Trong nhiếp ảnh không có lợi thế giữa phụ nữ hay đàn ông, vì thế những người phụ nữ khi đã cầm máy ảnh, xem như cái nghiệp “dính” vào thân, thì những bức ảnh họ chụp cũng đầy cá tính, góc cạnh và đẹp lung linh. Có người chuyên chụp ảnh phong cảnh, người chuyên về ảnh em bé hay sự lý giải cho niềm đam mê “thích chụp ảnh vì qua ống kính mọi thứ trở nên đẹp và có hồn hơn…”.
Noel của Yumi. Ảnh: CẨM NHUNG |
Trịnh Thu Nguyệt bắt đầu cầm đến máy ảnh từ khi có con và cậu bé trở thành “người mẫu” chuyên nghiệp của mẹ. Và đam mê bùng cháy để trở thành một tay máy chụp chuyên nghiệp đến với chị lúc nào chẳng hay. Rồi, cứ thế say sưa với ảnh... Theo Thu Nguyệt thì chụp ảnh nghệ thuật cũng tốn khá nhiều thời gian vì để bức ảnh đẹp mà có hồn cần nhiều “gia vị”, đi nhiều nơi cũng dễ dàng hơn cho việc sáng tác. Để được đi, được sáng tác theo ý tưởng của mình, đối với người phụ nữ thì cũng cần lên lịch để sắp xếp thời gian làm việc ở công ty cũng như gia đình một cách hợp lý. Và bởi là phụ nữ, là linh hồn của gia đình nên đôi khi cũng đành bỏ qua nhiều cơ hội được đi.
Ban đầu chụp ảnh cho con, rồi đưa máy ra khỏi nhà chụp ảnh phong cảnh và nhiều bộ ảnh về người lao động ở bến cá, về những em bé Xê-đăng, những người dân tộc ở Mù Căng Chải, những em bé bệnh nhân ung thư… Bước chân của Thu Nguyệt đến đâu, chị ghi vào ống kính mọi hình hài của cuộc sống, bằng cảm nhận riêng có đầy cảm xúc và đam mê của người phụ nữ. Chị cho rằng, trong chụp ảnh, chuyện bỏ lỡ khoảnh khắc hay không thực hiện được sự kỳ vọng của mình là thường tình. “Chụp một địa điểm hay thực hiện một ý tưởng đôi lúc phải có duyên hoặc phải thực hiện nhiều lần, một điều muốn truyền tải qua bức ảnh cũng phải trau chuốt từng tí một”.
Hai năm đi vào con đường chụp ảnh nghệ thuật, Thu Nguyệt có khá nhiều bộ ảnh và ảnh đơn. Theo chị cảm nhận thì từng bức ảnh ngày càng được trau chuốt hơn và góc nhìn cũng có chút riêng. “Chụp ảnh mang đến cho em một cái nhìn khác về cuộc sống, qua ống kính mọi thứ trở nên đẹp và có hồn hơn ... Ngoài ra được gặp gỡ, trao đổi và học hỏi thêm từ những người bạn cùng đam mê quả thật rất thú vị, sự đam mê cũng được đền đáp khi những đứa con tinh thần của mình được mọi người biết đến nhiều hơn”. Thu Nguyệt chia sẻ.
Thu Nguyệt và con trai. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
“Đến với ảnh nghệ thuật là cả một bất ngờ, như là một lối rẽ và biết thế nào là sức hút đằng sau ống kính”, đó là những tâm sự của bạn Nguyễn Thị Cẩm Nhung khi nói về công việc mình đang đeo đuổi. Ban đầu, người bạn trai của Cẩm Nhung (là một tay máy chuyên nghiệp) chỉ cho cô cách chụp ảnh, về bố cục ảnh, ánh sáng. Và mỗi lần đi chơi hay đi làm việc chung, là cô được chỉ dẫn tận tình bởi “ông thầy miễn phí” của mình. 2 năm nay Cẩm Nhung đã chính thức cầm máy một cách chuyên nghiệp và cô nghiêng về chụp trẻ con với tất cả những cảm xúc của các em. Sở thích của Nhung là chụp các em bé một cách tự nhiên nhất, để các em thể hiện mọi cảm xúc, hành động. Lúc đó trên gương mặt các em bé sẽ có những thần thái riêng. Để chọn được những bức ảnh ưng ý, thể hiện sự hồn nhiên, ngây thơ của các bé, đôi khi Nhung phải chụp hàng trăm bức. Theo cô thì dù tốn công hơn nhưng sẽ có được những bức ảnh tự nhiên nhất, có những khoảnh khắc “vàng” mà không dễ gì lặp lại. Trước đây Cẩm Nhung đã từng học về mỹ thuật nên khi cầm máy chuyên nghiệp, cô có thêm lợi thế là hiểu biết về màu sắc trong xử lý hình ảnh. “Tài sản” của cô sau 2 năm là có hàng trăm bộ ảnh về các em bé, nhưng cô gái trẻ mới 27 tuổi này cho rằng mình “chưa đủ tự tin để tham gia các cuộc thi ảnh đẹp…”.
Hiện nay Thu Nguyệt và Cẩm Nhung đều là thành viên của câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng.
Ở Đà Nẵng, nhiều người dạo biển buổi sáng sớm có thể bắt gặp chị đang mải mê nhìn vào ống kính để ghi lại khoảnh khắc của đàn bồ câu hay ánh mặt trời đang ló dạng. Chị có lẽ là người phụ nữ đam mê chụp ảnh nhất mà tôi biết. Và bộ ảnh chụp con người và cảnh đẹp Tây Bắc trong một chuyến đi sáng tác cách đây mấy năm của chị (đã từng mở triển lãm tại Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng) nhận được rất nhiều lời khen của đồng nghiệp cũng như những người chụp ảnh chuyên nghiệp. Trong bộ ảnh của chị, bức ảnh chụp mặt trời nằm trên dãy núi buổi chiều tà với một màu đỏ rực, dãy núi như bờ ngực người thiếu nữ được tôi “rinh” về nhà, nhiều năm nay vẫn nằm trân trọng trên tường nhà và tôi luôn thầm cảm ơn chị đã chờ đợi quyết đón khoảnh khắc đặc biệt để “chộp” được bức ảnh để đời ấy. Chị không muốn nêu tên mình trên báo và chúng tôi tôn trọng nguyên tắc của chị. Và với những người phụ nữ chọn nhiếp ảnh như là một đam mê, thì những chuyến lên rừng xuống biển không chỉ để sáng tác, mà còn là sự trải nghiệm cuộc sống, là những cảm nhận riêng có mà đôi khi chỉ phụ nữ mới nhìn ra. Mong là thời gian tới có nhiều cuộc triển lãm riêng, chung của các chị, nói như Thu Nguyệt là “sẽ tiếp tục chụp ảnh và mở triển lãm khi ảnh của mình đạt đến độ chín”.
HIỀN LƯƠNG