.

Lung linh những nhịp cầu

.

Không biết vô tình hay hữu ý mà nhiều hình ảnh đẹp về thành phố Đà Nẵng được nhiếp ảnh gia ghi lại đều xuất phát từ cảm xúc khi đứng trước những cây cầu bắc qua sông Hàn. Sự lung linh của nó, trở thành bức tranh đêm dịu dàng và vô cùng quyến rũ, khiến lòng du khách một lần đặt chân đến Đà Nẵng vương vấn mãi không rời.

Hiệu ứng ánh sáng đã giúp cầu Trần Thị Lý nổi bật khi đêm về. Ảnh:T.Y
Hiệu ứng ánh sáng đã giúp cầu Trần Thị Lý nổi bật khi đêm về. Ảnh:T.Y

Dòng sông nhiều cảm xúc

Anh Hà Linh (du khách Hà Nội) trước khi rời Đà Nẵng đã gửi lại bạn mình những vần thơ dịu ngọt “Em ký gửi sông Hàn/cả mái tóc, nụ cười và tình yêu thánh thiện/nên sông hiền/mỗi ngày nắng rạng/đêm đêm giăng đèn/phút giây nào cũng như hội hoa đăng” kèm lời cảm ơn đã tìm giúp anh một khách sạn nằm bên bờ sông Hàn. Những đêm lưu lại Đà Nẵng trong chuyến công tác, anh đã kịp ghi lại những cảm xúc của mình về Đà Nẵng. Và sông Hàn đã trở thành nơi gặp gỡ/sóng - gió - cà-phê và đăm đắm Em”. Biết bao nhiêu vần thơ, câu hát ra đời từ cảm xúc của người nghệ sĩ, yêu cái đẹp, đắm mình trong sự lung linh quyến rũ sông Hàn, và người khách này không phải là ngoại lệ.

Sông Hàn chảy giữa đôi bờ phố thị vốn đã đẹp như một bức tranh nay còn ấm áp hơn bởi những nhịp cầu nối hai bờ thương nhớ. Nhà thơ Bùi Công Minh có lần viết những câu thơ rằng “Sông có cây cầu sông trở thành lãng mạn/Người có cây cầu người thêm bè bạn/Câu hát có cây cầu câu hát vút xa khơi”. Nhiều người nói rằng, Đà Nẵng đẹp nhất khi đêm về bởi muôn vàn ánh điện đủ màu sắc từ những cây cầu hắt bóng xuống dòng sông. Kéo theo đó là sự mới mẻ của con đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo nằm dọc hai bên bờ sông Hàn. Bình thường đã thế, vào dịp Lễ, Tết không khí càng nhộn nhịp, tươi vui hơn. Ánh sáng từ ánh điện đủ màu sắc, từ hoa đăng, từ thuyền hoa khiến sông Hàn thêm nhiều sức sống.   

Mặc áo đẹp cho cầu

Mỗi cây cầu bắc qua sông Hàn đều mang một dấu ấn, trở thành niềm tự hào cho người dân thành phố. Bây giờ, ngoài cầu Sông Hàn và Thuận Phước, người ta nói nhiều đến cầu Rồng và Trần Thị Lý bởi sự tươi mới, độc đáo và mạnh mẽ trong kiến trúc của nó. Thiết kế của cầu Rồng được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là công trình có kiến trúc đẹp, mới lạ, mang nguồn cảm hứng về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ. Để tạo nên sự hoàn hảo cho cầu Rồng, chính quyền Đà Nẵng đã giao cho công ty ASA Lighting Design Studios (TP. Hồ Chí Minh) thiết kế hệ thống chiếu sáng mỹ thuật. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng, bảo đảm ý tưởng Rồng vượt sông hướng ra biển lớn, sau gần một năm đi vào hoạt động ổn định, hệ thống chiếu sáng cầu Rồng được các chuyên gia thế giới đánh giá “một giải pháp đầy cảm hứng cho một công trình độc đáo”.

Đầu năm 2014, lòng dân Đà Nẵng một lần nữa rộn vui khi biết thông tin thiết kế chiếu sáng của cầu Rồng sánh vai cùng 8 công trình khác trên thế giới lọt vào chung kết Giải thưởng Lighting Design Awards 2014 hạng mục “Công trình quốc tế có thiết kế chiếu sáng cảnh quan xuất sắc”. Đây là một trong những giải thưởng chuyên ngành danh giá toàn thế giới về thiết kế kiến trúc chiếu sáng. Lễ công bố và trao giải sẽ diễn ra tại Anh tháng 3-2014.

Còn nhớ, trong buổi lễ khánh thành cầu Rồng, TS, KTS Trần Văn Thành, Giám đốc thiết kế của ASA chia sẻ rằng, ngoài màu vàng chủ đạo, cầu Rồng còn được thay những chiếc áo màu xanh lá, xanh lam, bạc, là những màu sắc quen thuộc của con rồng dân gian Việt Nam. Đặc biệt, phương án chiếu sáng luôn hướng tới hình ảnh Rồng Vàng mạnh mẽ bay trên sông Hàn, vươn ra biển lớn, biểu tượng mới của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Cũng theo ông Thành, biểu tượng Rồng Vàng chuyển động được các nhà thiết kế lập trình hiệu ứng sao trên dây văng, mây lam dưới bụng cầu phản chiếu trên mặt nước. Ban đêm, nước sông Hàn sóng sánh vì gió thổi, sẽ tạo nên khung cảnh Rồng trên nền mây huyền ảo đúng như câu chuyện Rồng luôn ẩn trong mây và gió mỗi khi xuất hiện.

Cách cầu Rồng khoảng 1km là cầu Trần Thị Lý có thiết kế độc đáo, như con thuyền căng mình vươn ra biển lớn. Chiếc cầu đặc biệt này có trụ tháp cao 145m so với mực nước biển, thiết kế lối đi riêng lên đỉnh tháp để người dân và du khách tham quan. Theo kỹ sư Ngô Bá Toản, Giám đốc Ban điều hành Dự án cầu Trần Thị Lý, việc bố trí dây văng cũng hết sức cầu kỳ, phần dây phía Tây bố trí xoắn như cánh buồm căng gió từ sông Hàn tiến ra Biển Đông. Toàn bộ vẻ đẹp kiến trúc của cầu Trần Thị Lý sẽ nổi bật bởi hệ thống chiếu sáng khi màn đêm buông xuống. Vào mùa mưa, thời tiết lạnh lẽo, cầu Trần Thị Lý sẽ sưởi ấm lòng người bằng màu sắc vàng, cam, đỏ, hồng. Còn ngày nắng, cầu sẽ “thay áo” bởi các màu tím, xanh lá, xanh dương để mang lại những cảm xúc mới cho người dân thưởng lãm.  

Thông tin từ Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng, các cây cầu bắc qua sông Hàn đều được chiếu sáng trang trí từ 18 giờ đến 24 giờ hằng ngày. Hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led được lắp đặt lần đầu tiên cho công trình công cộng ở nước ta tại cầu Sông Hàn (2008) và cầu Thuận Phước (2009). Với hiệu quả về tiết kiệm năng lượng, mỹ quan đẹp, cầu Rồng và Trần Thị Lý xây dựng sau đó được thiết kế, lắp đặt đèn Led ngay từ khâu thiết kế và trong quá trình triển khai thi công.  

Nhịp cầu nối những bờ vui

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel, Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, Tết Giáp Ngọ vừa qua, nhiều khách hàng chia sẻ đến Đà Nẵng với mục đích nhìn ngắm sông Hàn về đêm bởi trước đó, họ bị thuyết phục khi xem những bức hình chụp đêm Đà Nẵng trên các trang mạng. Ở đó, ánh đèn từ 6 cây cầu hiện đại bắc qua sông Hàn là Thuận Phước, Sông Hàn, cầu Rồng, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý, Tuyên Sơn và những cây cầu Hòa Xuân, Nguyễn Tri Phương, Khuê Đông, Cẩm Lệ đã khiến quãng sông dài chảy trong lòng thành phố trở thành “dòng sông ánh sáng” lung linh, rực rỡ, đa sắc màu trong những ngày Tết.  

Sau sự kiện cầu Sông Hàn khơi sáng vùng đất phía bên kia sông, Đà Nẵng lần lượt ra đời những cây cầu khác, có kiến trúc, ý nghĩa đặc biệt không kém. Lúc này, cầu không còn là phương tiện giao thông, mà trở thành biểu tượng của cái đẹp, mang lại cho thành phố nhiều cái “được” trong phát triển du lịch. Hình ảnh những cây cầu lung linh ánh điện khi đêm về xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Du khách biết đến Đà Nẵng nhiều hơn, và cũng yêu hơn thành phố.

Nhớ lại câu ca một thời dai dẳng: “Con gái quận Ba không bằng bà già quận Nhất”, chị Nguyễn Thị Nga (54 tuổi), trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà chia sẻ, câu ví von ấy đã theo chị cả một thời xuân sắc mỗi khi lầm lũi đi đò sang phố. Bây giờ, mỗi lần nhìn những thân cầu ngập tràn ánh sáng, chị lại như thấy câu ví von xưa lùi xa vào quá khứ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.