Tết cổ truyền là dịp nhà nhà sum họp, quây quần bên nhau. Những ngày này, trên các chuyến xe, tàu, người về, người đi tấp nập. Người ở xa về Đà Nẵng ăn Tết, người ở Đà Nẵng trở về quê gốc của mình, có người lại chọn cách đi du lịch đến một vùng đất mới vừa để khám phá phong tục, cảnh đẹp, vừa là một dịp “xả hơi” sau những ngày làm việc vất vả.
Người Đà Nẵng về quê ăn Tết. Ảnh: MINH TRÍ |
Kẻ về
Năm nay từ thành phố Hồ Chí Minh về Đà Nẵng sớm hơn mọi năm đến 5 ngày, kịp ngày đưa ông Công ông Táo về trời, anh Ngô Văn Dương, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu có thời gian sửa lại cái sân đã bong mấy viên gạch cho ba má, anh còn kịp sơn lại tường rào, cổng ngõ. Anh cười vui: “Nghỉ Tết sớm nên mới có thời gian sơn quét lại nhà cửa, chứ mấy năm trước xách va-li vô nhà, ngoảnh đi ngoảnh lại đã lo cúng giao thừa nên chẳng làm được gì”. Anh Dương còn độc thân nên năm nào đến ngày nghỉ Tết anh cũng về quê. Đi suốt năm, cũng chẳng biết mua sắm gì nên có một ít tiền thưởng Tết của công ty, anh đưa hết cho má. “Ba anh có lương hưu, còn má chẳng có gì nên tiền anh cho, bà cũng dành dụm chứ không mua sắm gì nhiều. Làm ở thành phố lớn, thu nhập cũng tạm ổn mà những người có quê xa đều biết để dành tiền cho người thân; chứ nhu cầu bản thân thì biết chừng nào cho đủ”, anh Dương bảo.
Với chị Trương Thị Lệ Thu, giáo viên mầm non ở một trường tư thục thuộc quận 12, thành phố Hồ Chí Minh, lịch nghỉ Tết ở quê phải chia đều cho hai bên nội, ngoại. Quê chồng ở Bà Rén, Duy Xuyên, Quảng Nam, quê chị Thu ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, do đó khi đặt chân về đến đất Quảng Nam, chị phải lo mua sắm Tết cho gia đình nhà chồng, rồi ra Đà Nẵng đi chợ làm mâm cơm cúng mời cha mẹ mình về ăn Tết… Chị bảo, năm nay để tiết kiệm, hai vợ chồng quyết định mua vé xe về quê chứ không đi máy bay như mọi năm, vé xe cũng mất đứt 1,2 triệu. “Số tiền thưởng Tết và để dành được, em mua quà cũng như các loại bánh mứt ở luôn trong này cho tiện, chỉ cần chịu khó tha lôi một chút nhưng chắc là giá rẻ hơn ở quê”. Đó là kinh nghiệm của mấy năm trước sắm quà Tết ở quê mà chị Thu “đúc kết” được.
6 năm theo chồng vào miền Nam, năm nào vợ chồng chị Thu cũng như được “phân công” về quê ăn Tết, vì mấy người anh chị của chồng cũng lập nghiệp ở đây, có người năm về năm không, nên chị và chồng “gánh” luôn phần trách nhiệm với bố mẹ ở quê. Dù biết mỗi lần đi về xa xôi tốn kém, nhưng về để bố mẹ vui lòng, để có chút quà cho ông bà và mấy đứa em, là một năm chị phải chi tiêu tiết kiệm, tính trước tính sau, để ngày về ai cũng có quà… Đó cũng là tâm trạng của những người xa quê đi lập nghiệp. Và mỗi chuyến trở về như là một dịp hành hương tìm về nguồn cội, là một dịp để con cháu nhận mặt người thân, họ hàng. Chuyến hành hương ấy dù có gian lao vất vả, nhưng đằng sau đó là một niềm hạnh phúc vô bờ bến mà chỉ những người xa quê mới cảm nhận hết được.
PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, PGĐ Đại học Đà Nẵng trao tiền hỗ trợ vé tàu xe cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn về quê ăn Tết sáng 14-1. Ảnh: H.L |
Người đi
Kẻ về, người đi, đó như một quy luật của những người chọn một nơi khác quê mình để sinh sống, lập nghiệp. Chị Phạm Thị Duyên, ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà chuẩn bị cho chuyến trở ra Bắc ăn Tết của cả nhà từ 3 tháng trước. Về quê Thái Bình nên chị đặt vé máy bay ra sân bay Hải Phòng cho 3 mẹ con từ sớm, còn vé của anh Ánh chồng chị thì mới mua cách đây vài tuần, lại đi lệch chuyến của mấy mẹ con. Từ Hải Phòng, cả nhà phải đón xe đi thêm gần trăm cây số nữa mới về đến nhà. Hai năm rồi mới về quê ăn Tết nên trong hành lý chị còn sắm thêm những thứ bánh mứt, tôm khô… mà chị biết ở quê không dễ kiếm.
Năm nay, xóm nhà chị Duyên với hầu hết là gia đình bộ đội Hải quân, quê ở xa nên nhà nào cũng đóng cửa về quê. Người ở xa thì về Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định; người ở gần thì cũng Quảng Bình, Nghệ An. Những chuyến tàu, xe ra Bắc ngày càng tấp nập người đi. Bữa nay các loại mai, đào, các giống hoa lạ được tiểu thương ở khắp nơi đưa về nên bến xe, nhà ga cũng ít thấy người người khệ nệ mang một cành hoa; chỉ có hành lý túi to túi nhỏ theo chân người tỏa về từng ngôi nhà. Để rồi ra Giêng những người ở xa về lại nói lời tạm biệt, bắt đầu một chuyến đi, một hành trình mưu sinh vất vả nơi xa xứ. Và đến những ngày gần cuối năm, lại nôn nao cho một chuyến trở về. Cứ thế, con người sống trong vòng quay của cuộc di chuyển đi – về, như một điều bắt buộc, không ai bảo mà tâm thức cứ bị thôi thúc để trở về, vì phía bến đợi ấy là ánh mắt, nụ cười người thân, là quê hương mà ai đi xa cũng nhớ về…
Chiều ngày 14-1 vừa qua, 250 sinh viên thuộc các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đã được nhận vé tàu, xe về quê đón Tết. Tổng giá trị tiền hỗ trợ cho chương trình là 50 triệu đồng. Chương trình “Trao tặng vé tàu xe cho sinh viên về quê đón Tết” nhiều năm nay được Đoàn Thanh niên Đại học Đà Nẵng triển khai, có ý nghĩa thiết thực nhằm hỗ trợ cho các bạn sinh viên vùng chịu thiên tai, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và sinh viên có hộ khẩu thường trú ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thuận lợi về quê sum họp cùng gia đình trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Số tiền hỗ trợ được trích từ quỹ “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Đại học Đà Nẵng” kết hợp với nguồn tài trợ được Đoàn Thanh niên Đại học Đà Nẵng huy động từ các doanh nghiệp. |
HIỀN LƯƠNG