.
Tản văn

Có là chuyện cổ tích?

.

Mẹ tôi là một phụ nữ không biết chữ nhưng đã là người tác động rất lớn đến sự học của các con.

Gia đình tôi có cả thảy sáu anh chị em. Người được học nhiều, người học ít tùy theo cảnh nhà vào từng thời kỳ và dựa vào khả năng của mỗi người. Nhưng học, gắng học và cố đến khi nào không thể được mới đành thôi! Đó, đã là quyết tâm của mẹ và quyết tâm ấy, hẳn, là tác động đầu tiên và lớn nhất đối với chúng tôi. Do điều kiện sinh sống, chỗ ở của gia đình tôi thường không được ổn định. Có khi phải ở nhà mướn mà lại còn phải mướn chung với người họ hàng nữa kìa! Nhưng có ở nhà mình hay nhà… người, có ở chung hay được riêng tư, cái bàn học vẫn là vật dụng giá trị nhất của gia đình tôi. Nhà chật, bàn có thể dùng để tiếp khách và dọn cơm ăn. Nhưng để phục vụ cho bất cứ một mục đích gì thì việc học của chúng tôi, vẫn là tiêu chí đầu tiên. Mẹ đã không hiếm lần tiếp khách của mình ngay nơi mấy chiếc ghế con kê ở chái hiên. Và bố, bữa nhắm rượu với bác hàng xóm thôi thì tạm trên manh chiếu, một góc nhà…

Mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi học và cố gắng duy trì cho chúng tôi thói quen cứ tối đến, cơm nước xong là tất cả đều phải ngồi vào bàn học. Mười tối như chục, không vì bất cứ một việc gì mà cái nếp này bị gián đoạn. Gặp những khi nhà có công việc hay đang lúc bận rộn, mẹ cũng không cho chúng tôi được mó tay đến. Mình mẹ làm tất tần tật. Mẹ luôn giành việc, để cho các con có thể an tâm mà học hành. Vì thế, thông lệ này chưa bao giờ bị phá bỏ ở nhà tôi, trong suốt những năm tháng anh chị em chúng tôi còn cắp sách đến trường. Mà lúc còn đông đủ thì có đến ngần ấy người và khi ít ỏi nhất, vẫn có tôi với bà chị kề đêm đêm cặm cụi đèn sách bên nhau.

Chúng tôi đã có khi phải sống ở những nơi hết sức là hỗn tạp với bao tệ nạn xã hội diễn ra ngày bữa. Có những gia đình nề nếp ở những nơi đó lần hồi rồi cũng bị ảnh hưởng, lôi kéo. Và thế là hoặc một, hai hoặc tất cả các thành viên trong nhà đều bị cám dỗ và sa ngã. Anh chị em tôi đã phải chứng kiến bao cảnh đau lòng từ những gia đình tan rã và có cách sống tồi tệ: Mẹ ngồi sòng, con gái làm điếm, con trai nghiện ngập… Nhiều gia đình không có nổi những bữa cơm chung, vậy mà mẹ với đồng lương ít ỏi của bố, cảnh nhà khó chật trăm bề vẫn tương cà mắm rau nuôi chúng tôi no đủ.

Những đêm yên vui và ý nghĩa như thế, đã được tôi ghi lại trong tác phẩm đầu đời của mình, hồi còn học cấp một, là một bài thơ có tên: “Buổi tối ở nhà em”. Bài thơ rất may đã được đăng trên báo và được mẹ cất giữ rất cẩn thận. Cùng với những kỷ vật của gia đình như cái áo dài the đen của bố, chiếc áo bông của bà nội… Mẹ đã bọc kỹ bài thơ rồi cất trong chiếc rương nhỏ, vật bất ly thân của mình. Anh chị em tôi cũng chỉ biết chuyện này sau khi mẹ mất. Cách quý trọng chữ nghĩa và nâng niu kỷ vật của mẹ khiến tôi rơi nước mắt không chỉ ngay lúc ấy. Mà, suốt nhiều năm sau này, nhất là khi tôi quyết lòng đeo đuổi nghiệp văn chương.

Tôi quên nhanh những câu chữ trong bài thơ đầu đời, nhưng những ảnh hình và cảm xúc từ: “Buổi tối ở nhà em” chưa bao giờ mờ nhòa trong tâm trí. Vẫn bừng tỏa và ấm áp hết cả một vùng ký ức. Những buổi tối bình yên với chúng tôi quây quần bên nhau, chăm chỉ học hành và với mẹ ngồi gần bên, đăm đắm dõi theo. Mẹ luôn thế trong muôn vàn những buổi tối, lặng thầm bên các con và khẽ khàng nhắc nhở. Mẹ chỉ chịu lên giường khi đứa con cuối cùng rời bàn học, tắt đèn. Những tối mùa hè, thi thoảng mẹ nấu cho chúng tôi một soong chè và mùa đông nào có gì ngoài một rổ khoai luộc nóng hổi. Khi đã lớn thêm và thấy nhiều người bị sa ngã trước bao nhiêu là cám dỗ của những năm tháng đó. Tôi hiểu vì sao mà hết cả mấy anh chị em chúng tôi đều thoát khỏi. Biết bao điều tươi đẹp đã được khơi dậy trong tâm trí non nớt của chúng tôi, từ những ban đêm như thế. Khơi dậy, nảy nở và lưu giữ. Chúng tôi thêm thương cha mẹ, các anh chị em, thêm gắn bó với gia đình.

Và, những buổi tối ngày xưa ấy, hẳn rất là… cổ tích với không hiếm những bà mẹ những gia đình bây giờ, đúng không?

NGUYỄN MỸ NỮ

;
.
.
.
.
.