.

Tương lai năng lượng của Đà Nẵng nằm trên... mái nhà

.

Trước thực trạng các nguồn năng lượng hóa thạch cạn kiệt và sẽ hết trong vài thập niên tới vì sử dụng quá nhiều, nhân loại đang hướng đến một vị “cứu tinh” với những hiệu năng vượt trội hơn cả về kinh tế lẫn môi trường: năng lượng mặt trời.

Hệ thống nước nóng NLMT ở Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng cấp nước nóng cho bếp ăn 3.000 suất/ngày. (Ảnh do SolarBK cung cấp)
Hệ thống nước nóng NLMT ở Công ty Mabuchi Motor Đà Nẵng cấp nước nóng cho bếp ăn 3.000 suất/ngày. (Ảnh do SolarBK cung cấp)

Tìm điện năng lượng mặt trời... trên mạng

Công tác ở Trung tâm Thông tin Di động khu vực 3 (VMS - MobiFone) từ 17 năm nay, Nguyễn Văn Bình Nghĩa luôn nghĩ đến một nguồn năng lượng dự trữ, thay thế khi mất điện, nhất là mất điện dài ngày do bão. Như năm ngoái chẳng hạn, bão số 11 (Nari) đổ bộ vào Đà Nẵng hồi giữa tháng 10 làm khu vực 781/3 Trần Cao Vân nơi anh ở bị nổ bình biến áp làm mất điện đến 4 ngày. Anh nhớ hồi năm 1998 có về Gành Đỏ (tỉnh Phú Yên) thăm người cháu, lúc đó nơi này chưa có điện lưới quốc gia, cả nhà dùng một cái đèn sử dụng pin năng lượng mặt trời (NLMT) do một người bà con là Việt kiều Na Uy mang về tặng.

Nghĩa “lên mạng” tìm thông tin về các hãng cung cấp thiết bị điện NLMT có cung cấp sản phẩm tại thị trường Đà Nẵng. Qua so sánh, anh thấy Công ty TNHH MTV Vũ Phong với thương hiệu SolarV có mở Showroom và bảo hành tại 155 Hàm Nghi, quận Thanh Khê, có nhiều “gói” sản phẩm vừa với túi tiền của mình. Đúng hôm khai trương Showroom, 20-4 vừa rồi, anh đến xem hàng và mua ngay bộ phát điện NLMT ký hiệu SV-Combo3 giá 1,17 triệu đồng, gồm một tấm pin mặt trời có hàn sẵn 5m dây điện, một tủ chứa bộ điều khiển và ắc-quy, 2 bộ đèn tròn LED 6V (24 LED) có hàn sẵn 5m dây điện, 1 bộ cổng sạc có 10 đầu sạc pin điện thoại di động. Về dùng thử, anh thấy sạc pin 1 ngày thì dùng đèn được 3 ngày.

Thấy có hiệu quả rõ rệt, một tuần sau, anh mang toàn bộ SV-Combo3 đến bù thêm tiền để đổi lấy 1 tấm pin NLMT 135Wp (Watt-peak, còn gọi là Watt đỉnh, đơn vị đo năng lượng sinh ra từ các thiết bị NLMT), 1 bộ điều khiển sạc và một số phụ kiện khác để lắp đặt hệ thống điện NLMT cho ngôi nhà 3 tầng của mình.

Sau một tháng lắp đặt hệ thống điện NLMT, Nghĩa rất yên tâm khi sử dụng 1 ti-vi 32 inch (130W), 1 đầu kỹ thuật số (10W), hệ thống camera gồm 7 cái dùng điện 24/24 giờ, gần 10 đèn LED, một số quạt điện. Riêng với tủ lạnh, anh phải sử dụng thêm một turbine điện gió bù vào cho đủ lượng điện cần thiết.

Lăn tăn giữa đầu tư và hiệu quả

Trước đó, Công ty Bách khoa miền Trung (thành viên của Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa - SolarBK), trụ sở tại tầng 3 Tòa nhà Savico, 66 Võ Văn Tần, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, đã có sản phẩm chào hàng tại Đà Nẵng. Trong 5 năm qua, SolarBK đã lắp đặt nhiều hệ thống điện NLMT, nổi bật nhất là giải pháp đun nước nóng sử dụng NLMT cho hộ gia đình và quy mô công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố miền Trung.

Ở Đà Nẵng, hệ thống điện NLMT lớn nhất được SolarBK lắp đặt ở Trường Chuyên biệt tư thục Thanh Tâm tại địa chỉ 157b Phan Tứ, quận Ngũ Hành Sơn, có công suất 40kWh/ngày. Mới đây, đơn vị đã lắp đặt hệ thống điện NLMT tại Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở KH&CN Đà Nẵng) tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, với công suất 16kWh/ngày.

SolarBK miền Trung hiện triển khai nhiều dự án máy nước nóng NLMT tại Đà Nẵng; trong đó, dự án lớn nhất ở khách sạn Melia Đà Nẵng với 9.000 lít/ngày. Theo đánh giá của Giám đốc SolarBK miền Trung Nguyễn Minh Vũ, trong khi máy nước nóng mặt trời cho hiệu suất 80-85%, thì điện NLMT hiệu suất chỉ 15,6%. Có nghĩa là trong NLMT, đầu tư cho nước nóng hiệu quả hơn và mau thu hồi vốn hơn (sau 2,5 - 3 năm) so với điện (6 - 7 năm). Tuy nhiên, hệ thống máy nước nóng tuổi thọ chỉ 10 - 15 năm, trong khi điện NLMT tuổi thọ 25 - 30 năm.

Giá thành của điện NLMT hiện cao hơn giá điện lưới quốc gia, nhưng về lâu dài là rất kinh tế. Ông Hồ Chí Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Nước Việt, đơn vị độc quyền phân phối sản phẩm của SolarV tại miền Trung so sánh: Có không ít người sẵn sàng bỏ ra 15 triệu đồng sắm điện thoại di động mà chẳng chút lăn tăn, thế nhưng lại không nghĩ rằng chỉ cần chừng đó tiền thôi đem lắp đặt hệ thống điện NLMT cho nhà mình thì không phải lo lắng gì về điện sinh hoạt hằng ngày. Quan trọng hơn, điện NLMT góp phần giảm đáng kể áp lực về an ninh năng lượng của quốc gia. Ngay cả chính phủ Mỹ cũng khuyến khích người dân khai thác điện từ NLMT.

Chỉ chưa đầy một tháng sau khai trương, SolarV miền Trung đã có gần 10 hộ gia đình sử dụng điện ánh sáng sinh hoạt và trang trí từ sản phẩm của SolarV. Dự án mở đầu của đơn vị là cung cấp 172 tấm pin và thiết bị điều khiển cho 86 ca-bin cáp treo tại khu du lịch Bà Nà Hills. Điều này cho thấy điện NLMT đang được người tiêu dùng quan tâm. Nguồn năng lượng tái tạo này hiện vẫn còn mới mẻ với nhiều người, nhưng các hãng cung cấp sản phẩm sẵn sàng tư vấn để khách hàng có thể chọn cho mình một giải pháp tối ưu hài hòa giữa hiệu quả và đầu tư.

Tiềm năng Đà Nẵng

Nếu có nhiều hộ gia đình như anh Nguyễn Văn Bình Nghĩa thì  “NLMT của Đà Nẵng nằm trên mái nhà” là một tương lai gần. Ảnh: V.T.L
Nếu có nhiều hộ gia đình như anh Nguyễn Văn Bình Nghĩa thì “NLMT của Đà Nẵng nằm trên mái nhà” là một tương lai gần. Ảnh: V.T.L

NLMT là một trong những nguồn năng lượng tái tạo hay năng lượng tái sinh gồm: thủy điện nhỏ, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học, nhiên liệu sinh học, năng lượng từ nguồn rác thải sinh hoạt, NLMT, năng lượng địa nhiệt và năng lượng biển.

Ông Dương Hoàng Văn Bản, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng - Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng, cho biết: Theo số liệu khảo sát, Đà Nẵng có số giờ nắng trung bình 2.214 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89kWh/m2/ngày. Qua đó, tiềm năng từ NLMT để sản xuất điện là 0,733kWh/m2/ngày. Như vậy, có thể thấy rằng NLMT tại Đà Nẵng có tiềm năng lớn, phù hợp với việc khai thác, sử dụng loại năng lượng này để phát triển trong thời điểm hiện nay và cả trong tương lai.

Hiện Đức đang đứng đầu Top 5 nước G20 có sản lượng điện từ năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới gồm: Đức, EU-27, Ý, Indonesia và Anh. Khu năng lượng mặt trời mới nhất của Công ty Conergy, nằm ​​ở bang Mecklenburg-Vorpommern nước Đức, vừa kết nối với lưới điện quốc gia. Để cung cấp toàn bộ nhu cầu điện cho nước Đức bằng NLMT sẽ cần khoảng 5.000km2, riêng diện tích các mái nhà khoảng 2.800km2. Vì thế, giám đốc điều hành của Conergy tại Đức đã ví von: “Tương lai NLMT của Đức nằm trên mái nhà”.

NLMT tại Đà Nẵng được các nhà nghiên cứu đánh giá là có tiềm năng lớn. Công dân thành phố đang mong đợi một ngày thật gần để được nói một câu tương tự: “Tương lai NLMT của Đà Nẵng nằm trên... mái nhà”.

Chương trình “Lắp đặt nhà máy điện mặt trời quy mô lớn”

Thành phố Đà Nẵng hiện không có nhà máy điện mà chỉ nhận điện từ mạng lưới truyền tải 500kV, 220kV của EVN. Nhà máy phát điện duy nhất dùng dầu DO với công suất 9,6MW trong trường hợp mạng lưới EVN gặp sự cố. Vì vậy, việc lắp đặt nhà máy điện từ nguồn năng lượng tái tạo có thể xem là nguồn điện đủ năng lực phục vụ một phần nhu cầu tải trọng ngày càng tăng của thành phố.

Qua số liệu thu thập và khảo sát thực tế, Đà Nẵng có tiềm năng xây dựng nhà máy điện mặt trời (ĐMT) với công suất 1,5 MW, được đề xuất xây dựng trước năm 2025. Việc triển khai dự án sẽ có thể đạt được tỷ trọng đóng góp của năng lượng tái tạo trong sản lượng điện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2020 cũng như đạt được định hướng phát triển Đà Nẵng - “Thành phố môi trường”.

Yêu cầu quan trọng của nhà máy ĐMT quy mô lớn là phải có khoảng không gian trống lớn để lắp đặt. Tuy nhiên, thách thức trong việc phát triển của các dự án điểm phát ĐMT quy mô lớn này là chưa có chính sách trợ cấp nguồn điện tái tạo kết nối mạng lưới. Để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn thì việc ban hành chính sách cho phép bán điện trở lại mạng lưới EVN với giá mua điện của EVN cao theo biểu giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo.   

Nguồn: Báo cáo “Quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời giai đoạn 2014 - 2020 tầm nhìn 2025 tại thành phố Đà Nẵng”

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.