Sân khấu dàn dựng đơn điệu, tiết mục ca múa nhạc chưa phong phú, đi vào lòng người, trang phục biểu diễn lỗi thời… vẫn đang là những hạn chế trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật tại Đà Nẵng. Trong khi đó, nhu cầu nghe, xem của người dân thành phố ngày càng tăng cao, đặc biệt giữa thời đại công nghệ thông tin đang bùng nổ.
Đà Nẵng vẫn còn thiếu các chương trình ca múa nhạc có chất lượng, đầu tư bài bản về nội dung, biên đạo múa.Ảnh: L.Q.M |
Chưa tạo được sức đẩy
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bí thư Thành ủy Trần Thọ với lãnh đạo các sở, ban, ngành bàn về văn hóa, có một con số làm những ai có mặt đều cảm thấy giật mình bởi nó quá khiêm tốn giữa hàng ngàn tỷ đồng đầu tư cho phát triển kinh tế thời gian qua. Đó là, theo quy định của Nhà nước, đầu tư cho văn hóa tối thiểu đạt 1,8% tổng chi ngân sách hằng năm nhưng 15 năm qua, trung bình mỗi năm Đà Nẵng chỉ đầu tư con số 0,92% cho lĩnh vực này. Sự đầu tư khiêm tốn kéo theo các hoạt động biểu diễn nghệ thuật của thành phố diễn ra cầm chừng. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch Đà Nẵng thừa nhận, kinh phí đầu tư dành cho văn hóa ở Đà Nẵng luôn trong nhóm cuối, thua cả tỉnh thành trung du, miền núi. Vô hình trung trở thành “chướng ngại vật” cho sự phát triển văn hóa.
Không phải đến bây giờ, Đà Nẵng mới nhận ra hạn chế trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật phục vụ quần chúng. Một phóng viên phụ trách mảng thông tin giải trí trên địa bàn thành phố từng nói đùa với ông Trần Quang Kỳ, Trưởng phòng Tổ chức-Sự kiện Nhà hát Trưng Vương rằng, tuần nào nhà hát có chương trình biểu diễn nghệ thuật là tuần đó cô đỡ phải chạy quanh tìm thông tin. Trong khi ở Sài Gòn hay Hà Nội, tin về chương trình nghệ thuật tại các tụ điểm giải trí, báo chí thì không kể hết.
Vốn đã ít chương trình nghệ thuật lớn, nhưng khi diễn ra, nhiều tiết mục ca, múa lặp lại khiến không ít người xem thắc mắc “chẳng lẽ Đà Nẵng thời gian gần đây thiếu lực lượng sáng tác, hay ca khúc mới không hay bằng Đà Nẵng tình người, Nhịp điệu thành phố, Sông Hàn tình yêu của tôi… Vấn đề này, ông Trần Quang Kỳ nói, ca khúc viết về Đà Nẵng không thiếu, thậm chí rất dồi dào, tác giả là nhạc sĩ nổi tiếng nhưng quả thật để chọn được một ca khúc đi-vào-lòng-người không dễ vì tài hoa của người nghệ sĩ là một chuyện, còn cái duyên của nhạc sĩ với vùng đất này lại là chuyện khác. Một ca khúc hay, tự nó sẽ có sức lan tỏa. Ngoài ra, việc thiếu kinh phí cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều tiết mục ca, múa nhạc chưa được dàn dựng, đầu tư bài bản. Nhiều cuộc thi ca múa nhạc lớn diễn ra tại một số tỉnh, thành, Đoàn ca múa nhạc Đà Nẵng không có điều kiện kinh phí để tham gia. Đây cũng là hạn chế trong việc tìm kiếm huy chương, tạo điều kiện cho nghệ sĩ lấy các danh hiệu.
Tiếp xúc lãnh đạo một số đơn vị nghệ thuật như Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đoàn nghệ thuật dân gian Non Nước… đều trăn trở vấn đề kinh phí phần nào kìm hãm năng lực thực tế của đoàn. Kinh phí quyết định chính đến việc dàn dựng, mua sắm trang phục, trả lương cũng như tạo sức đẩy để người nghệ sĩ đủ sức sáng tạo, cống hiến.
Thiếu nghệ thuật đỉnh cao
Nghệ thuật trước hết là vì con người. “Văn hóa nghệ thuật ngoài chức năng giải trí còn có chức năng giáo dục thẩm mỹ, giáo dục đạo đức, lối sống cho con người. Cái gì người nghệ sĩ cống hiến cho nghệ thuật sẽ được xã hội công nhận và nâng niu, đó là điều chắc chắn. Để người dân làm quen với các tác phẩm, ca khúc mới, cần tăng cường quảng bá đến công chúng bằng nhiều cách và thường xuyên”, NSND Lê Huân, Giám đốc chỉ đạo nghệ thuật, Đoàn Nghệ thuật dân gian Non Nước chia sẻ. Ông cũng đặt ra câu hỏi, tại sao chúng ta không mở ra một sân khấu chuyên hát những ca khúc, tác phẩm mới viết về Đà Nẵng? Tại sao nhiều du khách đến Đà Nẵng thường khen cầu đẹp, sông đẹp, đường phố sạch sẽ, an ninh bảo đảm, hiếu khách nhưng lại chê Đà Nẵng không có sân khấu giải trí về đêm, điểm vui chơi hiếm hoi. Đó là điều khiến người làm nghệ thuật như ông cảm thấy chạnh lòng và hụt hẫng.
Có thâm niên 55 năm hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, vinh dự nhận được Giải thưởng Nhà nước, 10 năm trước, NSND Lê Huân từng nói trước lãnh đạo thành phố rằng, nếu không đầu tư phát triển văn học nghệ thuật, thì những con đường ven biển sẽ trở thành con đường “hoàng hôn văn hóa nhậu” của Đà Nẵng. Lý do, người dân ra khỏi nhà chỉ để ngắm phố, gặp gỡ, ăn uống cùng bạn bè mà thiếu đi địa điểm phục vụ nghe, nhìn hay loại hình giải trí khác. Cũng theo NSND Lê Huân, Đà Nẵng đang thiếu “nghệ thuật đỉnh cao”, các chương trình ca múa nhạc có chất lượng, đầu tư bài bản về nội dung, biên đạo múa. Trong khi đó, thực lực của nghệ sĩ Đà Nẵng vẫn có thể thực hiện những vở ca-múa-kịch quy mô, nhạc sĩ Đà Nẵng vẫn đủ tầm đề sáng tác nhạc thính phòng, giao hưởng.
Dù khó khăn trong vấn đề kinh phí, nhưng NSND Lê Huân vẫn toàn tâm, toàn ý với niềm đam mê của mình. Là nghệ sĩ có tầm, nhưng từ sân khấu lớn đến sân chơi quần chúng, nếu ai mời dàn dựng chương trình, Lê Huân đều nhận lời. Ông vừa hoàn thành kịch bản vở kịch múa “Cầu Rồng” dài 90 phút nói về vùng đất và con người Đà Nẵng, đang chờ Nhà nước đặt hàng để có kinh phí dàn dựng do số tiền cho trang phục, sân khấu lên đến hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, NSND Lê Huân còn phối hợp với NSND Chu Thúy Quỳnh dàn dựng tác phẩm “Mùa xuân thần tốc” nội dung kỷ niệm sự kiện lịch sử trọng đại trong năm 2015. Đặc biệt, ông vừa tham mưu cho UBND thành phố phát động cuộc thi Điệu nhảy Việt Nam-Điệu nhảy Điện Biên dự định sẽ tổ chức tại đường Võ Nguyên Giáp vào tháng 3 với sự tham gia của nghệ sĩ múa cả nước. “Với kịch bản Cầu Rồng, tôi chỉ mong khi đã chuẩn bị hoàn chỉnh, thành phố tài trợ cho một vài buổi biểu diễn để quảng bá tác phẩm đến người dân Đà Nẵng. Nếu nghệ thuật chưa vị nhân sinh thì nghệ thuật không còn giá trị và thiếu đi sức sống”, ông nói.
Cần thoát tư duy “tuyên truyền cổ động”
Nhiều ý kiến cho rằng, xã hội phát triển đi lên thì nhu cầu xem, nghe của người dân cũng đi lên. Như bữa ăn nếu cứ lặp lại một số món quen thuộc, sẽ khiến người ăn bị ngán và cảm thấy không còn hứng thú.
Một nhà báo có thâm niên thường quan tâm theo dõi lĩnh vực văn hóa ở Đà Nẵng cho rằng, ngoài nội dung chưa phong phú, sở dĩ chương trình ca, múa nhạc hiện nay thiếu sức hút vì các nhạc sĩ, biên đạo múa, lãnh đạo đoàn còn giữ cách nghĩ, cách làm cũ kỹ, lạc hậu, còn dừng lại ở việc tuyên truyền, cổ động thời bao cấp. Đơn cử, trong một số bài múa nội dung khác nhau nhưng diễn viên thường mặc trang phục giống nhau theo kiểu công nhân đeo yếm, cờ đỏ, dải lụa, các động tác tung lên, hạ xuống được sử dụng nhiều trong bài múa, dễ gây nhàm chán cho người xem. Người dân bây giờ không cần tuyên truyền cổ động nữa, họ cần yêu thành phố nhưng đừng dạy họ phải yêu như thế nào. Cũng theo nhà báo, điều cần thiết bây giờ là cần thay đổi tư duy nghệ thuật, tạo cơ hội biên đạo, điều hành đoàn nghệ thuật cho các bạn trẻ được đào tạo và học hành tử tế. Ngoài ra, trong hàng trăm suất do thành phố cử đi du học, liệu có ai đi học ngành biên đạo múa, dàn dựng chương trình hay không? Với Việt Nam, không cần đi quá xa mà chỉ cần đến Trung Quốc, Hàn Quốc để tiết kiệm chi phí. Thiết nghĩ, trong giai đoạn đẩy mạnh đầu tư cho văn hóa như hiện nay, đây là điều thành phố cần quan tâm, xem xét.
TIỂU YẾN