.
TRUYỆN NGẮN

Ảnh cử nhân

.

Luận về nhà với tấm bằng cử nhân loại khá. Số tiền học bổng kỳ cuối đủ để anh mua cho mẹ một ít quà, vợ một ít quà, không mua gì cho ông già cả, từ ngày anh đi học hai cha con đã từ mặt nhau, có mua gì ông cũng chẳng nhận. Mỗi lần biết Luận về ông đều tránh sang nhà hàng xóm đánh cờ hoặc trà nước, đợi đến khi cuộc hội ngộ, xoắn xuýt của vợ, con dâu với thằng con trai lắng xuống ông mới mò về.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Vợ Luận lục trong đáy va-li lôi ra tấm ảnh anh mặc áo cử nhân chụp hôm bế giảng, nước ảnh sáng láng, in trong khung gỗ ép hẳn hoi. Cô vợ reo lên như vừa khám phá ra một kho báu.

- Úi trời ơi…! Trông mình oách thế!

Luận đỏ mặt, anh cũng chẳng thiết tha gì việc chụp ảnh, nhưng mấy thằng bạn cứ lôi xấn vào. Hai tay anh bê tấm bìa cứng nền đỏ in chữ “Bằng cử nhân” màu vàng giống y như thật đặt hơi ngả dưới ngực, khi ấy anh cảm thấy khuôn mặt mình dày lên, nghiêm trang như chụp ảnh chứng minh thư. Vậy mà lúc lấy về đứa nào cũng bảo: “Thằng Luận chụp ảnh cử nhân hợp nhất, trông tướng tá và rất có hồn”.

Mẹ anh ngồi bần thần hồi lâu, tay thì nâng niu, tay thì chấm chấm ít bụi bám trên góc ảnh, ngắm mãi không rời, nước mắt rơm rớm, có lẽ chưa bao giờ bà thấy con trai mình đẹp đến thế.

Bố Luận căn đúng giờ, chừng ba mẹ con không còn xoắn xuýt như mọi khi nữa thì về, ông vào nhà, ngồi vắt chân ở ghế, làm lơ đi chỗ khác.

Mọi khi những lúc như thế này mẹ chồng, con dâu đã phi tang xong tất cả những thứ anh mang về, nhưng hôm nay bà ôm khư khư tấm ảnh cử nhân ngồi im, không chịu nhúc nhích. Ông bố thấy lạ nên hất hàm hỏi.

- Bà làm cái gì mặt đực ra thế?

Vợ Luận sợ tái mặt. Bà mẹ run run đưa tấm ảnh cho chồng. Ông vừa liếc qua đã sa sầm nét mặt nhưng vẫn cố nhìn cho thật kỹ, lâu sau mới hắng giọng.

- …Trông cũng oai đấy, đem bệu chuồng gà mà nhát cầy.

Những nếp nhăn nheo trên gương mặt ông bỗng giãn ra, có vẻ tươi tắn hẳn lên, không xầm xì giống như mỗi lần anh được nghỉ về thăm nhà nữa.

Tưởng là mâu thuẫn giữa anh với bố mấy năm qua đến đây được tháo gỡ, ai ngờ nó càng trở nên căng thẳng hơn. Bố anh cầm tấm ảnh cử nhân nhìn một hồi, rồi ngó lên tường nhà vừa mới sơn xong.

- Con Hiền lấy cho bố cái búa, còn bà đi tìm cái đinh mười về đây.

Vẻ mặt nghiêm trọng của ông nhìn phía từ con dâu sang vợ. Hai người sợ tái mặt, răm rắp làm theo. Ông bắc ghế đứng lên, vung tay đóng chan chát, cái đinh mười ngập lút vào trong tường, ông mắc tấm ảnh cử nhân của Luận vào đó.

- Đứa nào muốn gỡ ra? Tao cấm!

Cả nhà lặng im, ai cũng hiểu tính của ông, khi đã nói gì thì chắc như đinh đóng cột, việc ông treo tấm ảnh của anh lên tường với thái độ bất thường đó báo hiệu cuộc mâu thuẫn giữa ông và anh chưa hề chấm dứt.

Ông vốn sinh ra trong một gia đình có đến mười một người con, là thứ tám nhưng lấy vợ muộn nhất nhà, khi ấy ông hai mươi bảy tuổi, còn bà mới mười chín. Các cô, chú, bác đều nghèo và rất đông con, ít nhất cũng đến bốn, năm đứa. Riêng ông sinh duy nhất mình Luận thì kiên quyết không thêm hay bớt một đứa nào nữa. Ông muốn anh lớn lên chăm chỉ làm ruộng nương và trở thành một người nông dân bình thường, không bon chen cuộc sống ở ngoài.

Luận học hết cấp ba, bố anh đùng đùng bắt lấy vợ. Anh nhất quyết không chịu, ông dọa tự tử, Luận đành nghe theo. Cưới vợ xong Luận có thông báo thi đỗ đại học. Ông tìm mọi cách để ngăn cản. Mẹ anh và cô vợ lại hết lòng ủng hộ Luận đi học. Từ đó cha con anh không nhìn mặt nhau nữa.

Nhà Luận ở miền nửa quê nửa rừng núi. Bố mẹ anh được ông bà để dành cho miếng đất trước kia trồng tre bát độ, đất cằn cỗi lại dốc cao, họ hàng đến giúp bố mẹ anh đào nền cất một túp lều nhỏ. Nhà ở chênh vênh giữa đồi, thỉnh thoảng sau mỗi trận mưa ta-luy lại sạt xuống, ụp cả lên vách nhà. Những lần như thế hai ông bà lại phải nhờ người đến đào lớp đất sạt này đổ đắp ra sân, dần dần chỗ góc sân đầy lên thành một cái vườn rất lớn.

Bố Luận mượn tiền của bạn bè thuê máy bạt ngang quả đồi, chỗ thấp bên dưới vỡ thành ruộng, múc được cả một cái ao nhỏ để thả cá, xung quanh trồng tạp nham các loại cây. Kinh tế đang dần ổn định thì Luận đi học. Ông bố không còn cách nào ngăn cản đành giở chiêu từ mặt con. Làm việc gì cũng không mướn anh tham gia, góp ý nữa. Đúng một lần, vào dịp ông chuẩn bị xây nhà mái bằng, gọi anh tất tả từ Hà Nội về hỏi.

- Mày xem móng miếc như thế đã được chưa?

Ông hỏi ý kiến anh cho có lệ, chứ móng cũng đã đào và lên xong từ tám đời, anh có tham gia cũng chẳng còn ích gì.

Càng ngày khoảng cách giữa Luận với bố anh càng lớn, nhất là từ khi anh học xong và tấm ảnh cử nhân được treo lên. Chưa xin được việc làm ở đâu, Luận xắn quần xắn áo giúp bố một vài việc nhưng lần nào ông cũng chỉ lên tấm ảnh treo trên tường như nhắc nhở cho anh biết anh không được động tay vào.

Sợ phật lòng ông nên anh không làm việc nhà nữa, ôm hồ sơ gửi những nơi phù hợp với chuyên ngành học và chờ đợi. Chờ mấy tuần, hai, ba tháng nhưng chẳng có nơi nào hồi âm.

Tấm ảnh cử nhân vẫn treo trên tường như một sự thách thức và trêu ngươi, đã mấy lần anh bắc ghế trèo lên toan giật nó xuống đập cho tan nát, nhưng lại bắt gặp ánh mắt lừ lừ của bố từ ngoài cửa nhìn vào, anh lại không đủ can đảm gỡ bức ảnh đó xuống nữa.

Khi nào tấm ảnh cử nhân còn treo trên tường là chừng ấy bố con anh còn chưa giảng hòa được với nhau. Một là anh phải xin được công việc, hoặc là anh sẽ đầu hàng bố và trở về làm một người nông dân như mong đợi của ông.

Luận ngồi nốc hết mấy chai rượu rồi ngật ngưỡng về nhà với cái quyết tâm hôm nay chính tay mình sẽ gỡ tấm ảnh cử nhân chết tiệt đó, việc dễ như bỡn vậy mà bao ngày tháng anh không dám làm.

Bố Luận đang tiếp khách, là tay thợ cả xây nhà và năm sáu thằng thanh niên mặt mày bặm trợn. Bọn chúng đang đôi co chuyện tiền nong với bố anh. Tiếng của ông hết sức ôn tồn mà rất cương quyết.

- Các anh cứ trừ các khoản xem có phải còn âm tiền của tôi không.

- Ông nói thế là nói ngang, tôi đã từng đi xây bao nhiêu cái nhà trong vùng này, có ai nợ lâu mà cãi ngang như ông đâu.

Luận nhận ra thằng mặt bặm trợn vừa nói đó là Giới, cùng học lớp một với anh nhưng đến khi anh học cấp hai nó vẫn lẹt đẹt lớp ba rồi bỏ học giữa chừng. Giới lấy vợ sinh con và đi cai thầu một vài công trình, nhà cửa lẻ tẻ. Có chút tiền công trình hắn đâm ra cờ bạc, gái gú đến cụt vốn. Giới chuyển sang nghề khác, trong vùng nếu ai có mâu thuẫn không giải quyết được thì gọi đến nó.

Vợ Luận biết anh về đang đứng ngoài cửa, cô chạy ra kéo chồng vào bếp.

- Nó gọi cả đầu gấu đến đòi nợ nhưng không chịu tính toán, mà bắt bố phải trả mười mấy triệu nữa.

- Rồi có trả không?

Vợ Luận lắc đầu.

Bố con anh đang “chiến tranh lạnh”, nhìn cái dáng còm cõi của ông Luận thương đến đứt ruột gan. Nhưng lòng sĩ diện của một thằng đàn ông cầm chân không cho anh bước vào trong nhà, đành lặng im đứng ngoài cửa, định bụng nếu bọn họ làm gì quá đáng sẽ vào.

Mấy người đến đòi nợ cố gắng moi móc ra để bố Luận lớn tiếng nhưng ông không nặng lời một câu, vẫn cứ ôn tồn phân bua.

Thằng Giới đứng lên ngồi xuống, đi đi lại lại trong nhà một hồi, mọi chuyện với nó xưa nay đều giải quyết bằng nắm đấm, không được ăn thì dùng nắm đấm, đòi nợ cũng nắm đấm. Nó đi đi lại lại, nghĩ xem hôm nay cái nắm đấm cho ông già này phải xử thế nào để ông vừa sợ lại vừa được việc. Nó loanh quanh, mắt trợn trạo liếc xung quanh nhà, chợt sững lại khi nhìn thấy tấm ảnh Luận mặc áo cử nhân treo trên tường. Giới lúng túng một hồi mới lắp bắp hỏi bố anh.

- Bác… bác mua cái tranh này ở đâu à?

- Con trai tôi đấy!

Hóa ra cái thằng chỉ biết dùng nắm đấm để dọa nạt người ở cái xó rừng này lại phải cụp râu xuống trước tấm ảnh vô tri vô giác đó. Giới nhìn thật kỹ tấm ảnh một lần nữa rồi vội tiến đến sát chỗ bố Luận, tay bắt mặt mừng.

- Cháu nhìn mãi không nhận ra nó. Hóa ra là người nhà cả!

Bố Luận ừ à một hồi, chưa hiểu sự tình nhưng vẫn bắt lại tay thằng Giới. Bọn thợ xây trố mắt nhìn nó, chúng thuê nó đến để đòi thêm tiền nhưng tự nhiên lại đi tay bắt mặt mừng với con nợ, tên thợ cả đập đập vào vai Giới.

- Này, không dọa nữa đi, ông đã phòi tiền ra đâu.

- Thôi thôi, mày không thấy con ông oách thế à.

Bọn thợ xây không moi thêm được đồng tiền nào của bố Luận đành kéo nhau về, đứa nào đứa nấy đều bắt chước thằng Giới chào ông rất lễ phép. Luận đứng ở cửa nhìn thấy bố chắp hai tay vào hông, ông đứng nghiêng người, mắt liếc lên tấm ảnh cử nhân của anh, đầu khẽ gật gù.

LÝ A KIỀU

;
.
.
.
.
.