Chuyên đề

Như người thân quanh mình

07:38, 28/02/2015 (GMT+7)

Bước chân đến Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, có một tấm bảng sẽ làm yên lòng người bệnh: “Chúng tôi ở đây là để giúp bạn vượt qua bệnh tật”.

Điều dưỡng Ngô Văn Lực đang kiểm tra vết thương nơi chân cụ bà Nguyễn Thị Than. Ảnh: T.Y
Điều dưỡng Ngô Văn Lực đang kiểm tra vết thương nơi chân cụ bà Nguyễn Thị Than. Ảnh: T.Y

Đội ngũ y bác sĩ nơi đây không chỉ khám mà còn lắng nghe, thấu hiểu hàng trăm câu chuyện, hàng nghìn nguyên do dẫn đến bệnh.  Dù có thể,  đây sẽ là nơi trút hơi thở cuối cùng, thì người bệnh vẫn kịp đón nhận được tình người luôn nhẹ nhàng lan tỏa đầy ấm áp và yêu thương.

Hai bệnh nhân đặc biệt

Hơn 3 năm nay, căn phòng rộng chừng 20m2 tại khoa Da lây, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng trở thành mái ấm của hai cụ bà Nguyễn Thị Chép (1932) và Nguyễn Thị Than (1933). Phòng duy nhất hai bệnh nhân, nên hầu như chẳng bao giờ xảy ra tình trạng chen chúc hay quá tải. Một ngày trôi qua, ngoài thời gian ngủ nghỉ, cả hai thường ngồi trên giường nói với nhau vài ba câu chuyện, có khi hòa thuận, có lúc chẳng ai chịu nhường ai nhưng nhờ thế mà vui, mà quên đi nỗi hoang hoải, trống trải trong lòng. Từ khi rời làng Vân vào đất liền sinh sống, cả hai nay ốm mai đau, bác sĩ khuyên nên chuyển hẳn về điều trị nội trú tại bệnh viện để nhận sự hỗ trợ kịp thời.

Theo lời bà Chép, cả hai bà đều là cư dân đầu tiên đặt chân đến làng Vân, phường Hòa Hiệp Bắc từ những năm 1960 của thế kỷ trước với hi vọng ngăn chặn và đẩy lùi bệnh phong ra khỏi cơ thể. Thuở ấy, cùng với vị trí hiểm trở, tách biệt đất liền, làng Vân còn là khu rừng hoang vu không một bóng người, trở thành nơi “giấu mình” an toàn và bình yên cho những mảnh đời bất hạnh.

Thời gian dần trôi, những bệnh nhân phong xích lại gần nhau tìm kế sinh nhai từ việc bắt con cá, con tôm dưới biển, hái quả trên rừng hay luân canh trồng rau, trồng lúa nước trên những mảnh đất hoang hóa. Và bây giờ, khi đã ở cái tuổi gần đất xa trời, hai bà tiếp tục tựa vào nhau mong tìm sự thanh thản, bình yên cuối cuộc đời.

Từ ngày chuyển về làm “cư dân” bệnh viện, mọi sinh hoạt, ngủ nghỉ của hai bệnh nhân già đều nhờ vào đôi bàn tay chăm sóc ân cần của đội ngũ điều dưỡng viên. Bác sĩ N.Đ.T, Phó Trưởng khoa Da lây, Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng nói rằng, phần lớn bệnh nhân phong, dây thần kinh ngoại vi bị tổn thương khiến bàn tay bàn chân không cử động, thường đi đứng khó khăn và không tự cầm đồ vật được nên đến giờ ăn có người đút, đến giờ tắm có người dìu đi...

Còn những bệnh nhân có đôi bàn tay bị hoại tử như bà Than, ngoài những việc trên thì chuyện kỳ cọ tắm rửa, chải tóc, lau mặt mũi tay chân, thay quần áo hay khăn trải giường đều nhờ cả vào bàn tay người điều dưỡng.

Có lẽ với người  từng chăm sóc người thân bệnh tật mới thấu hiểu tận cùng nỗi vất vả, hi sinh của người công tác trong ngành y. Anh Ngô Văn Lực, Điều dưỡng trưởng khoa Da lây gắn bó với bệnh nhân phong từ đầu những năm 1992 khi tình nguyện ra làng Vân làm công tác chăm sóc, điều trị định kỳ cho họ. Chuyện băng rừng, lội suối không khiến anh lo ngại bằng việc hằng ngày nhìn thấy những vết thương lở loét trên thân thể người bệnh.

Cũng do da không còn cảm giác nên mỗi khi bị bỏng, cắt hay lở loét nơi đầu ngón tay, ngón chân dẫn đến vết thương bị bội nhiễm với vi khuẩn, xương hủy hoại, tế bào tiêu hao và dị tật vĩnh viễn, mù lòa, không thể có con. Những khi như thế, anh thấy lòng mình thắt lại, đau mà không thể khóc, thương mà không thể giúp bởi một thời, bệnh phong là căn bệnh khó chữa, chưa có thuốc đặc trị. Càng thương, anh càng cố bù đắp bằng thái độ ân cần, nhẫn nại trong việc lau rửa vết thương, cẩn thận dò xét và chăm sóc cho vết thương mau liền miệng.

Đến thăm khoa Da lây, tôi có thể cảm nhận được sự chu đáo ấy qua bộ áo quần sạch tinh tươm, mái tóc cắt ngắn gọn gàng cùng làn da sáng mịn, trắng trẻo của hai người bệnh đặc biệt ấy. “Nhiều tháng ngày chúng tôi ở đây, người thân chỉ thỉnh thoảng vào thăm nên mọi sinh hoạt, ăn uống ngủ nghỉ đều có đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng lo lắng chu toàn. Họ như những người con chăm sóc mẹ già khiến tôi không còn cảm giác cô đơn, trống trải trong những ngày cuối đời ở viện”, bà Nguyễn Thị Chép chia sẻ.

Giúp bạn vượt qua bệnh tật

Khi vừa bước chân đến Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng, điều khiến tôi ấn tượng có lẽ là tấm bảng “Chúng tôi ở đây là để giúp bạn vượt qua bệnh tật” và mỗi hành lang, khu vực cầu thang bộ đều có bảng tin về những căn bệnh về da thường gặp. Thông thường, khi mắc phải những căn bệnh đơn giản như cảm cúm hay đau răng, người ta dễ dàng đưa ra quyết định đến bệnh viện gặp bác sĩ. Tuy nhiên với bệnh lây lan qua đường sinh dục…, chuyện đến viện điều trị là việc làm không mấy dễ dàng bởi cảm giác xấu hổ xen lẫn ngại ngùng khi phải nói ra câu chuyện thầm kín của mình. Do đó, rất nhiều ca khi đến viện đã trở nặng, khó điều trị dứt điểm.

Câu hỏi thường gặp nhất tại phòng tư vấn HIV là “liệu tôi còn sống được bao lâu?” khiến những người làm công tác tư vấn thật sự bối rối khi tìm câu trả lời vừa chính xác, vừa nhẹ nhàng nhất có thể. “Từ năm 1994 đến 2005, những bệnh nhân HIV/AIDS vào viện điều trị nội trú phần lớn là “vào cổng trước, ra cổng sau”. Giai đoạn ấy, phần lớn do kiến thức chuyên môn về bệnh chưa nhiều, chưa có thuốc kháng virut ARV, chưa kinh nghiệm về điều trị nhiễm trùng cơ hội nên hầu hết bệnh nhân khi đến viện là chết. Khoa Da lây ít bệnh điều trị nội trú nên mỗi lần tiễn một ai đó về nơi yên nghỉ, chúng tôi vô cùng thương xót như đưa tiễn một người thân trong gia đình”, anh Ngô Văn Lực chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 50% đối tượng đến khám bệnh lây lan qua đường tình dục tại Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng là sinh viên, con số đáng báo động cho tình trạng sống buông thả của một bộ phận giới trẻ. Tại phòng khám ngoại trú, cô gái trẻ tên M. sinh viên một trường đại học trên địa bàn thành phố, đang ngồi khóc rấm rức, gương mặt ẩn sau chiếc khẩu trang chỉ còn thấy đôi mắt đỏ hoe, mệt mỏi. Chỉ khi đi khám mới phát hiện mình mắc bệnh giang mai, căn bệnh xã hội nguy hiểm chỉ đứng sau HIV/AISD.

Ngay khi có kết quả, M. được bác sĩ khuyên nên nhập viện để được điều trị kịp thời. M. nói, có thể với người thân, với bạn bè, M. không dám nói ra căn bệnh của mình nhưng lại dễ dàng chia sẻ cùng bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị tích cực. Qua buổi thăm khám, tư vấn với bác sĩ, M. nhận ra rằng, bệnh của mình sẽ nhanh thuyên giảm nếu có sự hỗ trợ tích cực từ phía người thân.

Chỉ một lần tiếp xúc với những con người như thế giúp tôi cảm nhận được rằng, đội ngũ y bác sĩ nơi đây không chỉ khám mà còn lắng nghe, thấu hiểu hàng trăm câu chuyện, hàng nghìn nguyên do dẫn đến bệnh. Ở môi trường nhân văn đó, tình người vẫn nhẹ nhàng lan tỏa đầy ấm áp và yêu thương.

TIỂU YẾN

.