Chuyên đề
Nối nghiệp
Trong khi nhiều gia đình ngư dân đã phải đứt ruột bán đi con tàu gắn bó suốt cuộc đời vì không có người nối nghiệp thì vẫn còn nhiều con em ngư dân nỗ lực tìm ra hướng làm ăn mới, tiếp tục đương đầu với sóng to gió cả, đầy những hiểm nguy rình rập để giữ lấy nghề truyền thống của gia đình.
Lão ngư Từ Văn Ky dù đã “về hưu” nhưng vẫn phụ giúp các con quản lý hậu cần, sửa chữa ngư lưới cụ. Ảnh: Q.T |
Cha truyền, nhưng con không nối
Ngân nga câu ca dao về nỗi nhọc nhằn của nghề biển “Mồ cha tám kiếp con cua/Ra khơi vô lộng cũng thua con còng”, lão ngư Lê Văn Hiếu (tổ 14) với hơn 40 năm dạn dày biển cả của phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) ray rứt trong nỗi nhớ biển khơi. Nghề biển với biết bao vất vả theo ông gần nửa đời người, thế mà giờ, ông đành xót xa bỏ biển, bỏ tàu, vì không có người nối nghiệp.
Đưa đôi mắt nhìn xa xăm, ông bảo, “trai tráng làng biển này trước đây cứ vào độ tuổi thanh niên là theo cha anh giong buồm ra khơi. Mới đi thì phụ giúp cơm nước, quen với sóng một chút thì được cầm lái. Nhiều thanh niên ở làng mới 17, 18 tuổi đã là thuyền trưởng vững tay nghề. Ngày xưa, một tàu ra khơi nuôi sống cả trăm người trên bờ. Đàn ông trai tráng vươn khơi, đàn bà trẻ nhỏ ở nhà phụ vá lưới, muối cá, buôn thúng bán bưng tạo nên một làng nghề trù phú. Giờ thì…”. Ông bỏ lửng câu nói, và hình như nén luôn tiếng thở dài.
Hai đứa con trai ông Hiếu cũng đã có 10 năm ròng bám biển, nhưng thu nhập bấp bênh, không tìm ra lao động nên buộc phải chuyển hướng, tìm kế sinh nhai trên bờ. Ngày bán tàu, ông rưng rức buồn nhưng lực bất tòng tâm.
Ông Trương Văn Trung, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường Xuân Hà, hiện là Bí thư Chi bộ Tân Trung 2 cho biết, làng biển Xuân Hà trước đây vốn là một trong những làng biển trù phú và lâu đời nhất của Đà Nẵng. Trước năm 2005, hơn 70% người dân sống bằng nghề biển với trên 200 chiếc tàu. Những năm gần đây, kinh tế gặp nhiều khó khăn, ngư dân bỏ biển dần, cả làng giờ chỉ còn 36 chiếc tàu.
Lão ngư Lê Văn Sum (tổ 46, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) cũng là một trường hợp gia đình 3 đời bám biển nhưng đến đời con ông lại đặt dấu chấm hết cho nghề. Ông Sum là thuyền trưởng giỏi nghề nổi tiếng đất Thọ Quang. Từ 10 tuổi đã theo cha ông ngang dọc trên biển, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy chỉ mong truyền lại cho con cháu nhưng đứa con trai duy nhất của ông lại không mặn mà với biển khơi. “Có nghề chi bằng nghề biển, ăn cơm trắng cá tươi, khí hậu trong lành. Gia đình tôi có làm ăn nên nổi, có chén cơm ăn, nuôi bầy con ăn học cũng là nhờ biển”, ông Sum tâm sự.
Dù rất muốn con trai theo nghề biển của gia đình nhưng ông Sum cũng phải thừa nhận thực tế rằng, lớp trẻ bây giờ cần cái chữ để có cuộc sống ổn định, không bấp bênh, nhiều rủi ro như cha anh. Giờ tàu đã bán nhưng trong nhà ông, ngư lưới cụ vẫn còn ngổn ngang nhắc nhớ một thời nghề biển nuôi sống gia đình. Đã lâu, ông không dám ra biển vì sợ… nhớ nghề.
Rồi biển sẽ không phụ mình
Khác với nỗi buồn của những gia đình ngư dân không được thế hệ sau tiếp nối, những gia đình có con cái quyết tâm “say mê với nghề, thủy chung với nghiệp” lại tỏ rõ sự mạnh mẽ và bản lĩnh, không hề nao núng trước một hướng đi mới đầy mạnh dạn, hiệu quả.
Gia đình ông Từ Văn Ky (tổ 5, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) là một điển hình như thế. Cả 5 đứa con trai của ông đều là thuyền trưởng giỏi trên đất Nại Hiên. Gia đình ông hiện có 3 chiếc tàu với công suất mỗi chiếc hơn 800CV. Nhờ kiên trì bám biển mà họ tạo được cuộc sống khấm khá nhiều người mơ ước. Lão ngư Từ Văn Ky nay đã lớn tuổi, không còn ngang dọc trên biển nhưng vẫn ở nhà phụ giúp các con quản lý, sửa chữa ngư lưới cụ.
Tay thoăn thoắt vá lưới, ông tâm sự, 10 tuổi đã theo cha đi biển để học nghề. Bao nhiêu kinh nghiệm truyền hết lại cho các con. “Tài sản tôi đã vất vả cả đời để tạo ra chỉ mong các con hợp sức giữ gìn và phát huy. Tôi luôn dạy các con, muốn theo nghề biển phải kiên trì, năm này mất mùa thì hy vọng vô năm sau, không được nản lòng, bằng mọi giá cũng phải bám biển, rồi biển sẽ không phụ mình”, ông nói.
Không khiến cha thất vọng, từ 3 chiếc tàu, các con ông Ky đã phát triển lên 4 chiếc, và sắp tới sẽ hạ thủy 1 chiếc tàu hậu cần (cung cấp dầu và thu mua hải sản ngay tại biển) trị giá 5,5 tỷ đồng.
Nếu như gia đình ông Ky may mắn có 5 chàng trai nối nghiệp cha từ những ngày đầu thì thuyền trưởng Lê Văn Sang (sinh năm 1986, phường Thuận Phước, quận Hải Châu) lại là trường hợp khác khi anh đã tốt nghiệp đại học, tìm được công việc mình yêu thích ở trên bờ nhưng rồi “dòng máu ngư dân” chảy trong tim khiến anh quay về phát triển nghề biển của gia đình.
“Từ nhỏ tới lớn chỉ biết học, tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ nối nghiệp cha. Thế nhưng, lần đầu tiên có dịp theo ba tôi (ngư dân Lê Mến - “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”) đánh bắt hải sản trên biển, mang cá tươi đến cho mọi người, trong tôi đã dâng lên một niềm vui, hãnh diện rất khó tả. Và từ đó, tôi thấy rằng đây chính là công việc mà tôi sẽ cống hiến suốt đời”, anh Sang nói.
Nói về việc con em ngư dân bỏ biển dần, anh Từ Văn Ry, con trai trưởng của ông Ky, cho rằng, nghề biển là nghề “thua keo này ta bày keo khác”, tuy vất vả, lắm hiểm nguy nhưng nếu đầu tư đúng mục đích, kỹ thuật đánh bắt vững vàng thì ngư dân không khó làm giàu từ biển. Nếu con cái ngư dân không kiên trì bám biển, không có chí làm giàu từ biển, nối tiếp nhau bỏ nghề thì về lâu dài sẽ không còn người đi biển.
Nghề biển lắm gian nan và đối mặt với bao nguy hiểm khó lường, là một trong những nguyên do để khó vận động con em ngư dân nối nghiệp cha anh. Về vấn đề này, ông Đặng Công Thắng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố bày tỏ: “Dù thực trạng thanh niên làng biển bỏ nghề là đáng báo động nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi chỉ có thể vận động ngư dân bám biển, còn khả năng họ giữ được tới đâu thì hay tới đó. Thực tế, nhiều gia đình đã khuyến khích con cái đến trường chứ không theo cha mẹ lênh đênh ngoài khơi nữa”.
Bên cạnh tình trạng các lão ngư phải bán tàu vì không có người nối nghiệp, vẫn có nhiều trường hợp con cái nối nghiệp cha theo cách khác. Ông Hoàng Quang Minh, Trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản Đà Nẵng cho biết, cách làm mới của ngư dân hiện nay khi không có người nối nghiệp, trực tiếp đi biển là thuê khoán (họ làm chủ nhưng thuê tài công, lao động vươn khơi-PV). Đó cũng là cách để giữ tàu, giữ nghề truyền thống của gia đình. Đây là cách làm truyền thống của ngư dân Quảng Ngãi đang được ngư dân Đà Nẵng áp dụng khá hiệu quả.
QUỲNH TRANG