Chuyên đề

Nghĩa tình thầy trò vùng ven

07:02, 12/10/2014 (GMT+7)

Vì trót thương học trò đến lớp với cái bụng đói cùng mái tóc khét nắng mà bao nhiêu người thầy, người cô nguyện một đời gắn bó với ngôi trường vùng ven. Vì biết ơn, cảm động trước tình cảm của người thầy mà nhiều cựu học trò tự nguyện quay lại trường cũ dang tay giúp đỡ đàn em vượt khó.

Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang tặng quà cho học sinh thủ khoa ngành khối D Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và học sinh cao điểm nhất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015. Ảnh: T.Y
Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang tặng quà cho học sinh thủ khoa ngành khối D Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng và học sinh cao điểm nhất kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014-2015. Ảnh: T.Y

Nỗ lực vượt khó

Thấm thoắt đã 25 năm về công tác tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh, cô giáo Hồ Thị Dung dường như cảm nhận rất rõ những khó khăn, thiếu thốn mà nhiều thế hệ học trò của mình phải vượt qua để được đến trường học chữ. Vì thế, khi nắm giữ chức vụ Hiệu trưởng từ năm 1998, bằng tấm lòng của mình, cô giáo Dung nhiều lần quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để không học sinh (HS) nào phải bỏ học vì nghèo.

Bước vào khuôn viên rộng chừng 14.300m2 tại số 2 Trần Ngọc Sương bây giờ, ít ai biết rằng, “nhà cũ” của THCS Nguyễn Văn Linh trước đây vốn ở 52 Trường Chinh có diện tích vỏn vẹn 3.500m2, phòng ốc chật chội, rêu mốc bám chân tường. Cơ sở vật chất thiếu, nên khi nhiều trường bạn lần lượt đạt “chuẩn quốc gia” thì Nguyễn Văn Linh vẫn “giẫm chân tại chỗ” dù thành tích dạy và học có nhiều điểm vượt trội. Nút thắt này chỉ được mở khi thầy trò nhà trường khăn gói “chuyển nhà” đến địa chỉ hiện tại vào tháng 8-2005.

Ngay khi ổn định tại địa điểm mới, năm học 2005-2006, nhà trường đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học sau đó được UBND thành phố Đà Nẵng tặng thưởng “Lá cờ đầu bậc THCS” và năm học 2009-2010 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba… Từ năm 2007, UBND quận Cẩm Lệ đầu tư xây dựng nhà đa năng rộng rãi, có mái che, là địa chỉ sinh hoạt, luyện tập thể dục-thể thao cho HS.

Hiệu trưởng Hồ Thị Dung cho biết, phần lớn học sinh nhà trường xuất thân từ gia đình nông dân hoặc buôn bán nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn. Không ít lần vào đầu năm học, cô đón tiếp phụ huynh đến trường “mượn sách cho con”. Không chỉ giúp đỡ sách vở, cuối mỗi học kỳ, năm học, nhà trường đều có phần quà cho HS nghèo để động viên, khuyến khích các em tiếp tục đến lớp. Ngoài việc học, nhà trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa để học sinh có không gian giao lưu, làm việc nhóm, thể hiện tài năng và bản lĩnh sân khấu, từ đó tự tin hơn trong học tập.

Trường THCS Nguyễn Văn Linh có lịch sử hình thành trên 37 năm. Trước đây vốn là Trường cấp I - II Hòa Thọ, đến năm 1991 tách thành 2 đơn vị THCS Nguyễn Văn Linh và tiểu học Hoàng Dư Khương. Từ đó đến nay, địa chỉ này luôn dẫn đầu quận Cẩm Lệ về chất lượng dạy và học, tỷ lệ học sinh lên lớp hằng năm đạt 99%. Hình thành đội tuyển HS giỏi từ năm lớp 6, mỗi đội có 25 em. Tính từ năm học 2005-2006 đến nay, trường đạt 377 giải HS giỏi cấp thành phố, có năm kết quả xếp thứ 2/54 trường dự thi.

Ông Hoàng Cầm, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Cẩm Lệ cho biết, hiện trên địa bàn có 14 trường mầm non, 9 tiểu học, 6 THCS và 2 trường THPT. Thời gian qua, việc dạy học theo chuẩn kiến thức - kỹ năng được các trường tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nhiều giáo viên đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, khắc phục tình trạng dạy chay, đọc - chép. Nằm ở khu vực vùng ven, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng chất lượng dạy và học đang từng bước nâng lên, trong các kỳ thi HS giỏi thành phố đều đạt thành tích tốt. Phong trào thể dục thể thao học đường đẩy mạnh, khuyến khích thành lập các CLB thể dục-thể thao thu hút HS, qua đó chọn ra những em có năng khiếu nhằm bồi dưỡng, phát triển tài năng.

Hướng về trường cũ

Bây giờ, mỗi khi trời mưa, về Cẩm Lệ, không còn thấy cảnh học trò “gốc rạ chân quê” tay xắn quần, tay xách dép lội bì bõm trên con đường đầy bùn nhão, thỉnh thoảng té nhào. Đường xá trải nhựa, đổ bê-tông thẳng tắp, xe đạp, xe máy điện bon bon đến trường.

Với ông Phan Trung (1964), Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư An Huy (Sài Gòn), những kỷ niệm một thời như thế đã đưa ông trở lại trường giúp đỡ thế hệ đàn em có hoàn cảnh khó khăn. Vốn là HS Trường THPT Hòa Vang niên khóa 1981-1984, ông Trung ngày ấy là học trò nghèo, cơm chẳng đủ ăn nhưng học khá và ham học hỏi. Thấy được quyết tâm đến trường của Trung, thầy cô trong trường đã động viên bằng tinh thần lẫn vật chất để giúp ông ổn định tư tưởng. Không có điều kiện vào đại học, Trung chọn trung cấp và sau đó dần học lên cử nhân ĐH Thương mại TP. Hồ Chí Minh.

Bốn năm trở lại đây, việc kinh doanh ổn định, hằng năm đến ngày bế giảng hay khai giảng năm học mới, ông Trung thường trở về trường cũ mang theo phần quà 5 triệu đồng cho HS có phẩy điểm cao nhất năm học và 1 triệu đồng/em cho HS đoạt giải trong kỳ thi HS giỏi cấp thành phố. Ngoài ra, học trò THPT Hòa Vang có hoàn cảnh khó khăn vào TP. Hồ Chí Minh thi ĐH đều được ông giúp đỡ chỗ ăn, ở và tài trợ toàn bộ kinh phí trong suốt quá trình học tập. Bên cạnh Phan Trung, nhà trường còn nhận sự tài trợ nghĩa tình từ nhiều cựu học sinh khác như Lê Hữu Thành, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Duy Thành, với lời hứa em nào thi đỗ ĐH Y khoa sẽ được ông Thành tài trợ toàn bộ học phí suốt quá trình học.

Cô Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang, từng là cựu HS những năm từ 1975-1979, quay lại trường làm cô giáo dạy văn năm 1981 rồi gắn bó với Hòa Vang đến bây giờ. Cô bộc bạch, truyền thống hiếu học, trọng tình nghĩa, luôn hướng về trường cũ là niềm tự hào của thầy và trò Hòa Vang nhiều năm qua.

Suốt quá trình hình thành và phát triển từ năm 1961, sự ra đời của Chi hội Khuyến học năm 1991 ghi dấu ấn đậm nét trong lòng thầy cô bởi từ đó, nhà trường có thêm điều kiện tặng học bổng, sách vở cho HS nghèo, nhận sự ủng hộ từ thầy cô giáo, cựu HS, kịp thời đến tay các em trong ngày bão lũ hay dành “thưởng nóng” cho thành tích học tập xuất sắc của HS… Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, nhà trường liên tiếp đạt 100% tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT, luôn xếp vị thứ 3/20 trường THPT toàn thành phố về thành tích học tập, nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, của UBND thành phố và Sở Giáo dục-Đào tạo.

Mối quan hệ thầy - trò tại những ngôi trường ở Cẩm Lệ vẫn còn thấm đẫm đạo lý “tôn sư trọng đạo”, nhiều học trò ra đi và trở về đứng trên bục giảng dìu dắt thế hệ đàn em. Tạm kết bài viết này, tôi xin mượn vài dòng cảm xúc của cựu HS Trường THCS Nguyễn Văn Linh - cô Phan Thị Hà, giáo viên Anh tại trường này viết năm 1986 sau 6 năm tốt nghiệp đã trở về làm cô giáo: “Hôm nay đây tôi trở về trường cũ, lòng thấy vui vui xen lẫn những bồi hồi. Tôi những tưởng thầy cô rồi cũng đổi, như ngôi trường tường đất thành tường vôi. Ồ nhưng không, thầy của tôi vẫn vậy, vẫn đôi mắt hiền từ dù vóc gầy và tóc đã điểm sương. Còn riêng tôi tuy đang là cô giáo, vẫn ước mơ vẫn mãi mãi là trò…”.

TIỂU YẾN

.