Gia đình họ Trình sống trong một hẻm núi, ở đầu nguồn con sông, vùng đông bắc tỉnh Giang Tây. Có một cậu bé năm nay tròn 16 tuổi, tên là Mộng Hiểu. Năm Mộng Hiểu vào học tiểu học, cha cậu lên núi tìm kiếm mật ong rừng, chẳng may gặp phải tổ ong “sát thủ châu Phi” nên bị ong đốt chết. Từ đó, Mộng Hiểu chỉ còn có người mẹ ốm yếu, hai mẹ con đùm bọc nhau sống qua ngày.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Năm Mộng Hiểu thi đỗ vào trường phổ thông trung học huyện, người mẹ biết tin, bà sung sướng trên mặt đẫm đầy nước mắt, bà dắt Mộng Hiểu đến trước ngôi mộ của người cha, thì thầm an ủi: “Con trai của ông nó đến thăm ông đây! Ông cứ yên tâm mà yên nghỉ! Con của chúng ta nó đã thi đỗ vào trường trung học huyện, có thể, trong tương lai ở cái vùng hẻm núi này, nhà ta sẽ là nhà đầu tiên có con là sinh viên đại học!”.
Lúc ấy, Mộng Hiểu tựa hồ như thấy mình đã lớn, cậu biết, từ ngày cha mất, bao nhiêu năm qua, mẹ cậu đã phải chịu bao nhiêu gian lao khổ cực. Chẳng những gánh vác hết công việc ruộng đồng, lại lên núi tìm kiếm mật ong rừng. Từ mộ cha trở về, cậu kéo áo mẹ nói: “Mẹ! Con không muốn đi học nữa!”. Người mẹ nghe con nói vậy, bà kinh ngạc hỏi: “Vì sao?”. Mộng Hiểu nói: “Con muốn ở nhà đỡ đần công việc cho mẹ!”. Người mẹ thấy như vậy, biết là con mình đã hiểu, trong lòng bà đương nhiên là sung sướng, song việc thi đỗ vào trường huyện của con bà, đâu có phải dễ dàng gì, bà làm sao có thể để nó thôi học được? Bà xịu mặt nói: “Việc kiếm sống đã có mẹ làm, con không phải lo cho mẹ”. Mộng Hiểu nhìn thân hình gầy khô như que củi của mẹ, trong lòng cậu thấy như có đàn kiến lửa đang đốt, đau đớn, cậu quỳ sụp xuống chân mẹ cầu khẩn: “Mẹ! Mẹ nhận lời con đi, cho dù con có dốt nát, nhưng được ở bên mẹ để đỡ đần, cơm bưng nước rót cho mẹ!”. Người mẹ càng trở nên cứng rắn, bà quát: “Mày định ép mẹ đấy phải không? Mày bỏ học, mày chắc là mẹ sẽ không còn khổ, không còn vất vả nữa à? Không được!”.
Thấy mẹ đã giận dữ, Mộng Hiểu lau nước mắt nói: “Mẹ! Con nghe mẹ, nhưng con có một điều kiện, nếu mẹ không nghe, con sẽ quỳ mãi”. Trong lòng bà mẹ như có lửa đốt, bà vừa đỡ con dậy vừa nói: “Nào, điều kiện gì? Nói đi! Mẹ nghe đây!”, “Mẹ phải hứa với con, từ nay trở đi, mẹ không lên núi tìm kiếm mật ong rừng nữa”. Cuối cùng thì bà đã hiểu: Hóa ra là nó lo lắng cho sự an toàn tính mạng của bà. Nhưng ở cái vùng thâm sơn cùng cốc này, nếu bà không lên núi tìm kiếm mật ong rừng, thì làm sao có thể lo cho con bà đi học được. Nhưng bà lại chẳng nhẫn tâm trước tấm lòng yêu thương mẹ của nó, nên bà gật đầu đồng ý. Mộng Hiểu không biết mẹ cậu chỉ giả vờ đồng ý, cậu sung sướng như khi biết tin mình được điểm cao nhất trong kỳ thi vào phổ thông trung học huyện, cậu lau nước mắt, mỉm cười.
Chẳng ngờ, sau khi Mộng Hiểu lên trường huyện học, ít lâu sau, nhân kỳ nghỉ cuối tuần, Mộng Hiểu sung sướng trở về nhà thăm mẹ. Một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt, người mẹ toàn thân đẫm máu, do dân thôn cáng về từ trên núi. Mộng Hiểu ngây dại nằm lăn xuống đất gào khóc: “Mẹ! Mẹ! Thế này thì làm sao đây?”. Người mẹ hai mắt nhắm nghiền, không nói được nữa. Một cụ già trong thôn nói cho cậu biết: Mẹ cậu lên núi tìm kiếm mật ong rừng, bị té từ trên cây cao xuống… Cậu đã hiểu, thì ra mẹ đã dối cậu.
Nghĩ vậy, đôi chân cậu chùng xuống, cậu cầm lấy tay mẹ nói: “Sao mẹ chẳng nghe lời can ngăn của con là đừng đi kiếm mật ong rừng, mẹ thử nói xem, tại sao, được bao nhiêu nào?”.
Nhưng cho dù Mộng Hiểu có trách oán mẹ như thế nào, người mẹ nằm đây, chẳng nói được nữa. Mẹ bị thương quá nặng, phải nhanh chóng đưa mẹ đến bệnh viện. Cậu hỏi cụ già trong thôn, mượn chiếc xe ba gác. Rồi cậu bé 16 tuổi, một mình kéo chiếc xe ba gác, suốt chặng đường hơn bốn mươi dặm đến bệnh viện huyện. Trên mình mồ hôi ướt đầm đìa, cậu chẳng còn kịp dừng lại để thở, cậu lao ngay vào phòng đăng ký, sau đó lại kéo xe đưa mẹ đến trước cửa phòng cấp cứu, cậu bước vào phòng, trong phòng trực ban, có một vị bác sĩ còn rất trẻ, lúc bấy giờ, vị bác sĩ đang tiếp người bạn từ Thâm Quyến, đến mua lại của anh ta mấy chiếc đĩa hình.
Trong lúc họ đang vui vẻ, hào hứng với nhau, Mộng Hiểu tiến đến trước mặt, vật nài nói: “Bác sĩ ơi! Chú cứu mẹ cháu với!”. Vị bác sĩ nhìn cậu hỏi: “Mẹ cậu ở đâu?”, “Mẹ cháu đang ở trên xe, ngoài cửa”, “Đưa bà ấy vào đây”, “Mẹ!.. Mẹ cháu đang hôn mê!”. Vị bác sĩ đứng lên cầm dụng cụ cấp cứu bước ra ngoài. Nhìn thấy người mẹ nằm thẳng cẳng, bất động trên xe, từ đầu đến thân mình, nhiều vết thương còn đang rỉ máu. Vị bác sĩ thấy tình trạng của bệnh nhân là phải nhanh chóng làm thủ thuật cấp cứu, vị bác sĩ hỏi: “Bệnh nhân còn có ai là người thân thích nữa không?”. Mộng Hiểu lắc lắc đầu, bác sĩ lại hỏi: “Thế cha cậu đâu?”, Mộng Hiểu nói: “Cha cháu mất rồi”. Bác sĩ lại hỏi: “Thế cậu có mang tiền đến không?”. Bác sĩ nhìn thấy trong tay cậu bé cầm một tập tiền nát, bác sĩ hỏi: “Là tiền à? Có bao nhiêu?”, “Mười đồng bốn hào ạ”, bác sĩ nhăn nhở cười nói: “Có mười đồng bốn hào! Cậu làm như mẹ cậu chỉ bị cảm mạo thôi à? Mau về nhà mang tiền lại đây”.
Nói đoạn, vị bác sĩ quay người đi vào phòng trực ban, nói với người bạn bên trong: “Lại có một ca bệnh không có tiền, đến khám mồm không, chà! Thật chẳng còn cách nào?”. Mộng Hiểu nghe tiếng rít của hai cánh cửa phòng khép lại rất nhanh, trong lòng cậu cảm thấy như có ai đó dội một thùng nước đá tan chảy xuống đầu, cậu chạy về xe, gục đầu vào lòng mẹ gào khóc… Lát sau, có một cụ già tiến lại nói: “Cháu bé! Nếu cứ thế này mãi, thì tính mạng của mẹ cháu nguy mất. Mau đi cầu xin người đến cứu đi!”. Mộng Hiểu lau nước mắt nói: “Cháu đã đi cầu xin rồi!”. Ông già than thở, chỉ dẫn: “Cháu bé! Cháu không hiểu đâu, nếu chỉ cầu xin mồm không thì chẳng ăn thua gì!”. “Cụ ơi! Xin cụ nói cho cháu biết đi, cháu phải làm thế nào?”. Ông già bảo cậu đi mua một bao thuốc lá thơm, đem biếu vị bác sĩ ấy, như vậy ông ta sẽ cao hứng, thì mẹ cậu mới có cơ được cứu sống. Mộng Hiểu xét cho cùng thì vẫn chỉ là một đứa trẻ, chỉ cần có một bao thuốc lá, mà bác sĩ mới có thể chữa bệnh cho mẹ cậu. Cậu vội vàng chạy ra phố, đến một quán rượu, mua ngay một bao thuốc lá, loại hảo hạng: “A Thi Mã” (A Shi Ma). Cậu khư khư trên tay như cầm bảo bối, vội vàng hấp tấp lao ra cửa, đụng phải một người khách, cũng đang vội vã bước vào cửa hàng. Chỉ nghe “choang” một tiếng, cái chai trên tay vị khách rớt xuống đất, vỡ tan tành.
Mộng Hiểu ngẩng lên nhìn, đột nhiên, mặt cậu biến sắc, người mà cậu đụng phải, không phải ai xa lạ, mà chính là thầy giáo Ngô, chủ nhiệm lớp cậu. Biết mình đã gặp thêm tai họa, cậu sợ hãi nhìn thầy Ngô lắp bắp nói: “Thưa… Thưa thầy… ngày mai… Em… Em đền trả… cái chai..”. Thầy giáo Ngô không vì Mộng Hiểu bồi thường hay không bồi thường, ngược lại, ông thấy dáng vẻ của Mộng Hiểu hốt hoảng, lo sợ, nên ông hoài nghi hỏi: “Mộng Hiểu! Em đến đây làm gì?”, Mộng Hiểu nghe thầy giáo hỏi, cậu ta càng vội vàng ngắc ngứ: “Em!.. Em!...”. Thầy giáo Ngô vội truy vấn: “Nói cho thầy biết, được nghỉ học hai ngày, sao em không về nhà giúp đỡ gia đình, đến nơi đây làm gì? Phải chăng là ở lại, để lên mạng chơi điện tử?”. Mộng Hiểu nhìn thấy ánh mắt nghiêm khắc của thầy Ngô, cậu lo sợ vừa nói: “Em.. không… không…”, vừa cầm bao thuốc giấu về phía sau lưng. Mọi cử chỉ của Mộng Hiểu, không qua được cặp mắt của thầy Ngô. Nhìn thần thái hoang mang, lo sợ cực độ của Mộng Hiểu, ông đoán định: Cậu học sinh này đang làm điều gì khuất tất, ông nhớ đến ở trại quản giáo thiếu niên hư, đa phần các em phạm phải tội lỗi, là do bị ảnh hưởng từ những trò chơi trên mạng.
Nghĩ vậy, sao ông có thể dễ dãi bỏ qua cho trường hợp này, ông hỏi: “Không à? Trong tay em đang cầm cái gì vậy? Đưa thầy xem”. “Không!”. “Có đúng là thuốc lá không? Em đưa cho thầy xem!”. Ông vừa nói vừa tiến lại gần. Đối với học sinh, thầy giáo Ngô vô cùng nghiêm khắc, ông không bỏ qua cho học sinh nào hút thuốc lá ở bên ngoài, còn nhỏ mà hút thuốc lá, chỉ là loại hỗn xược, chẳng ra gì rồi. Mộng Hiểu thấy thầy giáo tiến đến gần để truy bức mình, cậu vừa lùi vừa nói: “Không… Không…”. Cử chỉ ấy càng khiến cho thầy giáo Ngô tin tưởng về những đoán định của mình, ông giận dữ nói: “Đưa bao thuốc lá cho thầy, ngày mai em phải nộp cho thầy bản tự kiểm điểm, nếu không, đừng trách thầy xử phạt em”.
Đối với Mộng Hiểu, việc viết kiểm điểm, hay bị thầy xử phạt, chẳng còn can hệ nữa, chỉ cần giữ chặt bao thuốc lá trên tay, một vạn lần cũng quyết không để thầy giáo lấy mất, vì đối với cậu, bao thuốc lá là niềm hy vọng duy nhất, có thể cứu được sinh mệnh của mẹ cậu… Bởi vậy cậu cương quyết cự tuyệt nói: “Bao thuốc lá này, em không thể đưa cho thầy!”. Thầy giáo Ngô nổi giận, ông đã dạy học bao nhiêu năm nay, không một học sinh nào dám chống lại ông, bởi vậy ông bước lên, móc bằng được bao thuốc lá trong tay Mộng Hiểu, rồi tiện tay, ông ném luôn bao thuốc lá xuống rãnh nước bẩn ven đường, sau đó ông bước vào quán, mua một túi ni-lông xì dầu, ra khỏi quán, rồi đi luôn. Mộng Hiểu ngây ra giây phút, rồi gào thét: “Thầy… gi…áo…”. Cậu như một con dê non tuyệt vọng, nhảy xuống rãnh nước ven đường, mồm kêu: “Mẹ… Mẹ…”. Nhưng bao thuốc đã bị nước bẩn thấm vào, hủy nát. Mộng Hiểu nhìn thứ có thể mang lại mạng sống cho mẹ mình đã trở thành bọt nước. Số tiền còn lại chỉ có bốn hào, không đủ để mua thêm một bao thuốc lá “A Shi Ma” nữa! Đến khi đèn đường bật sáng, Mộng Hiểu hai tay không, ngu ngơ về đến chỗ mẹ nằm, thấy mẹ đã ngủ rồi, cậu cho rằng mẹ đã mệt quá rồi. Trong ký ức trẻ thơ, Mộng Hiểu chưa thấy mẹ được ngủ ngon như thế bao giờ, cậu không nhẫn tâm làm mẹ tỉnh giấc, cậu lặng lẽ ngồi xuống bên thân mẹ. Ai ngờ, đến lúc đó vị bác sĩ trẻ ban chiều mới trở ra khám lại, phát hiện nạn nhân đã chết…
Sau khi được xóm giềng thân thích giúp đỡ, mai táng mẹ xong rồi, Mộng Hiểu quỳ trước mộ mẹ khóc chết đi sống lại, cậu không hiểu nổi: Bác sĩ vì cái gì, mà cứ phải nhìn thấy tiền, mới khám cho người bệnh? Cậu oán thầy giáo Ngô, chẳng hỏi rõ đen trắng, đã lấy bao thuốc lá mà cậu dùng để cứu mạng cho mẹ cậu, ném đi, khiến cậu mất đi người thân yêu duy nhất ở trên thế gian này!... Từ đó, dân thôn vùng hẻm núi không còn nhìn thấy bóng dáng Mộng Hiểu đâu! Cậu cũng không trở lại trường học nữa!
Thấy Mộng Hiểu đã hai ngày không đến lớp học, thầy giáo Ngô không còn yên tâm được nữa, giữa lúc ông đang nóng ruột, thì người quản trường, mang đến cho ông một bức thư, ông mở ra xem, đúng là nét chữ của Mộng Hiểu. Trong đó, có bốn hào tiền, ghi rõ là để bồi thường cái chai và một bản tự kiểm điểm được viết bằng máu.
Thầy giáo Ngô đọc thư, không ngăn được, nước mắt ông lã chã rơi xuống! Ông hối hận: Vì hôm đó, nhà ông đang có khách, vợ ông giục ông ra phố mua chai xì dầu, mang về để nấu thức ăn, nên không hỏi rõ tình huống, đã vội vàng về nhà. Tay ông cầm bốn hào tiền và bản tự kiểm điểm, tìm đến bến xe, rồi ra ven sông để tìm Mộng Hiểu! Có lúc ông đột nhiên gào khóc gọi: “Mộng Hiểu! Em ở nơi đâu! Thầy có lỗi với em! Trở về đi Mộng Hiểu! Thầy giáo và các bạn em đang mong chờ em trở lại đây! Mộng… Hi…ểu!...
Nguyễn Hữu Lượng dịch
Theo bán nguyệt san (Cố sự hội) quyển hạ, số ra tháng 12-2012 của Hội Văn nghệ Thượng Hải.