.

Bán hàng nói thách, làm khách mặc cả

.

Việc bỏ thói quen nói thách để tạo nên một nét đẹp mới trong mua sắm cũng là một giá trị văn hóa kinh doanh mà người dân Đà Nẵng đang hướng tới.

“Lệ” nói thách ở các chợ Đà Nẵng đã giảm mạnh trong thời gian qua.Ảnh: N.H
“Lệ” nói thách ở các chợ Đà Nẵng đã giảm mạnh trong thời gian qua. Ảnh: N.H

Nói thách là văn hóa?

Thử làm một vòng dạo quanh thành phố, từ các chợ lớn như chợ Hàn, chợ Cồn đến các chợ vùng ven như chợ Nại Hiên, chợ Phước Tường... Thậm chí đến những vùng xa ngái như Hòa Liên, Hòa Bắc, nơi được tiếng là thật thà chân chất thì mua đi bán lại mà không nói thách thì quả là điều không thể tưởng tượng được. Chợ quê nói thách kiểu chợ quê, chợ phố nói thách mang hơi hướng thành phố… khiến cho việc mua bán trở thành một cuộc “đấu trí” hóc hiểm.

Ở Đà Nẵng, chợ Hàn được biết đến không chỉ là nơi có hàng hóa phong phú, chất lượng cao mà còn được xem là ngôi chợ hét giá cao đến tận trời! Một thời, nhiều đoàn khách du lịch được hướng dẫn viên đưa đến chợ Hàn mua sắm đã hoa mắt ù tai vì giá cả. Có người mấy phút trước vừa hí hửng khoe với bạn đồng hành vì mua được món đồ ưng ý với giá hời, thì sau đó đã phải đau khổ vì người khác trong đoàn cho biết vừa mua với giá rẻ hơn đến 30%...

Ở Liên Chiểu, nơi tập trung nhiều trường cao đẳng, đại học, không chỉ khách du lịch rủng rỉnh tiền mà học sinh - sinh viên nghèo trên địa bàn một thời cũng than trời vì cách hét giá đến khủng của tiểu thương chợ Hòa Khánh. Sinh viên chân ướt chân ráo vào trường cần sắm từ cái chén, đôi đũa đến áo quần, chăn màn… nếu mất tập trung “nghiên cứu” thông tin giá cả từ các sinh viên “tiền bối” là ngay lập tức trở thành nạn nhân của nạn chặt chém của các hàng quán.

Có thể nói, nói thách không chỉ là nét riêng trong mua bán của người Việt mà còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới. Gần như ở đâu có mua bán là ở đó có nói thách. Xưa, phần lớn các bà nội trợ đều thích cái cảm giác được mặc cả, trả treo để cuối cùng đi đến hồi kết cái giá cuối cùng để mua được món hàng như ý. Và đôi lúc việc “cò kè bớt một thêm hai” ấy được nâng lên tầm “nghệ thuật đi chợ”.

Nắm bắt được tâm lý này, những người bán hàng thường nói thách một chút để người mua mặc cả là vừa. Tương tự, họ có thể điều chỉnh cân “già” một chút để tạo sự vui vẻ cả đôi đường… Tuy nhiên, nhiều người đã lợi dụng điều này để trục lợi, hét giá quá cao hoặc cân điêu quá nhiều khiến cái “văn hóa chợ” đã ít nhiều bị ảnh hưởng.

Nếu nói thách dừng lại có chừng mực để khách mua có thể mặc cả như một sự giao lưu của người bán người mua thì không có gì để bàn cãi. Nhưng nói thách đến mức vượt ngưỡng, tăng gấp ba, bốn lần giá trị thực của món hàng thì không còn là một nét thú vị trong văn hóa kinh doanh của người Việt.

Nghệ thuật mặc cả

Mặc cả đã trở thành thói quen, thành “văn hóa mua bán” đặc trưng của người Việt. “Bán hàng nói thách, làm khách mặc cả”. Bộ đôi này đã góp phần làm nên một nét văn hóa kinh doanh rất đặc trưng ở Việt Nam.

Việc một người giàu khét tiếng, có thể vung tiền mua sắm những món hàng đắt tiền không có nghĩa là người ấy không hề mặc cả trong lúc mua bán. Đối với người Việt, mặc cả là một nghệ thuật, là một cuộc đấu trí căng thẳng giữa người mua kẻ bán. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều vụ mua bán thú vị diễn ra tại chợ Hàn, vốn được mệnh danh là nơi mua sắm bậc nhất của Đà Nẵng (ngoài hệ thống siêu thị).

Khi một tốp nữ thanh niên, áng chừng là học sinh, sinh viên ngỏ ý muốn mua đôi xăng-đan nhựa màu sắc bắt mắt. Chủ hàng vừa cười vừa hô ngọt xớt: “Chị nói thiệt nha, thấy mấy em là học sinh sinh viên nghèo nên chỉ tính giá 250.000 đồng thôi…”. Cô gái trẻ nhất trong nhóm phán một câu xanh rờn: “Đôi này bạn em vừa mua 70.000 đồng. Chị bán thì em mua”. Thế là cuộc đấu trí bắt đầu, giằng co mãi, cuối cùng cô gái cũng nở nụ cười mãn nguyện khi mua được đôi xăng-đan với giá khá bất ngờ, chỉ 85.000 đồng.

Vậy nên, bài học nhập môn khi đi chợ là phải trang bị một vốn liếng hiểu biết về giá cả các mặt hàng và trạng thái tâm lý cần thiết. Biết người, biết ta, bình tĩnh xem hàng và bình tĩnh định giá, bạn sẽ có một buổi mua sắm tiết kiệm và vui vẻ. Hoặc giả khi đến một chợ lạ, mua một món hàng mới, việc đầu tiên là hãy lùi xa xa, nán lại đôi chút để lắng nghe bà nội trợ sành sỏi đi trước xem hàng trả giá. Rồi nhẹ nhàng tiến đến bình tĩnh đặt giá với nụ cười tự tin trên môi…

Có thể nói, nói thách và mặc cả một thời đã từng là nét văn hóa làng xã của người Việt. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mọi mặt của thành phố hiện nay thì nét văn hóa ấy bị biến tướng và không phù hợp. Ban quản lý các chợ ở Đà Nẵng đã quy định niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết. Việc bỏ thói quen nói thách để tạo nên một nét đẹp mới trong mua sắm cũng là một giá trị văn hóa kinh doanh mà người dân Đà Nẵng đang hướng tới…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.