Chuyên đề

Ký ức trường làng

07:05, 12/10/2014 (GMT+7)

Sáu mươi mốt năm trước, một ngôi trường làng ra đời trên miền đất Cẩm Lệ, như một dấu ấn khai tâm cho nhiều thế hệ học trò nghèo khát khao đến với nghiệp sách đèn. Thời gian trôi qua, tuy làng quê xưa nay đã thành phố thị, nhưng mái trường ấy vẫn mãi là nơi khởi đầu của những ước mơ “vỡ lòng”.

Dù bao lần đổi tên nhưng đây vẫn mãi là nơi khởi đầu những ước mơ “vỡ lòng” của một thuở làm người. Ảnh: N.H
Dù bao lần đổi tên nhưng đây vẫn mãi là nơi khởi đầu những ước mơ “vỡ lòng” của một thuở làm người. Ảnh: N.H

Nhiều người cao tuổi trên vùng đất Bình Thái - Cẩm Lệ ngày nay vẫn không sao quên được quãng đời thơ ấu cũ. Chiến tranh, bom đạn không ngăn được ước mơ cắp sách đến trường. Mỗi lần nhớ lại chuyện xưa đi học, người dân Bình Thái không thể nào không kể tới cái hồi sau ngày Toàn quốc kháng chiến với những lớp học tổ chức tại đình làng, thúng, mủng làm bàn, chiếu làm ghế. Sau thấy con nít ham học quá, làng góp tranh tre làm trường hẳn hoi trên đất làng Cẩm Bắc, gần chợ Cẩm Lệ. Rồi chợ cháy, trường cũng bị vạ lây, lại phải dời trường vào gần đồn Tây sát bờ sông Cẩm Lệ.

Năm 1952, bộ đội Vệ quốc đoàn về đánh chiếm đồn Tây, trường lại bị hư hại... Không nỡ để con em mình thất học, thân hào nhân sĩ 3 làng liên cư liên địa là Bình Thái, Cẩm Bắc và Khuê Trung cùng bàn bạc đứng ra mua đất, xây dựng 3 lớp học mái tôn, vách trát đất, giữ nguyên tên cũ là trường Bình Thái. Học trò cả 3 làng đến học ngày một đông, nhưng ngặt nỗi, trường đóng trên đất Khuê Trung nhưng khuôn dấu lại mang tên trường Bình Thái. Thấy bất tiện, các cụ lại họp bàn, nhất trí ghép tên 3 làng thành tên trường là Bình Khuê Cẩm.

Từ đó, trong lòng mỗi người dân nơi đây, một ký ức mang tên Bình Khuê Cẩm được viết bằng những kỷ niệm màu mực tím, bằng tiếng ê a đọc bài dưới vòm cây sầu đông nở hoa…

Đó là những gì đẹp nhất mà thế hệ chúng tôi nghe người lớn kể về trường xưa. Hơn sáu thập niên trôi qua, ngôi trường làng ngày xưa đã đổi thay theo dòng chảy của thời gian. Còn nhớ sau ngày thống nhất đất nước, khi chúng tôi đã bước qua cái tuổi “vỡ lòng”, trường làng xưa được đổi tên thành Trường cấp 1 Khuê Trung 1. Trường trở nên đông hơn và nhộn nhịp hơn, ban ngày có 26 lớp phổ thông, ban đêm có 9 lớp bổ túc văn hóa.

Mỗi lần đi học cấp 3 ngang trường cũ, cứ thấy như vừa đánh mất một thứ gì… Vẫn chiếc cổng trường rợp màu hoa giấy đỏ, vẫn hàng phượng già khô lá trong mùa đông, vẫn bác cai trường hay quát bọn học trò nhưng hay thông cảm cho mấy đứa nhà xa hay đi trễ… Còn đó mái tóc phai màu thời gian của thầy Toàn, thầy Khiêm, và còn đó nụ cười nhân hậu của cô Liên, cô Bích…

Cuộc sống vốn là một dòng chảy không ngừng, đến tháng 7-1982, khi những đứa học trò xưa thuộc thế hệ chúng tôi đang mải mê ở giảng đường đại học, hay trên công trường xa lắc, thì trường xưa lại được đổi tên thành “Trường PTCS Ngô Quyền”, rồi “Trường tiểu học Ngô Quyền”. Và cho đến hôm nay, dù cơ sở chính của nhà trường đã dời xuống vị trí mới trên đường Lương Định Của, nhưng trường cũ - với bề dày hơn 6 thập kỷ - vẫn còn được giữ lại làm cơ sở hai như một dấu tích của một thời tươi đẹp!

Sáu mươi mốt năm trôi qua trong chớp mắt, biết bao thế hệ thầy và trò đã đi qua ngưỡng cửa mái trường này để cho và nhận những bài học đầu tiên về đạo làm người trước khi tiếp thụ những tri thức cao xa hơn trong cuộc sống. Nhiều người đã thành danh và không ít người đã ngã xuống vì độc lập, tự do dân tộc. Một cuộc hội ngộ không thể tránh khỏi điều đáng tiếc người còn, người mất.

Mái trường tranh tre giữa làng quê heo hút ngày xưa đã vươn mình thành một cơ ngơi tòa ngang dãy dọc giữa lòng phố thị. Trường lớp đã nhiều đổi thay nhưng học trò giờ vẫn mãi một tinh thần hiếu học như ngày nào…

NHƯ HẠNH

.