.

Nét quê, nét phố

.

Mẹ tôi như bao nhiêu phụ nữ khác suốt một đời gắn với làng xã, không rời ruộng đồng nửa bước. Con cháu trưởng thành, làm ăn ở thành phố bao nhiêu lần rước mẹ ra phụng dưỡng nhưng chẳng bao giờ bà ở được lâu. Lần này cũng vậy, ra nhà con gái chơi độ hơn nửa tháng, vậy ngày nào mẹ cũng than buồn, than chán vì ngồi không chẳng có chuyện gì làm.

Chợ quê hiện vẫn còn giữ những mặt hàng truyền thống. Ảnh: N.H
Chợ quê hiện vẫn còn giữ những mặt hàng truyền thống. Ảnh: N.H

Mẹ bảo mẹ nhớ làng, nhớ xóm, nhớ mảnh vườn con con thơm lừng mùi húng quế, rau răm, lá hẹ… Và ngẩn ngơ hơn hết là nhớ những phiên chợ nhộn nhịp chốn quê nhà! Nghe mẹ nói, bỗng dưng tôi nghe lòng thấm thía một nỗi niềm. Quả thật ngoài công việc nơi cơ quan thì chợ là nơi người phụ nữ gắn bó cả một đời… Biết vậy, nên tôi cố thu xếp công việc để dẫn mẹ dạo quanh vài chợ nổi tiếng trong thành phố để mẹ nguôi ngoai phần nào nỗi buồn xa chợ.

Bữa đầu, đứa con gái lớn được phân công đưa bà đi chợ. Như một thói quen của các cô gái trẻ bận bịu, cháu đưa bà đến siêu thị BigC mua sắm. Hai bà cháu đi suốt một buổi sáng mà chẳng mua được thứ gì. Đến bữa cơm bà cứ thở dài sườn sượt… Bà bảo, siêu thị to thật. Thứ gì cũng có nhưng lại không có thứ mẹ muốn mua. Con gái than thở: Vào siêu thị mà cứ đòi mua trầu, mua cau, mua thuốc xắt Cẩm Lệ. Lại còn yêu cầu gói bằng lá chuối nữa chứ! Đến khi bà đi mỏi chân khát nước lại muốn uống chè xanh nữa… thì kiếm đâu ra.

Cả nhà bàn bạc hội ý, thống nhất cử cháu gái út đưa bà đi chợ Đầu mối. Có lẽ ngôi chợ lớn nổi tiếng là nơi hội tụ các mặt hàng nông sản thực phẩm của thành phố này có lẽ thích hợp với bà hơn, may ra bà có thể tìm được chút hơi thở thân quen của những buổi chợ quê nhà. Sau một buổi dạo chợ về, hai bà cháu đem về bao nhiêu là thứ. Nào là trầu, cau, thuốc xắt gói trong lá chuối tươi, nào là mớ bông bí vàng rực cả mùa xuân, mớ cá cấn còn tươi xanh nồng nàn mùi rong rêu sông nước. Bà còn mua cả lá nghệ non về kho kèm khiến bữa cơm hôm ấy như có cơn gió nồm thơm nồng hương đồng nội.

Hôm đó đi chợ về, bà vui hẳn lên như thuyền về với bến sông xưa. Sau bữa cơm, mẹ bỏm bẻm vừa nhai trầu vừa chuyện trò hỉ hả. Mẹ khen chợ thành phố có khác, thứ gì cũng có, lại tươi ngon không thua gì ở quê. Các món từ trên rừng xuống dưới biển đều có mặt hết… Nhưng người đông quá, chen chân không xuể. Muốn hỏi mua món gì cũng phải nói ngắn gọn, chẳng như ở quê mình, cứ đủng đà đủng đỉnh nói đủ chuyện trên trời dưới đất, có khi chẳng mua chi mà người bán hàng cũng không lấy đó làm phiền.

Nghe mẹ kể, tôi nhớ thời còn ở quê lon ton theo mẹ đi chợ Miếu Bông, cái chợ nằm bên dòng sông Liêm Lạc, một nhánh của sông Cái. Thời gian đã làm công việc lấp bồi một cách vô tình đến nỗi nhánh sông xưa giờ chỉ còn lưu lại cái tên Bến Lội. Ngày trước, theo lời những người lớn tuổi trong vùng thì chợ Miếu Bông nổi tiếng là đông đúc. Dưới sông, hàng cá, mắm từ bán đảo Sơn Trà theo ghe thuyền cập bến. Trên bến, hàng nông sản như đường bát, đậu mè, khoai sắn... từ các vùng lân cận kìn kịt đổ về. Mặt hàng nổi tiếng ở chợ là gạo, đường bát, heo giống và rau trái các loại.

Mẹ tôi thường cắp chiếc mủng nhỏ, xuống ao trước nhà rửa chân, tiện tay bứt mấy chiếc lá sen, có khi là tàu lá chuối bên hiên nhà, rồi gọi tôi đi chợ. Bà thường hỏi thăm những người bán buôn trong chợ và cả những bạn đi chợ như mình. Có khi chỉ mua mỗi bó rau, mớ cá, nhưng mãi đến trưa trật mới về đến nhà. Cuộc sống nông nhàn ngày đó không thôi thúc con người chạy đua với thời gian như bây giờ.

Chừ thì chợ quê tôi đã khác trước nhiều, những hàng nông sản một thời là hàng chủ lực như lúa gạo, sắn khoai đã trở nên yếu dần. Người đi chợ cũng thôi gồng gánh thúng mủng mà thay vào đó là xe đạp, xe máy cùng với bao tải, bao ni-lông. Cái hồn của chợ quê ngày nào dường như chỉ còn phảng phất đâu đây trong cái dáng hao gầy của những cụ bà bán trầu cau, thuốc xắt…

Những người “muôn năm cũ” như mẹ tôi đã ít nhiều chạnh lòng mỗi khi đi chợ phố, hàng hóa nhiều thứ hiện đại nhìn đến mỏi mắt, có thứ không biết sử dụng như thế nào. Ngay như chợ quê giờ trong mắt mẹ cũng đã lắm thứ hàng lạ hoắc.

Nét chợ quê, chợ phố giờ đã đổi thay. Hôm rồi gặp lại người bạn từng cùng đi chợ quê ngày trước, bạn bảo thấy đổi thay phố chợ sao vừa mừng, vừa bâng khuâng. Mừng, bởi đây là cơ hội để vùng đất nghèo khó này bươn tới, hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Bâng khuâng, bởi một lẽ, rồi sẽ tìm đâu một không gian văn hóa chợ chân quê, hồn hậu như ngày nào. Phải chăng chỉ là chút hoài cảm trước sự đổi thay cần thiết trong cuộc đời!

Biết sao được, đó là quy luật của cuộc sống.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.