.

Chút tình quê giữa phố

.

Bây giờ mà bảo tìm ra một cái chợ “rặt quê” cũng khó, vì hầu hết các chợ đều mang dáng dấp phố thị. Nếu để ý sẽ thấy ở nhiều chợ có một góc nhỏ có mấy chị bày “đồ quê” ra bán.

Khách hàng già như ông Nhượn, bà Hai Lượng ở chợ Túy Loan có gần chục người. Với người già, chuyện mua-bán đôi khi là cái cớ để họ gặp nhau. Ảnh: H.L
Khách hàng già như ông Nhượn, bà Hai Lượng ở chợ Túy Loan có gần chục người. Với người già, chuyện mua-bán đôi khi là cái cớ để họ gặp nhau. Ảnh: H.L

Đồ chợ quê trở thành đặc sản

Không phải là đặc sản gì to tát, chỉ giản dị là “đặc sản quê”. Là rau răm, riềng, sả, tỏi, hành nồng cay mùi vị khó quên; là lúa gạo, sắn khoai lam lũ nhọc nhằn… Đặc sản ở đây còn là do chính người nông dân tự tay trồng nên trong vườn nhà, là rau củ sạch. Có khi chỉ mấy loại rau củ be bé, còi cọc nhưng lại được người ở phố ưa chuộng hơn những thứ củ quả xanh mướt mát.

Chợ Hàn phía cuối đường Phạm Phú Thứ có bà chuyên bán ốc bươu, các loại đậu đỗ, chim bồ câu và một ít rau củ, mang từ Đại Lộc ra. Dọc con đường phía sau chợ Đống Đa là sản vật từ Hội An. Phía sau lưng chợ Mới là các chị ở Điện Bàn đưa đủ các loại rau, trứng, hến… cung cấp cho người ở phố. Chỗ ngồi của các chị luôn ở cuối chợ, nhỏ bé, chật cứng, nhưng lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp. Ngày mưa, ngày bão trắc trở, đi chợ mà không gặp được gánh rau quê, cảm thấy thiêu thiếu một điều gì đó.

Ở phố mua đồ quê đã thấy sướng. Về quê đi chợ thấy cái gì cũng muốn mua, một phần để ăn, một phần cho mấy chị em cùng cơ quan… nếm thử món rau quê cho biết.

Chợ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) trở thành cái chợ quê điển hình nhất khi người ở phố muốn về đây đi chợ. Các loại rau, củ như dưa leo, cà, rau muống, rau dền… bà con trồng ở cánh đồng rau sạch Hòa Phong luôn là thứ hàng hết sớm nhất ở chợ. Đã thế, cách mua bán của các bà cũng chân chất, hồn hậu. Mùa này rau nhiều, giá rẻ, bà Nguyễn Thị Hường ở thôn Túy Loan Tây cứ dúi hết cả rổ rau vào túi người dưới phố đi chợ, bà bảo “của nhà cô trồng được, cháu cứ mang về mà ăn, đưa cô vài nghìn thôi”. Chưa hết, biết tôi muốn mua dưa leo và khổ qua, bà dẫn đến các hàng xung quanh, bảo người bán là bán rẻ thôi, cũng vì “của nhà trồng được”. 

Bà Hai Lượng, 83 tuổi, bán cau trầu ở chợ Túy Loan hơn hai chục năm nay có đến gần mười người bạn già là khách hàng. Bà bảo, ở quê giờ người hút thuốc lá điếu và ăn cau trầu còn nhiều nên bà không sợ ế hàng. Hôm rồi ghé bà một lúc, thì ông Nhượn, một khách quen của bà năm nay 81 tuổi đến mua thuốc lá. Bà đưa trước cho ông một lá thuốc, đó là phần bà tặng ông lão, trước khi chọn thuốc. Ông cười móm mém, tai lãng nặng nên không nghe được tôi hỏi để trả lời. Nhưng cái cách một hai ngày ông lại đến hàng bà Hai Lượng một lần là biết người ta ra chợ còn tìm một thứ vui cho mình, sau làn khói mờ ảo. Người già hút thuốc lá không hẳn là nghiện như cánh thanh niên, hút bởi thói quen là chính. Tuổi 90 đến dồn dập sau lưng bà Hai Lượng, ông Nhượn, rồi theo quy luật, sẽ có người “đi” trước, người “đi” sau; có lẽ người đi sau sẽ nhớ đến khôn nguôi người bán hàng cau, thuốc lá hay người đã yếu vẫn lọ mọ ra chợ tìm mua thuốc ở hàng quen. Cái hồn của chợ quê là đó, dung dị, chân thành biết bao. Người ta đi chợ ngoài việc mua-bán, còn tìm cho mình một người quen, một người bạn cũ, biết người kia vẫn khỏe mạnh là mừng…  

Sớm chợ Mai, muộn chợ Chiều

Không hiểu sao dọc mấy tỉnh ở giữa khúc eo miền Trung, cái tên chợ Mai và chợ Chiều được đặt rất nhiều. Chợ Mai (ở đường Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) do những gia đình lính Pháp lập nên năm 1953, chỉ họp vào buổi sáng. Đến giờ hơn 60 năm tuổi, cái lệ họp chợ như tên chợ vẫn được duy trì. Chợ Mai được xem là chợ đặc sản cá biển. Cá được ngư dân ra khơi trong đêm, sáng sớm tinh mơ cập bến Thọ Quang nên tươi rói. Cũng bởi là chợ cá nên chừng hơn 10 giờ chợ đã vãn. Hỏi ra mới biết, mấy chị bán cá hầu như bán chính sản phẩm do chồng mình khai thác được, mua thêm một ít của bạn hàng cho phong phú các loại. Cá ở chợ này chủ yếu là cá nhỏ, nhưng được cái cá, tôm hay mực khi đến chợ còn lấp lánh ánh bạc, tươi rói.   

Ai có nhu cầu mua đồ ăn vào buổi chiều thì lại được chợ Chiều (đường Ngô Quyền) đáp ứng. Đúng như tên gọi, phải tầm 4 giờ chiều trở đi chợ mới đông. Cá ở chợ này cũng tươi không khác gì chợ Mai, do ngư dân sáng sớm mới ra biển đánh cá, chiều mới đưa được sản vật của biển đến chợ.

Lâu nay khi nói về chợ quê, người ta hay nhắc đến củ, đến quả, đến con gà con heo do bà con tự trồng, đặt trong thúng đưa đến chợ. Mấy chợ cá ở Đà Nẵng dù ở giữa phố cũng mang dáng dấp chợ quê vì cá biển đến chợ được xếp lớp trong từng cái rổ, mẹt. Có người còn cẩn thận cho cá vô chậu, đổ nước biển vào cho cá tươi lâu. Ông Nguyễn Văn Phẩm, 76 tuổi, nhà ở gần chợ Mai cho rằng, giờ các chợ đều lấy theo tên phường, vẫn biết đó là cách truyền thống của các chợ từ Nam chí Bắc, nhưng nếu chợ Mai đổi tên thì ông sẽ thấy rất hụt hẫng. “Tui là ngư dân, chiều tối ra khơi, sớm mai về bến, cái tên chợ cũng hứa hẹn chuyến biển đầu xuôi đuôi lọt, có con cá con tôm đưa về chợ, như mấy anh chị hay dùng từ tương lai đó”.

Rời chợ Mai mà nhớ mãi cái từ “tương lai” ông Phẩm so sánh. Nếu một mai đây các ngôi chợ không còn bóng những người từ quê đưa hàng quê ra phố; nếu con cá con tôm ra quầy một cách sang trọng, không nằm trong chậu nước biển cho tươi lâu thì cái chất hồn hậu, chân chất có mất đi. Người nặng tình quê đi chợ có thấy chút lạc lõng giữa tấp nập ồn ào?

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.