.

Vững tay súng giữ đường

.

Ở đoàn 559, ngoài các binh trạm trên tuyến đường, còn có một bộ phận hết sức quan trọng là lực lượng chiến đấu bảo vệ vùng Hạ Lào, cũng là bảo vệ tuyến đường Tây Trường Sơn, con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam khi đường Đông Trường Sơn bị máy bay Mỹ đánh phá khốc liệt… Ở Đà Nẵng, chúng tôi được gặp 2 người lính từng chiến đấu ở Salavan –Hạ Lào thuộc Sư đoàn 968 (nay đóng tại Quảng Trị) và từng tham gia chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975.

Ông Ngô Hữu Xuân (trái) và ông Phan Thanh Chỉ, những người lính mở đường và giữ đường 559 ngày xưa xem lại những bức thư ông Xuân gửi về nhà từ chiến trường do má ông giữ.  Ảnh: H.L
Ông Ngô Hữu Xuân (trái) và ông Phan Thanh Chỉ, những người lính mở đường và giữ đường 559 ngày xưa xem lại những bức thư ông Xuân gửi về nhà từ chiến trường do má ông giữ. Ảnh: H.L

Năm 1954, mới 3 tuổi, ông Ngô Tấn Xuân ( quê Điện Bàn)  theo ba mẹ ra Bắc. Hồi đó mẹ ông là lính tuyên truyền của bộ đội Bình Định, ba là cán bộ Khu ủy khu 5. Năm 1971, lúc đang là sinh viên đại học Hàng Hải ở Hải Phòng, ông Xuân nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Tân Lạc, Hòa Bình, tháng 2-1972 ông theo đơn vị vào Binh trạm 5, cuối tỉnh Quảng Bình, rồi từ đó hành quân bộ qua Salavan mất hơn 2 tháng. Ông được bổ sung vào Tiểu đoàn 3 tình nguyện.

Tháng 8-1972, trong lá thư thứ nhất gửi về cho gia đình, ông Ngô Tấn Xuân kể rằng địch đang tấn công ồ ạt bằng tổng lực bộ binh, pháo binh, không quân để giành lại vùng đất ta đã giải phóng tại vùng hạ Lào như Salavan, cao nguyên Bôlôven, áp sát đường 559. Đối phương quyết tái chiếm, ta càng quyết giữ. Trận chiến càng trở nên khốc liệt hơn trước ngày đình chiến theo hiệp định Paris 1973.    

Thời gian này, nguy cơ bị địch chặt đứt đường vận chuyển quân và vũ khí, lương thực vào miền Nam là hoàn toàn có thể xảy ra dù chiến dịch Lam Sơn-719 nhằm cắt ngang tuyến vận tải quân sự Trường Sơn đã thất bại. Sư đoàn 968 được lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức rút quân khỏi huyện Không Xê Đôn của Salavan quay về vùng giải phóng đánh địch lấn chiếm, đánh giải phóng lần 2 ở Salavan trước ngày 16-11-1973 và cao nguyên Bôlôven nhằm bảo vệ đường dây 559 Tây Trường Sơn. Cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt, ta và lính đặc nhiệm Thái Lan giành nhau từng nóc nhà, từng khu vườn không một bóng cây. Trong nhật ký của mình, ông Xuân viết: “Sau trận đánh này, lính các đại đội còn lại lưa thưa, lớp hy sinh, lớp thương tật đi viện điều trị, rơi rụng gần hết. Số lính của tiểu đoàn còn lại hành quân nhận nhiệm vụ đánh tiếp ngót nghét còn khoảng 100 người dù trong 4 tháng chinh chiến đó, mặt trận đã 2 lần bổ sung tân binh ngoài Bắc vào. Chưa kể, có đại đội bộ binh chỉ còn hơn 10 cây súng, không đủ quân số chiến đấu. Sức chiến đấu của chúng tôi đã cạn kiệt trong chiến dịch mùa mưa ở Không Xê Đôn kéo dài 4 tháng trời, rồi tham gia đánh tiếp mùa khô ở Salavan 128 ngày đêm nữa, gần như không có đêm nào được ngủ.  Ngày đánh chiếm từng điểm, đào hầm chốt giữ, tối lại hành quân tác chiến, cứ thế liên miên ngày qua ngày”. Những dòng nhật ký đã phần nào nói lên sức nóng, sự ác liệt tại chiến trường Tây Trường Sơn lúc bấy giờ.

Chiến đấu cùng sư đoàn với ông Ngô Hữu Xuân là ông Trần Đình Nhị, quê ở thành phố Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1970. Ông Nhị là trinh sát đặc biệt của đơn vị S31, Sư 968. Cuối năm 1970, ông nhận nhiệm vụ liên lạc cho Tiểu đoàn 13 pháo binh mới thành lập, đóng ở huyện Mường Lào Nam cũng ở Salavan. Ông kể, mùa khô năm 1972 là một thời kỳ ác liệt, nhiều khi cả sư đoàn bị bao vây trên một ngọn núi, phải nhờ đến sự giúp đỡ của một trung đoàn do Sư đoàn 2 từ Khu 5 sang giải vây.  

Cuối năm 1974, ông Ngô Hữu Xuân cùng những người lính tình nguyện Việt Nam, Sư đoàn 968 theo lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Nam Lào hành quân tốc hành về tăng cường lực lượng cho mặt trận B3 (mặt trận Tây Nguyên) chốt ở Kontum và Pleiku để thay thế Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 trước đó đã chuyển về nam Tây Nguyên. Còn đơn vị của ông Trần Đình Nhị phải đến tháng 2-1975 mới rút quân về đánh nghi binh Pleiku. Truyền đơn của quân địch tại Lào đã ghi rằng “con hổ xám của hạ Lào đã về đến Tây Nguyên”.

Kể về mục đích cuộc hành quân này, ông Xuân khẳng định: “Từ ngày 1-3-1975, thừa lệnh Tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh trưởng chiến dịch Tây Nguyên, chúng tôi nổ súng mở màn đánh nghi binh Pleiku. Đến ngày 24-3, Sư đoàn 968 đã giải phóng 2 tỉnh Kontum và Pleiku”. Nói về mốc lịch sử này, ông Xuân chia sẻ thêm: “Hiện nay, nhiều sách viết sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, thì các tỉnh KonTum, Pleiku, Bình Định, Phú Yên không đánh cũng giải phóng do địch tự tan rã, điều này cần xem xét lại. Bởi trong thực tế, Trung đoàn 19 thuộc Sư 968 cùng pháo binh đánh dọc xuống đồng bằng theo đường 19. Tướng Thảo, lúc này làm Tư lệnh trưởng mặt trận Bình Định đã lệnh cho Sư 968 cùng Sư đoàn 3 (Quân khu 5) đánh giải phóng Bình Định, sau đó là Khánh Hòa và quân cảng Cam Ranh… Sau ngày giải phóng, Sư đoàn 968 còn phải quay trở lại Tây Nguyên truy quét tàn binh và Fulro”.

“Khi giải phóng coi như mình được hồi sinh”, ông Trần Đình Nhị nói giản dị khi kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi. Còn ông Ngô Hữu Xuân nhớ như in chuyện má ông kể về ngôi nhà của ông ở số 226 Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội hồi đó bị ném đá suốt thời gian dài, khi năm 1972 ông bị thương, quân địch thu được nhật ký của ông nên nói trên đài Sinh Bắc Tử Nam ông đã hồi chánh. Nhà ông sau đó bị ném đá. Đến năm 1974 em trai ông bị thương ở chiến trường chuyển ra, ngôi nhà hôm đó chứa đầy thương binh, từ đó mới hết bị ném đá… Những người lính trực tiếp chiến đấu như các ông, trải qua nhiều chiến trường, nên khi đất nước giải phóng thấy mình như được sinh ra lần nữa. Không còn phải xác nhận “ngày mai đến phiên mình chưa” khi cái sống và cái chết cận kề. Và thấy càng trân quý những giờ phút hòa bình thiêng liêng hôm nay.

HIỀN LƯƠNG - HUỲNH LÊ

;
.
.
.
.
.