Chuyên đề

Như ngồi bên bếp nhà mình

07:23, 10/01/2015 (GMT+7)

Sáng tinh mơ mở mắt ra đã nghe phố xá thơm lừng hương vị các món ăn, gần gũi thân quen như trong căn bếp gia đình. Đa số người dân Đà Nẵng là người xứ Quảng nên quà sáng cũng đậm đà chất Quảng.

Phố điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng giá cả không cao, lại được phục vụ bởi thái độ chân tình cởi mở. Ảnh: N.H
Phố điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng giá cả không cao, lại được phục vụ bởi thái độ chân tình cởi mở. Ảnh: N.H

Từ những quán hàng đơn lẻ…

Mì Quảng, xôi gà, bún chả cá, bánh canh, bún mắm, bánh bèo… luôn là những món được người Đà Nẵng ưu tiên trong thực đơn bữa điểm tâm của mình. Còn bận bịu lắm thì mới chọn ổ bánh mì kẹp thịt mang đến trường hoặc chốn công sở để gặm…

Chỉ tính riêng “món ruột” là mì Quảng thì đã có mấy thương hiệu gốc gác từ những quê đặc sệt chất Quảng như: Mì Túy Loan (Hòa Vang), mì Phú Chiêm (Điện Bàn), mì Giao Thủy (Đại Lộc)… đủ để thỏa mãn khẩu vị của những vị khách khó tính nhất. Đôi lúc có người lẩn thẩn tự hỏi, nếu mỗi ngày người dân Đà Nẵng ăn một tô mì Quảng, thì cả đời có khi ăn cả tấn mì chứ chẳng chơi! Với tiêu chí vừa rẻ, vừa ngon, vừa no bụng… một gói xôi cũng là một sự lựa chọn hữu ý cho người dân Đà Nẵng.

Người ta có thể tìm thấy hằng hà sa số các loại xôi bày bán trên khắp nẻo đường. Đặc biệt ở Đà Nẵng người ta rất thích ăn xôi gà. Đã có hẳn một đoạn phố Nguyễn Thị Minh Khai bán xôi gà với giá bình dân nhưng chất lượng không kém gì các hàng quán sang trọng.

Cùng làm nên hồn phách cho văn hóa ẩm thực Đà Nẵng, món bún chả cá đã thật sự gây thương nhớ, vấn vương không chỉ cho người dân Đà thành mà cả khách phương xa. Đã có nhiều con đường “thành danh” nhờ món ăn mang hương vị biển như: Nguyễn Chí Thanh, Lê Hồng Phong, Hải Phòng…

Một tô bún nóng hổi, thơm lừng hương vị các loại cây trái như cà chua, bí đỏ, bắp cải, măng khô mà điểm nhấn là những lát chả cá chiên vàng ruộm, xen lẫn miếng chả hấp nõn nà ngọt lịm. Tô bún chả cá chỉ thật sự ngon khi ăn cùng rau thơm, giá, xà lách và tất nhiên không thể thiếu lá tía tô trồng từ những vườn rau ven đô.

Người thành phố, đặc biệt là học sinh, sinh viên… thích nhanh, gọn, lẹ thường ưu tiên ăn bánh mì kẹp trong bữa ăn sáng. Có thể thường thấy cảnh các em nhỏ đến trường vừa đi vừa gặm vội ổ mì giòn tan, thơm phức. Thậm chí, nhiều nhân viên văn phòng lúi húi mua vội ổ mì nhét vào cặp để rồi sau đó sà vào quán ven đường vừa gặm bánh vừa nhâm nhi ly cà-phê buổi sáng.

Ngoài kiểu bánh mì kẹp nhân thịt nguội, thịt xíu quen thuộc thì bánh mì nhân thịt quay, mực rim, cá bò, bánh bột lọc… cũng làm phong phú thêm mảng màu văn hóa bánh mì của người Đà Nẵng. Những cái tên như: Bánh mì Bà Lan, Bánh mì Ông Tý, Bánh mì Đồng Tiến, Bánh mì Đồng Tâm… đã trở nên nằm lòng vào mỗi sáng mai thức dậy.

… đến phố điểm tâm

Những ngày cuối năm 2014, phố điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng ra đời như một món quà năm mới dành cho người dân thành phố Đà Nẵng. Vẫn là con phố ấy nhưng hôm nay đã thật sự mới mẻ. Những hàng quán phục vụ điểm tâm sáng như đồng loạt thay áo mới. Câu khẩu hiệu: “Văn minh kinh doanh” được dán ngay ngắn trước quầy như một thông điệp cho cách làm ăn mới của một thành phố trẻ năng động.

Phố điểm tâm ra đời trên cơ sở kế thừa nền tảng kinh doanh các món ăn sáng của các hộ dân trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Do địa thế gần các trường THCS Kim Đồng, Mẫu giáo Hoa Phượng Đỏ, Tiểu học Hoàng Diệu cũng như một số cơ quan, công ty khác nên lượng học sinh, cán bộ, nhân viên có nhu cầu ăn điểm tâm khá đông. Nếu cách đây mười mấy năm, từ nơi giáp đường Nguyễn Văn Linh đến giáp đường Chu Văn An chỉ có mươi hàng quán nhỏ thì giờ đây con số đó đã lên đến 52.

Cả một dãy phố dài bán các món ăn sáng, trong đó có nhiều món mang hơi thở của xứ Quảng nổi danh mà ai cũng biết: Bánh canh Bà Gái, Bún chả cá Bà Hà, Bún bò Bà Hoa, Bún mắm Bà Đông, Bún măng gà 114…

Để khai sinh ra “đứa con” này, theo ông Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu, địa phương đã có nhiều bước chuẩn bị hết sức chu đáo, nào là họp các hộ kinh doanh tập huấn văn minh thương mại, trật tự vỉa hè, cho vay vốn trang bị đồng bộ tủ bán hàng, bàn ghế, vận động các mạnh thường quân tài trợ trang phục như tạp dề, mũ, bạt, bảng hiệu… Quả thật, phố điểm tâm đã khai trương và đi vào hoạt động rôm rả như một câu trả lời đúng đắn cho sự chuẩn bị chu đáo của các cấp chính quyền quận Hải Châu.

Ông Lê Đình Dũng, chủ quán Bún măng gà 114 cho biết: Phố chỉ hoạt động hết công suất từ 6 giờ đến khoảng 9 giờ sáng mỗi ngày, sau đó thì trở về với nhịp sống bình lặng thường ngày. Chúng tôi hy vọng rằng hàng quán của mình sẽ buôn may bán đắt hơn sau khi được nâng lên quy mô “cấp phố”…

Thật sự mà nói, đến với phố điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng, khách sẽ không tìm thấy một không gian sang trọng với những đầu bếp nổi tiếng vì đây là khu phố điểm tâm dành cho những người bình dân. Nhưng ngược lại khách sẽ có một cảm giác thân quen như ngồi bên căn bếp của gia đình với những món ăn đậm đà, mộc mạc như bún, mì, bánh canh. Chỉ có giá từ 12.000 đồng đến 20.000 đồng, khách sẽ nhận được một thái độ phục vụ chân tình cởi mở, tạo một niềm hứng thú cho một ngày mới bắt đầu.

Việc hình thành Phố điểm tâm đường Huỳnh Thúc Kháng không chỉ phục vụ cho công tác dân sinh, tạo điều kiện tốt cho nhân dân các tổ dân phố 15, 16, 18, 19 phường Nam Dương làm ăn sinh sống mà còn góp phần tạo vẻ mỹ quan đô thị cũng như nâng cao nhận thức của người dân về nếp văn minh trong kinh doanh hầu đi đúng lộ trình phát triển văn hóa của thành phố Đà Nẵng.

Đoàn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu

NHƯ HẠNH

.