.

Đặt sách vào tay con

.

Không có nghĩa là bạn mua một cuốn sách tặng con, bảo “con đọc sách đi”, mà là chuyện bạn sẽ cùng con đọc quyển sách ấy, trao đổi với con về những nhân vật trong sách, lắng nghe những cảm nhận của con về cuốn sách… đó là những điều mà nhiều bậc cha mẹ truyền được tình yêu sách của mình sang con, giúp con có được thói quen đọc sách. Đặt sách vào tay con, một ngày nào đó, bạn sẽ nhận thấy việc mình làm ích lợi vô cùng, vì bạn đã giúp con có một cuộc sống tinh thần phong phú.

Bé Cát Thy trả lời mẹ về những hành tinh trong hệ mặt trời. Dù mới 5 tuổi, chưa biết hết mặt chữ nhưng bé đã nhớ và thuộc hàng chục cuốn sách. Ảnh: H.N
Bé Cát Thy trả lời mẹ về những hành tinh trong hệ mặt trời. Dù mới 5 tuổi, chưa biết hết mặt chữ nhưng bé đã nhớ và thuộc hàng chục cuốn sách. Ảnh: H.N

Đọc sách cho trẻ ngay từ nhỏ

Nhìn bé Nguyễn Ngọc Cát Thy (5 tuổi) lần giở từng trang trong bộ sách khám phá vũ trụ, xem hình và nói về các đặc điểm của sao Hỏa, sao Diêm Vương, về các hành tinh trong hệ mặt trời, bất kể người nào cũng nghĩ bé biết đọc từ rất sớm. Nhưng không, những kiến thức mà Cát Thy nói cho bạn nghe là những gì bé nghe mẹ đọc và bé học cách ghi nhớ bằng cách trả lời những câu hỏi của mẹ, sau đó nhìn vào hình vẽ trong sách và nói lại những điều bé hiểu.

Chị Mai Đình Phố Châu (nhân viên phụ trách phòng Đọc Thiếu nhi của Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng) mẹ của Cát Thy bắt đầu đọc sách cho con nghe từ khi bé mới 2 tuổi. Cũng bắt đầu ngày đó, Cát Thy đã biết kể chuyện, sau những lần mẹ đọc sách cho bé nghe, và dù có đi đâu, kể cả đến phòng khám hay bệnh viện, bé đều mang theo những cuốn sách yêu thích. Từ khi được mẹ đọc sách, bé bắt đầu nói theo những câu trong sách, rất đúng ngữ pháp. Bé chưa được học chữ nhưng đã biết từng cụm 2 từ mới (như cách học tiếng Anh), thuộc rất nhiều sách và nhìn hình ảnh trong sách để tưởng tượng ra câu chuyện trong đầu bé (có thể khác trong sách).

Con gái lớn của chị Phố Châu, bé Nguyễn Ngọc Đoan Thy (9 tuổi) cũng được mẹ đọc sách cho nghe ngay từ nhỏ, khi đã biết chữ bé tự đọc và theo mẹ thì Đoan Thy rất thích học ngoại ngữ và có lượng từ vựng (tiếng Việt) rất lớn. Chị Phố Châu cho biết, khi đọc sách cho con, có thể bé sẽ hỏi mình liên tục và bố mẹ nên kiên trì trả lời cho con; đừng để trẻ mất dần hứng thú nếu bạn trả lời con cho “xong chuyện”. Và nên kết hợp cho bé đọc sách và vẽ. Những gì bé nắm được trong cuốn sách sẽ được bé thể hiện qua những bức tranh.

Với Huỳnh Ngọc Hạ Vy (15 tuổi) thì chiếc thẻ thư viện do Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng cấp trở thành vật “bất ly thân” từ hồi em còn bé. Hồi đầu mẹ Thu Hà và bố Huỳnh Anh Dũng đọc cho bé nghe, lớn lên một chút thì bé tự đọc. Và rồi cả mẹ và con cùng là “tín đồ” của thư viện. Những cuốn sách ban đầu mẹ đọc cho Hạ Vy nghe là “Cánh buồm đỏ thắm”, “Truyện cổ Andersen”…

Anh Huỳnh Anh Dũng là kỹ sư tên lửa của Sư đoàn Phòng không 375, sau mỗi chuyến công tác trở về là yêu cầu con gái nói cho bố biết về các con vật trong những cuốn tranh truyện con đọc được. Khi con lớn hơn, anh chị giới thiệu cho con những cuốn sách nổi tiếng mình từng đọc; với những cuốn sách mới xuất bản sau này thì hai vợ chồng cùng phân công nhau đọc, gọi là “kiểm duyệt” qua rồi mới đưa cho con. Mấy năm gần đây, khi Hạ Vy lớn hơn thì cô bé tìm đọc những cuốn sách hay được giới thiệu trên báo, trên tivi rồi giới thiệu lại cho ba mẹ tìm đọc. Ngoài ra, cô bé học rất khá môn văn, tiếng Pháp và học được kỹ năng đọc sách theo cách nắm nội dung cốt lõi hơn là đọc kỹ từng câu.

Lấy kiến thức, nhân cách, lý tưởng sống từ sách

Ngoài Hạ Vy, anh  Dũng còn có một cậu con trai chuẩn bị lên lớp 5, rất mê truyện tranh như Doremon, Conan. Chỉ gần đây, cháu mới chuyển sang đọc những cuốn sách văn học và cậu bé tuyên bố lần đi thư viện tới đây sẽ mượn những cuốn sách của tác giả Jack London.

Theo chị Phố Châu, các bậc phụ huynh nên dành ít thời gian đọc sách cho con nghe, vì “khi con nghe được những điều mới lạ từ sách, con sẽ ham hiểu biết và tìm hiểu thế giới xung quanh ở mọi lúc mọi nơi”. Từ kinh nghiệm của một người mẹ, chị Phố Châu cho rằng nên phổ biến cách thức đọc cho con từ sớm thì văn hóa đọc mới khởi sắc.

Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, khi các em nhỏ biết đọc sách, cha mẹ nên nuôi dưỡng thói quen của các em bằng cách theo sát để khuyến khích, động viên việc đọc của con; hỏi con về cốt truyện và các nhân vật trong sách; thảo luận với con những ý tưởng nhà văn chuyển tải đằng sau những câu chữ đó.

Anh Dũng cho rằng giai đoạn đầu không phải em nào cũng bị sách cuốn hút, nên cha mẹ phải theo con, cùng con đọc sách, nói cho con điều hay trong cuốn sách đó. Với mỗi đứa trẻ sở thích về sách sẽ khác nhau, nên đưa con đến với sách cũng khác nhau, khi đã thích thì trẻ sẽ nghiền ngẫm. “Nhiều người không để ý, cho con sống cuộc sống như của người lớn - là đi làm về, nghỉ ngơi bằng cách xem ti-vi, xem các phim cũng không chọn lọc.

Các cháu thấy đủ thông tin, không cần đọc sách. Hay một số người dẫn con đi nhà sách, con thích cuốn nào thì mua mà không cần cha mẹ xem qua. Điều đó không phải là thương mà gây hại cho con. Cha mẹ nên hướng dẫn cho con đọc từng cuốn sách. Vì con người ngoài lấy kiến thức từ sách, mà về mặt nhân cách và lý tưởng sống có được đều nhờ sách. Chúng tôi nghĩ ngoài vật chất, cha mẹ nên cho con một cuộc sống phong phú về mặt tinh thần, nếu không đam mê, không mộng ước trở thành người này người kia thì không thể gọi là cho con cuộc sống đầy đủ được”, anh Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, Trưởng phòng Công tác Bạn đọc, Thư viện Tổng hợp Đà Nẵng cho biết hiện thư viện có nhiều gia đình có thế hệ thứ 2, thứ 3 cùng làm thẻ tại đây. Cách đây 2 năm thư viện còn mở rộng đối tượng làm thẻ cho những em bé 2 tuổi. Từ năm 2009 đến nay thư viện tổ chức trao giải cho những thanh-thiếu nhi đọc nhiều sách, giữ gìn sách đẹp qua chương trình “Lễ tổng kết và phát động phong trào thanh-thiếu nhi đọc sách hè”; và số lượng trẻ em đến thư viện mượn sách luôn chiếm 1/2 đến 1/3 trên tổng số lượt người đến thư viện.

Muốn các em đọc sách, giữ thói quen đọc sách và nuôi dưỡng nó, có lẽ nhà trường nên góp sức cùng phụ huynh, yêu cầu học sinh mượn sách văn học, khoa học, lịch sử ở thư viện, hằng tháng (có thể sau đó là hằng tuần) tổ chức những buổi nói chuyện, phát biểu cảm nghĩ về những cuốn sách các em đã đọc. Điều này nên tổ chức như một buổi học ngoại khóa hoặc lồng ghép trong các buổi học ở môn Giáo dục công dân, giúp học sinh hình thành một thói quen đọc sách từ trong nhà trường.

HOÀNG NHUNG
 

;
.
.
.
.
.