.

Đại công trường giữa rừng già

.

Từ năm 1959, giữa rừng già Trường Sơn dần hình thành một con đường mang mục đích hành quân, vận chuyển vũ khí, khí tài, lương thực từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đó đến ngày giải phóng, đế quốc Mỹ đã không thể ngăn chặn được tuyến chi viện chiến lược này, dù đã trút xuống đó hàng vạn tấn bom, biến nơi đây thành chiến trường ác liệt.

Bà Trần Thị Thanh Hương ngày ấy bây giờ là Giám đốc Công ty Tập đoàn Phú Thái chi nhánh Đà Nẵng.
Bà Trần Thị Thanh Hương ngày ấy bây giờ là Giám đốc Công ty Tập đoàn Phú Thái chi nhánh Đà Nẵng.

Nhớ ngày đi soi đường

Những ngày đầu thành lập, “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”- 559 vừa di chuyển vừa khảo sát mở tuyến đường,  mọi hàng hóa đều được vận chuyển bằng sức người trên những chiếc gùi, thồ mang vũ khí, đạn dược vượt qua những dốc cao thẳng đứng trên núi rừng Trường Sơn. “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” là nguyên tắc giữ bí mật của Đoàn 559 lúc bấy giờ. Dưới tán rừng Trường Sơn, từng tốp người ngày nghỉ, đêm vạch lá xuyên rừng.

 Ông Phan Thanh Chỉ (79 tuổi), từ miền Nam tập kết ra Bắc tháng 5-1954 sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết thì đến tháng 9-1959, ông Chỉ có mặt trong Tổng đội 22, Đoàn 70, Sư đoàn 324 quay lại miền Nam thực hiện nhiệm vụ mới. Đến Quảng Bình, đoàn được lệnh dừng chân tại Khe Bang, điểm giáp Quảng Bình-Quảng Trị học đan gùi, cõng gùi theo cách của người dân tộc, làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn, vận chuyển vũ khí qua lại sông Ba Lòng, chảy từ rừng núi Đông Trường Sơn xuôi về đồng bằng qua Thành cổ Quảng Trị.

Ông Chỉ nhớ lại: Ngày đó, vì chưa có đường nên phải soi đường. Mỗi lần vận chuyển vũ khí, lương thực từ bên này sang bên kia sông Ba Lòng, chúng tôi thường đi thành tốp 10 người. Việc di chuyển diễn ra hoàn toàn vào ban đêm để tránh bị địch phát hiện, mỗi người đi cách nhau ba bốn chục thước để giữ khoảng cách an toàn. Chúng tôi vượt sông bằng bè, ở những đoạn nước nông, cố gắng không để lại dấu bè trên cát. Khi qua suối, mỗi người phải bước đúng hòn đá mình đã đánh dấu trước nhằm tránh để lại đường mòn để địch phát hiện. Trong đêm tối, giữa núi cao vực sâu, mọi sự di chuyển đều diễn ra hết sức cẩn thận, vừa đi vừa ghi nhớ đoạn đường mình đã qua để khi trở về không bị lạc”.

Cũng theo ông Chỉ, Trường Sơn thời gian này có rất nhiều cọp, beo. Giữa um tùm cây lá, nhiều nơi bị lá mục che phủ, vắt bu kín nhảy lên bám vào người hút máu. Chỗ ẩm ướt, chỗ lầy lội, chỗ đá tai mèo dựng đứng, ông phải bỏ dép đi chân đất để dễ bám trụ. Có lần, trên đường quay về giữa trời mưa, đèn dầu bị tắt, giữa đêm tối mịt mùng không thể định hướng, ông bị lạc xuống suối. Rạng sáng hôm sau, đồng đội cầm đuốc đi tìm phát hiện ông nằm co ro trên bãi đá nhô lên giữa suối để tránh cọp, beo đi kiếm mồi. Không ít lần, ông Chỉ suýt chết vì bị chuột rút giữa dòng Ba Lòng khi phải bơi qua sông khi nước đang chảy xiết để kịp thời chuyển tin quan trọng qua phía bên kia sông.

Ông Cầm Bá Trùng cùng người chị dâu từng là Thanh niên xung phong trên núi rừng Trường Sơn.   Ảnh: T.Y
Ông Cầm Bá Trùng cùng người chị dâu từng là Thanh niên xung phong trên núi rừng Trường Sơn. Ảnh: T.Y

Đường là mạch máu

Trong những năm chống Mỹ, trọng điểm 050 ở Quảng Bình thuộc Binh trạm 12 được Mỹ ví von “Cổng trời”, là con đường huyết mạch, nơi cách 15 phút là có một đợt dội bom B52 của đế quốc Mỹ. Những người lính từng vượt qua trọng điểm này đều nói rằng, đó là “con đường tử thần”, là “túi bom” mà đế quốc Mỹ thả xuống Trường Sơn. Nơi chứng kiến hàng ngàn chiến sĩ ta ngã xuống, hàng trăm chiếc xe chở hàng vào tiền tuyến bị bốc cháy dữ dội.

Ông Phan Văn Thắng nhà ở 526/17 Trưng Nữ Vương kể rằng năm 1965 từ Nghệ An, ông theo Đoàn 500 Cục hậu cần vào Quảng Bình với hành trang trên vai là cuốc xẻng, súng đạn, lương thực, chăn màn nặng chừng 35, 40 ký. Năm đó ông 18 tuổi, lên đường vào miền Nam với tinh thần “tất cả vì miền Nam thân yêu”. Vào Quảng Bình, ông và đồng đội đặt chân lên các trọng điểm Khe Ve, La Trọng, Khe Núc, Khe Tang đến hết tuyến đường 12 sang tận Tây Trường Sơn ở vùng Hạ Lào. Cũng thời điểm này, không lực Hoa Kỳ phát hiện ta mở tuyến đường Trường Sơn nên tăng cường chống phá, đất đá mềm nhũn thành vôi. “Đường nhỏ thì chặt cây rừng, đường lớn thì dùng bộc phá phá đá lấp hố bom để xe thông tuyến.Trong quá trình mở đường Trường Sơn, Đoàn 559 cử lực lượng công binh đi trước mở đường, cưa vào 2/3 bán kính thân gỗ, đảm bảo cây không ngã nhưng khi xe tăng xuất phát thì cây bị húc đổ nằm rạp xuống khiến địch không ngờ tới”, ông Thắng nói.

Từ năm 1969 đến 1972, đường Trường Sơn hứng chịu nhiều loại bom đạn của địch. Đặc biệt là bom từ trường, một loại bom khi vừa rơi xuống không nổ ngay mà khi xe bộ đội ta chạy ngang, dựa vào sức nóng của động cơ phát nổ, gây thương tích cho nhiều người. Nhiệm vụ phá bom lúc này đặt trên vai công binh và lực lượng TNXP. Theo ông Thắng, để phá được bom từ trường, ông dùng sợi dây đồng, quấn quanh quả bom rồi lui lại khoảng cách an toàn bấm 4 viên pin kích nổ. Lúc thực hiện, trên người tuyệt đối không được mang vũ khí, kể cả nịt cũng phải tháo ra để tránh nhiễu sóng.

Nói về nhiệm vụ mở đường, làm cọc tiêu cho xe qua trọng điểm, ông Cầm Bá Trùng, Đại đội 1 công trình, thuộc Binh trạm 33 nói, từ 3-1972, bộ đội ta tranh thủ tuyến đường kín và tuyến đường trống để xe có thể chạy ngày (đường kín) và chạy đêm (đường trống) kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam. “Xe chạy ban ngày rất dễ bị phát hiện nên ta quyết định mở những đoạn đường kín dài hàng chục km bằng cách chặt cây rừng hai bên đường, phủ vào nhau giống mái nhà để xe có thể chạy phía dưới. “Đường là mạch máu, nếu đường tắc đồng nghĩa với mạch máu tắc” hay “máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc” là tâm niệm của những người lính công binh, TNXP thời ấy. Từ khi tuyến đường Trường Sơn được mở, đến ngày giải phóng, chưa đêm nào đường Trường Sơn được ngủ yên”, ông Trùng nhớ lại.

“Kiện tướng chặt cây” giữa núi rừng Trường Sơn

 Năm 1965, tròn 16 tuổi, Trần Thị Thanh Hương có mặt trong đoàn quân vào Nam, trong màu áo TNXP bảo vệ tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Sau gần 2 tháng hành quân từ Hà Tĩnh vào đến km0 đường 128 trên đất Lào, bà được bổ sung vào Tiểu đoàn 31, Binh trạm 12 thuộc Đoàn 559, lúc này có 198 nữ. Bất kể ngày đêm, hễ tiếng bom ngớt là đội quân tóc dài này tỏa ra mặt đường bảo đảm giao thông với khẩu hiệu “tắt giờ, tắt phút chứ không tắt ngày”. Khi ấy, trong suy nghĩ của bà Hương, núi rừng Trường Sơn như một đại công trình. Phía trên máy bay địch quần thảo, thả bom, phía dưới những người lính cụ Hồ vẫn quyết tâm với công việc mở đường, lấp hố bom của mình.

Suốt ba năm đầu kể từ ngày gắn bó với núi rừng Trường Sơn, bà Hương luôn là người ngồi trực ở hang, nghe ngớt tiếng nổ ở đâu là chạy ngay đến đó, quan sát địa hình rồi nhanh chóng quay về báo chỉ huy. Có lần, địch bất ngờ thả bom ở km5, đường 128, Hương vọt chạy ra giương súng bắn 3 phát-tín hiệu tắc đường. Ít phút sau, Tiểu đội của Hương kịp đến để làm nhiệm vụ.

Tháng 4-1966, bà Hương bị thương nặng phải đưa vào bệnh viện dã chiến 128 chữa trị. Tại đây, bà thấy nhiều thương binh không thể tự đi tiểu tiện (trong khi lực lượng quân y thiếu người) phải tiểu bừa lên nền đất. Trước cảnh đó, người con gái ở tuổi trăng tròn một mình vào rừng sâu, chặt những ống nứa lớn mang về, giúp cho từng đồng đội đang phải đau đớn nằm một chỗ khi tiểu tiện. Ngày trở về đơn vị, bà được bệnh viện tặng giấy khen và 1 tạ lợn hơi về cho đơn vị.

Ngày ở chiến trường, bà Hương chỉ có 40 ký, nước da trắng trẻo, giọng nói lảnh lót nên được đồng đội gọi thân mật là “Thủ lĩnh chim chích” hay “kiện tướng chặt cây”. Những năm đóng quân ở bản Hô Xa Lây, thời tiết vô cùng khắt nghiệt, 6 tháng mưa dầm, 6 tháng nắng khô. Mỗi nữ TNXP chỉ có mỗi bộ đồ, đến nỗi khi thực hiện nhiệm vụ san lấp đường quần áo ướt chưa kịp hong khô, các cô phải cởi áo vắt hai bên đường, trên người chỉ còn mỗi chiếc quần đùi do bộ đội gửi tặng. Cuối năm 1967, từ Tây Trường Sơn, bà Hương được điều về làm đại đội trưởng Đại đội 752, đóng quân tại đường 12, 15, 20 thuộc đường mòn Hồ Chí Minh. Non 19 tuổi, bà đích thân ra Thanh Hóa tuyển thêm 3.000 nữ TNXP. Lãnh đạo một đoàn quân nữ mau cảm xúc, sống tình cảm, bà Hương lúc nào cũng gương mẫu đi đầu, mỗi ngày chặt 50 cây (trong khi các TNXP khác trung bình từ 25 đến 30 cây), dài 4m để lót đường thông xe, hơn hẳn sức vóc ốm yếu của mình. Cũng trong năm này, bà Hương được Bác Hồ gửi tặng bộ quần áo TNXP, được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu Vì thế hệ trẻ.  

Còn nhiều câu chuyện mà mỗi người lính công binh, TNXP một thời gắn bó với đường mòn Hồ Chí Minh kể lại cho chúng tôi nhưng đọng lại sau tất cả là tình thương đồng đội, là nỗi nhớ một thời mang cuốc xẻng, bộc phá trên vai. Ngủ hầm, ăn cháo cầm hơi mà vẫn một lòng vững tin vào ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.