.

Biết mình giữa đám đông

.

Cùng mang đề tài mùa xuân và đề tài về ngựa, các họa sĩ Đà Nẵng đem đến cho người xem một món ăn tinh thần với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau tại Triển lãm Mỹ thuật Xuân Giáp Ngọ 2014.

Du khách đến xem Triển lãm Mỹ thuật Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: H.L
Du khách đến xem Triển lãm Mỹ thuật Xuân Giáp Ngọ 2014. Ảnh: H.L

Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng cho biết, dù chỉ có một tháng phát động nhưng anh em hội viên và cộng tác viên đã rất nhiệt tình hưởng ứng đề tài ngựa cho cuộc triển lãm đầu năm này, và kết quả thu được rất mỹ mãn là đã có 37 tác phẩm về ngựa trong tổng số 42 tác phẩm tham dự triển lãm. Vị tân chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố đã quyết thử sức mình trong vai trò mới là đặt đề tài cụ thể cho anh em họa sĩ, dù chỉ có một thời gian ngắn chuẩn bị.

Cái khó của việc đặt đề tài còn là yêu cầu vẽ cho đẹp để tham dự triển lãm. Và theo anh là những tác phẩm có chất lượng và lời khen tặng từ người xem đã minh chứng cho việc đặt đề tài thành công. Các tác phẩm được thể hiện bằng nhiều chất liệu: từ sơn dầu, màu nước, than tổng hợp đến khắc gỗ, inmeca và acrylic… đã làm nên sắc màu mùa xuân đầy ấn tượng. Trong đó, riêng các tác phẩm về ngựa thực sự đã thu hút nhiều sự quan tâm của người xem bởi những đường nét, bút pháp trẻ trung và đầy sáng tạo mà các tác giả thể hiện đã tạo nên sự đa dạng về hình tượng con ngựa.

Từ năm nay trở về sau, Hội Mỹ thuật sẽ trình làng các triển lãm về 12 con giáp vào đầu xuân. Ý tưởng này được anh em hưởng ứng nhiệt tình và các họa sĩ sẽ có 12 tháng để suy nghĩ về đề tài mình định thể hiện, chứ không lo “trả bài” cho đúng hạn như các tác phẩm ngựa vừa qua, họa sĩ Nam Kha cho biết.

Nói về phong cách sáng tác của các họa sĩ, đặc biệt là các họa sĩ trẻ tại cuộc triển lãm, họa sĩ Nam Kha cho rằng mỗi người có một cách cảm nhận riêng về đề tài mùa xuân và con ngựa trong sáng tác, có người thích chân dung, có người thích tĩnh vật; nhìn chung các tác phẩm đều có chất lượng, bố cục chặt chẽ, màu sắc đẹp… Những tác phẩm về ngựa đã thổi một luồng sinh khí mới cho phòng tranh. Tuy nhiên, để có những tác phẩm để lại ấn tượng với công chúng, có chiều sâu, theo họa sĩ Nam Kha, mỗi họa sĩ phải có niềm đam mê, nghiên cứu kỹ về tác phẩm mình định thể hiện và đầu tư nhiều thời gian, công sức vào tác phẩm.

Trong năm nay, Hội Mỹ thuật dự định sẽ đưa những tác phẩm mỹ thuật đến gần hơn với công chúng, với ý tưởng “nghệ thuật đường phố” - thành lập một câu lạc bộ họa sĩ trẻ, một câu lạc bộ họa sĩ sinh viên quy tụ sinh viên các trường kiến trúc, văn hóa nghệ thuật… Những bức tranh của các họa sĩ trẻ sẽ được một hội đồng thẩm định trước khi đưa tranh trưng bày. Đà Nẵng hiện có đội ngũ khoảng 20 họa sĩ trẻ/gần 60 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và có đến trên 50 họa sĩ là cộng tác viên, các câu lạc bộ trên hứa hẹn sẽ giới thiệu ra công chúng một lượng tác phẩm lớn trong thời gian đến. Ngoài ra, Hội Mỹ thuật còn nhắm đến mục tiêu là tranh nghệ thuật đường phố có giá thành vừa phải (tầm 3 triệu trở xuống) để khách du lịch có thể mua được.

Đà Nẵng đã trở thành một điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước, một điểm đến của mỹ thuật khu vực và cả nước. Nên trên con đường Bạch Đằng, các họa sĩ cũng dự định lập các ki-ốt du lịch, trưng bày tranh mỗi tháng 2 lần. Và Hội sẽ tổ chức triển lãm cho các em thiếu nhi, ươm mầm các tài năng hội họa cũng như sẽ mời giáo viên tiểu học và trung học cơ sở tham quan các triển lãm trưng bày, giúp giáo viên và học sinh hiểu biết về những tác phẩm mỹ thuật đương đại, hiểu hơn và có kiến thức về mỹ thuật.

Trong khi một bảo tàng mỹ thuật Đà Nẵng cần hội đủ ánh sáng và độ lùi về không gian để chiêm ngưỡng tác phẩm văn hóa nghệ thuật tạo hình vẫn chưa được hình thành, thì những ý tưởng, những cố gắng của anh em họa sĩ sẽ giúp người xem đến gần hơn các tác phẩm mỹ thuật và những cuộc triển lãm không còn cảnh đông lúc khai mạc và thưa thớt dần bóng người xem vào các ngày tiếp theo. Các họa sĩ vẫn luôn mong muốn sẽ có nhiều người đam mê nghệ thuật đến xem tranh tại các phòng trưng bày, tại triển lãm. Vậy thì những dự định kéo người xem đến gần hơn các tác phẩm hội họa chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng của người đam mê nghệ thuật. Và khi mỹ thuật thực sự có đất sống thì một bảo tàng đúng nghĩa chắc chắn sẽ sớm hình thành như mong đợi của người dân.

Họa sĩ Trần Hải, người có hơn 10 năm cầm cọ, đang là cộng tác viên của Hội Mỹ thuật Đà Nẵng, cho rằng tranh là đam mê, là sở thích, là hơi thở của mình, nhưng để sống được bằng tranh thì với anh và nhiều họa sĩ còn là điều khó. Là lớp sáng tác trẻ, nên anh cho rằng xu hướng sáng tác của nhiều họa sĩ hiện nay nghiêng về những vấn đề đương đại, phản ánh cuộc sống muôn màu muôn vẻ, thể hiện những điều dễ hiểu. Nhiều người khi hiểu một bức tranh mới dám mua bức tranh đó về treo trên tường nhà mình. Nắm được xu hướng đó thì sáng tác của các họa sĩ mới đến gần hơn người thưởng lãm, còn khi bức tranh đặt ngôn ngữ nghệ thuật cao quá, khó hiểu thì người xem không mua.

Mỗi năm, Hội Mỹ thuật Đà Nẵng tổ chức 4-5 cuộc triển lãm, xu hướng sắp tới có thể nhiều hơn, đây là cơ hội để các họa sĩ đóng góp tác phẩm của mình, giới thiệu đứa con tinh thần của mình ra với rộng rãi người xem. Và nói như họa sĩ Trần Hải là mỗi cuộc triển lãm còn giúp anh biết khuyết điểm nào giữa đám đông, điều này sẽ giúp mỗi người tự học hỏi, luôn làm mới mình trong tác phẩm hội họa.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.