.

Xuân hòa hợp

.

Không chỉ riêng người dân đất Bắc mới vọng cố hương qua sắc hoa đào nồng thắm mà người miền Trung cũng yêu lắm cánh hoa đào như tìm về cội nguồn của dân tộc.

Vườn đào bên đầu cầu Rồng phía Tây sông Hàn là điểm khó thể bỏ qua của khách du xuân năm nay. Ảnh: KHẢ TRÍ
Vườn đào bên đầu cầu Rồng phía Tây sông Hàn là điểm khó thể bỏ qua của khách du xuân năm nay. Ảnh: KHẢ TRÍ

Hoa đào và mỹ nhân

Hoa đào vốn dĩ mảnh mai thanh tú, lại có sắc hồng phơn phớt như đôi má thiếu nữ đương thì nên từ xưa cổ nhân đã ví như người đẹp. Nhiều câu chuyện nhuốm màu huyền thoại liên quan đến hoa đào ra đời đã để lại cho nhân gian nhiều áng thơ văn kiệt tác. Từ Đào hoa nguyên ký của Đào Tiềm đến thi phẩm nức tiếng như Đào hoa khê của Trương Húc… Cả câu thơ được xem là tuyệt cú của Thôi Hộ đời Đường Đào hoa y cựu tiếu đông phong (tạm dịch: hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông) gắn liền với câu chuyện tình lãng mạn của người con gái ở vườn đào… khiến bao nhiêu con tim đa sầu đa cảm của nhân gian phải rung lên lạc nhịp.

Người Nhật lại cho rằng “sakura” nghĩa là hoa đào là cách gọi lái từ “sakuya”, trích từ tên của nữ thần Konohana-Sakuya-hime, một vị thần được nhắc đến trong cuốn lịch sử “Cổ sự ký” (Kojiki) của Nhật. Theo truyền thuyết, nữ thần này chính là người đầu tiên gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ nên được coi là nữ thần Sakura. Nữ thần có sắc đẹp tuyệt vời và loài hoa sakura khi nở cũng mang vẻ đẹp thanh khiết, sáng trong...

Dù sao đó cũng chỉ là chuyện ở bên Tàu, bên Nhật. Còn ở Việt Nam, rất nhiều người đã thuộc lòng chuyện xưa. Vào trưa mùng 5 Tết Kỷ Dậu năm 1789, sau khi phá tan 20 vạn quân Thanh, vua Quang Trung dẫn đại binh vào thành Thăng Long trong tiếng reo hò của người dân đất Bắc. Không kịp nghỉ ngơi sau một chặng đường dài hành quân thần tốc, nhà vua phóng ngựa đến vùng Nhật Tân ở ngoại thành, tự tay chọn một cành bích đào cho ngựa trạm mang vào Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa báo tin thắng trận… Cái tình của người anh hùng Nguyễn Huệ không dừng lại ở chỗ hoa đào tặng mỹ nhân như trong thơ xưa mà còn là sự thấu hiểu nỗi nhớ quê cha đất tổ mỗi dịp xuân về của người vợ yêu dấu.

Câu chuyện vừa kiêu hùng vừa đẫm màu lãng mạn của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ không biết thực hư như thế nào nhưng đã cho thấy vị trí không thể thay thế được của hoa đào trong lòng dân đất Bắc. Và đây cũng là câu chuyện mà người dân xứ đào Nhật Tân hãnh diện kể cho khách phương xa khi đến thưởng ngoạn hoa đào trong tiết trời hanh hao màu Tết…

Hành trình xuôi về phương Nam

Trong hành trình mở cõi về Nam, không biết bao nhiêu cư dân đất Bắc xuôi về phương Nam lập nghiệp. Họ có thể “gánh tên làng, tên xã trong mỗi chuyến di dân” (Nguyễn Khoa Điềm) nhưng không thể đem theo màu hoa đào đến vùng đất mới. Sau ngày đất nước thống nhất, sự dịch chuyển dân cư từ Bắc vào Nam và ngược lại đã làm nên một hành trình di cư của các loài hoa, trong đó hoa đào đã xuôi về Nam mỗi độ xuân về trong niềm nhớ mong khắc khoải của người con đất Bắc.

Trong bối cảnh đầy nỗi niềm của cư dân xa xứ, chợ Hoa xuân Đà Nẵng ra đời như một điểm đến cho hoa đào vào dịp Tết. Đào Bắc theo các chuyến xe tải  nườm nượp xuôi về trong những ngày cận Tết như mang theo linh hồn xứ Bắc đến Đà Nẵng khiến cái Tết thành phố miền Trung thêm hương thêm sắc. Cụ Nguyễn Đức Hùng năm nay 70 tuổi, người ở Hải Hậu, Nam Định vào Đà Nẵng công tác từ những năm 1975. Cụ bảo, mấy năm gần đây có chợ Hoa xuân nên việc chọn một cành đào chưng Tết không còn quá khó khăn nữa. Hồi thời bao cấp, mỗi khi Tết đến cả nhà phải chạy đôn chạy đáo nhờ người thân ở Hà Nội gửi theo xe, theo tàu vào một cành đào. Có khi đêm 30 còn ngồi ở bến xe đón đào như đón người thân trở về. Đối với người dân đất Bắc, có cành đào chưng  trong nhà thì mới nghĩa là xuân…

Không chỉ riêng người dân đất Bắc mới vọng cố hương qua sắc hoa đào nồng thắm mà người miền Trung cũng yêu lắm cánh hoa đào như tìm về cội nguồn của dân tộc. Cái cảnh người Trung yêu đào thắm và người Bắc ái mộ mai vàng trở nên quá quen thuộc trong thời gian gần đây như một bản hòa ca chào xuân trên thành phố.

Năm nay, dù có hẳn mấy chục chậu mai đang khoe sắc tại vườn nhà nhưng ông Trần Thành Tựu ở Quang Châu, xã Hòa Châu, vẫn dạo chợ hoa những ngày giáp Tết để tuyển về một cành đào thế để chưng ở gian sảnh trước nhà. Ông bảo: Có mai, có đào mới ra xuân hòa hợp…

Xuân Giáp Ngọ năm nay, Đà Nẵng ngập tràn lễ hội và sắc màu. Hoa đào được chọn làm một điểm nhấn bên cạnh cầu Rồng lộng lẫy như một gợi nhớ về Thăng Long nghìn năm văn vật. Nếu như người Bắc tự hào với hoa đào mảnh mai khi rời cành vẫn còn vương sắc thắm thì người Đà Nẵng lại kiêu hãnh với hoa đào chuông độc đáo trên đỉnh Bà Nà huyền ảo. Năm nay đào chuông xuống phố qua biểu tượng đèn trang trí giăng ngang con đường Bạch Đằng, tạo nên một nét nhấn nhá cho con đường hoa thêm nhiều cảm xúc.

Dường như mảnh đất Đà Nẵng hữu duyên với hoa đào thì phải. Mấy năm trước, nhân kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam 28-11, Đà Nẵng đã đón nhận 400 cây anh đào từ nước Nhật như một món quà của tình hữu nghị Việt- Nhật. Những cây anh đào của xứ sở Phù Tang đang lớn lên từng ngày trên đỉnh Bà Nà mơ màng sương khói… Biết đâu đấy, trong một tương lai không xa, Đà Nẵng lại có một Đào nguyên đầy mộng ảo trên độ cao gần1.500 mét…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.