Theo quan niệm dân gian, ngày xuân không thể thiếu ba món báu (tam bảo) trên bàn thờ gia tiên: hoa quả, rượu và trà. Trong khi buôn hoa, bán quả đơn thuần chỉ là một nghề thì chưng hoa, đơm quả là cả một nghệ thuật.
Quầy trái cây của chị Nguyễn Thị Hồng (chợ Hòa Khánh). |
Nghề “hái ra tiền”
Theo quan niệm tâm linh, Tết đến chưng mâm quả gồm những trái có tên “đẹp” như Cầu Dừa Đủ Xài, nhiều người kèm thêm Sung hoặc Thơm cho thành ngũ quả. Từ đó hình thành cái nghề chuyên chạy các loại trái cây này, đến nỗi sung non trên cành hay thơm bé tẹo ngoài vườn cũng bị tuốt sạch. Thế nhưng, tâm linh mà, già hay non không thành vấn đề, cứ Cầu Dừa Đủ Xài Sung/Thơm mà chưng Tết.
Bà Nguyễn Thị Hoa đã 30 năm bán các loại trái cây ở chợ Hòa Khánh, từ hồi chợ loại 1 do quận Liên Chiểu quản lý này còn nằm phía đông đường Tôn Đức Thắng. Người miền Trung chừ ngày Tết cũng chưng mâm ngũ quả theo kiểu miền Nam, bà bảo, vì thấy ý nghĩa cũng hay hay.
Cầu dừa đủ xài (xoài) sung hoặc thơm. Có điều một số quả như mãng cầu, tên đẹp là thế, nhưng chỉ qua một hai ngày là sẽ bị hư ngay. Vì thế, người Trung chỉ cúng ngũ quả theo kiểu Nam vào giao thừa để cầu may đầu năm, còn chưng lâu hơn thì người ta chọn quả có “tuổi thọ” cao hơn (bưởi, xoài…) và ưu tiên màu đỏ (dưa hấu, thanh long…).
Thanh long, theo bà Hoa, ngoài “chiếc áo” rực rỡ màu đỏ, còn có thêm đặc tính là có héo cũng không hư. Mấy năm gần đây, có thêm sự lựa chọn mới cho mâm quả Tết với táo Mỹ, cam Mỹ… Có thêm một loại thơm mới là thơm son, được trồng đại trà ở thôn Son Thái, xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Loại thơm kiểng này có màu sắc rất đẹp, đỏ như màu son và có nhiều nhánh mọc xung quanh trái (tượng trưng cho sự phát đạt, thịnh vượng) nên được người dân ưa chuộng chưng trong dịp Tết để cầu may mắn.
Giao thừa, lễ cúng trong nhà, ngoài sân thời nay dù có thêm thắt nhiều thứ theo kiểu “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng theo các cụ cao niên làng Phong Nam, xã Hòa Châu, không thể thiếu bình bông (trang hoặc vạn thọ càng tốt), nải quả (ngũ quả càng hay), hai cây đèn cầy, hai chén nước trà, lư hương. Có người còn cúng xấp giấy tiền vàng bạc và một trái dừa tươi đã chặt sẵn theo phong cách giao thừa Nam Bộ.
Một số người kiêng kỵ, bảo Tết nhứt không nên cúng chuối vì sẽ bị... chúi mũi chúi lái cả năm (người miền Trung, miền Nam phát âm không phân biệt chuối và chúi). Tuy nhiên, phần lớn vẫn cúng chuối vào ngày Tết, vì tin rằng chuối là biểu tượng bàn tay Phật (Phật thủ), chưng chuối trên bàn thờ gia tiên ngày đầu năm mới là một cách thể hiện lời cầu mong Đức Phật ban ân sủng đến gia đình mình. Vì lẽ đó, cung cấp các loại chuối cúng nói riêng, các loại quả nói chung, vẫn mãi là một trong những nghề “hái ra tiền” vào tháng Chạp.
Những loại quả Tết đính chữ “Phước”. Ảnh: V.T.L |
Tây, ta chen Tết
Từ sau ngày đưa ông Táo về trời, các chợ đông đúc, nhộn nhịp hẳn lên, từ nội thành ra đến ngoại ô. Ông Phan Phước Lộc, Phó trưởng ban quản lý chợ Hòa Khánh cho hay, ngày thường chợ có 30 quầy bán hoa, 10 quầy bán quả, ngày Tết tăng lên gần chừng đó nữa, đó là các quầy tự phát (phần lớn là công nhân, sinh viên) tranh thủ kiếm thêm thu nhập ngày Tết. Số mới này tràn xuống lòng đường Nguyễn Cảnh Chân, chỉ chừa lại một lối đi ở giữa. Tết mà. Cũng may là đường này cấm xe tải trên 3,5 tấn nên cũng không ảnh hưởng đến an toàn giao thông.
Chị công nhân Nguyễn Thị Thủy dự định năm nay sẽ về quê Hà Tĩnh ăn Tết muộn, nấn ná ở lại Hòa Khánh cùng bạn làm cái nghề đột xuất mà bạn bè ghẹo đùa là “bán hoa”. Mấy năm trước thấy mấy đồng nghiệp Tết đi “bán hoa” có thêm tiền về xe, Thủy lân la hỏi chuyện mấy bà, mấy chị trong các quầy hoa tươi ở chợ Hòa Khánh để tìm các nguồn cung cấp hoa sỉ. Cũng không khó, Tết xe tải chở các loại hoa quả từ Bắc vô, từ Nam ra, tha hồ lựa chọn.
Bà Võ Thị Gái, 25 năm mở quầy bán hoa ở chợ Hòa Khánh, rất hiểu khách hàng của mình. Thường thì người ta thờ cúng, tâm linh hay chọn các loại cúc, lay-ơn, cát tường… trong đó lay-ơn đỏ lâu tàn, chưng đẹp, rất “có giá”, vừa đắt khách, vừa đắt hàng. Chưng bàn cho đẹp thì chọn các loại đẹp cả về tên gọi lẫn ngoại hình như cát tường, hồng, đồng tiền…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lily cũng là một loại hoa “đắt sô” ngày Tết, có điều, người đụng gì cũng kiêng cử thường ít chọn chưng Tết loại hoa có xuất xứ từ Nhật Bản này vì cho rằng tên gọi tắt (theo kiểu Việt) của nó không được hay, ly – nghe như có gì đó bất ổn! Trong khi đó, một số hoa dù “kém sắc thua hương” hơn như salem, ngàn sao... vẫn là lựa chọn hàng đầu. Hoa ngàn sao lấm tấm sắc tím nhạt như sao khuya đêm ba mươi. Salem là biểu tượng tô điểm, nhấn mạnh thêm cho sự bền vững muôn đời, mãi mãi.
Cuối năm tất niên, đầu năm khai trương, các cơ quan, doanh nghiệp không quên chưng một vài lẵng hoa, bình hoa. Đó là dịp để các nghệ nhân cắm hoa thể hiện “phép màu” của mình: đan xen, điểm xuyết các loại hoa cỏ trong một bảng màu hài hòa để bức tranh hoa xuân khoe sắc tỏa hương.
Trong rừng hoa ta hoa Tây ngày Tết, nếu tuổi trẻ thích chọn những loại hoa thời thượng (để không mang tiếng quê mùa với chúng bạn) thì vẫn còn không ít người cao tuổi chọn một số loại bông hoa có từ thời… Bảo Đại (nói như dân gian) làm trùm như hoa vạn thọ, hoa thược dược… Đặc biệt là hoa vạn thọ, đã từng có Việt kiều về quê ăn Tết đi lùng loại hoa này để chúc tụng ông bà, cha mẹ mình được trường thọ như tên hoa.
Ẩn ngữ mùa xuân
Hiện có hai “dòng” mai: lá xanh (thanh diệp mai) và lá đỏ (hồng diệp mai), thể hiện ở màu sắc lá non của chúng. Mai lá đỏ nhiều hoa, hoa nhiều cánh, có khi trổ hoa lai rai vào giữa năm, nhưng lại không có hương. Mai lá xanh (còn gọi là mai vườn) là mai truyền thống, chỉ nở độc một mùa vào Tết, hoa đẹp, vàng óng, lâu tàn, chưng một cành trong nhà là sớm mai xuân thức dậy tràn ngập hương hoa.
Vài thập niên trở lại đây, một lớp người mới ăn nên làm ra thích tìm mua cho được loại mai 6 cánh. Trong tiếng Hán, “lục” (sáu) phát âm như “lộc” (tài lộc), ô-tô của một số “đại gia” có biển số 68 (“lục bát” phát âm như “lộc phát”) cũng ăn theo nghĩa đó. Tuy nhiên, cũng như quả có “cầu dừa đủ xài sung/thơm”, các gia đình sống theo nếp xưa bao giờ cũng thích hoa mai vàng 5 cánh như một lời chúc tốt đẹp đầu năm mới “ngũ phúc lâm môn”.
Gần đây, các shop hoa khô thi nhau ra đời ở Đà Nẵng để đáp ứng mọi nhu cầu mà hoa tươi không thể đáp ứng. Chị Trần Thị Thu Uyên, nhân viên shop hoa và dịch vụ cưới Thanh Vũ trên đường Đặng Văn Ngữ, chợ Cẩm Lệ, cho biết Tết năm rồi nhiều khách hỏi mua hoa mai, hoa đào giả làm bằng vải. Đào không ai nói gì, nhưng mai 5 cánh hay 6 cánh thì mỗi người một ý. “Khỏe” nhất là đỗ quyên, nhiều người mua vì nó giống hoa thật đến 90%, màu đỏ rực rỡ; hàng Thái giống thật hơn nhưng có giá hơi cao, còn hàng Việt tuy có thua kém một chút nhưng có giá “mềm” nên bán rất chạy. Tết, chưng hoa đỗ quyên trong nhà để cầu mong được thành công, sung túc.
Mỗi loại hoa quả đều cất giấu một “ẩn ngữ” riêng. Chưng hoa quả giờ không hẳn là một nhu cầu, mà hơn thế, là một nghệ thuật mang tính văn hóa tâm linh, điểm xuyết hương xuân bằng sự tinh tế, hài hòa, thêm một chút phong thủy. Vì thế, có người bảo: Hãy cho tôi xem bạn chưng gì trong ngày Tết, tôi sẽ nói bạn là ai.
VĂN THÀNH LÊ