.

Thơ: Thư gửi người bạn Mỹ

Thưa ông (*)
Hôm qua cháu của ông đã tới thăm nhà tôi
nó chuyển lời một người quen, mà chưa từng là bạn
Cuộc đi thăm nước tôi của người con gái đẹp trẻ như nước Mỹ
tóc vàng và mắt xanh
khác con gái tôi tóc đen, da vàng - cũng là máu đỏ
Tụi nó như chúng ta ngày xưa tuổi trẻ
khác một điều
Nay nó tới thăm tôi nụ cười
nay nó tới thăm khi vườn xanh quê tôi đầy chim hót
Hoa cau thơm trắng vườn đón đứa trẻ từ nước Mỹ xa xăm...

Chúng ta đâu có lỗi!
Lời gửi của ông mang theo trên cái miệng xinh của cháu ông
bay trên không trung như dải lụa đào
làm tôi rơi nước mắt
Nhẽ ra chúng ta phải làm bạn từ lâu lắm rồi...
những năm sáu mươi...
sao chúng ta không cùng nhau chinh phục Phanxiphang
nắm tay nhau hát ca và bàn về Bắc hay là Nam cực
như những đứa trẻ con tôi và cháu ông rong chơi - bạn bè trên hành tinh này  đâu cách trở
ông đã tới quê tôi trên những chuyến bay mệt nhoài và ta đã bắn vào nhau
đã một thời tìm diệt
Tôi mất hết tuổi xanh cũng bởi những trái bom
Những trái bom đã đánh vào lòng tự ái
của đâu chỉ con một người nông dân...

Chuyện đã lâu quá rồi, thôi không nhớ nữa
nhức nhối bao nhiêu
Như vết thương cũ trong tôi giờ đây bao vết sẹo hiện lên màu trắng
Như nỗi buồn dài của ông câm lặng
Nhưng lời xin lỗi của ông hôm qua làm tôi hy vọng
tin ở trên đời vẫn còn những Con Người
Chúng Ta sinh ra để thương yêu.

Tôi gửi tới ông một lời mời bè bạn
Ấy lúc ban chiều
Khi tôi tiễn cháu ông cho kịp buổi hẹn hò lớp trẻ
khi vườn tôi tràn ngập hương quê
Mùi nguyệt quế và hoa cau… lá trầu cũng vẫy chào tiễn đưa bè bạn
Xin ông đến chơi nhanh
nhà tôi
còn kịp...

NGUYỄN VĂN THỌ


(*) Tháng 6 năm nay, Nhà báo Uyên Ly dẫn tới nhà tôi ba thiếu niên người Mỹ, trong đó có 1 cháu gái có một người ông là cựu phi công lái máy bay từng ném bom miền Bắc. Ông không bao giờ nói chuyện chiến tranh ở Việt Nam, nay thấy cháu đi theo chương trình tìm hiểu Việt Nam của học sinh, đã dặn cháu gái: Hãy tìm một người lính cũ, nhưng tóc phải bạc để chuyển lời xin lỗi của ông tới ông ta... Trong câu chuyện ông dặn cháu đến Sa Pa phải cẩn thận vì khu vực núi phía Bắc còn bom đấy. Tôi bảo ba cháu Mỹ: Phía Bắc chúng tôi dọn gần hết rồi nhưng ở Quảng Bình và Vĩnh Linh thì bom vẫn thi thoảng nổ, giết chết những đứa trẻ. Những đứa trẻ Mỹ không thể hiểu nổi vì sao...

;
.
.
.
.
.