.

Du xuân Giáp Ngọ

.

30 năm qua, Hội Hoa xuân Đà Nẵng ở Công viên 29-3 đã trở thành địa chỉ du xuân quen thuộc của người dân thành phố và các địa phương lân cận. Năm nay đã có một số hoạt động mới nhằm thay đổi “kịch bản” để thu hút nhiều hơn khách du xuân.

Cả trẻ em cũng háo hức tìm hiểu về biển đảo qua trưng bày “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” tại Hội Hoa xuân năm nay. Ảnh: V.T.L
Cả trẻ em cũng háo hức tìm hiểu về biển đảo qua trưng bày “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” tại Hội Hoa xuân năm nay. Ảnh: V.T.L

Mang đảo xa về đất liền

“Kịch bản” của Hội Hoa xuân Đà Nẵng gần như năm nào cũng như năm nào. Nhận định này có vẻ đã không còn độ tin cậy khi Tết Giáp Ngọ này, Công viên 29-3 đã cho ra đời một số hoạt động đình đám, trong đó “cái đinh” là khu trưng bày “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” trong khu Tết xưa, bên cổng phụ đường Nguyễn Tri Phương. 2 bản đồ cổ, 6 mô hình sa bàn mô tả vị trí địa lý và các công trình trên một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã giới thiệu những hình ảnh trực quan giúp khách du xuân hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Các đảo tiền tiêu này đều được nhấn nhá bằng các vật liệu nhiều sắc màu, từ nhà cửa, cầu cảng, cột mốc chủ quyền... cho đến từng bụi cây, ngọn cỏ… khách du xuân ghé lại tham quan qua đó có thể hình dung ra khung cảnh miền biên viễn thân yêu của Tổ quốc. Khi chưa chính thức khai hội thì hình ảnh trưng bày biển đảo này đã tràn ngập trên các trang báo mạng. Sau các hoạt động kỷ niệm 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa diễn ra ở Đà Nẵng vào trung tuần tháng 1-2014, việc lần đầu tiên Công viên 29-3 phối hợp với Sở Nội vụ và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức trưng bày hình thức “mang đảo xa về đất liền” ở Hội Hoa xuân năm nay đã dấy lên trong lòng khách du xuân một tinh thần hướng về biển đảo.

Một cán bộ người Hà Tĩnh, hiện sống ở Đà Nẵng, đề nghị không nêu tên, dẫn đứa con đang học THCS đi chơi công viên. Hai bố con dừng lại rất lâu bên các mô hình biển đảo, ngắm nhìn, bàn luận. Thấy tôi ra dáng “cán bộ” vì cứ loanh quanh mãi trong khu trưng bày “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”, anh chia sẻ: “Huyện Hoàng Sa trực thuộc thành phố Đà Nẵng, nhưng qua cách trưng bày ở đây tôi thấy chưa xứng tầm với những gì mà người dân thành phố mong đợi. Không gian trưng bày còn quá “khiêm tốn”, lẽ ra phải làm các mô hình lớn hơn, có văn bản thuyết minh cụ thể hơn, và nhất thiết phải dành cho hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc này một không gian rộng rãi, thoáng đãng hơn, có điểm nhấn rõ ràng chứ không phải lặng lẽ chìm khuất trong rất nhiều hoạt động đình đám của Hội Hoa xuân như thế”.

Hai bố con lướt nhanh qua các điểm triển lãm tranh xuân, thư pháp, ông đồ cho chữ, các trò chơi dân gian... nhưng dừng lại khá lâu ở khu trưng bày về Hoàng Sa - Trường Sa. Anh cho biết, lúc nào có triển lãm, trưng bày về hai quần đảo này anh đều đưa con đi xem và trao đổi trong chừng mực nào đó để con có thể hiểu biết về biển đảo của Tổ quốc.

Hội thi Tiếng hót chim chào mào ở Hội Hoa xuân năm nay là cuộc “diễn tập” để Hội Nghệ thuật hoa viên Đà Nẵng tổ chức hội thi chim chào mào toàn quốc vào ngày 30-4 năm nay.
Hội thi Tiếng hót chim chào mào ở Hội Hoa xuân năm nay là cuộc “diễn tập” để Hội Nghệ thuật hoa viên Đà Nẵng tổ chức hội thi chim chào mào toàn quốc vào ngày 30-4 năm nay.

Chim hót đầu xuân

Nếu khu trưng bày Hoàng Sa - Trường Sa lặng lẽ bên sân đình ở khu Tết xưa thì dưới bóng cây đa cổ thụ nơi góc đường Lý Thái Tổ - Nguyễn Tri Phương có một không gian tràn ngập tiếng chim suốt sáng mồng 5 và mồng 6 Tết. Đó là hội thi Tiếng hót chim vành khuyên và chim chào mào lần đầu tiên tổ chức quy mô tại Hội Hoa xuân với một lượng “thí sinh” đáng nể.

So với chào mào thì vành khuyên khó nuôi hơn, kén tay chơi, và tất nhiên “đẳng cấp” hơn. Vì thế, đăng ký dự thi sáng mồng 5 chỉ có 75 lồng chim vành khuyên, nhưng qua mồng 6 có đến 230 lồng chim chào mào, trong đó có 13 lồng đến từ CLB Chim cảnh thị trấn Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đưa chim đi thi, hồi hộp lắm, chim thi mà mình như ngồi trên đống lửa - ông Nguyễn Văn Lân, chủ nhiệm CLB Chim chào mào Phú Lộc, quận Thanh Khê, chia sẻ. Ai cũng trông nó được vô sâu trong giải. Ban giám khảo sẽ loại dần từng đợt, nếu chim mình vô được Top 20 đã gay cấn lắm rồi, chỉ cần sơ suất một chút là bị loại liền, gọi là bỏ nước. Đang hót ngưng lại khoảng 10 giây lo đi uống nước, xỉa lông hoặc không chịu hót nữa là coi như… xong phim!

Theo ông Trần Công Định, chi hội trưởng chi hội Chim cảnh thuộc Hội Nghệ thuật hoa viên thành phố Đà Nẵng, một con chim chào mào gọi là hay, trước hết (như thi hoa hậu) phải có ngoại hình đẹp gồm: yếm đậm, mũ cao, đuôi dài, mông đỏ, lông mỏng. Thứ đến là phải có giọng ché (hay chét) tức là giọng bất ngờ thét lên the thé ngoài giọng hót bình thường để “ra oai” dằn mặt đối thủ, thường xuất hiện vào lúc gần tàn cuộc đấu khi kẻ đang ở thế thượng phong muốn hạ nốc-ao đối thủ. Thêm nữa, giọng hót phải có âm lượng vang to và thời lượng dài, như một ca sĩ thực thụ, chim phải biết làm cho từ ban giám khảo đến khán giả phải tâm phục khẩu phục bằng chất giọng du dương, lên bổng xuống trầm với những âm tiết luyến láy, Ngoài ra, chú nào vừa hót vừa múa (xòe đuôi, vẫy cánh) sẽ được cộng thêm điểm.

Ban giám khảo phải là “lão làng” trong nghề chơi chim, được các nghệ nhân bình chọn. Tất nhiên, như mọi cuộc thi khác, thành viên trong ban giám khảo, ban tổ chức không được đưa chim của mình dự thi. Nếu anh nào có con chim quá “độc” muốn đưa đi thi đấu để làng trên xóm dưới biết tài mà được mời vô ban giám khảo thì đành phải từ chối. Hội thi được tổ chức theo kiểu “lấy đám thế đám”, nghĩa là ai có chim đi thi thì đóng vô một số tiền, gọi là tiền lệ phí, tất cả đều dùng chi lại cho mọi hoạt động của hội thi, trong đó tập trung phần lớn vào giải thưởng. Nhiều cuộc thi, ví như thi hoa hậu, còn có chuyện ì xèo sau khi kết thúc, nhưng thi chim các loại từ đầu chí cuối không một tiếng mích lòng.

 “Vào một buổi sáng có nắng rực rỡ, trong vườn tôi chợt vang lên tiếng một con chim lạ. Thời tiết đầu xuân và lúc đó vào chặng tám giờ. Khu phố tôi ở tương đối yên tĩnh nên tiếng chim không bị pha lẫn vào một thứ tạp âm nào…”. Đoạn văn giàu cảm xúc của nhà văn Võ Hồng trong phần mở đầu truyện ngắn “Mùa Xuân nghe tiếng chim” đã phần nào phản ánh buổi sáng mồng 6 Tết ở Công viên 29-3. Cả một góc công viên đầy ắp tiếng chim và tiếng người, khách du xuân thoáng chút ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi lần đầu tiên biết có một cuộc thi độc đáo đến thế.

Mọi người hy vọng Hội Hoa xuân Đà Nẵng sẽ mỗi năm mỗi thêm đổi mới “kịch bản” để Công viên 29-3 luôn xứng đáng là điểm đến vui xuân của người dân Đà Nẵng và các tỉnh bạn.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.