.
TRUYỆN NGẮN

Cuốn sổ điểm

.

1.  Tôi đứng lặng hàng giờ trong nghĩa trang Trường Sơn. Trước tấm bia khắc hàng chữ đỏ thắm Phan Văn Chương là một cuốn sổ gọi tên ghi điểm. Cuốn sổ được viền một vành khăn tang màu đen.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

“Chương ơi! Cậu hãy thứ lỗi cho mình. Thế là lần thứ hai mình lại có tội với Chương. Cuốn sổ điểm đây. Cuốn sổ gọi tên ghi điểm của lớp chúng mình đây. Cuốn sổ ghi đầy đủ họ tên bốn mươi hai học sinh của lớp nhưng không có đứa nào có điểm vì không có chữ ký của giáo viên chủ nhiệm. Riêng môn Lịch sử mình đã ghi cho cậu điểm mười. Cậu xứng đáng được điểm mười. Điểm mười của con người góp phần làm nên lịch sử. Một điểm mười chói ngời sắc đỏ. Điểm mười ghi bằng máu của Chương. Chúng mình sẽ gọi tên Chương một ngàn lần. Hơn một ngàn lần, nghe không Chương? Cái mộng ước làm nhà thơ của Chương không còn nữa, nhưng cuộc đời cậu, cuộc sống chiến đấu ngày hôm qua của chúng mình là một bài thơ bất hủ. Một bản anh hùng ca bi tráng của những người con miền Bắc vượt qua sông Thạch Hãn về chiến đấu trong Thành Cổ. Nhà nhiếp ảnh Lê Bá Dương đồng đội của chúng mình trong cái lò lửa ấy đã thay cậu viết về tám mươi mốt ngày đêm máu lửa. Hơn ba trăm ngàn tấn bom rơi trên mảnh đất không đầy hai cây số vuông. Mười ngàn bát hương, mười ngàn liệt sĩ. Mười ngàn anh hùng nằm lại trong nghĩa trang Trường Sơn.”

Dưới làn khói hương trầm tôi đã đọc cho thằng Chương, bạn tôi nghe những câu thơ xúc động nghẹn ngào, những câu thơ buồn da diết:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm

Vợ chồng thầy Diệp, cô Dung về sơ tán ở nhà tôi.

Bố tôi đi công tác xa, nhà chỉ có hai mẹ con. Ngôi nhà ngói năm gian rộng rình, có thêm người ở. Thầy Diệp dạy Toán, cô Dung dạy Văn. Cô được phân công chủ nhiệm lớp 6A, cái lớp nghịch như quỷ sứ của tôi. Những lúc không bận việc, cô dạy cho tôi tập viết những đoạn văn ngắn. Thầy Diệp kèm tôi thêm về môn Toán. Thầy lấy phấn viết bảy hằng đẳng thức đáng nhớ lên xà nhà, đi đâu về tôi ngước mắt đọc mấy lần là thuộc. Sức học của tôi khá lên trông thấy. Mới một học kỳ mà tôi đã bỏ xa bọn thằng Tuấn, thằng Chương, cái bộ ba “tam giác quỷ” của chúng tôi. Những hôm kiểm tra Toán, tôi thường xem trộm trước giáo án của thầy Diệp. Hôm sau, bài tôi đạt điểm mười tuyệt đối. Bọn con gái phục lăn. Không biết đứa nào trong lớp đã gọi tôi là vua Toán, thế là cả lớp gọi theo. Tôi quyết tâm giành cho được danh hiệu học sinh tiên tiến. Mẹ tôi mừng lắm, thư nào mẹ cũng khoe với bố về sự học hành tấn tới của tôi. Thế mà bài kiểm tra Lịch sử vừa rồi, tôi đọc đề không kỹ. Cả lớp có tới hai con mười mà tôi xơi tái luôn một con ngỗng trời to tướng. Thằng Chương cũng nhận được một chiếc gậy Trường Sơn. Thằng này có năng khiếu làm thơ, nó ước mơ làm thi sĩ nhưng mà lười học các môn lý thuyết. Hồi trước hai đứa sức học ngang nhau. Nó đã nghi ngờ tôi về những con mười môn Toán. Một lần đến học nhóm, nó nhét vội tờ kiểm tra Đại số vào tập bài của thầy Diệp thu về chưa kịp chấm. Không may gặp cô Dung, nó rút bài cũ ra không kịp. Hôm trả bài kiểm tra có hai tờ ghi tên Phan Văn Chương. Một bài điểm mười, một bài điểm bốn. Thầy Diệp hỏi: “Lớp ta có đến hai Phan Văn Chương à? Sao tôi không thấy Chương A, Chương B”. Thằng Chương mặt tái mét đứng dậy trả lời lí nhí: “Thưa thầy! Em làm lại mà vội quá, lật đật nộp luôn cả hai tờ thầy ạ”. Hắn len lét ngồi xuống. Tôi liếc xéo về phía thằng Chương, tủm tỉm cười một mình. Thầy Diệp lờ đi. Chắc thầy cũng biết tờ sau hắn viết nắn nót, đẹp hơn tờ trước.

Lần này thầy Diệp và cô Dung đi bốc vác hàng vận tải phục vụ chiến dịch. Trong mấy ngày Tết cổ truyền, ta với địch thỏa thuận ngừng bắn. Đồ đạc và sách vở thầy cô vẫn để ở nhà tôi. Chồng giáo án để trên tấm ván bắc qua xà ngang. Tôi kéo chiếc bàn lại đứng lên. Đây rồi, cuốn sổ cái của lớp xếp phía trên cùng. Con hai nằm chềnh ềnh trên dòng tên Hoàng Tuấn Vũ. Tôi cẩn thận chấm ngòi bút lá tre vào lọ mực Cửu Long, chữa con số hai thành con số tám. Oái oăm thay, mực chảy nhoè ra trang sổ làm bằng loại giấy xấu. Cái vệt mực nhoè nhoẹt tràn qua sợi rơm, sợi nứa, nằm trên dòng tên rực rỡ những điểm mười, điểm chín của tôi. Phải “hóa” ngay thôi. Tôi luống cuống định cho cuốn sổ lớp vào bếp nhưng nghĩ thế nào tôi chạy nhanh ra chuồng bò, gác lên giàn rồi chồng thêm mấy bó dây rau lang khô.

Hết mấy ngày đình chiến, các thầy cô trở về trường, chúng tôi cũng lục tục đến lớp. Thầy Diệp trở lại nhà tôi trong tâm trạng háo hức, bồn chồn, vẫn không giấu được nỗi buồn. Thầy nói lần này phải đánh cho thằng Mỹ cút. Cô Dung thì buồn bã hơn. Thỉnh thoảng cô lấy vạt áo chấm nước mắt, ngồi khóc một mình. Hết việc trường là cô lục lọi mấy chiếc áo cũ vá víu và đơm nút lại cho thầy Diệp. Cô nấu nước lá sã với lá hương nhu cho thầy Diệp tắm. Cô múc từng ca nước gội đầu, kỳ cọ tấm lưng thầy đến hàng giờ. Đến hôm cậu lớp trưởng nhắc, cô Dung mới sực nhớ phải đưa cuốn sổ đến lớp cho giáo viên bộ môn ghi điểm. Cô Dung quay quắt, cuống cuồng tìm sổ. Thầy Diệp hỏi: “Em có đưa cho giáo viên nào không? Trước chiến dịch, Huy có đến mượn em sổ điểm”. Cô Dung ngẩn người ra: “Ơ! Anh ấy trả lại rồi cơ mà. Mà đi bộ đội anh ấy cầm theo sổ điểm làm gì mới được chứ?”. Thầy Diệp hỏi mẹ tôi: “Chị ơi, mấy hôm rày em Chương có đến chơi nhà không chị”. Mẹ tôi đáp: “Chúng nó thì ngày nào chẳng có mặt tại đây”. Rồi mẹ khoe: “Vắng thầy cô nhưng chúng vẫn đến học tổ, học nhóm đều đấy thầy ạ”.

Cái tin cô Dung làm mất sổ điểm loang ra cả lớp. Mấy đứa bẻm mép nói vì thầy Diệp mới đi bộ đội chứ không cô Dung phải bị kỷ luật nhà trường. Đêm đến, tôi xé trang ghi điểm đi, vứt cuốn sổ ra trước cửa chuồng bò. Mẹ tôi ra rút rơm cho bò ăn nhìn thấy, cầm vào: “Phải cái này không cô”. Cô Dung mừng quýnh lên: “Đúng cuốn này đấy chị à”. Cô lật qua mấy trang, mặt tối sầm lại. Cô thấy mất đi trang ghi điểm cả học kỳ. Mấy đứa con gái đến chơi nhà tôi nói với cô: “Chắc lại là thằng Chương, cái thằng đã một lần tráo bài kiểm tra của thầy Diệp”. Những lúc đó tôi thấy cô buồn lắm. Không biết cô khóc vì  mất điểm hay vì nhớ thầy.

Cuối năm 1971, đang học dở lớp mười, tôi và thằng Chương lên đường đi bộ đội. Cả hai đứa được bổ sung cho mặt trận B5. Mùa hè năm 1972, địch tập trung quân tái chiếm Thành Cổ Quảng Trị. Hai ngày 14 và 15 tháng 9, bọn Thủy quân lục chiến bao vây Thành Cổ từ ba phía. Bộ binh chúng tràn lên. Có cả xe tăng dùng súng phun lửa. Tiểu đoàn chúng tôi chỉ còn lại hai mươi tay súng lành lặn. Chúng tôi siết chặt tay nhau giữ vững lời thề: “Chúng ta còn là Thành Cổ còn, Quảng Trị còn”. Với lựu đạn, AK, B40, B41 chúng tôi đã ngoan cường hất giặc ra khỏi thành. Đợt phản kích cuối cùng của địch trước lúc rút chạy, một mảnh đạn cối đã găm vào trước ngực Chương. Máu xối ra. Chương đưa hai tay lên bưng ngực, nó ứa nước mắt nhìn tôi: “Vũ ơi! Nếu còn sống nhờ cậu nói lại với thầy Diệp, cô Dung. Các bạn đã nghi oan cho tớ. Không phải mình xé cuốn sổ điểm của lớp đâu”. Tôi ôm lấy thằng Chương, nghẹn ngào: “Chương ơi! Thằng xé cuốn sổ điểm chính là mình đây. Ừ! Mình hứa. Mình sẽ về thú tội với thầy Diệp, cô Dung là mình sửa điểm. Mình đã hèn hạ không dám nhận trước lớp để cậu bị nghi oan”. Thằng Chương mở hai con mắt nhìn tôi lần nữa rồi nở nụ cười mãn nguyện. Mắt nó đã khép lại, nó trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của tôi. Nước mắt tôi trào ra giàn dụa. Thằng bạn nối khố chơi thân với tôi từ thuở tóc còn để chỏm đã từ giã cõi đời. Tôi gào lên: “Chương ơi! Mình hứa... Một ngàn lần mình xin hứa”. Một tình thương vô bờ trào dâng, lòng tôi quặn thắt. Tôi đau đớn đặt xác bạn mình xuống đống gạch đá đổ nát, ghì nòng súng hướng về góc thành phía nam chờ giặc. Họng súng đen ngòm lạnh ngắt.

Tôi trở về làng sau khi để lại một cánh tay trong chiến dịch giải phóng thành phố Huế. Tôi hỏi thăm thầy Diệp, cô Dung. Mẹ tôi bảo: “Cô Dung chuyển về quê cuối năm bảy ba khi giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Thầy Diệp đã hy sinh trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Nghe nói cô Dung sống một mình. Từ ngày về làng đau ốm gì đó mà mẹ không ra thăm được”.

Nghỉ ở nhà mấy ngày, tôi đăng ký học lại lớp mười ở trường Nam. Một thế hệ đàn em cùng lớp, thua tôi hàng năm, sáu tuổi. Ngày 20 tháng 11 các lớp đua nhau đi mua tranh ảnh, bưu thiếp tặng thầy cô. Lần đầu tiên trở lại làm học trò sau 5 năm dài chinh chiến, tôi bàn với mẹ đến thăm cô Dung. Tôi mua được một cuốn sổ điểm dưới Phòng giáo dục làm kỷ niệm một thời học trò dại dột. Cuốn sổ mà ngày xưa tôi đã không dám thú tội với cô. Tôi đã làm cho cô mất ăn mất ngủ. Tôi sẽ xin cô ký xác nhận một con hai môn Toán do chính tay tôi viết lại. Một con hai nhớ đời. Suốt đêm hôm ấy tôi  trằn trọc không sao ngủ được. Tôi hình dung cảnh hai mẹ con tôi gặp lại cô Dung. Tôi sẽ thắp hương trên bàn thờ thầy Diệp và quỳ xuống trước vong linh thầy, xin thầy tha thứ cho tôi. Tôi xin cô xá tội cho đứa học trò ngày xưa thơ dại. Tôi sẽ trao lời trăng trối cuối cùng của thằng bạn cố tri đã nằm lại ở chiến trường. Tôi sẽ cầu xin cô: “Cô hãy về ở với gia đình em như ngày nào cô vẫn từng bày cho em học. Em sẽ nuôi cô như nuôi bố mẹ em đến cuối đời”. Tôi sắp xếp lại các ý nghĩ lộn xộn đó dù chưa kịp thưa với mẹ.

Hôm đó, trời lất phất mưa bay. Cái tiết trời cuối thu lành lạnh. Cơn gió  hanh hao từ ngoài đỉnh đèo thổi vào. Tôi chở mẹ bằng một tay còn lại. Cái xe đạp Thống Nhất, tiêu chuẩn cán bộ của bố tôi  mới được nhà nước cấp trước lúc về hưu cứ chồm lên, vượt qua ổ trâu, ổ gà và những dốc cua đất đỏ ngoằn ngoèo. Tôi gò lưng đạp một mạch xuống quốc lộ 1A, nhằm hướng Bắc phóng ra. Đây rồi! Làng cô ở dưới chân Đèo Ngang. Cả làng hướng mặt về phía biển. Một bà cụ nói với mẹ con tôi: “Chắc bà và anh đây đến thắp hương cho cô giáo. Cô Dung bị bệnh gan tái phát mới mất hôm qua. Không biết ai thông báo mà học trò các nơi về đưa tiễn rất đông”.

Mắt tôi hoa lên, nhòa đi. Đường vào nhà cô, những đồng tiền âm phủ, những tờ giấy bạc, giấy vàng rải dài ra ngoài động cát.

Lại một lần nữa tôi đến muộn.

Tôi khóc nấc lên. Chương ơi! Mình có tội với Chương nhiều lắm...

HOÀNG MINH ĐỨC

;
.
.
.
.
.