Anh Hoài An nguyên là cán bộ văn nghệ tỉnh Bình Trị Thiên, nghỉ hưu ở thành phố Huế. Truyện ngắn Cái dại của anh đã từng được đăng tải trên báo Văn Nghệ. Nhưng rồi do nhiều nguyên nhân, anh phải đành gác bút lo xoay xở cuộc sống gia đình. Tình cờ trong một cuộc nhậu, anh rỉ tai, hồn nhiên khoe với tôi rằng anh cũng có làm thơ. Anh tự nhận thơ anh là thơ “con cóc”. Thế rồi anh say sưa vừa kể, vừa đọc cho tôi nghe một số bài thơ “con cóc” của anh.
Cậu có biết mình nhờ thơ mà thoát tội không? Đầu đuôi thế này: Thời mình đang làm việc ở Đài Phát thanh Bình Trị Thiên (1978-1988), một hôm túng quá mình mang bán mấy cân phân đạm cơ quan phát để tăng gia sản xuất. Có người biết được, báo với lãnh đạo. Lãnh đạo buộc mình phải viết bản kiểm điểm. Mình cũng viết nhưng lại viết bằng… thơ ! Kể ra như thế cũng hơi liều. Hôm họp cơ quan, mình đứng lên trình bày bản kiểm điểm bằng thơ của mình:
Sá chi vài cân đạm
Của nả đáng bao nhiêu
Túi tiền tiêu không đủ
Túng quá nên hóa liều
Chợ búa thì đắt đỏ
Mua mấy đồng thịt heo
Lưỡi dao kề bên cổ
Cắt đúng một lưỡi mèo!
Không mua thì con khổ
Mua lấy tiền đâu tiêu?
Tiêu thế là… tiêu cực
Biết cực mà phải tiêu!
Nghe xong bài thơ, mọi người ngồi lặng đi, không ai nỡ kiểm điểm mình nữa. Thế là nhờ thơ “con cóc” mà mình thoát tội. Chuyện này thì anh em từng làm việc ở Đài Phát thanh Bình Trị Thiên thời đó (1980) ai cũng biết. Anh chị em còn chép chuyền tay nhau. Anh cười hiền lành. Tôi cũng cười theo. Nhưng trong tiếng cười của anh, của tôi hình như có dư vị của nước mắt…
Anh Hoài An tiếp tục kể: Dạo đó mình mới về hưu. Ở nhà cũng buồn, người ta vận động mình tham gia một số công việc ở phường Vĩnh Ninh. Một buổi sáng, sau khi làm việc xong, trở về nhà thì thấy nhà cửa toang hoác. Thì ra, nhân cả nhà đi vắng (vợ đi dạy, con đi học), kẻ trộm đã lẻn vào vơ “sạch sành sanh”. Vợ mình thấy mất hết đồ đạc, tiếc của khóc bù lu bù loa. Mình dỗ thế nào cũng không được. Một ý nghĩ chợt lóe trong đầu mình: Chỉ có thơ may ra có thể an ủi được nàng. Thế là mình vắt óc sáng tác mấy câu thơ “con cóc” rồi ghé vào tai vợ, thủ thỉ:
Của cải mình đây chẳng có nhiều
Vài manh áo cũ đáng bao nhiêu
Mất công rình rập, mất công lấy
Chắc hẳn thằng kia hắn cũng nghèo!
Hóa ra mấy câu thơ ấy lại có tác dụng. Nghe xong, bà xã nhà mình đang mếu máo tự nhiên phì cười và nỗi buồn mất của cũng vơi đi chút ít. Bài thơ “con cóc” của anh làm tôi nhớ đến Đỗ Phủ. Nhà thơ Đỗ Phủ có lúc túng quẫn phải vào núi đào củ mài ăn qua ngày. Một lần bí quá ông buộc phải bán nhà trả nợ. Trước khi bàn giao nhà cho chủ mới, ông thức viết bài thơ dặn chủ mới rằng có bà hàng xóm vì nghèo đói mà hay chui qua chỗ rào thưa vào vườn hái trộm táo. Chỗ rào thưa ấy đừng sửa sang lại kẻo bà ấy ngại không dám chui vào. Đó là tấm lòng nhân đạo bao la của Đỗ Phủ. Anh Hoài An mất của, lại thương kẻ ăn cắp phải “mất công rình rập, mất công lấy”. Không những thế, anh còn cảm thông “chắc hẳn thằng kia hắn cũng nghèo” thì có khác gì tấm lòng của Đỗ Phủ đối với bà lão hay lẻn vào hái trộm táo nhà Đỗ Phủ.
Năm 1999, ở Huế xảy ra một trận bão kinh hoàng. Sau cơn bão, tôi và mấy người bạn đến thăm vợ chồng anh Hoài An (lúc ấy đang ở 15 Nguyễn Huệ). Giàn hoa giấy trước mặt nhà vợ chồng anh bị bão quất đổ chưa kịp thu dọn. Mấy tấm tôn trên mái nhà bị lật tung. Cảnh tượng hết sức tiêu điều, xơ xác. Nhưng anh Hoài An vẫn cười. Anh đưa tay chỉ ra giàn hoa giấy, chỉ lên mấy tấm tôn treo lủng lẳng trên mái nhà và thong thả đọc cho chúng tôi nghe bài thơ “con cóc” mới vừa sáng tác của anh:
NÓI VỚI ÔNG TRỜI
Ông ỉ rằng ông có gió nhiều
Cái gì ông cũng dọa xô xiêu
Một giàn hoa giấy ông rung đổ
Mấy tấm tồn hư ông cũng khều
Hết “chơi” Đà Nẵng, “thăm” Nghệ Tĩnh
Lại “viếng” Thừa Thiên một buổi chiều
Ừ thì ông giỏi, thách ông đấy
Kéo nốt cho tôi đổ cái nghèo!
Hôm ấy, quả thật bất ngờ! Lâu nay tôi vẫn thấy anh đi trên đường, có khi lặng lẽ, có khi tất bật… Không thấy anh đăng tải, in ấn gì, tôi cứ nghĩ anh đã đoạn tuyệt với văn chương. Thì ra, anh vẫn làm thơ! Anh tự nhận thơ anh chỉ là thơ “con cóc”. Nhưng tôi lại rất thích những bài thơ “con cóc” đó của anh. Chỉ nghe anh đọc một lần là tôi nhớ vanh vách, trong khi Cái dại của anh từng đoạt giải cuộc thi truyện ngắn của Hội Văn nghệ Quảng Bình thì tôi còn chỉ nhớ mỗi cái tên. Quả là không thể ngờ được. Phải chăng thơ trào phúng mới là năng khiếu bẩm sinh của anh mà chính anh cũng không hề biết để nuôi dưỡng? Thật tiếc lắm thay!
Mai Văn Hoan