Được tiếp cận những nền giáo dục hàng đầu thế giới, được ngồi trong những giảng đường đại học nổi tiếng, được trải nghiệm cộng đồng đa văn hóa, được tận hưởng trọn vẹn những thử thách và tự do của việc du học... có lẽ là ước mơ của nhiều người. Một trong những điểm khởi đầu của ước mơ đó là chứng chỉ IELTS.
Chứng chỉ IELTS là “hộ chiếu” để tiếp cận những nền giáo dục hàng đầu thế giới và trải nghiệm cộng đồng đa văn hóa. (Ảnh do học viên Đà Nẵng đang du học tại Úc cung cấp) |
IELTS là viết tắt của từ “International English Language Testing System” - Hệ thống kiểm tra Anh ngữ toàn cầu. Đây là bài kiểm tra năng lực, khả năng sử dụng tiếng Anh phổ biến nhất thế giới dành cho công dân ở những quốc gia không nói tiếng Anh. Để có thể du học, bất kỳ du học sinh quốc tế nào cũng phải đáp ứng được yêu cầu tiếng Anh đầu vào của các trường thông qua IELTS.
Thành công = kiên trì
Người luyện thi IELTS ví hành trình của mình như một cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật, chỉ biết thời gian khởi đầu mà không biết khi nào sẽ kết thúc. Không cần biết bạn đã chạy bao lâu, đã kiệt sức đến mức nào, kiến thức chỉ thay đổi khi bạn nhảy được qua một chướng ngại vật và tiếp tục lao về phía trước. Trong cuộc đua đó, người chiến thắng không phải là người thông minh nhất mà là người có động lực mạnh mẽ nhất, quyết tâm cao nhất.
Không mang tính chất bắt buộc như chương trình học tiếng Anh trong suốt 12 năm phổ thông, người học theo đuổi IELTS đều trên tinh thần tự nguyện. Theo bà Trần Thị Xuân Đài, Giám đốc học vụ Viện Anh ngữ Đại học Đà Nẵng-Đại học Queensland (ELI Đà Nẵng) thì chỉ riêng năm 2014, trung tâm có 1.200 người tham gia thi IELTS. “1.200 người ở nhiều độ tuổi, tự nguyện bước vào cuộc thi với 1.200 ước mơ mà đa phần là được học tập trong môi trường quốc tế. Dẫu biết rằng sẽ có nhiều khó khăn, nhưng thành quả và kinh nghiệm khi vượt qua được thách thức đó sẽ là phần thưởng vô giá dành cho ai dám theo đuổi”.
Anh Đỗ Sính (41 tuổi, giảng viên Trường Đại học Đông Á) đã ghi vào trang đầu tiên trong quyển vở luyện thi IELTS của mình câu nói: “Thành công không phải là ma thuật hay trò phù phép, hễ học được cách nỗ lực, kiên trì là ta sẽ có được thành công”(*). Để đạt được thành công đó, suốt 2 năm nay, bất kể mưa nắng, bất kể việc mình là học viên lớn tuổi nhất lớp, anh Sính đều đặn đến trung tâm để luyện thi IELTS. Trái ngọt anh thu được không chỉ là khả năng tìm tòi, nghiên cứu tài liệu tiếng Anh, từ đó cập nhật, tích lũy và truyền đạt lại kiến thức mới nhất cho sinh viên mà còn tự tìm được suất học bổng đi du học vào tháng 8-2015.
Theo anh Phan Tấn Luận (29 tuổi, Sở Thông tin - Truyền thông) thì Việt Nam đã hội nhập sâu rộng chứ không còn chuẩn bị hội nhập. Thế nhưng, chương trình dạy ngoại ngữ phổ thông vẫn chỉ dừng lại ở những cấu trúc ngữ pháp khuôn mẫu, nhàm chán; giảng viên thường nhắc lại những điều đã có sẵn trong sách mà không đưa ra dẫn chứng thực tế diễn giải, thiếu tình huống đối thoại phong phú. Vốn liếng sau 12 năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông và tiếp tục 4 năm ở đại học vẫn chưa giúp anh Luận tự tin chào hỏi người nước ngoài. Để khắc phục tình trạng này, anh quyết tâm theo học IELTS và nhận ra rằng, đây là quyết định đúng đắn bởi bài thi học thuật có khả năng nâng cao kỹ năng nghe, nói; tăng tư duy phản biện; triệt tiêu hoàn toàn phương pháp làm bài máy móc, thuộc lòng…
Với sự ra đời của Internet, chỉ một cái nhấp chuột có thể tải về hàng loạt giáo trình tiếng Anh, các đoạn phim rèn cách phát âm, rèn kỹ năng nghe, nói từ giáo viên bản ngữ có chất giọng chuẩn Mỹ, chuẩn Anh. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. “Với sự hỗ trợ của Internet, thử thách và cơ hội đang chia đều cho tất cả mọi người và điều cần làm là nắm lấy cơ hội đó để khẳng định chính mình. Không xem việc học là khổ sở, chịu khó tìm tòi, sẽ tự tìm thấy niềm vui trong hành trình chinh phục IELTS”, anh Luận chia sẻ bí quyết của mình cho những ai đang lưỡng lự trong quyết định theo học IELTS.
Để thấy thế giới rộng lớn ra sao…
Với bạn Trần Quốc Anh, cựu du học sinh Trường Đại học Sydney, Úc thì điều đáng sợ nhất trong suốt quá trình du học của mình là câu hỏi: “Việt Nam có còn chiến tranh?”. Câu hỏi cho thấy khoảng cách quá lớn giữa Việt Nam và phần còn lại của thế giới. Khoảng cách không đơn thuần chỉ dừng lại ở ý nghĩa địa lý. Vì lý do này, Quốc Anh mong muốn, tất cả người trẻ của Việt Nam đều có thể trò chuyện và giới thiệu về đất nước mình với thế giới bằng ngôn ngữ phổ biến nhất - tiếng Anh.
“Sở hữu chứng chỉ IELTS và trở thành một phần trong cộng đồng du học sinh đến từ các nền văn hóa khác nhau, người Việt sẽ có cơ hội giới thiệu đến bạn bè thế giới rằng: Việt Nam là quốc gia thanh bình, văn hóa Việt Nam không chỉ có múa rối nước với nhân vật chú Tễu; không chỉ có tác phẩm điện ảnh “Bao giờ cho đến tháng 10” của đạo diễn Đặng Nhật Minh; không chỉ có “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh hay “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh…”, Trần Quốc Anh nói.
Bên cạnh việc giới thiệu văn hóa của quốc gia mình, du học còn là cơ hội vàng để mỗi cá nhân tìm hiểu về các nền văn hóa khác. Được khám phá nền văn minh Hy Lạp, được chu du qua cánh đồng hoa bạt ngàn và những cây cầu đẹp cổ kính, hiền hòa của các thành phố châu Âu, được trải nghiệm văn hóa Mỹ sôi động, hiện đại qua lời kể của bạn bè đến từ chính những quốc gia đó là trải nghiệm vô giá đối với Trần Quốc Anh.
Hoàng Công Huân (học thạc sĩ tại Anh, vừa đạt học bổng để tiếp tục làm tiến sĩ tại Đại học Stirling, Anh) cho rằng việc đầu tư thời gian, công sức cho IELTS và bắt đầu hành trình du học là điều nên làm. Bởi “mỗi cá nhân chỉ có một cơ hội sống để thấy thế giới rộng lớn ra sao”.
Huân không phê phán chương trình giáo dục của Việt Nam nhưng cũng không phủ nhận thực tế: phương pháp giảng dạy dựa trên sự đọc, chép và học thuộc lòng vẫn tồn tại trong môi trường đại học. Điều này góp phần khiến tinh thần phản biện, năng lực sáng tạo của học sinh, sinh viên Việt theo đó mà dần dần bị mài mòn, hình thành nên thói quen “im lặng là vàng”.
Trong khi đó, ngay quá trình luyện thi IELTS, bằng những đề thi mở, lý thú, người học đã tập được thói quen tự đưa ra ý kiến riêng của bản thân, nêu lên hàng loạt minh chứng, ví dụ để bảo vệ ý kiến đó và giải pháp để khắc phục tồn tại chứ không dừng lại ở việc ghi nhớ từ ngữ quan trọng. Bước vào hành trình du học, người học sẽ nhận ra rằng, giảng đường đại học không phải là lò “đúc” nên cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, mà là nơi học viên được tự do sáng tạo và trở thành cá nhân độc lập. Giảng đường là nơi học viên học cách lắng nghe, thuyết trình, tranh luận thẳng thắn mà không bị xem là thiếu tôn trọng giáo viên, kể cả khi ý kiến đưa ra hoàn toàn trái ngược với số đông; nơi người học nhận được sự cảm ơn của giáo sư bởi đã giúp họ “học được nhiều hơn sau mỗi lần tranh luận cùng học viên”…
Nếu có hoài bão được chủ động tiếp cận với kho tàng tri thức khoa học của nhân loại (đa phần được thể hiện bằng tiếng Anh); được góp phần “đính chính” với bạn bè thế giới rằng Việt Nam không chỉ có chiến tranh, con trâu và chú Tễu; được thụ hưởng nền giáo dục chất lượng quốc tế, môi trường sống an toàn; được trực tiếp “giáp mặt” với những giáo sư hàng đầu... thì có lẽ IELTS là bước đầu tiên để hiện thực hóa những hoài bão đó.
Năm 2014, toàn thế giới có hơn 2,5 triệu người làm bài thi IELTS. Bài thi IELTS là sản phẩm của 3 tổ chức: Bộ phận khảo thí tiếng Anh Cambridge (Cambridge English), Hội đồng Anh và tổ chức giáo dục IDP của Úc. Trong đó Cambridge English đảm nhiệm vai trò ra đề và kiểm định chất lượng bài thi với tiêu chuẩn nghiêm ngặt toàn cầu. IELTS đã có mặt trên 140 quốc gia với hơn 1.000 địa điểm thi. Chứng chỉ IELTS được hơn 9.000 tổ chức trên thế giới công nhận, trong đó có hơn 3.000 trường học, tổ chức tại Mỹ công nhận. Tháng 4-2015, Cục nhập cư và visa của Anh chính thức công nhận IELTS là bài thi duy nhất đánh giá năng lực nhập cư (trước đây chứng chỉ TOELF cũng được chấp nhận). |
MAI TRANG
(*) Là câu nói nổi tiếng của Jack Canfield - chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển và tối đa hóa giá trị tiềm năng của con người, là bậc thầy thế giới về huấn luyện đào tạo để đạt đến thành công đỉnh cao trong sự nghiệp.