.

Làm bạn cùng sách

.

Sách dặn rằng, mỗi cá nhân đều có cả một bầu trời, một tương lai, một biển cả của lo âu và hạnh phúc để mỗi người tự nghiệm ra lẽ sống ở đời.

 Những trang sách là tài sản lớn nhất của đời người. Nó mang lại trí tuệ và niềm vui cho người hiểu sách, yêu sách.                   Ảnh: M.T
Những trang sách là tài sản lớn nhất của đời người. Nó mang lại trí tuệ và niềm vui cho người hiểu sách, yêu sách. Ảnh: M.T

Tuổi thơ của tôi không có may mắn được lang thang trên những cánh đồng xanh mượt, được soi mình vào mắt bò đen láy, óng ánh nước, được thong dong hít thở căng lồng ngực mùi thơm rơm rạ trong những lần nằm vắt vẻo trên lưng trâu ngắm trời, hay được bay bổng cùng cánh diều trên triền đê. Thế nhưng, tuổi thơ tôi lại may mắn được làm bạn với sách, tình bạn kéo dài đến tận bây giờ và có lẽ là mãi về sau.

Hình ảnh ghi dấu đậm nét nhất trong trí nhớ thời thơ ấu của tôi là hình ảnh về cái tủ sách của ba. Với con bé suy dinh dưỡng nặng, lùn tẹt ngày ấy, tủ sách tưởng chừng như là cả một trái núi sừng sững, xám xịt trong nhà. Ba ngày ấy là thầy giáo, ngoài thời gian đứng lớp, công việc dường như thú vị nhất của ba là ngồi như thiền trước trang sách và được đem từng quyển trên cái “trái núi” khổng lồ kia xuống cẩn thận lau chùi và xếp y lại chỗ cũ. Ba tôi thường gọi mỗi lần tổng vệ sinh cho tủ sách là một “cuộc đại cách mạng”. Sách trên tủ, trên bàn (ba không bao giờ để sách trên giường hay ghế) và nằm tràn từng chồng, từng chồng xuống sàn nhà. Không gian nhỏ xíu của gian nhà tập thể được trưng dụng hoàn toàn cho sách.

Ngày ấy tôi chưa biết đọc, chỉ biết ngồi mân mê, hít hà từng quyển sách và nói luôn miệng. Tôi kể chuyện, tôi hỏi và đáp lại tôi chỉ là tiếng “ừ, ừ” của ba bởi ba đang thả hồn vào từng quyển sách trên tay (ba không chỉ lau chùi mà còn đọc lướt lại toàn bộ, khiến cho “cuộc đại cách mạng” thường kéo dài cả tháng trời). Mặc dù là cuộc hội thoại một chiều nhưng nó chưa bao giờ khiến tôi nhàm chán mà bỏ sách, bỏ ba để đi theo lời rủ rê của chúng bạn.

Tôi không nhớ mình đã với tay lấy sách đọc từ lúc bao nhiêu tuổi, chỉ nhớ rõ ràng rằng, 3 quyển sách đầu tiên mà tôi đọc trong kho tàng sách là “Bông hồng cài áo” của tác giả Thích Nhất Hạnh, “Lu-I Pax-to” và “Thomas Edison” của tác giả Đức Hoài. Tôi chọn 3 quyển sách này bởi đây là những quyển… mỏng nhất trong tủ sách của ba, thế nhưng, đến tận bây giờ, nghĩ lại tôi vẫn cho rằng đây là may mắn của mình bởi lần đầu tiên làm bạn với sách, tôi đã được bạn “đãi” bằng những câu văn quá đỗi ngọt ngào về tình mẹ, nhưng câu chuyện quá đỗi thú vị về cuộc đời của thiên tài Paxto và Edison.

Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương lại là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành… Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm thương yêu. Mẹ là giáo sư dạy về thương yêu, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời… Có lẽ, tự trong vô thức, những câu văn này trong “Bông hồng cài áo” hay cách mà mẹ Edison bằng tình yêu thương vô điều kiện đã dạy dỗ, khích lệ Edison - người con bị thầy cô cho rằng quá kém cỏi để đến trường - tin tưởng vào khả năng của mình, đến với việc đọc sách, nghiên cứu khoa học… đã dạy tôi bài học thiêng liêng về tình mẫu tử, về cách thể hiện tình cảm mà một người con dành cho mẹ.

Và cách mà người cha nông dân của Paxto truyền niềm đam mê đọc sách, ý chí ham học, sự hy sinh vì con đã truyền cho tôi tình cảm dành cho ba. Sách đã dạy tôi rất nhẹ nhàng nhưng bền bỉ và sâu sắc về mọi điều trong cuộc sống, giúp tôi vững vàng hơn, lý trí hơn khi đứng giữa các quyết định đúng - sai của cuộc đời. Tôi nhớ, cố nhà văn, dịch giả, ngôn ngữ học, nhà giáo dục Nguyễn Hiến Lê từng nói: “Nhờ sách mà tôi thấy thời gian không quá dài và giữ được tâm hồn khỏi trụy lạc”.

Tôi may mắn được học ở Úc một thời gian, và trong suốt giai đoạn đó, tôi được hiểu hết tình yêu sách và cách để lan truyền tình yêu đó cho thế hệ tiếp theo của người Úc. Ngay từ tiểu học, tất cả các em nhỏ đã được chọn một ngày trong tuần làm ngày đọc sách, trong ngày đó, các em được khuyến khích đọc, được mượn, được mua tặng và được chia sẻ với nhau những quyển sách hay mà mình có. Thói quen này kéo dài cho đến mãi về sau và dường như hình thành phong tục tặng sách của người Úc. Tại trường tôi học, sinh viên có thể tự do thoải mái đặt chân lên bàn hay làm bất kỳ điều gì mình muốn tại giảng đường. Thế nhưng, tại thư viện, nơi mở cửa xuyên đêm để phục vụ sinh viên và giảng viên, thì điều này là không thể.

Tại bất kỳ trường đại học nào của thành phố Sydney, tòa nhà cao nhất, đẹp nhất, trang trọng nhất, hiện đại nhất của trường, tòa nhà đó sẽ là thư viện. Bước vào thư viện luôn cho tôi cảm giác như bước vào thánh đường, mọi con chiên ngoan đạo đều im lặng, nghiêm trang cúi mình bên trang sách. Người Úc đọc sách không theo số lượng, họ thường đọc kỹ lưỡng, ghi chép cẩn thận, có kế hoạch, theo từng chủ đề định sẵn để lĩnh hội nhiều nhất kiến thức từng trang sách mang lại. Ở một số môn học, thầy cô giáo đôi khi sẽ tặng sách cho người có kết quả học tập cao nhất lớp. Lý giải cho việc vì sao món quà lại luôn luôn là sách, các thầy cô giáo nhẹ nhàng cho biết: “Bởi vì sách là món quà xứng đáng nhất”.

Với tình yêu dành cho sách, tôi đã tự chọn cho mình cách để đánh giá giàu nghèo của một người và một gia đình theo cách của riêng tôi. Với tôi, một người không bao giờ đọc sách thì dù có nhiều tiền đi chăng nữa thì họ vẫn rất “nghèo”. Với tôi, ngôi nhà có nội thất hiện đại, đẹp đẽ đến bao nhiêu chăng nữa, nhưng không có một góc, dù nhỏ thôi, nhưng trang trọng, để sách thì gia đình ấy vẫn thiếu một cái gì đó trân quý của cuộc đời. Tâm sự cùng “mọt sách”, bạn tôi chia sẻ về tập sách “Đi một ngày đàng” (NXB Thời đại 2012) của nhiều tác giả, quyển sách nhỏ nhưng bạn khẳng định là quyển sách hay nhất bạn từng đọc trong mấy năm gần đây.

Các tác giả đều gặp nhau ở một lời khuyên nhỏ muốn gửi đến bạn đọc: “Khi học, phải học sao cho giỏi nhưng khi sống, phải sống sao để trở thành một người tốt”. Thế nào là một người tốt? Đây có lẽ là một trong những câu hỏi khó trả lời nhất, tuy nhiên, sách dặn rằng, mỗi cá nhân đều có cả một bầu trời, một tương lai, một biển cả của lo âu và hạnh phúc để mỗi người tự nghiệm ra lẽ sống ở đời. Và sách sẽ là người bạn giúp quá trình “nghiệm” ra lẽ sống đó trở nên thi vị hơn, chuẩn mực hơn, ý nghĩa hơn. Khẳng định là vậy nhưng bạn “mọt sách” vẫn không quên dặn tôi rằng: “Hãy tỉnh táo khi chọn sách, không phải bất kỳ cái gì có chữ và được kẹp giữa 2 cái bìa cũng là sách”.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.