đi biển. Chị ông có tàu cá khá lớn xuôi ngược khắp biển Đông. Một lần tàu ra xa cách đất liền 700 hải lý thì gặp bữa trời mù sương giăng kín che khuất tầm nhìn. Sương mù đến nỗi xòe bàn tay không thấy ngón tay của mình. 5 giờ sáng, một tàu nước ngoài khá lớn tạt ngang do không thấy đường đã đâm vào mạn sườn khiến tàu lật úp, giơ chân vịt lên trời…

Thuyền trưởng phát tin báo nhờ cấp cứu. 17 tàu đang đánh bắt gần đó đã tập trung kéo tàu bị nạn về trong 7 ngày đêm. Đến vịnh Đà Nẵng đoàn tàu phải đi quanh từ thôn Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, vòng qua biển Thanh Khê mới đưa được tàu bị nạn cập bến. Một trai bạn quê ở tận Quảng Bình đã chết ngay lập tức trong ca-bin sau cú va đập kinh hoàng ấy. Thi thể anh được đưa lên chôn tạm ở Cồn Trắng gần bờ biển. Mãi về sau, khi nơi này bị giải tỏa, chị ông Còn phối hợp với người nhà đưa hài cốt người trai bạn ấy về quê an táng sau bao nhiêu năm lại xứ người. Một thanh niên khác quê ở Phan Rí Cửa (Bình Thuận) bị văng ra biển, tìm không ra xác. Một người nữa quê Điện Dương, phát hiện đã chết khi đưa tàu lên bờ…

Cơn bão Chanchu qua đi nhưng nỗi đau Chanchu vẫn còn đọng lại. Bảy năm trước bãi biển Thanh Khê đã đong đầy nước mắt cầu nguyện cho những ngư dân bỏ mạng ngoài biển khơi. Trước mất mát của bà con xóm giềng, gia đình ông Ngô Tấn Nhất phải giấu nỗi mừng vui đến tột cùng khi 24 thuyền viên trên con tàu của ông đều may mắn được cứu sống. Anh Lê Văn Chua, người vừa vượt cơn sóng bạc cùng 24 thuyền viên thoát hiểm trở về từ biển khơi đến giờ vẫn như đang sống trong mơ, khi nhớ đến những giờ phút đối diện với tử sinh trên biển cả mênh mông…

Vọng phu trên cát

Xóm Mứt là tên gọi quen thuộc mà người ta thường dùng cho cái xóm nhỏ ở khu vực tổ 40, Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu. Điều đặc biệt nhất của xóm là cư dân đa phần là phụ nữ góa bụa làm nghề “ăn mứt” để nuôi con cái lớn khôn. Những cái tên giản dị như Lê Thị Hưởng, Nguyễn Thị Vui, Huỳnh Thị Mười, Bùi Thị Phải... đều có chồng làm nghề đi biển. Và cả đời họ chờ chồng, nuôi con. Họ làm đủ mọi thứ ven bờ như mò ốc, hái rong, buôn bán cá, tôm... Những người phụ nữ có chồng đi biển lúc nào cũng  sống trong hồi hộp phập phồng. Những ngày đẹp trời họ ra bến chờ chồng bằng nụ cười của biển. Những ngày bão tố, những vọng phu thời @  nghe đài hoặc tụ tập tại một gia đình khá giả hơn lắng nghe thông tin từ cái máy ICOM hiện đại…

Biển đã từng hào phóng cho họ những cá tôm đầy thuyền trong những chuyến đi khơi đi lộng trở về. Nhưng biển cũng trở nên tàn nhẫn khi cướp đi những người thân yêu nhất khiến cho phần đời còn lại những người phụ nữ xóm Mứt phải quăng mình vào ghềnh đá, sóng dữ để mưu sinh với nụ cười buồn rười rượi: “Không có đàn ông thì đàn bà cũng phải  làm để mà sống, để nuôi con cái. Chẳng lẽ khoanh tay chịu chết à?”.

Năm 2006, cơn bão Chanchu làm cho hơn 350 ngư dân miền Trung, trong đó có 74 ngư dân Đà Nẵng bị chết và mất tích. Đã có những ngày vùng biển Liên Chiểu, Thanh Khê có những người phụ nữ ngày ngày xuống bến mỏi mắt hướng về khơi xa ngóng chồng với niềm hy vọng ngày một cạn dần. Và những bến bờ không tên từ ngày ấy bỗng dưng trở thành “Bến trông chồng” trong nước mắt cạn khô…

Chị Lê Thị Huệ, quận Thanh Khê, Đà Nẵng đã từng chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần khi nhận được tin dữ, chồng chị cùng 32 ngư dân khác đã chìm sâu xuống đáy biển trong cơn bão định mệnh Chanchu. Người mẹ của 4 đứa con nhỏ ấy vẫn nuôi hy vọng được tìm thấy xác chồng mình. Trong nỗi đau tận cùng tưởng chừng hóa đá, chị kiên cường đứng dậy. Cũng trên bến cát ngày xưa ấy, 3 năm sau chị đã thay người chồng quá cố tiếp tục đóng tàu vươn khơi, thi gan cùng sóng gió. Hiện nay, chị Huệ là chủ nhân của 2 tàu cá có công suất lớn thuộc hàng nhất nhì ở Đà Nẵng.

Thế đấy, đời của biển không chỉ là lưới nặng cá đầy mà còn có bao nhiêu là sóng gió. “Đi thì chết một mình cha/ Không đi thì chết cả bà lẫn con”. Câu ca buồn thảm vận vào cuộc đời của người dân vùng biển. Biết thế, nhưng họ vẫn bám biển, bởi biển, với họ, không chỉ là cuộc sống mà thiêng liêng hơn, còn là một vùng rộng lớn của lãnh hải tổ quốc và họ vẫn mãi vươn ra giữ lấy…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.