.

Đẹp từ chuyện nhỏ

.

Những việc làm tự giác trong im lặng như gìn giữ tài sản công cộng, để rác đúng nơi quy định, phơi phóng quần áo nơi kín đáo… là điều không tốn nhiều công sức và tiền bạc để làm nhưng lại là thước đo lòng tự trọng của mỗi cá nhân, lối sống văn minh của thành phố.

Anh Hồ Triết đang tiến hành vá một thùng rác bị cháy do người dân đổ giấy cúng đang cháy vào. Ảnh: M.T
Anh Hồ Triết đang tiến hành vá một thùng rác bị cháy do người dân đổ giấy cúng đang cháy vào. Ảnh: M.T

Ai khóc “cha chung”?

Cái nắng đầu hè gay gắt khiến mùi hôi thối tỏa ra từ các thùng rác vỡ càng thêm nồng nặc. Gần 11 giờ trưa, anh Hồ Triết (công nhân sửa chữa thuộc Đội Môi trường 2, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 1) vẫn cẩn thận “khám” cho từng chiếc thùng rác vỡ, đen sì, cáu bẩn bằng bàn tay trần. Với những chiếc bị vỡ đôi, không thể sử dụng nữa, anh dùng cưa cắt lấy phần còn lành lặn để… vá vào những thùng vẫn còn có thể chứa rác. Với máy khoan, ốc vít, mỗi ngày anh vá được khoảng 4 đến 5 thùng.

Anh Triết cho biết, số lượng thùng hư hỏng tăng đột biến vào những tháng cận Tết - khoảng thời gian nhiều hộ gia đình dọn dẹp, sửa sang nhà cửa. Khi vứt rác, người dân thường ngại xuống xe, ngại bẩn khi mở nắp thùng nên tiện tay ném ngang túi ni-lông bọc gạch lát nền, mảnh chai, gương vào thùng rác. Những vật liệu sắc nhọn, nặng khiến thùng rác nứt toác. Cá biệt hơn, nhiều hộ gia đình phản đối việc đặt thùng rác trước nhà mình bằng cách đá thùng xuống lòng đường, mặc cho thùng vỡ ra thành từng mảng lớn, rác đổ tứ phía.

Để vá những thùng thủng đáy, anh Hồ Triết phải chấp nhận chui người vào trong thùng rác, mặc cho sự tanh hôi, chật chội. “Thùng rác nhanh hư hỏng là thách thức của công ty trong công tác thu gom rác thải và tốn kém chi phí sửa chữa, bảo quản. Thế nhưng, thùng rác - tài sản chung của cả thành phố - vẫn vỡ hằng ngày”, anh Hồ Triết nói.

Suốt 13 năm nay, cứ đến đêm rằm hằng tháng, giao thừa, anh Tống Minh Trình, Đội trưởng Môi trường 2, Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 1 (quản lý công tác vệ sinh môi trường phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2) lại lái xe máy kèm theo cái xô nước đi dọc các tuyến đường để… cứu thùng rác. Thùng cỡ nhỏ (240 lít) có giá gần 2 triệu đồng, thùng cỡ lớn (660 lít) có giá đến 9 triệu đồng nhưng thường xuyên bị cháy nham nhở do nhiều người dân vẫn… tiện tay đổ vàng mã, giấy cúng hay thậm chí than tổ ong chưa cháy hết vào. Nếu may mắn có mặt kịp thời, anh Trình sẽ cứu được những chiếc thùng rác không cháy rụi. Những chiếc bị cháy thủng đáy được mang về để gia cố, sửa chữa, vá và tái sử dụng, tiết kiệm được khoản tiền lớn cho ngân sách thành phố.

Vật dụng trong bộ đồ bảo hộ mà anh Trần Mạnh Sĩ (công nhân Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 2) và hầu hết các đồng nghiệp làm công việc thu dọn rác không sử dụng là đôi găng tay làm bằng vải dày. Điều này xuất phát từ thực tế, tại hầu hết các khu dân cư, người dân không bỏ rác vào thùng mà để tất cả trên nắp thùng và tràn ra nền đất xung quanh. Người thu dọn phải nhặt từng túi rác một, nước bẩn từ các túi rác chảy ra và ngấm vào bao tay gây ngứa và mụn nhọt. Vì lý do này nên công nhân vệ sinh thường chấp nhận nguy cơ bị cứa đứt tay do lưỡi lam, kim tiêm, mảnh chai chứ không thể dùng chiếc găng tay bí bách, sũng nước trong suốt ca làm việc.

Anh Sĩ chia sẻ về nỗi buồn của mình trong ca làm việc cuối cùng của năm 2014. Khi đất trời bước vào thời khắc chuyển giao, nhà nhà quây quần ấm áp, anh và 2 đồng nghiệp vẫn phải khom lưng nhặt từng túi rác chất cao trong khi thùng rác đứng bên cạnh… rỗng không. “Chỉ cần rác được bỏ đúng nơi quy định thì công việc của công nhân vệ sinh sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, dường như vẫn nhiều người nghĩ rằng, đóng phí thu dọn rác đồng nghĩa với quyền được đổ rác tùy tiện và thuận tiện, mặc kệ văn minh và mỹ quan đô thị của thành phố”.

Nông dân thành thị

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An từng lý giải rằng hiện tượng trên là hậu quả của tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã biến những người nông dân gắn bó với ruộng đồng xưa kia trở thành thị dân mà không có sự chuẩn bị về tâm lý, tập quán. Yếu tố văn hóa nông thôn không chuyển hóa kịp và mặc nhiên tồn tại trong cuộc sống đô thị. Điều này khiến bản chất nông dân vẫn đang chi phối cốt cách, thói quen, cách hành xử của người dân Đà Nẵng.

Điều lạ lùng nhất với anh Francon Leonard (người Pháp, số 11, Hà Chương, quận Sơn Trà) khi đến sống ở Đà Nẵng là những dãy áo quần tung bay trên dây phơi hay thậm chí rào dậu, dây thép gai. “Người Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung đã “công cộng hóa” điều riêng tư, ý nhị nhất của mỗi cá nhân bằng cách phơi phóng của mình”, anh Leonard khẳng định. 7 năm sống ở thành phố biển, giờ đây, chỉ cần nhìn vào dãy quần áo trẻ nhỏ được móc qua đêm trên hàng rào thép gai, những bộ quần áo công nhân bạc màu, những tấm khăn nhiều màu sắc… anh Leonard và những người bạn ngoại quốc của mình có thể “đọc” nhiều thông tin về gia đình như điều kiện kinh tế, nghề nghiệp, độ tuổi của các thành viên... dẫu chưa một lần gặp mặt.

Việc phơi phóng này diễn ra không chỉ ở những quận, phường tập trung nhiều ngư dân, nông dân trồng hoa màu mà còn tập trung cả những địa điểm trung tâm thành phố. Giám đốc Nhà hát Trưng Vương Nguyễn Đình Thậm bày tỏ sự xấu hổ khi đối diện với nhà hát - nơi được ví như “thánh đường nghệ thuật” - là dãy nhà với những ban-công nhiều màu sắc từ các cây phơi quần áo. “Khi có buổi biểu diễn nghệ thuật lớn, Nhà hát lẫn lãnh đạo quận Hải Châu phải thuyết phục những hộ dân này thu vén, che chắn để phía đối diện mặt tiền nhà hát bớt nhếch nhác”, ông Thậm chia sẻ.

Theo lời kể của ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà thì không chỉ phơi phóng quần áo ở bất kỳ nơi đâu có nắng, những nông dân thành thị còn sẵn sàng đổ nước vương vãi lòng heo, mang cá ra lối đi chung giữa các khu dân cư để tránh… tắc cống nhà mình mặc cho ruồi nhặng, tanh hôi cả vùng. Không ít trường hợp người dân bị xìa bánh xe, ngã xuống đường lổn nhổn cát sạn, sỏi đá do các hộ dân đổ vật liệu xây dựng tràn cả xuống lòng đường.

“Pháp luật là điều cần thiết nhưng đó chỉ là phương tiện răn đe, ép buộc, giúp hành động của người dân không đi quá giới hạn cho phép chứ không bảo đảm cho lối sống văn minh của xã hội. Xả rác, phơi quần áo tùy tiện, đổ nước thải, vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè… cần đến lòng tự trọng, tính tự giác và hành động tự thân của mỗi cá nhân chứ không phải sự cương tỏa của pháp luật. Do đó, không thể chỉ dùng luật lệ, phương thức quản lý Nhà nước để hạn chế, ngăn chặn các hành vi thiếu văn minh. Điều cốt lõi cần làm là phát huy và gìn giữ trong mỗi con người ý thức sống đẹp như một bản năng”, ông Xứng khẳng định.

Theo ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu thì công tác tuyên truyền cho văn hóa, văn minh đô thị đang được quận đầu tư và chuẩn bị tốt theo tiêu chí “mưa dầm thấm lâu” chứ không dừng lại ở mức độ phong trào, hình thức. Bởi, để tiết chế dần dần và làm mất hẳn những thói quen ứng xử tùy tiện, dân dã đã ăn vào nếp nghĩ, nếp sống, trở thành nếp văn hóa có “tuổi thọ” lâu đời là sự nghiệp nhiều thập kỷ của Đà Nẵng.

Xóa bỏ dần những "hạt sạn văn hóa"

Thói quen văn minh thường mất nhiều công sức, thời gian để rèn luyện, kể cả việc nhỏ như bỏ rác vào thùng đúng quy định. Do đó, năm 2015 chỉ là cái mốc đánh dấu sự nghiệp xây dựng văn hóa văn minh đô thị của thành phố Đà Nẵng chứ không đồng nghĩa với việc phong trào chỉ thực hiện trong vòng một năm. Tin rằng, qua thử thách của thời gian, sự thẩm định của xã hội và lòng tự hào mang tên thành phố đáng sống, người Đà Nẵng sẽ điều chỉnh và xóa bỏ dần những “hạt sạn văn hóa”, những hành vi thiếu văn minh.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy Võ Công Trí

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.