.
TRUYỆN NGẮN

Một mình

.

Dạo này, tự nhiên tôi đâm ra sợ những cú điện thoại của bạn cũ. Những người bạn học thời tiểu học, trung học xa lắc lơ, những người đồng nghiệp nghỉ hưu mấy mươi năm không gặp. Bởi vì cứ mỗi lần nhận điện thoại, lại được thông báo một tin chẳng lấy gì làm vui. Chị này ốm, anh kia đột quỵ, rồi đám tang chồng người nọ, vợ người kia. Rồi gặp nhau đi thăm, đi viếng để thấy tóc bạn mình bạc thêm một ít, khuôn mặt bạn mình hằn thêm vài nếp nhăn. Những lúc như thế cả lũ lại nhìn nhau mà chép miệng: Nhanh thật, mới đó mà tụi mình già hết rồi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tối qua, tôi nhận được một cú điện thoại như thế, từ một người bạn cũng đã lâu không gặp. Chị rủ tôi đến thăm Miên, một đồng nghiệp cũ bị ốm.

Miên lớn hơn tôi đến năm tuổi nhưng không  hiểu sao, tôi không gọi bằng chị mà chỉ xưng tên với nhau, coi như là bạn. Mà có khi như vậy cũng hay, người được coi như là ngang bằng phải lứa sẽ không cảm thấy mình già – điều mà phụ nữ bước qua ngưỡng tuổi năm mươi bắt đầu cảm thấy e dè, né tránh.

Miên không có gia đình, đúng hơn là đã ly dị, một cuộc ly dị mà chị không hề có chủ định. Tôi nghĩ hồi trẻ, Miên cũng là người có nhan sắc. Nước da trắng, gương mặt thanh, giọng Huế nhẹ, chắc cũng không thể là xấu. Khi tôi về công tác cùng cơ quan với chị, tôi đã có hai đứa con, chị hơn ba mươi tuổi, vẫn độc thân. Hồi đó, phụ nữ ngoài ba mươi mà chưa có chồng thì đã coi như là quá lứa, an phận sống với anh chị em, cha mẹ già. Nhưng với Miên thì không.

Tôi có cảm giác trong thâm tâm, Miên vẫn khao khát một người chồng để yêu thương, những đứa con để nựng nịu, chăm sóc. Thỉnh thoảng, tôi lại nghe người này, người kia nói thấy chị có bồ. Mà có lẽ thế, dạo đó, tôi thấy gương mặt chị tươi hơn, đôi gò má đã ửng hồng mỗi khi chúng tôi hỏi thăm trêu chị. Sau này mới nghe chị tâm sự với một chị bạn trong trường, bồ chị là một ông xưng là sĩ quan chế độ cũ bị vợ bỏ, mới đi học tập cải tạo về. Tối tối, hai người vẫn hẹn hò nhau đi dạo ngoài biển. Thôi thì cũng mừng cho Miên, biết đâu chị lại hạnh phúc. Lần cha chị mất, tôi đến thắp hương, lại nghe xì xào chị đã đám cưới rồi. Cưới với cái ông sĩ quan ngụy đi cải tạo về, cưới chạy tang thôi. Cũng nghe đâu là lúc ba chị thấy mình chắc không qua khỏi, hối thúc con gái cưới chồng liền, kẻo lỡ cha có bề nào thì cũng khó. Vậy là chẳng cần áo cưới, xe hoa, chỉ một mâm trầu cau nhỏ đặt trên bộ bàn gỗ ngăn cách với chiếc giường cha nằm hấp hối bằng một tấm màn vải rẻ tiền, Miên thành gái có chồng. Nhưng lấy chồng mà vẫn ở nhà mình, vì mấy người con chồng không chấp nhận chị về nhà họ. Tội nghiệp chị, chắc mâm trầu cau ông bồ chị một mình lên chợ X mua rồi cũng một mình đem đến nhà chị, tôi nghe mọi người xì xào như thế. Có điều, sau khi làm đám tang cho cha, chị đi làm lại, tôi thấy trên tay chị lấp lánh cái khâu vàng chóe, đôi mắt sâu cũng lấp lánh niềm vui.

Bẵng đi một thời gian, tôi lại thấy ánh mắt chị buồn rười rượi, hỏi ra mới biết chồng chị đã vượt biên, mà lại lấy hết vốn liếng của chị để dành bao nhiêu năm nay. Với cớ cần vốn đi buôn, ông ta nhỏ to với vợ thế nào không biết, chị đưa hết cho chồng. Có tiền, hắn ta âm thầm thu xếp cho mình với mấy đứa con vượt biên, chị cứ tưởng chồng đi buôn đường dài, đến khi mất biệt rồi đi tìm, đi hỏi, Miên mới hỡi ôi, nghe đâu hắn ta đã ở Hồng Kông rồi, mà lại cũng đang cặp với một bà nào trong trại tị nạn hay cùng vượt biên gì đó. Thôi vậy thì chẳng còn chút hy vọng gì. Coi như mất hết rồi. Nỗi đau khiến chị như tê dại đi. Chỉ một thời gian mà Miên già sọp, nụ cười trên môi chị héo hắt hơn bao giờ hết, đôi mắt sâu càng sâu hơn, thật chẳng còn đâu cô Miên thanh mảnh, tĩnh tại ngày xưa. Một thời gian sau, tôi nghe tin chị đã xin đơn phương ly dị. Nghe nói qua Mỹ hắn quậy lắm, lỡ có chuyện gì, mình lại khổ, Miên nói vậy. Rồi thôi.

Tránh động vào nỗi đau của Miên, chúng tôi không bao giờ nhắc lại chuyện chị đã có chồng. Coi như Miên vẫn còn độc thân như ngày xưa vậy. Hội những người độc thân lại ríu rít gọi mời Miên mỗi lần bù khú với nhau. Nhưng giờ, ai cũng đã lớn, đó là không muốn nói đến chữ “già”.

Vết thương dù lớn, rồi cũng đến lúc phải liền da. Miên lại vui tươi, lại tếu táo đùa giỡn với bạn bè, lại săm sửa, may mặc, đi du lịch, đi học tiếng Anh, đi tắm biển mỗi sáng, đi hát karaoke mỗi cuối tuần. Gần đây, Miên còn tham gia một câu lạc bộ khiêu vũ.

Nhưng hóa ra có những lúc vây quanh ta là đám đông mà ta vẫn thấy cô độc. Đó là khi ta cười với hết thảy mọi người mà lòng vẫn buồn tái tê vì không tìm được một ánh mắt dịu dàng sẻ chia. Đó là khi tàn cuộc vui, bước về đến nhà, lụi cụi lục xách tìm chùm chìa khóa mở cửa, bước vào căn nhà tối om, nghe lòng trống rỗng vì biết chẳng ai đợi mình về, cũng chẳng hề có một cú điện thoại nào lo lắng hỏi xem mình đã đến nhà chưa… Có những lúc chiều tàn, nhìn ánh nắng cuối ngày nhạt dần, có cảm giác rồi mình cũng sẽ biến khỏi cuộc đời  lặng lẽ như ánh nắng tắt đi chẳng còn chút dấu vết… Miên bắt đầu cảm thấy không mặn mà lắm với những cuộc vui vì chị có cảm giác hình như mình có đến hay không cũng chẳng có ai chờ. Chị cũng không đi khiêu vũ nữa vì ở đó, cảm giác cô độc càng rõ hơn khi mọi người ai cũng có đôi có cặp, dẫu chỉ là những cặp đôi ở trên sàn. Mà về nhà soi gương, nhìn đi nhìn lại, chị bắt đầu thấy vẻ già nua mệt mỏi trong đôi mắt, làn da. Cái váy chị kỳ công đi chọn lại có vẻ hơi kệch cỡm so với khuôn mặt, vóc dáng chị bây giờ.

Miên buồn, thỉnh thoảng, lại nhắn tin cho bạn bè thăm hỏi vu vơ, có khi là mấy câu chúc mừng những dịp lễ, Tết hay sinh nhật. Chúng tôi cũng ít gặp nhau vì mối liên hệ trước đây gắn bó bởi công việc nhiều hơn. Tuy vậy, tin tức về nhau, chúng tôi vẫn biết qua bạn bè ở những lần gặp gỡ tình cờ.

Khi đến thăm Miên tôi mới hay chị định bán nhà. Thấy tôi ngỡ ngàng đưa mắt nhìn lên tấm biển, Miên cười buồn: “Mình định bán nhà, về ở với vợ chồng đứa em trai. Mình quá sợ những ngày ngồi một mình từ sáng đến tối. Sáng mở mắt ra thấy có một mình. Dọn dọn nấu nấu, rồi cũng ăn một mình. Có cố gắng đi đâu, làm cái gì đó cho vui rồi rút cục cũng về nhà một mình. Ngày xưa, đã phải cố gắng lắm để có một cái nhà riêng, cũng cố để có một gia đình, nhưng rồi…”.

Miên bỏ lửng câu nói, ngồi trầm ngâm, nhìn ra khoảng không vô định: “Mình có tiền, chắc cũng không đến nỗi nào. Mình sẽ xây thêm một tầng ở căn nhà của tụi nó để ở, còn thì gởi tiết kiệm. Mình còn lương hưu, cũng sống đủ”. Tôi không kịp hỏi hay bàn bạc gì thêm vì Miên đã bộc bạch hết. “Trước đây, mình có một anh bạn…”. “Vậy sao?”, tôi vui vẻ góp chuyện. “Tụi mình gắn bó với nhau được mấy năm. Ảnh và mình thương nhau lắm, cũng định làm giấy kết hôn. Nhưng con cái ảnh nó phản đối dữ quá. Bọn nó sợ mình chiếm cái nhà của ảnh… Sao bọn nó nghĩ vậy chứ. Cái nhà của mình, mình cũng còn chưa thiết nữa mà”. “Rồi bây giờ sao?”. “Chia tay rồi. Có lần ảnh đau nặng, mình muốn đến chăm sóc ảnh  nhưng không được. Con cái về lo cho ảnh, tụi nó nhỏ to sao đó, ảnh nghe con, quyết định chia tay...”.

Tôi thở dài. Miên vẫn nói, không để ý đến việc tôi có nghe hay không.

“Số mình nó vậy, lần nào hạnh phúc cũng bị vuột mất vì mấy đứa con. Tụi nó không hiểu mình. Mình có giành cái gì của tụi nó đâu. Ờ, mà có, giành cha của tụi nó!”. Miên cười làm tôi phát sợ. “Giành một ông già gần bảy chục tuổi. Nghe cũng vui quá hả. Nhưng không, nói vậy chớ trông ảnh cũng còn phong độ lắm”. Miên lại miên man kể về những kỷ niệm của hai người. Mà lạ kỳ, giọng chị ráo hoảnh, không buồn, không vui, như kể về chuyện của người nào đó chứ chẳng phải của mình. “Hồi mình đi học tiếng Anh, mình cũng quen một ông thầy người Anh, nhưng rồi…”.

Miên bỏ lửng và bật cười chua chát: “Mình quyết định như vậy cũng được phải không? Thật ra thì cũng chẳng biết thế nào là tốt hơn, nhưng mấy đứa em ủng hộ mình. Bên đó tụi nó cũng đi làm suốt ngày thôi. Nhưng ít ra căn nhà cũng còn có tiếng người, nhiều lúc nghĩ mãi, mình đã có được gì trong cuộc đời này?”. Tôi nắm tay Miên bóp nhè nhẹ, bàn tay với lớp da khô khốc đã bắt đầu thấy những nếp nhăn khắc khoải, những đường gân xanh căng phồng thách thức. Tôi cố gắng nở một nụ cười: “Nhưng Miên tự do… Miên muốn sống thế nào thì sống mà”. Miên để yên bàn tay trong tay tôi: “Phải, mình tự do…”.

Miên im lặng. Tôi hiểu, sau tất cả, vẫn là một nỗi buồn thăm thẳm.

Sau lần đến thăm Miên, tôi tự dưng lại hay nghĩ ngợi. Sống một mình có đúng là đáng sợ như thế không? Mà sao bao người có gia đình như tôi vẫn mãi loay hoay trong cái lồng bó chặt lấy mình.

Một buổi sáng đi ra đường, tôi nghe mọi người bàn tán về chuyện có người phụ nữ nhảy từ lầu năm xuống đất chết ngay tại chỗ. Tôi nghĩ ngay đến Miên. Lẽ nào… Nhưng không phải, về đọc tờ báo địa phương, tôi mới biết đó là một phụ nữ đẹp, thành đạt, chồng con đề huề. Không biết có chuyện gì đến mức phải nhảy lầu? Tôi tự hỏi. Stress, bệnh tật, chồng có bồ, con hư hỏng… hay đơn thuần là cảm giác cô đơn? Cô đơn ngay chính trong tổ ấm của mình.

Tối đó trời nóng quá, tôi lên sân thượng, đứng trước ban-công tìm chút gió trời. Tự dưng, tôi nhớ đến chuyện người phụ nữ nhảy lầu. Tôi nhìn xuống khoảng không tối hun hút bên dưới và cân nhắc khoảng cách từ chỗ mình đứng xuống mặt đất. Nếu mình làm một cú lộn nhào thì sẽ ra sao? Tôi không rời bỏ được ý nghĩ đó. Tôi đưa hai bàn tay xoa mặt và hít một hơi dài để có thể tỉnh táo hơn. Nhưng ý nghĩ đó vẫn mãnh liệt bám riết lấy tôi, càng xua đi nó càng bấu chặt. Tôi quay lưng, đi như chạy xuống nhà. Tôi nghe tiếng chân của mình nện dồn dập trên những bậc thang. Và sau đó, là một sự yên lặng, yên lặng cực độ. Tôi có cảm giác như bị nó - sự yên lặng - nuốt vào, nhấn chìm xuống. Tôi lảo đảo bước đến bên cây đàn piano ở góc phòng, ngồi xuống một lúc. Và không kìm giữ được, tôi nện mạnh những ngón tay xuống các phím đàn. Những âm thanh tức tưởi tuôn ra, dồn dập dội lại làm tôi ngột thở. Cứ như thế cho đến khi tôi thấy những phím đàn và cả vạt áo của tôi loang đầy những vệt nước mắt.

PHÙNG KIM HƯƠNG

;
.
.
.
.
.