.

Sản phẩm của người Đà Nẵng

.

Ẩm thực và dịch vụ về đêm luôn là yếu tố không thể thiếu mang lại sự hấp dẫn ở mỗi vùng đất. Ý thức được điều đó, thành phố đã không ngừng nỗ lực trong việc định hình dòng sản phẩm du lịch “made in Đà Nẵng”, tạo cơ hội mua sắm, thưởng ngoạn cho những ai đặt chân đến quê hương mình.

Du thuyền đậu bến sông Hàn.  Ảnh: T.Y
Du thuyền đậu bến sông Hàn. Ảnh: T.Y

Định hình ẩm thực

Cách đây hơn 1 năm, trong hành trình tìm kiếm, quảng bá ẩm thực và đặc sản Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện với sự tham gia của 32 tỉnh, thành phố trong cả nước, Đà Nẵng có 3 món ăn, đặc sản được công nhận. Cụ thể, bánh tráng cuốn thịt heo 2 đầu da được xếp vào top 50 món ăn đặc sản nổi tiếng; chả bò được xếp vào top 10 đặc sản nem chả nổi tiếng và bánh khô mè Cẩm Lệ được xếp vào top 10 đặc sản bánh quà tặng nổi tiếng của Việt Nam. Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng, kết quả bình chọn đã phần nào định hình thế mạnh ẩm thực Đà Nẵng, tăng sự kích thích muốn thưởng thức trong lòng du khách. Tuy nhiên, nói đến ẩm thực Đà Nẵng, còn phải kể đến những món ngon khác như mì Quảng, gỏi cá Nam Ô, bún chả cá, các loại hải sản tươi ngon và vô cùng hấp dẫn.

Việc bánh khô mè Cẩm Lệ lọt vào top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng của Việt Nam đã mang lại niềm vui lớn cho người dân Đà Nẵng. Bởi đây là sản phẩm gắn liền với tên một vùng đất của Đà thành. Chỉ gần 10 lò bánh, người dân đã duy trì và phát triển bánh khô mè thành thương hiệu có tiếng trên thị trường. Loại bánh này có vị béo, bùi của mè rang và ngọt thanh từ mía đường, phù hợp khi thưởng thức cùng tách trà. Bà Huỳnh Thị Điểu (chủ nhân thương hiệu Khô mè bà Liễu nổi tiếng) cho biết, Tết năm nay, gia đình bà lên kế hoạch sản xuất gần 50 tấn bánh (hơn gần 20 tấn so với năm tết 2012). Khô mè được thị trường ưa chuộng một phần vì quy trình làm bánh qua nhiều công đoạn hoàn toàn bằng thủ công. Bánh đạt yêu cầu trong ruột phải xốp giòn, bên ngoài dẻo, mè rang vừa chín để giữ được mùi thơm. Gần đây, nhờ sử dụng máy sản xuất bao bì, đóng gói, hút chân không nên “bộ mặt” của khô mè không còn quê mùa như trước, có thể tự tin “bước vào” siêu thị hoặc trung tâm mua sắm lớn.

Ẩm thực là một nét văn hóa. Năm 2011, TS. Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng đã chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu đặc sản ẩm thực phục vụ phát triển du lịch ở Đà Nẵng”. Theo ông, mục đích chính của đề tài là nghiên cứu và lập danh mục các đặc sản ẩm thực của Đà Nẵng nói riêng và xứ Quảng nói chung để xây dựng thực đơn đặc sản ẩm thực Đà Nẵng. Nghiên cứu này cũng ghi lại đặc sản ẩm thực nước ngoài tại Đà Nẵng được khách du lịch ngoại quốc ưa chuộng. Người hoạt động trong ngành du lịch đánh giá, nghiên cứu của TS. Trần Đức Anh Sơn không chỉ giúp khách du lịch hiểu hơn về ẩm thực Đà Nẵng mà còn giúp chính người dân thành phố hiểu rõ thế mạnh, hạn chế của mình để có cách đầu tư, khai thác hiệu quả hơn trong thời gian đến.

Anh Đỗ Văn Thế (32 tuổi), du khách Hải Phòng sau chuyến đi Đà Nẵng đã về chia sẻ trên trang facebook cá nhân rằng: “Đến Đà Nẵng một thời gian, tôi thấy địa danh này không chỉ đẹp, phong phú về các món hải sản tươi ngon mà còn có sự giao thoa văn hóa ẩm thực nhiều vùng miền trong và ngoài nước, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn”. Chia sẻ của anh ngay lập tức nhận được nhiều lượt like và phản hồi tích cực từ những người từng đặt chân đến Đà Nẵng.

Hướng đi đúng cho du lịch đường sông

Sự xuất hiện của những cây cầu đã làm thay đổi rõ rệt nền kinh tế, diện mạo thành phố biển. Nhất là khi đêm về, đường phố dọc hai bên bờ sông Hàn rực rỡ ánh đèn, từng cây cầu như một tác phẩm nghệ thuật, ánh sáng nhiều màu sắc làm nổi bật đường nét kiến trúc mỗi công trình. Anh Bùi Quốc, hành nghề hướng dẫn viên du lịch tự do “mách nước” rằng, dạo đêm Đà Nẵng bây giờ phải kể đến du lịch bằng thuyền trên sông Hàn. Đây là dịch vụ giải trí đang thu hút khách, có giá vé lên thuyền giao động từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/người tùy theo tuyến đường xa hay gần. Theo anh Quốc, mỗi chuyến xuất bến thường kéo dài khoảng 90 phút. Hiện trên sông Hàn có một số du thuyền của các hãng Cát Tiên, Hàn Giang phục vụ khách du lịch, kèm theo dịch vụ ăn uống, ca hát…

Mấy chục năm lăn lộn với sông nước, bằng những kinh nghiệm tích góp được, năm 2005, ngư dân Đặng Hòa đã chấp bút viết nên cuốn Du lịch sông nước Đà Nẵng. Trong thời gian tìm hiểu tư liệu viết sách, nhìn thấy thế mạnh loại hình du lịch này, ông Hòa tích góp tiền cải hoán 2 tàu cá thành tàu du lịch. Ông bảo: “Thuyền chạy đến đoạn nào mình giới thiệu với du khách lịch sử, văn hóa đoạn đó. Đà Nẵng không thiếu cái hay để kể cho du khách nghe. Tôi nhớ có lần nói về sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc xây dựng cầu Sông Hàn, có ông khách lớn tuổi người Hà Nội đã ồ lên kinh ngạc và tấm tắc khen ngợi lãnh đạo Đà Nẵng đã biết dựa vào sức mạnh của lòng dân để xây dựng thành phố”.

Trung bình mỗi ngày, tàu Hàn Giang thực hiện một chuyến phục vụ khoảng 25 khách du lịch. Xuống tàu, khách nước ngoài được nghe thuyết minh còn giao lưu văn hóa, văn nghệ, phục vụ ẩm thực. Được biết, hiện Đà Nẵng có 12 đơn vị doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy. Chỉ tính riêng năm 2013, đội tàu thuyền du lịch của Đà Nẵng đã tăng thêm 8 chiếc, phục vụ du khách tham quan sông Hàn, vịnh Đà Nẵng và tương lai, khi dòng sông Cổ Cò được khơi thông, du lịch đường sông ở Đà Nẵng hứa hẹn mang lại cho du khách nhiều thú vị. Đơn cử hiện nay, ông Đặng Hòa mất khoảng 6 giờ đồng hồ đi thuyền vận tốc gần 20km/giờ vào Hội An theo đường sông Vĩnh Điện. Nếu theo sông Cổ Cò, hành trình này sẽ tiết kiệm hơn nửa thời gian, giúp doanh nghiệp dễ dàng khai thác các tour đi về trong ngày.

Hiện nay, tuyến du lịch đường sông ở Đà Nẵng ngoài xuôi dòng Hàn Giang về đêm còn khai thác tuyến sông Hàn - Bán đảo Sơn Trà, sông Hàn - Cẩm Lệ - Đình làng Túy Loan - Nhà cổ Thái Lai, sông Hàn - Khu di tích K20... vào ban ngày. Trước thông tin UBND thành phố vừa ký kết với Công ty Cổ phần đầu tư DHC xây dựng cầu cảng phục vụ du lịch đường sông nước tại Đà Nẵng, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty Du lịch Vitours kỳ vọng, khi Đà Nẵng xây dựng được khu vực cầu cảng này, tiềm năng khai thác du lịch trên sông tại Đà Nẵng chắc chắn sẽ khởi sắc, góp phần mở ra một tương lai tươi sáng cho du lịch về đêm tại Đà Nẵng.  

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.