.

Vĩnh Linh "lũy thép-lũy hoa"

.

Trên con đường thiên lý từ Nam ra Bắc, đến giữa dòng sông Bến Hải, giữa cây cầu mang tên Hiền Lương ở vĩ tuyến 17, là “chạm” vào đất Vĩnh Linh, nơi bắt đầu nỗi đau chia cắt đất nước 60 năm trước. Bây giờ, vết thương chia cắt đã lành, vùng giới tuyến ngày ấy tràn trề màu xanh của lúa, của hoa, nhưng khi nhắc đến những ngày khói lửa ấy, lệ vẫn còn rưng rưng trên gương mặt những con người đã từng vào sinh ra tử trên mảnh đất này.

Bà Trần Thị Viễn năm nay 101 tuổi, nhân chứng vá cờ Hiền Lương những năm chống Mỹ.
Bà Trần Thị Viễn năm nay 101 tuổi, nhân chứng vá cờ Hiền Lương những năm chống Mỹ.

Ngày 20-7-1954, Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, sông Bến Hải được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc. Giới tuyến 17 cùng mảnh đất Vĩnh Linh trở thành địa đầu của miền Bắc, con sông Bến Hải thành sự lựa chọn nghiệt ngã của lịch sử vô tình trở thành nhát dao chia đôi đất nước.

Hiền Lương thương nhớ

Vĩnh Linh thuộc bờ bắc sông Bến Hải với diện tích 820km2, dân số gần 4,5 vạn người trở thành Đặc khu trực thuộc sự quản lý của Trung ương. Hai xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Liêm (huyện Vĩnh Linh) vì nằm bên kia dòng Bến Hải phải chịu chung số phận chia đôi hai miền. Người dân hai làng Hiền Lương của Vĩnh Linh và Xuân Hòa của Gio Linh là người một tỉnh, nay là hai cảnh tự do và kìm kẹp dù cùng uống chung một dòng nước, cùng nói thứ tiếng nặng như cõi lòng…

Ông Lê Công Hường ở thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh năm nay 78 tuổi nhưng cánh tay vẫn còn rắn rỏi lắm. Đôi bàn tay của người nông dân này một thời cầm mái chèo, chở cán bộ, bộ đội qua sông; chở đồng bào, cán bộ miền Nam và tù binh ra Bắc. Chiều rộng mặt sông nơi đặt bến đò cũng là nơi giao nhau của hai con sông Sa Lung và Bến Hải chỉ chừng 200 mét, mỗi phiên đò bình yên kéo dài chừng 10 phút, chở tối đa 40 người. Thời gian đầu chỉ có 3 chiếc thuyền, mỗi thuyền có 3 người lái chính và phụ lái; đến giai đoạn năm 1970-1972, khi chiến trường miền Nam cần bổ sung quân số thì 6 chiếc thuyền trên bến Hiền Lương không đêm nào ngừng vượt sông. “Tui không nhớ mình cầm mái chèo đi về bến sông này bao nhiêu chuyến, vì có khi chỉ chở 1-2 người, có khi hàng trăm người. Có khi thuyền bị dội bom, cái sống cái chết trong gang tấc nhưng chưa bao giờ tiểu đội thuyền bên bến sông này để thuyền chìm, người chết”. Ông Hường nhẩm tên những người từng cùng ông cầm chèo, người còn, người mất. Đặc biệt trong tiểu đội có hai chiến sĩ nữ.

Năm Mỹ-Diệm thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp, đốt nhà bà con làng Xuân Hòa, người dân chạy hết ra bờ sông. Tiểu đội thuyền của ông Hường đã sang sông chuyển hàng trăm người dân qua bờ Bắc, phát lương khô cho bà con rồi để giao liên đưa họ về tuyến sau an toàn.

Ở vùng địa đầu giới tuyến, người dân thôn Hiền Lương với hơn 200 nóc nhà có 10 năm hòa bình, không tiếng súng. Sau “Sự kiện Vịnh Bắc bộ” ngày 5-8-1964, ngày 8-2-1965, 82 lượt máy bay Mỹ chia thành 14 tốp trút bom ồ ạt xuống thị trấn Hồ Xá, mở đầu cuộc chiến tranh tàn phá khu vực Vĩnh Linh, leo thang phá hoại miền Bắc. Cuối năm 1966, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá vùng đất giới tuyến.

Trong ký ức của ông Đinh Như Quang (71 tuổi), một người Hiền Lương ở lại bám đất giữ làng, thì “những năm đó cả làng không còn một cái cây, giống như nơi thử vũ khí của giặc khi các loại pháo 105, 175 ly ở ngoài biển bắn vào, pháo 406 ly từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra”. Các năm 1967-1968, 1/3 dân làng Hiền Lương được dời lên vùng đất đỏ của xã Vĩnh Thành sinh sống, chỉ còn du kích ở lại. Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định đưa gần 3 vạn học sinh Vĩnh Linh sơ tán ra các tỉnh phía Bắc để sống và học tập theo chiến dịch K.8 (năm 1967); đưa các cụ già, trẻ em chưa đến tuổi đi học, những phụ nữ có 2 con trở lên sơ tán ra huyện Tân Kỳ (Nghệ An) theo chiến dịch K.10 (năm 1968)... Đây là cuộc trường chinh vạn dặm về phía hậu phương có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Người ở lại bám trụ quê hương trở thành chiến sĩ tay cày vai súng, vừa sản xuất vừa chiến đấu tại chỗ, đối diện với cái chết từng giờ, từng ngày, “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, tiếp tế hàng hóa cho đảo Cồn Cỏ.

Cột cờ giới tuyến hiện nay. Ảnh: H.N
Cột cờ giới tuyến hiện nay. Ảnh: H.N

Những nữ anh hùng trên đất thép

Theo Hiệp định, tất cả đồn cảnh sát giới tuyến phải treo cờ hằng ngày. Treo cờ là chuyện thường nhưng “đấu cờ” mới là việc trọng dằng dặc trong 18 năm. Cột cờ và lá cờ ở bờ Bắc luôn cao hơn cột cờ ở bờ Nam. Năm 1962, cột cờ được gia công cao 38,6m và lá cờ rộng 134m2. Năm 1967 máy bay Mỹ phá hỏng cột cờ, lá cờ cũng bị rách, phải vá cờ.

Lúc đó mẹ Ngô Thị Diệm và Trần Thị Viễn (còn gọi là mẹ Quyến theo tên người con gái đầu lòng) không đi tản cư. Hai mẹ là chị em dâu con chú bác, cùng mất chồng một đợt khi hai ông bị sốt rét sau chuyến lên núi tuyển quân hồi chống Pháp. Lúc này, công an vũ trang cũng rút hết chỉ để lại hai người treo cờ ở trong nhà mẹ Diệm, và mẹ nhận luôn nhiệm vụ vá cờ.

Mẹ Diệm đã mất hơn 20 năm nay và được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT năm 2007. Mẹ Viễn, năm nay đã 101 tuổi và sống với người con trai út ở thị trấn Hồ Xá, vẫn nhớ rành mạch: “Cờ bị bắn rách bữa mô là vá bữa nấy, ban đầu vá trong nhà, sau nhà bị đánh sập nên hai chị em phải xuống hầm. Có khi 2-3 ngày cờ không rách nhưng có khi ngày vá vài lần; có khi vừa treo cờ lên, đang ăn cơm mà bị địch bắn thủng là phải hạ xuống, thay cờ khác để vá gấp. Cột lúc nào cũng có cờ, vì còn cờ thì còn nước, mất cờ thì mất nước”. Lá cờ cũng là để bà con bờ Nam nhìn vào đó mà tin tưởng, mà hy vọng về một ngày đoàn tụ không xa.

Có lẽ chúng tôi là những người may mắn khi được tiếp cận với những nhân chứng sống của một thời đau thương và bi tráng của dân tộc. Đặc biệt là những người phụ nữ bám đất giữ làng “một tấc không đi, một ly không rời”; tay cày, tay súng, lúc sản xuất, lúc chiến đấu, một hạt gạo chia hai: phần để ăn, phần hỗ trợ nuôi đồng bào Triệu Phong, Gio Linh ra sơ tán.

Bà Hoàng Thị Khuyên (68 tuổi, thôn Hiền Lương) cùng anh trai ở lại làng chiến đấu. Bà Khuyên được giao trực một khẩu thượng liên, đến mùa cấy thì gánh một đầu là mạ non, một đầu là khẩu súng ra đồng làm việc. Ngày sản xuất, đêm đi bộ cả chục cây số về Cửa Tùng chuyển vũ khí sang Cửa Việt cho bộ đội đánh giặc. Bà Khuyên kể, giọng ngậm ngùi: “Hồi đó người yêu của o là người cùng làng, đi “3 sẵn sàng” được 2 năm thì bị bom từ trường khi đang chuyển vũ khí vô Nam. O khóc nhiều lắm nhưng vẫn phải chiến đấu, không phải riêng mình mà cho cả người yêu. Vậy mà đến 30 tuổi o mới tính chuyện lấy chồng”.

Lòng người không chia cắt

Trên mảnh đất tưởng như chỉ có chiến đấu, chiến đấu không ngừng ấy có những người là Anh hùng Lao động, bên cạnh những Anh hùng LLVT. Ông Đinh Như Gia (78 tuổi, Trưởng ban đại diện Người cao tuổi huyện Vĩnh Linh), làm đội trưởng sản xuất đội 3, hợp tác xã (HTX) Nam Hồ kiêm Đại đội trưởng dân quân du kích Nam Hồ, thuộc xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh được phong Anh hùng Lao động năm 1967.

HTX của ông có 8 đội sản xuất, có những đội trồng rau, chăn nuôi riêng. Nông dân phải sản xuất trên cả vùng tọa độ (vùng 35C) và xung quanh trận địa pháo cao xạ 37, bảo đảm “lương không thiếu một cân, quân không thiếu một người, ruộng rẫy là chiến trường, cày cuốc là vũ khí, hậu phương thi đua với tiền phương và kiên quyết bám trụ”. Năm 1968, người dân tản cư, hơn 700 con trâu bò của HTX Nam Hồ cũng được đánh số thứ tự đưa ra vùng giáp giới Quảng Bình. Những bà mẹ 1 con ở lại sản xuất, chiến đấu, ông Gia nghĩ ra cách làm hàng nôi tự động chỉ cần một người giữ trong những căn hầm, khi mảnh đất này bị đánh phá đêm ngày, mọi sự sống phải “lặn” xuống mặt đất.

Từ năm 1954 đến năm 1972, năm cầu Hiền Lương và mảnh đất Gio Linh phía bờ Nam được giải phóng là 18 năm đau thương, binh lửa, chia cắt, bom cày đạn xéo. Nhờ giải phóng, ba tôi ở bờ Nam mới trở lại nhìn thấy quê hương, mẹ tôi mới nhận mặt được người bên nhà chồng. Một vùng dân ca ngọt ngào Tùng Luật (xã Vĩnh Giang) ngập chìm trong khói lửa B52, một Cửa Tùng (xã Vĩnh Quang) từng được mệnh danh là nữ hoàng các bãi tắm trở thành biển lửa, một dải đất Gio Linh nổi tiếng hồ tiêu trở thành vành đai trắng, thành hàng rào điện tử và thành nơi đế quốc Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí giết người hiện đại nhất…

Cả dân tộc phải thực hiện một cuộc trường chinh trong nỗi đau chia cắt như câu ca dao:“Cách một con sông mà đó thương đây nhớ/Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Một dòng sông rộng không quá 100 mét, một chiếc cầu dài 178 mét, với 894 tấm ván bắc qua mà dân tộc Việt Nam phải đi suốt 21 năm ròng, đổi không biết bao xương máu. Nhắc về Bến Hải, con người lại run lên nỗi đau chia cắt, chia cắt đau thương, nguồn cội. Tôi nhớ câu nói của ông Đinh Như Quang: “Lòng người không chia cắt, người làng Xuân Hòa qua đây mình nhường ruộng, nhường hầm, nhường đất. Tất cả đều là anh em”.

Đúng, con người không chia cắt, đất không chia cắt, dòng sông không chia cắt, chỉ có kẻ thù là cố tình chia cắt mảnh đất này. Đầu nguồn sông Bến Hải chi chít dấu chân của người đi đánh giặc. Hậu phương ra tiền tuyến cuộn chảy như dòng sông mùa lũ. Bao nhiêu người đi, chưa một lần soi bóng xuống dòng sông, không có ngày trở lại. Hàng vạn người đã ngã xuống. Máu người thấm đỏ từng ô đất. Làng xóm phơi mình trên cát thì xuống địa đạo, làm bật lên những mầm xanh của cuộc sống mới. Bây giờ hai bờ đã phủ tràn trề một màu xanh hoa lá, người ở vùng giới tuyến càng trân quý biết bao giây phút hòa bình hôm nay…

Vĩnh Linh-Đà Nẵng, tháng 7-2014

Cả Vĩnh Linh có 114 làng hầm địa đạo kỳ vĩ trong lòng đất, với tổng chiều dài đường hầm hơn 40km và 2.100km giao thông hào dọc ngang nối các hầm với nhau và từ hầm ra ruộng. Lúc đỉnh điểm đạn bom ác liệt, 70 ngôi làng của 15 xã thuộc Vĩnh Linh tiến sâu vào lòng đất và đón nhận 8,5 vạn đồng bào miền Nam ra sơ tán. Trong suốt thời kỳ chống Mỹ, quân và dân Vĩnh Linh phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực bắn rơi 293 máy bay các loại, trong đó có 7 pháo đài bay B.52, bắn chìm và bắn cháy 69 tàu chiến. Quân và dân Vĩnh Linh vinh dự 2 lần được Đảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng LLVT, được tặng thưởng 2 Huân chương Độc lập và 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen.

Ký của HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.