.
TRUYỆN NGẮN

Con cá quẫy sóng

.

1. Vợ ốm. Anh phải xuống chợ. Giục giã đầu tiên là cái tên hiệu thuốc chập cheng. Nàng nói đau đầu và sốt cao từ tối qua. “Còn mấy viên thuốc em để trên kệ sách. Anh tìm giúp em...”. Anh và thằng bé lục tung cả nhà lên không thấy. Anh nhìn ra cửa sổ. Nửa đêm về sáng. Giờ này thì chưa có tiệm thuốc Tây nào chịu mở. Đêm yên tĩnh một cách kỳ lạ. Anh xoa dầu và bóp gáy cho nàng. Đành phải chờ sáng vậy! Nàng đưa cả tiếng rên khẽ vào giấc ngủ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Áp pa na gan hay Áp ta na gen ấy nhỉ? Đứng trước quầy thuốc anh bỗng lớ ngớ. Cái tên dài ngoẵng làm anh lú lẫn. Đời anh khó chịu nhất là những cái tên thuốc và bản kê toa của những tay thầy thuốc. Những dòng chữ rậm rịt, lít nhít như rận bò mà chẳng tóm được con nào, đọc được chữ nào.

Gay thật!

- Ông anh cần loại gì? - Tay đứng quầy phac ma xi, mặt còn rất trẻ. Lại để bộ râu lông tơ lún phún. Chõ mồm ra, hỏi.

- À, thì là loại gì chống nhức đầu, giảm đau ấy... - Anh nói mò.

- Em biết rồi! Anh lấy Panadon nhé! - Y vui vẻ.

- Không! Không phải Panadon - Anh hoảng hốt, lắc đầu - Cái tên thuốc gì dài dài na na, gen gen, gan gan gì đấy!..

- Em biết mà! Thì cùng công hiệu! Nhưng cái này tốt hơn anh - Y chào hàng tỏ vẻ am hiểu và đầy thiện chí. - Ông anh cứ lấy về cho bà chị xài thử đi!...

-Xài thử thuốc á? Không! Để chết à? - Anh khôi hài. - Ông cứ lấy cái thứ mà cô nhà tôi yêu cầu đấy!

- Nhưng em có biết chị thường xài thuốc nào đâu? - Y vặn lại.

- À, tôi nhớ rồi - Anh hồ hởi - Áp pa na gen!

- Ồ, thứ này thì em có đầy ra đây! - Y trả lời vừa hí húi tìm kiếm sau quầy. Rồi xục xạo nhặt ra mấy vỉ đưa cho anh.

- Không! Không phải thứ này - Vừa nhìn thấy mấy vỉ tròn tròn xanh xanh là anh lắc đầu nguầy nguậy.

- Sao cơ? - Không phải hả anh? - Hắn ngạc nhiên, dí ngón tay vào nhãn và đọc rõ tên thuốc cho anh: - Áp pa na gen rõ sờ sờ đây này!...

- Đúng! Nhưng cô ấy nói là dạng viên sủi - Anh phân trần.

- Rồi rồi! Em chiều ông anh! - Y hệch mép cười toáng. Rốt cuộc anh cũng đã có đúng loại thuốc.

2. Tiếp theo là anh phải vào chợ. Hôm nay cô ấy nói là sẽ làm cho thằng nhỏ món bánh canh cá lóc. Vậy rồi lăn đùng ra đau. Anh là ngại nhất ra chợ mua cá. Thứ thì rất thích ăn mà sợ tanh tưởi. Quả thật là hơi quá đáng! Anh thích ăn cá lắm. Nhưng là cá đã làm sạch sẽ. Ướp hương, gia vị đầy đủ. Nấu, nướng chín và thơm sực nức.

Tuổi thơ anh gắn liền với biển. Nhà anh cũng gần biển nên thức ăn bao giờ cũng tươi. Cứ mỗi chiều đi dọc biển thế nào cũng thấy những chiếc ghe lỏng khoang đầy tôm cá tươi. Nghĩ về ngày xưa anh luôn nhớ về hình ảnh một thằng bé đi lơ ngơ lạc vào giữa chợ với muôn ngàn vẻ lao xao bán mua. Nhưng biết sao! Cái mùi tanh lạnh của cá anh vẫn không thể chịu nổi. Dường như cá biển ít tanh hơn cá sông? Cái vị mặn của muối ít ra cũng thấm tháp vào máu ép giảm nồng độ mùi rất nhiều. Còn cá sông thì không! Cứ choẽn choen phơi nhã. Anh nghiễm nhiên chấp nhận “nằm đất với chị hàng hương còn hơn nằm giường với cô hàng cá” bay ra từ ca dao.

Nhưng hôm nay chủ nhật. Vợ ốm. Anh phải xuống chợ. Ken chân vào buổi sáng nghìn nghịt người. Phải đi tìm nhiên liệu chính để nấu món bánh canh. Anh vòng xuống. Lật lên. Tìm đến hàng cá lóc. Cũng phải xếp hàng năm bảy người chờ đến lượt. Cô bán cá lóc làm việc không ngơi nghỉ. Khi khách chỉ cá, việc đầu tiên là cô đeo bao tay làm bằng mủ dày, chộp con cá ra. Con cá quẫy dữ dội trên tay cô chờ một cơ hội trượt xuống. Nhưng khi vừa bị vất xuống thớt là cùng lúc cái chày vồ to tướng để bên cạnh cô vung lên đánh bộp một cái. Con cá giãy đành đạch rồi nằm im. Cái kéo trên tay cô cắt xoèn xoẹt mang, vây, đuôi. Rồi cô lật ngửa con cá bóc tách mang. Hai ngón tay thiện nghệ lôi ra một xâu màng mật còn tươi máu đỏ. Tiếp đến cô cầm cái chà vảy làm bằng sắt cạo rồn rột trên thân cá chạy dài từ đầu, lườn xuống lưng, đuôi cá. Cái chà chạy tới đâu hàng đống vảy nhớt đổ sụ ra tới đó. Cái đuôi thi thoảng vẫn còn giựt giựt. Rồi cô ném con cá vào chậu nước. Một ít máu trong mang vẫn còn vương ra loang thành tia dài. Cô chộp con cá lên cho vào túi ni-lông giao cho khách. Họ thơi thới mang đi!

Anh còn phải chen vào hàng rau và hàng thực phẩm để mua bánh canh. Riêng món bánh canh không đã có chừng năm loại để anh chọn lựa. Từ bột gạo, bột mì, loại dai hoặc không dai. Còn rau anh tìm giá tươi. Sợi không dài mà cũng không ngắn quá! Vì sao? Nàng nói với anh loại quá dài, quá to đã được ngâm vào thứ bột nở đầy hóa chất. Còn thêm quả chanh và mấy trái ớt... Mặt trời đã hời hời chếch hướng về phía trưa...

3.Thế rồi họ đã cãi nhau. Mọi việc tưởng chừng rất là vặt vãnh.

- Anh mua thuốc sao lâu thế? Đáng lẽ anh phải đem lên cho em uống trước khi vào chợ chứ? Em đang bệnh thế này mà phải chờ thuốc! Anh muốn em chết hay sao?...

- Thì anh cũng phải tranh thủ đi luôn - Anh cười cầu tài - Chợ buổi sáng chủ nhật đông hơn bình thường! Đi mãi mới xong...

Nàng ghé mắt vào con cá.

- Trời ơi! Sao con cá bé tí thế làm sao nấu được bánh canh?

- Bé tí nghĩa là sao? - Anh thoáng bực - Anh đã nhìn và chỉ bắt đúng con cá lớn nhất mà...

- Nhưng con cá lớn nhất ở hàng đó vẫn không thể đủ nấu ngọt một nồi nước dùng. Anh hiểu không? - Nàng đã bắt đầu gắt lên. - Trời ơi là trời!... Lại nữa. Nàng cầm con cá lên. Lật qua lại.

- Sao nó lại chọn cho anh con cá ghẻ thế này? Anh thấy hàng loạt những vết chấm trên lưng của nó không?

Anh không nghĩ những vết xước li ti như dấu chấm đó là ghẻ. Bởi khi đứng đó anh đã nhìn thấy cái cào sắt đánh vảy của cô hàng cá xoẹt qua. Có những chỗ cô cào mạnh hơn. Cho những cái vảy bám kín tung tóe văng đi. Nhưng anh không nói như thế.

- Em là người quá cầu toàn! Lại đưa những việc khó cho anh! Anh đâu đủ thông minh để phân biệt được những vết xước hay những cái ghẻ của con cá... Có những việc để được đúng như ý muốn hoàn hảo của mình không cách nào hơn mình phải đi làm...

- Ơ, anh không thấy em đang bị đau hay sao? Nàng bật khóc hức hức: - Tại sao em ốm lúc nào cũng thấy anh khó chịu thế?... Anh ngạc nhiên. Một câu nói đã chực trào lên cửa miệng.

- Em làm sao!... Bởi vì em ốm nên em nhìn việc gì cũng thấy khó chịu!... Anh chỉ thấy em là em! Con cá là con cá thôi! Cái gì li ti dưới vảy con cá làm sao anh biết được!...

Nhưng anh đã kiềm chế được. Nàng ốm! Nàng ốm! Anh cũng đã xuống chợ ngày chủ nhật rồi!...

Lòng anh quẫy sóng một con cá! Dù sao cũng phải dỗ dành để nó bơi đi!...

NGUYỄN HỮU HỒNG MINH

;
.
.
.
.
.