.
Tản văn

Khói bếp yêu thương

Tôi xa quê đến nay ngót nghét gần 10 năm, quãng thời gian quá ngắn với một đời người nhưng lại quá dài cho một nỗi nhớ. Nhớ quê da diết, nhớ và thèm nhìn những ngọn gió nồm mơn trớn trên những cánh đồng lúa đang mướt thì con gái.

Nhớ đến thắt lòng cái nắng mênh mang ở bến sông làng mà ngày ngày con nhỏ tóc cháy nắng là tôi vẫn thường tung tăng bơi lội cùng đám lít nhít trong xóm. Nhớ cả những buổi sớm biếng lười bước chân xuống giường đi học nhưng lại háo hức được men theo triền đê ngắm muôn cây còn ướt đẫm sương đêm, khe khẽ nép mình như đang ngái ngủ.

Và có lạ lắm không khi tôi nói rằng tôi rất nhớ khói. Ừ, đơn giản là khói thôi! Cái mùi khói bếp ngà ngà, nồng nồng trong chái bếp của bà, của mẹ đã ấp ủ tôi suốt những tháng năm dại khờ tuổi nhỏ. Nhưng… biết tìm đâu ra giữa chốn thị thành này cái mùi khói ấy, cái làn khói bảng lảng như sương như ảo nhưng lại có thể cắm rễ thật sâu vào tâm khảm con người.

Thuở ấy, trong đầu óc lũ trẻ nhà quê, bếp chưa bao giờ là một nơi đẹp đẽ. Có gì mà đẹp, nhà nghèo, bếp ở quê thường chỉ là một chái nhỏ sau nhà, nền đất, vách đất với màu đen đặc trưng của khói, của nhọ nồi bao năm mà thành. Ấy vậy mà mỗi chiều đi học về, nơi đầu tiên chúng tôi bước vào là bếp, bởi ở đó có mẹ đang lụi hụi nấu buổi cơm chiều. Dường như mẹ luôn hiện diện trong làn khói mỏng tang nơi góc bếp. Ở đó còn có những củ khoai, củ sắn mẹ ủ sẵn trong lớp tro nóng đợi tôi về. Cái hương vị sắn khoai ngọt bùi thơm thảo mùi đất quê hương luôn là một thức ăn hấp dẫn đối với những người dân quê chân lấm tay bùn.
Bao năm ròng tiếng mẹ lục đục thổi bếp sớm mai đã trở thành âm thanh đánh thức chị em tôi dậy. Bước chân xuống giường, nơi đầu tiên tôi đến luôn là chái bếp và cứ thế lẳng lặng ngồi bên mẹ. Tôi thường dõi theo những làn khói đang tạo thành những vòng tròn quẩn quanh trong góc bếp chật hẹp. Trong đầu óc non nớt của mình, tôi cứ tưởng tượng chắc khói đang đợi bạn - những ánh nắng đầu tiên của ngày mới xuyên qua khe bếp, chỉ chực chờ xuất hiện là khói liền cuộn mình nô đùa, trôi lênh đênh trong vạt nắng mai ấy.

Tôi còn có cái “thú” thật kỳ là được nhìn những cọng rơm khô cháy rừng rực và mau chóng lụi tàn. Có lẽ vì mùi khói từ lửa rơm tỏa ra khắp vườn bao giờ cũng có một mùi thơm đặc biệt, mùi thơm của nắng vàng và của lúa chín còn sót lại. Và tôi thích nhìn dáng mẹ lom khom bên ngọn lửa cháy làm ửng hồng đôi má, ánh lửa bập bùng soi mắt mẹ cười hiền. Lúc ấy, tôi có cảm giác như mẹ đang quay trở về thời thiếu nữ xa xôi vậy. Có lẽ, đây cũng là khoảng thời gian tĩnh lặng nhất để mẹ thêm một lần để nhớ để thương những buồn vui đã đến và đi qua trong cuộc đời.

Chái bếp nghèo quê nhà trong những sớm sương hay chiều đông có cả những giọt nước mắt cay vì khói bếp của bà, của mẹ, của dì để đi xa bao năm rồi vẫn nhớ. Nhưng giờ đây, khói bếp còn khiến tim tôi nhói buốt mỗi khi nghĩ về.

Thật lạ, khi đời sống đã đầy đủ những tiện nghi hiện đại con người ta lại mong được một lần ngửi mùi khói bếp quê nhà. Phải chăng, đấy là lúc ta khao khát được ấp ủ yêu thương như ngày còn bé, cùng nhau quây quần bên mâm cơm chiều do chính tay mẹ nấu?

Sống nhiều năm với phố nhễ nhại và bụi bặm, có ngày, đâm thèm và nhớ ray rứt một vạt khói trắng bay lên ấm áp trong căn bếp nhỏ năm xưa. Thèm trở về với mái bếp đong đầy rơm rạ để được lấm lem mặt nhọ như những ngày thơ bé đã quá xa xưa, để lặng nhìn làn khói lam chiều nhè nhẹ đi qua những kèo cột đã ám vàng nước thời gian để thêm yêu hơn những nét đẹp bình dị mà trân quý…

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.