.

Miền Nam, hai tiếng thiêng liêng

.

Sau Hiệp định Genève được ký kết, hầu hết cán bộ chiến sĩ, những người từng chiến đấu, công tác tại chiến trường miền Nam được lệnh rút quân ra Bắc. Ước mơ thống nhất đất nước đã không thành hiện thực khi chính quyền Ngô Đình Diệm liên tiếp mở ra các cuộc hành quân càn quét bình định miền Nam, áp đặt chế độ thực dân kiểu mới với chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”. “Đi B” trở thành hai tiếng thiêng liêng thôi thúc từng đoàn quân từ miền Bắc bí mật tiến về miền Nam với nhiệm vụ “giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà”.

Từ bức ảnh duy nhất trong Thẻ hồ sơ, gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Tân đã biết mặt ông sau mấy chục năm không lưu giữ một hình ảnh nào.
Từ bức ảnh duy nhất trong Thẻ hồ sơ, gia đình liệt sĩ Nguyễn Xuân Tân đã biết mặt ông sau mấy chục năm không lưu giữ một hình ảnh nào.

Ra đi để được trở về

Trong dòng người trở về miền Nam có không ít người con miền Nam tập kết ra Bắc tình nguyện trở lại quê hương để chiến đấu, bảo vệ đồng bào.

Nguyễn Trung Kiên (thường gọi Nguyễn Xuân Tân, TP. Đà Nẵng) sinh năm 1935. Năm 12 tuổi, Tân tham gia vào Đội Thiếu niên tiền phong, làm liên lạc cho các hội, đoàn thể tại địa phương. Kháng chiến bùng nổ, tháng 2-1947, anh chuyển về liên lạc cho Đại đội 2, thuộc Trung đoàn 96, lực lượng chủ lực ở Quân khu 5 lúc bấy giờ. Từ đó, chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Tân kinh qua nhiều vị trí khác nhau. Đến tháng 3-1955 theo đồng đội tập kết ra Bắc, học tập tại Trường Bộ Lao động và Trường Chỉnh huấn Trung ương, sau đó chuyển về công tác tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm trước khi lên đường về lại miền Nam chiến đấu năm 1963.

Toàn bộ quá trình đấu tranh, công tác, học tập của liệt sĩ Nguyễn Xuân Tân đều được ghi lại trong “Hồ sơ cán bộ đi B” được Trung tâm lưu trữ quốc gia phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng trao lại cho gia đình năm 2013. Bộ hồ sơ dày 123 tờ, bao gồm Sơ yếu lý lịch; Thẻ thanh niên tích cực; Giấy chứng nhận Huy hiệu kháng chiến; Giấy chứng nhận Huy chương kháng chiến hạng nhất; Giấy báo tử… Trong đó, đáng chú ý là lá đơn xin vào Đảng ngày 17-11-1959. Đơn viết: “Tôi xin tình nguyện làm một đảng viên của lớp 6/1 để được chiến đấu dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng… đấu tranh giải phóng miền Nam ruột thịt, làm cho Tổ quốc thống nhất”.

Tham gia cách mạng từ nhỏ, đến lúc hi sinh trong một cuộc vây ráp của địch tại xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên) năm 1967, Nguyễn Xuân Tân vẫn là người lính độc thân, nên việc thờ tự  đều do người cháu ruột đảm nhận. Ngày nhận lại tập hồ sơ của bác mình, anh Nguyễn Đình Cường (hiện sống tại tổ 14, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) không kìm được xúc động, giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Anh bảo lúc nhỏ thường nghe ba kể về bác Tân nhưng không hình dung được ông là người thế nào, tham gia cách mạng ra sao. May nhờ tập hồ sơ này, anh có thêm thông tin về bác, biết được mặt bác qua Thẻ hồ sơ. “Khi bác mất, gia đình không có ảnh nên sau này đặt tạm Bằng Tổ quốc ghi công lên gian thờ. Việc nhìn thấy ảnh bác sau mấy mươi năm đối với tôi và gia đình là niềm hạnh phúc lớn lao khó diễn tả bằng lời”, anh Cường cho biết.

Khác với Nguyễn Xuân Tân, hòa bình lặp lại, ông Nguyễn Tấn Xuân (quê Điện Bàn, hiện sống tại đường Nguyễn Tri Phương, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) may mắn được trở về, để bây giờ có được ngày rưng rưng đọc lại lá thư mình viết từ miền Nam; gặp lại kỷ vật “đi B” gắn liền với thời niên thiếu như chiếc xe đạp hay cuốn vở ố vàng… Với ông, những kỷ vật tinh thần vô giá giúp mình sống theo đúng lương tâm, trách nhiệm với quê hương, với đồng đội đã ngã xuống.

Năm 1954, lên 3 tuổi, Nguyễn Tấn Xuân theo ba mẹ ra Bắc tập kết. Năm 20 tuổi, khi đang học tại Trường Trung cấp Hàng hải ở Hải Phòng, ông Xuân lên đường nhập ngũ, tình nguyện xin vào chiến trường miền Nam.

Sau 3 tháng huấn luyện ở Tân Lạc (Hòa Bình), tháng 2-1972 ông theo đơn vị vào Binh trạm 5 rồi từ đó hành quân bộ qua Salavan (Lào) bổ sung vào Tiểu đoàn 3, kết hợp cùng bộ đội Lào chiến đấu, bảo vệ tuyến đường Tây Trường Sơn. Ông Xuân lần giở từng trang nhật ký của mình: “Những ngày nghỉ phép trước khi đi B, tôi mua hoa về trang trí, mua thêm hạt bí, chè mạn, ít kẹo Hải Châu để tiếp bạn bè, người thân đến nhà đưa tiễn. Bởi không bao lâu nữa tôi cùng đồng đội sẽ bước vào trận chiến khốc liệt với quân thù”.

Bà Hạnh nhòe nước mắt khi đọc lại những dòng chữ thân yêu của cha mình, ông Nguyễn Văn Bán.
Bà Hạnh nhòe nước mắt khi đọc lại những dòng chữ thân yêu của cha mình, ông Nguyễn Văn Bán.

Rưng rưng cùng quá khứ

Trong căn nhà nhỏ ở tổ 119 Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, bà Nguyễn Thị Hạnh (72 tuổi) run run mở từng nút thắt lưu giữ bộ hồ sơ của cha là ông Nguyễn Văn Bán (đã mất năm 1984). Bà nói, hôm UBND phường Hòa Hải gọi lên trao trả hồ sơ đi B, bà không nghĩ rằng cùng một lúc nhận được hai tập hồ sơ của mình và của người cha đáng kính. Từ tập hồ sơ này, bà Hạnh biết thêm về tính cách và con đường đi theo cách mạng mà cha bà đã chọn. Bởi từ lúc sinh ra, lớn lên xung phong vào đội du kích xã Hòa Hải tiêu diệt hàng chục tên ác ôn ở đồn Dốc Ông, bà Hạnh vẫn chưa một lần gặp mặt cha. Chỉ nghe mẹ kể, cha tham gia cách mạng rồi tập kết ra Bắc năm 1955. Từ đó, gia đình bặt tin.

Nối gót cha, bà Hạnh trở thành cán bộ binh vận, công an xã, nhiều lần bị địch bắt, tra tấn dã man. Lần cuối bà bị địch bắt là năm 1971, giam ở nhà lao Hội An đến năm 1973, trong một lần địch thả tù binh, bọn gác ngục sơ xuất thả nhầm bà Hạnh. Tổ chức biết được, cử người đến đón và đưa ngay ra Bắc để tránh trường hợp bà bị bắt trở lại. “Ra tù, tôi chưa kịp về thăm mẹ già thì phải nằm cáng để y tá đưa ra Bắc rồi vào thẳng Bệnh viện E2, điều trị liên tục 3-4 năm liền”, bà cho biết. Ngày mới nhập viện, một người đàn ông đến gặp bà, tự xưng là cha đẻ, tên Nguyễn Văn Bán. Nỗi bất ngờ quá lớn khiến tim bà thoáng chốc ngừng đập. Bà nhớ, câu đầu tiên cha bà nói khi gặp: “Bao năm nay ngày đêm cha nằm nghĩ không biết vợ còn con có hay không. Bây giờ được gặp con, thật mừng khi biết con nối gót theo cha tham gia cách mạng”. Mỗi lần nhớ lại câu nói này của cha, bà đều không cầm được nước mắt. Bây giờ, cầm tập hồ sơ của cha, bà mới biết ông có thời gian đi B năm 1964, nhưng vì nhiều lý do không thể về quê gặp vợ con, nghĩ đến điều đó bà càng thương cha hơn.

“Tất cả vì miền Nam thân yêu” một thời là khẩu hiệu thôi thúc hàng triệu người xung phong vào tuyến lửa. Tháng 3-1967, chàng trai Hà Nội Hoàng Xuân Thanh, SV năm cuối khoa Anh, ĐH Sư phạm Hà Nội cùng bạn bè đồng loạt viết đơn bằng máu xin vào chiến trường miền Nam. Sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng 19 người khác lên đường vào Nam, thời gian đi ròng rã mất 3 tháng 18 ngày mới đến được Khu 5. Tại đây, ông được tiếp nhận vào Ban binh vận Mặt trận 44, thuộc Đặc khu ủy Quảng Đà, do đồng chí Hồ Nghinh làm Bí thư.

Cuộc di chuyển từ Bắc vào Nam hoàn toàn bí mật. Những đồ vật như bót đánh răng có in chữ Hồng Hà, phải bẻ bỏ chữ Hồng Hà, những cuốn sách mang theo có in NXB, phải xé bìa sách để bảo đảm khi lọt vào tay địch cũng không thể truy ra nguồn gốc, xuất xứ… Mười năm tham gia vào cuộc chiến một mất một còn, ông Thanh không thể kể hết những khó khăn, gian khổ mình và đồng đội đã vượt qua. Những năm tháng hoạt động tại núi rừng Quảng Nam, Đà Nẵng, ông may mắn được bà con đùm bọc, che chở. “Vì tình nghĩa này mà khi nước nhà thống nhất, tôi đã ở lại mảnh đất Đà Nẵng, lấy vợ, sinh con và gắn bó đến bây giờ”, ông Thanh cho hay.

Từ cuối năm 2012, UBND TP. Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 1.162 hồ sơ cán bộ đi B quê quán tại Đà Nẵng và tiến hành nhiều đợt trao lại cho vợ, chồng, con cái hoặc người thân trong gia đình. Tất cả đều ăm ắp ký ức một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai” của quân và dân ta suốt chiều dài lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, lập lại hòa bình, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.