.

Gam màu sáng của nhiếp ảnh

.

Những năm qua, nhiếp ảnh Đà Nẵng liên tục gặt hái thành công khi có không ít tác giả, tác phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước.

Chân dung Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên, người duy nhất đến thời điểm này tại Đà Nẵng được FIAP phong tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc cấp hạng đồng và “Nương tựa”, tác phẩm đoạt HCV FIAP 2012 của tác giả Thân Nguyên.(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Chân dung Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thân Nguyên, người duy nhất đến thời điểm này tại Đà Nẵng được FIAP phong tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc cấp hạng đồng và “Nương tựa”, tác phẩm đoạt HCV FIAP 2012 của tác giả Thân Nguyên.(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nguồn cảm hứng vô tận

Bấm máy ghi lại khoảnh khắc của cuộc sống, trước hết là vì đam mê và yêu cái đẹp. Đa phần nghệ sĩ nhiếp ảnh ở Đà Nẵng không xem giải thưởng là mục đích phấn đấu trong hành trình sáng tác nghệ thuật mà xem nhiếp ảnh là cuộc chơi hết mình. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Thân Nguyên, người được trao nhiều giải thưởng cao quý, xem việc triển lãm, giải thưởng là cuộc chơi nghiêm túc nhưng không kém phần khắc nghiệt.

Việc có trong tay nhiều danh hiệu đồng nghĩa với việc Thân Nguyên đầu tư nhiều thời gian, tâm sức trên mỗi chặng đường sáng tác và chinh phục các cuộc thi ảnh quốc tế. Như để nhận được tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế (A.FIAP) của FIAP, Thân Nguyên phải có 250 ảnh tham gia triển lãm tại 20 quốc gia trên thế giới. Năm 2007, anh được FIAP phong là Nghệ sĩ xuất sắc cấp hạng đồng khi đã tham gia gần 400 lần triển lãm ảnh quốc tế, trở thành NSNA đầu tiên ở Đà Nẵng đến thời điểm này nhận được tước hiệu cao quý này. Trước đó 3 năm, vượt qua 2.221 ảnh đến từ 46 quốc gia, tác phẩm “Che chở” của anh vinh dự nhận Huy chương vàng (HCV) PSA duy nhất tại Cuộc thi và triển lãm ảnh quốc tế lần thứ 17 ở Pháp (2004), do FIAP và Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) bảo trợ.

Anh chia sẻ, “Che chở” là kết quả trong chuyến đi sáng tác cuối năm 2003 ở Đông Giang (Quảng Nam). Trên đường, anh nhìn thấy giữa nhóm người dân tộc Cơtu đi làm rẫy về có một bà lão khoảng 70 tuổi toát lên vẻ đẹp mạnh mẽ, cuốn hút. Anh theo bà lão về nhà và xúc động khi nhìn thấy cảnh cháu bé mừng rỡ chạy ra đón rồi sà vào lòng bà quấn quýt. Không bỏ lỡ giây phút đó, anh để cháu bé ngồi vào lòng bà, tận dụng ánh sáng ngoài trời hắt vào hiên nhà rồi liên tục bấm máy.

Cách đây 25 năm, khi quyết định từ bỏ công việc tại một cơ quan Nhà nước sang chụp ảnh dịch vụ, Thân Nguyên chỉ nghĩ rằng nghề chụp ảnh có thể mang lại cho gia đình anh cuộc sống ổn định hơn. Nhưng từ khi làm quen với thể loại ảnh nghệ thuật, anh ngày càng say và bị “thôi miên” đến mất ăn mất ngủ. Không có điều kiện để đi những chuyến xa, anh coi các huyện miền núi Quảng Nam là nơi tìm cảm hứng sáng tác, để khi hứng thú, anh lấy xe một mình đi thẳng vào Quảng Nam, say sưa chụp ảnh và trở về khi phố đã lên đèn. Sau “Che chở” được giải lớn, năm 2012, Thân Nguyên tiếp tục đoạt HCV FIAP với “Nương tựa” nội dung tự do cho ảnh màu tại Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 119 Toronto tổ chức ở Canada. “Luật chơi ảnh ở nước ngoài khắc nghiệt, sòng phẳng và khá tốn kém, phải nộp lệ phí kèm ảnh nên nếu không đam mê thì khó theo đến cùng, đi đến cùng. Với tôi, triển lãm ảnh luôn mang lại nguồn cảm hứng vô tận và xem đó như một con dốc để mình chinh phục bằng sản phẩm của trí tuệ, sáng tạo và nỗ lực không ngừng của người cầm máy”, Thân Nguyên nói.

Chuyện tấm ảnh “Em bé Cơtu” của tác giả Đặng Văn Nở (phóng viên Báo Đà Nẵng) đoạt  HCV FIAP nội dung Chân dung nghệ thuật, Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam năm 2013 do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA) tổ chức dưới sự bảo trợ của FIAP tiếp tục mang lại niềm vui cho những người chơi ảnh Đà Nẵng. Bởi, để có được thành tích này, “Em bé Cơtu” đã vượt qua hơn 15 nghìn bức ảnh đến từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chưa kể đến thời điểm này, đây mới là Huy chương vàng FIAP thứ 2 mà NSNA Đà Nẵng nhận được, góp phần rút ngắn được khoảng cách nghệ thuật giữa nhiếp ảnh Việt Nam và nghệ thuật nhiếp ảnh trên thế giới.

Niềm vui lan tỏa

Bên cạnh những tay máy mang về HCV quốc tế cho nhiếp ảnh Đà Nẵng, những người yêu nghệ thuật từ lâu đã biết đến NSNA Ông Văn Sinh, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật TP. Đà Nẵng, qua những tác phẩm giàu sáng tạo, những bộ ảnh chuyên đề cá nhân độc đáo như “Hoa xương rồng” triển lãm năm 1992 và “Đời nón-Đời người” triển lãm năm 2011. Qua ống kính của người nghệ sĩ, chiếc nón lá toát lên vẻ đẹp bình dị và nên thơ. Đó là chiếc nón đã sờn vành bong lá dãi dầu cùng con người trên ruộng đồng, sông nước. Chiếc nón bài thơ cho các cô gái thêm duyên. Chiếc nón theo chân du khách nước ngoài đến năm châu bốn biển. Chiếc nón xuất hiện trên sàn diễn thời trang và các mùa lễ hội… Ông Văn Sinh nói rằng, “Đời nón-Đời người” là kết quả hơn 10 năm lao động miệt mài, tâm huyết qua bao chuyến đi trên suốt chiều dài đất nước. Và hạnh phúc của người nghệ sĩ như ông là được công chúng đón nhận, trân trọng sản phẩm nghệ thuật của mình.

Hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật thành phố, Ông Văn Sinh khá bận rộn với công việc chuyên môn. Thế nhưng, bằng tình yêu dành cho nhiếp ảnh, nhiều năm qua, đồng nghiệp cơ quan ông không xa lạ gì với hình ảnh một công chức nhà nước ăn mặc lịch sự, chỉnh chu đeo theo túi máy ảnh đến cơ quan mỗi ngày. Để rồi, khi công việc xong xuôi, ông tranh thủ chạy đi chụp ráng chiều hoàng hôn. Những khi công việc trong tuần bận quá, ông dành hết hai ngày nghỉ để thỏa sức với những ý tưởng hay thử nghiệm góc nhìn mới của mình. Năm 2011, cùng với tác phẩm “Điêu khắc gia Olvin” của NSNA Hồ Xuân Bổn, “Bức tranh phố Hội” của Ông Văn Sinh đã giành giải A (Giải thưởng nhiếp ảnh xuất sắc quốc gia năm 2011) do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam bình chọn. Theo Ông Văn Sinh “dù không phải là đích đến cuối cùng ở mỗi nghệ sĩ, nhưng giải thưởng luôn mang lại những gam màu sáng trong nhiếp ảnh, góp phần động viên, ghi nhận sự nỗ lực của người cầm máy”.

Nhắc đến nhiếp ảnh Đà Nẵng, là nhắc đến những con người miệt mài sáng tác, trau chuốt những đứa con tinh thần của mình như Hồ Xuân Bổn, Ông Văn Sinh, Ngọc Hợi, Thân Nguyên, Sâm Ngọc, Nguyễn Công Hưng, Đinh Lơ, Quán Chúng, Phùng Đức Dũng, Minh Đức, Lê Hải, Huỳnh Anh, Thanh Lộc… Họ có mặt ở hầu hết các chương trình, sự kiện văn hóa tiêu biểu của thành phố. Trong hành trình tìm kiếm và ghi lại cái đẹp đó, mỗi người đều mang về cho bản thân mình những giải thưởng cá nhân quan trọng, giúp nhiếp ảnh Đà Nẵng tỏa sáng, đứng vào top dẫn đầu tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Có những cuộc thi ảnh không mang lại cho họ những giải thưởng về tiền mặt, nhưng lại có giá trị tinh thần to lớn. Như việc “Nương tựa” của Thân Nguyên đoạt HCV FIAP 2012 dù không có tiền thưởng nhưng tác phẩm này sau đó được bán 130 triệu tại Đại hội thành lập Hội thương gia TP. Đà Nẵng để ủng hộ cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã tạo nên sức mạnh lan tỏa, giữa cái đẹp cuộc sống qua ảnh với cái đẹp của sự quan tâm, chia sẻ với người nghèo.

HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.