Trong những nét góp phần làm nên đặc trưng của một vùng đất có lẽ cây cối là nét lãng mạn, nhân văn rất dễ đi vào thơ ca nhạc họa và tồn tại lâu dài trong tình cảm con người. Ở Đà Nẵng, giới chuyên môn vẫn loay hoay đi tìm cây đặc trưng cho thành phố mình.
Dừa trên đường Võ Nguyễn Giáp (ảnh nhỏ) và muồng vàng trên đường Lê Đại Hành được xem là hai giống cây thích hợp cho vùng ven biển và vùng nội đô của Đà Nẵng hiện nay. Ảnh: V.T.L |
Từ vụ kiện bản quyền đến việc đi tìm giống cây riêng
Kỹ sư Nguyễn Hữu Kim, Phó Giám đốc Công ty Công viên - Cây xanh (CVCX) Đà Nẵng còn nhớ, hồi Đà Nẵng còn trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, thành phố chọn cây muồng kim phượng, tức là cây lim xẹt, nhưng nghe xẹt... xẹt, có vẻ “nhà quê” quá, sau này khó lên thơ, lên nhạc, mới đề nghị đổi ra cây phượng vàng và công bố trên báo chí hẳn hoi. Thế rồi, một ông tên là Bùi Tho, giảng viên Trường CĐ Công nghệ và kinh tế Bảo Lộc (Trường Nông -Lâm-Súc Đà Lạt cũ) ở Lâm Đồng gửi văn bản xuống... kiện, nói cây phượng vàng là ông ấy độc quyền, mới sản xuất ra giống, Đà Nẵng tìm cây con ở đâu mà đòi trồng nó thành cây chủ lực?
KS Kim được giao nhiệm vụ lên Bảo Lộc xác minh. Thì ra, phượng vàng là cây duy nhất được trồng trên đó từ năm 1929, có tên khoa học là Schizolobium excelsum, họ Điệp, từ lâu đã đơm hoa, kết trái mà không có cây con mọc tự nhiên. Ông Bùi Tho là người đầu tiên ươm được giống phượng quý hiếm này. Còn cây phượng vàng (còn gọi là muồng kim phượng) ở Đà Nẵng có tên khoa học là Peltophorum pterocarpum thuộc phân họ Vang, họ Đậu (Fabaceae). Vậy là đã rõ, hai giống phượng vàng này hoàn toàn khác nhau. Ở Đà Nẵng cây phượng vàng (họ Đậu) chiếm 50% cơ cấu cây đường phố, có tuổi thọ và hoa lâu tàn hơn so với cây phượng vĩ. Tên tiếng Anh của nó là Yellow Flamboyant (Rực ngọn lửa sắc vàng) nghe cũng đẹp, dễ đi vào thơ ca nhạc họa.
Chuyện tìm cây riêng cho nét phố Đà Nẵng quả là không phải dễ.
Quan chức Đà Nẵng từng đi Singapore học hỏi cách trồng cây ở xứ người nhưng không thể làm như người ta được. Bởi lẽ, đảo quốc Sư tử khí hậu ôn hòa, đất đai tốt tươi, lại thêm điều kiện chăm sóc cây quá tốt. Trong khi đó Đà Nẵng chủ yếu là đất cát, người không thể chọn cây mà thổ nhưỡng, khí hậu chọn cây.
Có sự lựa chọn lâu đời nhất có lẽ là cây trồng ở các nhà thờ tộc họ, đình, chùa... Cây bồ đề, tuy đã thuộc diện “cây đa, cây đề”, nhưng hiện không được khuyến khích trồng vì cho quả quá nhiều, khi rụng xuống làm mất cảnh quan, môi trường. Thay vào đó là các loại đa búp đỏ (đa Nhật Bản), sộp, sanh, si, sung. Công ty CVCX Đà Nẵng vừa phát hiện một loại cây có tên là đa gáo, tên khoa học là Ficus callosa, họ đa nhưng có lá như lá cây gáo, một loại cổ thụ mọc hoang nhiều ở Quảng Nam - Đà Nẵng, vừa thích hợp với các công trình kiến trúc cổ có tính cách tâm linh, vừa tương xứng với không gian cảnh quan đô thị thoáng đãng. Tuy cũng là một loài đa, nhưng đa gáo không có rễ phụ, cành nhánh ngắn, mọc chếch, tạo tán gọn hình trứng; thân hình trụ rất thẳng, cao từ 15m đến trên 20m. Với “tấc đất tấc vàng” thời đô thị hóa hiện nay, Đa gáo quả là sự lựa chọn tối ưu nhất cho các công trình kiến trúc cổ.
Với vùng đất ven biển, nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất, cứ 3-4 năm lại có một trận bão dữ thì không loại cây nào chịu nổi. Còn nhớ, 5 năm trước, khi dự Lễ thông xe kỹ thuật cầu Thuận Phước mọi người ngạc nhiên khi thấy một loài cây rất lạ được trồng trên dải phân cách dọc đường dẫn lên cầu phía đông với những chùm hoa màu đỏ tía rực rỡ dưới nắng đầu hè. Đó là cây osaka đỏ, còn gọi là hồng môi, ô môi. Đến nay osaka vẫn ra hoa, nhưng có vẻ “khó nhọc” hơn, cuộc đấu tranh sinh tồn giữa cây với gió mang hơi muối của biển đã làm cho “đời hoa” không được thắm sắc như trước.
Mù u “lên đời”
Có vẻ như bài toán cây cho phố biển ở Đà Nẵng đã tìm ra lời giải, khi ngày 2-1-2014 vừa qua, UBND thành phố đã ký Công văn số 23/UBND-QLĐTh về việc trồng cây xanh bóng mát trên vỉa hè các tuyến đường ven biển. Theo đó, các chủng loài được chọn trồng tại các tuyến đường này là: dương liễu, dừa, bàng ta, muồng tím (cách mép nước tối thiểu 500m), lim xẹt (cách mép nước tối thiểu 500m), tra, mù u.
Có lẽ lần đầu tiên cây mù u được “lên đời” thành một trong những loại cây “chính thống” ở Đà Nẵng. Đây là cây bản địa Quảng Nam - Đà Nẵng, mọc được trên cát ven sông nhưng lâu nay chưa được trồng đại trà, Công ty chỉ mới trồng thử nghiệm thành công 5 cây từ đầu năm 2012 ở lăng Cá Bà gần nhà hàng Mỹ Hạnh, trên đường Võ Nguyên Giáp. mù u rất mạnh, nhổ cây con không cần bầu, trồng rễ trần vẫn sống. Trên đường Hoàng Sa, đoạn từ đường Lê Đức Thọ đến đường Nguyễn Huy Chương, phía nhà dân sẽ được trồng cây cho lá dày, bóng, có khả năng thích nghi với khí hậu ven biển này.
Đường Võ Nguyên Giáp, đoạn từ đường Nguyễn Văn Thoại đến đường Ngô Thì Sĩ, phía nhà dân đã trồng cây lim xẹt nhưng lúc nào cũng trùi lũi, bởi ra đợt lá non nào cũng bị nắng gió vùng biển “nướng” khô. Để tạo cảnh quan cho tuyến đường du lịch này, cây mù u được chọn thay thế, tuy có thể phát triển chậm hơn, nhưng bền và chắc.
Tại những vị trí cách mép biển khoảng 50m không loài cây nào sống nổi, Công ty CVCX đề nghị trồng cây mù u. Ngay cả vỉa hè phía biển đường Trường Sa đoạn từ đường Minh Mạng đến đường An Nông, những nơi không thuộc đất dự án (các chủ đầu tư dự án ven biển triển khai trồng cây xanh theo đúng tiến độ đã cam kết), cũng được đề xuất trồng cây mù u.
Đường mang tên hoa, phố mang tên cây
Ở nội đô, thời tiết dễ chịu hơn, nên chọn cây nào? Khi được hỏi, KS Kim đề xuất: Nhiều khu dân cư mới xây dựng theo ô bàn cờ, nên đặt tên đường mang tên các loài hoa và trồng thuần loại hoa đó, vừa đẹp, lãng mạn, lại vừa “tiết kiệm” được một số tên đường. Một đường cũ như Hoàng Hoa Thám chẳng hạn, do cấn cống rãnh nên không trồng cây được, vừa qua Sở Xây dựng phối hợp với Công ty CVCX làm việc với địa phương, giao cho từng hộ trồng cây hồng lộc trong chậu. Người dân ưa thích loại cây được trồng theo dạng xã hội hóa này (đơn vị tài trợ được khắc logo trên chậu) không chỉ vì cây cho lá non màu đỏ rất đẹp, dễ sống, ít chiếm diện tích mà còn vì nó có tên quá “đẹp” là lộc lớn. Sắp tới, mô hình trồng cây trong chậu này sẽ được triển khai trên đường Hùng Vương bằng cây cau.
Bến Tre xứ dừa, Hải Phòng thành phố hoa phượng đỏ… Trong những nét góp phần làm nên đặc trưng của một vùng đất có lẽ cây cối là nét lãng mạn, nhân văn rất dễ đi vào thơ ca nhạc họa và tồn tại lâu dài trong tình cảm con người. Đà Nẵng, nơi khí hậu quá khắc nghiệt, hiện vẫn loay hoay đi tìm riêng mình một loài cây như thế. Song, cũng có người cho rằng, mỗi khu phố, mỗi đoạn đường trồng mỗi loại cây khác nhau lại tạo nên vẻ đa dạng, đa sắc màu. Ví như dải phân cách trên đường mới Lê Đại Hành ở quận Cẩm Lệ, xen kẽ các loại ngọc lan, dương liễu tạo dáng, cọ Mỹ, muồng vàng... đã làm mất đi cảm giác đơn điệu trong tầm mắt người đi đường.
VĂN THÀNH LÊ