.

Xây dựng thành phố xanh

.

1. Ở nhiều làng quê Việt Nam hiện nay vẫn duy trì một mỹ tục thấm đẫm chất nhân văn: khi trong nhà có người qua đời, gia chủ ra vườn đeo cho mỗi cây trồng một dải khăn trắng nhỏ, bởi theo quan niệm dân gian, cây cũng có linh hồn - vạn vật hữu linh, cũng biết để tang và biết khóc thương người quá cố. Chỉ những ai ứng xử với cây như ứng xử với người như thế mới có thể hết lòng quý trọng nâng niu từng nhành cây chiếc lá và chắc hẳn họ sẽ không bao giờ đành tâm đốn hạ dẫu chỉ một cây nếu như cái cây ấy đang sống và đang cần tiếp tục sống để làm chứng nhân lịch sử cũng như để che bóng mát và tạo không gian xanh cho đời cho người.

Nói vậy để thấy cây có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng thành phố xanh - tạo ra không gian xanh đô thị. Đất đô thị vốn sầm uất chen chúc thậm chí chật chội vì nhu cầu ở và làm việc của cư dân đô thị ngày càng lớn, nhưng không vì thế mà tư duy quy hoạch đô thị hiện đại không quan tâm đúng mức - và thậm chí chính vì thế mà tư duy quy hoạch đô thị hiện đại phải quan tâm đúng mức - đến cây, từ dành chỗ trồng cây cho tới chọn cây trồng thích hợp.

Công viên 29-3, một không gian xanh cho người dân thành phố.Ảnh: MINH TRÍ
Công viên 29-3, một không gian xanh cho người dân thành phố.Ảnh: MINH TRÍ

2. Dành chỗ trồng cây đô thị thường nhằm cả hai hướng: phân tán và tập trung - phân tán theo từng tuyến phố cũng như từng công trình công cộng - cho nên Đà Nẵng mới có chợ Cây Me đường Hoàng Diệu hay chợ Vông Đồng đường Trưng Nữ Vương - và tập trung tại các công viên cũng như trên các… núi đồi. Đà Nẵng chưa có nhiều công viên cho nên còn ít những vườn cây trong phố, trong khi nhiều đô thị trên thế giới nổi tiếng là thủ phủ không gian xanh đã quy hoạch cả rừng cây - chứ không chỉ là vườn cây - giữa lòng phố thị.

Ngay con đường ven biển Bình Minh ở Cửa Lò, Nghệ An cũng ẩn mình sau một cánh rừng phi lao xanh tốt. Mấy năm gần đây có một vài nơi ở Đà Nẵng trước dự kiến quy hoạch làm công viên, tạo thêm lá phổi tự nhiên nhằm chống ô nhiễm bụi bẩn cho người dân thành phố, nhưng sau lại điều chỉnh quy hoạch để xây dựng công trình khác; hoặc như bên Sơn Trà vốn có khu đất trống chung quanh cây me cổ thụ Phước Trường - nơi nhân dân Khu Đông từng chọn làm quảng trường chào mừng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công - nếu giữ nguyên làm công viên để trồng cây chắc sẽ tốt hơn nhiều so với việc hình thành một khu dân cư mới như hiện nay.     

3. Chọn cây trồng thích hợp là câu chuyện mang tính toàn cầu và là yếu tố tạo thương hiệu cho từng đô thị thậm chí cho từng quốc gia, chẳng hạn. Nga từng được mệnh danh là xứ sở của cây bạch dương, Canada từng được mệnh danh là xứ sở của cây phong lá đỏ hay Campuchia từng được mệnh danh là xứ sở của cây thốt nốt ngọt ngào… Trên mỗi tuyến đường, nhất là tuyến đường lớn có cả vỉa hè và dải ngăn cách, đang có xu hướng chọn trồng một loại cây nhất định, chẳng hạn đường này trồng toàn cây hoa sữa, đường kia trồng toàn cây bằng lăng, đường nọ trồng toàn cây phượng vĩ… Tất nhiên chọn cây trồng cho thích hợp không hề dễ dàng.

Ở Đà Nẵng từng lưu truyền giai thoại kể rằng sau một thời gian triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố nhằm xác định đâu là loại cây trồng thích hợp nhất với cảnh quan và thổ nhưỡng của địa phương, các tác giả đề tài đã đi đến kết luận: chỉ có thể chọn trồng loại cây… Thích-Hợp! Đó là chưa kể thích hợp hay không còn tùy vào cách trồng, chẳng hạn cây hoa sữa có mùi hương rất thơm nhưng nếu trồng quá dày sẽ làm cho nồng độ mùi hương vượt ngưỡng và gây khó chịu, khó chịu đến mức cuối năm 2011 Đà Nẵng phải đành chặt bỏ hơn một nghìn cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh.

4. Trồng cây đã khó, chăm cây còn khó hơn nhiều. Càng khó chăm hơn khi cây Đà Nẵng chưa kịp lớn đã phải liên tục đương đầu với nhiều cơn gió mạnh trên cấp 10 bởi thành phố bên sông Hàn là nơi… thường xuyên sống chung với bão. Đó là chưa kể trên đường đô thị hóa, diện mạo phố phường Đà Nẵng ngày nay khang trang hiện đại đường thông hè thoáng hơn xưa, nhưng chắc người Đà Nẵng còn phải chờ rất lâu nữa và phải có khát vọng lớn hơn nữa thì mới có thể trồng lại những hàng cây một thời “xòe ô che nắng - râm mát đường em đi” trên các tuyến phố Lê Duẩn, Quang Trung, Nguyễn Chí Thanh…

Và trên đường đô thị hóa, không phải lúc nào người Đà Nẵng cũng có cách ứng xử đúng mực với những Cây Di sản (Heritage Trees) giống như mười năm trước đây - khi xây dựng Công viên Nước năm 2003 - đã nhờ Thần Đèn Nguyễn Cẩm Lũy “di dời” và “bố trí tái định cư” đối với hai cây đa đình Nại Nam. Người viết bài này cũng từng khẩn thiết kêu gọi: hãy giữ lấy núi Phước Tường, không chỉ bởi cái đẹp và độc đáo của một dãy núi giữa lòng thành phố đang dần mất đi do tình trạng khai thác đá hết sức hung hăng như hiện nay, với hàng trăm xe tải, xe xúc khoan ủi cùng hàng tấn bộc phá ghim vào lòng núi mỗi ngày, mà còn bởi cây xanh trên núi theo đó đã bị đốn hạ đến đau lòng...

5. Xây dựng Đà Nẵng trở thành Thành phố đáng sống là một mục tiêu hay nói đúng hơn là một khát vọng mà Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã đề ra từ mấy năm nay, được nhân dân đồng tình hưởng ứng và chờ đợi. Một thành phố đáng sống với chất lượng cuộc sống ngày càng cao đòi hỏi phải là một thành phố không chỉ có nhiều cây xanh hơn mà còn phải có không gian đô thị hài hòa thân thiện với thiên nhiên. Muốn như vậy thì người Đà Nẵng - từ các nhà quản lý đô thị cho đến những người trực tiếp lao động trên lĩnh vực làm xanh đô thị - không chỉ có khát vọng mà còn phải có những hiểu biết cần thiết về cơ sở hạ tầng xanh và về chiến lược xây dựng đô thị xanh…

Xuất phát từ cách đặt vấn đề như vậy nên vào tháng 5 năm 2012, người Đà Nẵng đầu tư một khoản kinh phí khá lớn lên tới hàng chục ngàn bảng Anh để tổ chức khóa bồi dưỡng “Xây dựng thành phố xanh” và mời cô giáo Sandra cùng cô giáo Danielle, hai giảng viên của trường Đại học Tây Anh - Vương quốc Anh trực tiếp sang Đà Nẵng giảng dạy. Điểm nhấn của khóa bồi dưỡng này là đã tổ chức một buổi tham quan thực địa - thực chất là một buổi dạy-học lộ thiên, ngay tại hiện trường với những tình huống thực tế rất Đà Nẵng… Tất cả đều nhằm hướng tới một Đà-Nẵng-thành-phố-xanh!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.