Chuyên đề

Dấu ấn phụ nữ

07:13, 29/08/2015 (GMT+7)

Một nửa thế giới là phụ nữ, và nhờ phụ nữ, cuộc sống cũng sáng bừng hạnh phúc. Bao nhiêu năm qua, phong trào hoạt động của phụ nữ các cấp hội thành phố Đà Nẵng đóng góp rất lớn vào việc xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con ngoan, vươn lên làm giàu… Đặc biệt, những cán bộ đầu tàu của các chi hội là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế gia đình để hội viên học tập.

Bằng nghị lực, sự giỏi giang, chị Trà Thị Vinh một tay gây dựng cơ ngơi khang trang, nuôi 3 con trưởng thành và đưa hoạt động của chi hội phụ nữ mình dẫn đầu đi lên.  Ảnh: H.N
Bằng nghị lực, sự giỏi giang, chị Trà Thị Vinh một tay gây dựng cơ ngơi khang trang, nuôi 3 con trưởng thành và đưa hoạt động của chi hội phụ nữ mình dẫn đầu đi lên. Ảnh: H.N

Những người dẫn đầu chân chất

Trò chuyện với các chị, người nào cũng bảo mình “gặp may” khi được mẹ chồng, chồng và các con hiểu và thương, nên các chị mới có nhiều thời gian để đi, để hiểu tận “chân tơ kẽ tóc” cuộc sống của nhiều chị em, nhờ đó phong trào hoạt động của phụ nữ địa phương mình mới có cơ hội phát triển.

Chị Huỳnh Thị Thưởng, Chi hội trưởng phụ nữ thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang có trên 20 năm tham gia công tác phụ nữ thôn. Chị nhận chức Chi hội trưởng do chị em bầu năm 1998. Gọi là chức cho oai vậy chứ đến mùa chị cũng phải xắn quần xuống ruộng đi cấy, đi gặt, cũng vất vả nuôi con, chăm mẹ, chăm chồng như bao phụ nữ khác.

Trường Định là vùng quê nghèo, thuần nông, vậy mà các chị có nguồn quỹ gần 70 triệu đồng gây dựng bằng cách góp lúa, cộng với xây dựng nhiều mô hình như “Hũ gạo tình thương”, “Tổ quay vòng bò”. Số tiền ấy, chi hội trao sinh kế, hỗ trợ vốn vay, giúp 14 gia đình thoát nghèo. 5 tổ phụ nữ trong thôn còn xây dựng quỹ hội được 44 triệu đồng để cho 31 chị vay nuôi tôm và chăn nuôi heo, bò. Ngoài ra, chi hội đã thành lập Câu lạc bộ phát triển kinh tế gia đình, thu hút trên 30 chị em tham gia nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách thức làm ăn.

Chị Thưởng bảo, nhiều hoạt động các chị triển khai hiệu quả, được chị em hưởng ứng nhiệt tình, một phần cũng nhờ người dân quê nghèo, yêu thương nhau. Gia đình nào gặp lúc khó khăn, khi một người trong nhà bệnh phải nằm viện, hay khi gieo, khi thu hoạch vụ mùa, lúc tang gia hay cưới hỏi, chỉ cần hay tin là các chị xúm nhau lại mỗi người giúp một tay. Chỉ cần một chị làm là cả mấy chục chị em làm theo. Đó cũng là chất keo dính gia tăng tình làng, nghĩa xóm.

Cùng xuất thân là nông dân, chân thật, giản dị như chị Thưởng ở Trường Định, chị Nguyễn Thị Lợi ở thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, Hòa Vang, bảo hai vợ chồng chị đang bước vào giai đoạn “vợ chồng son”. 4 đứa con của chị, hai trai, hai gái, kỹ sư, bác sĩ, công nhân đủ cả; con cái ngoan hiền, có gia đình riêng ấm êm, chị không còn phải lo lắng về các con. Hai vợ chồng chị làm trên 1 mẫu ruộng, trong đó có 2 sào lúa giống và một ít hoa màu, trừ ngày mùa bận rộn, còn không là chị tất bật với đủ mọi phong trào.

“Thôn có 318 hội viên, mọi hoạt động do ban chấp hành chi hội tổ chức, chị em đều hưởng ứng nhiệt tình, đông vui lắm”. Chị Lợi nhân đó kêu gọi bà con quyên góp, xây dựng quỹ “Tình chị em”, quỹ “Ươm mầm xanh”; rồi quyên góp sách giáo khoa cũ, hũ gạo tình thương… để gây quỹ trao phương tiện sinh kế, tặng xe đạp, hỗ trợ gạo, mượn vốn không lãi cho 13 chị kinh tế khó khăn, nghèo và 25 em học sinh vượt khó học giỏi với tổng số tiền 55 triệu đồng.

Với 85% hội viên làm nông nghiệp, 15 năm qua chị em Yến Nê 2 tham gia mô hình trồng lúa giống, đã tạo việc làm ổn định, thu nhập khá cho mỗi hộ gia đình. Xã cho các chị 3 sào ruộng làm lúa giống, gây quỹ hoạt động. Thế là 16 người trong ban chấp hành chi hội thay nhau người dọn ruộng, người bón phân. Chi hội “lận lưng” được 16 triệu đồng làm quỹ, giúp 7 chị vay không lãi để mua phân bón sản xuất. Chi hội còn thực hiện mô hình “Chuyển giao vật dụng gia đình”, ai có bàn ghế, đồ dùng cũ thì chuyển cho những chị còn thiếu thốn. Đây là hoạt động rất thiết thực, mang đậm tình người.

Yến Nê 2 cũng là chi hội đầu tiên sáng tạo triển khai mô hình “3 biết, 2 hỗ trợ”. Các chị đến nhà từng chị em để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, qua đó đã tạo điều kiện cho 150 chị tham gia các lớp tập huấn làm kinh tế, cho mượn vốn không lãi và giới thiệu cho 20 chị vào làm ở các cơ sở sản xuất nhựa, các công ty may mặc trên địa bàn thôn.

Miệng nói, tay làm, hoạt động đi lên

Là một trong số rất ít chi hội phụ nữ không có hộ nghèo, nên chị Trà Thị Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ số 5, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu cũng “dễ thở”. Không có người nghèo, nhưng người khó thì vẫn còn, thế là 81 hội viên thực hành tiết kiệm nuôi heo đất, phân loại rác thải, vận động nhà hảo tâm ủng hộ gây quỹ được gần 19 triệu đồng để sửa chữa nhà, tặng quà cho các chị khó khăn và học bổng trẻ em hiếu học. Các chị đăng ký nấu cháo cho bệnh nhân và tặng 12 cây quạt cho Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Một trong những “điểm sáng” của Chi hội là làm tốt công tác vận động chị em thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư.

Có lẽ nếu không nhiệt tình, chịu khó thì khó có chị nào đảm đương được công tác quản lý, tổ chức phong trào cho phụ nữ cấp cơ sở. Chị Vinh tự nhận xét mình là người vui vẻ, có khiếu nói, khiếu văn nghệ mới lôi kéo chị em nhiệt tình tham gia văn nghệ, mọi người quan tâm đến nhau, có tổ chức vận động gì cũng dễ dàng. Chồng chị bị bệnh, mất 14 năm trước. Chị bảo cũng buồn lắm, may nhờ chị em hàng xóm lui tới động viên, rồi vì con, vì bản thân mình mà tự đứng lên. Bằng nghề buôn bán gạo mà nay chị mua được một căn nhà lớn trên đường Đống Đa, nuôi 3 đứa con trưởng thành.

Còn với chị Ngô Thị Không, Chi hội trưởng Chi hội 1 Sơn Thủy, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thì “mình phải đầu tàu nhiệt tình, nghĩ ra sáng kiến hay chị em mới tham gia thường xuyên”. Câu lạc bộ “Gia đình không có bạo lực” của các chị thành lập năm 2009 với 20 thành viên, giờ có 40 gia đình tham gia sinh hoạt; các ông chồng chia sẻ với vợ mọi khó khăn, trong điều kiện 70% gia đình làm thợ đá hoặc buôn bán nhỏ...

Dù ở phố hay về thôn quê, các phong trào hoạt động của chị em phụ nữ luôn dẫn đầu, từ làm kinh tế, hoạt động văn hóa, đến nuôi dạy con tốt, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Các chị đến đâu, ở đó mọi vấn đề khó khăn đều được giải quyết, đúng kiểu “lạt mềm buộc chặt” như bản tính của người phụ nữ - mềm mại, khéo léo mà không kém phần cương quyết. Một nửa thế giới là phụ nữ, và nhờ phụ nữ, cuộc sống cũng sáng bừng hạnh phúc hơn.

Vào dịp Quốc tế Phụ nữ 8-3 từ năm 2008 đến nay, các chi hội phụ nữ cấp cơ sở đăng ký thi đua “Giải thưởng Chi hội phụ nữ tiêu biểu”. Chú trọng các tiêu chí cơ bản: Chi hội liên tục 5 năm liền đạt danh hiệu xuất sắc, có 80 hội viên trở lên; Chi hội không có người: sinh con thứ ba, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, trẻ em suy dinh dưỡng. Tham gia tích cực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường... 7 năm qua có 50/1.000 Chi hội đoạt giải thưởng. Các chị đã từng bước vượt lên những khó khăn của cuộc sống đời thường, vượt lên định kiến giới để khẳng định vị thế, tiếng nói của mình trong gia đình và xã hội.

HOÀNG NHUNG

.