.
TRUYỆN NGẮN

Thần Điểu

.

Lý Tiểu Cao là chủ quán cơm “Thích Trở Lại”. Một lần ông nhặt được con chim sáo đói, thoi thóp ở ven đường, ông đem về cho nó ăn và cứu sống nó, không bao lâu, người và chim trở nên thân thiết, suốt ngày nó thường đậu trên vai ông.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Một hôm, thực khách vừa ăn xong, gọi Tiểu Cao tính tiền, Tiểu Cao nói: “Quý khách hết 132 đồng, bớt đi số lẻ, chỉ phải trả 130 đồng thôi”. Người khách tóc đỏ đứng lên, lấy tiền trả cho Tiểu Cao. Ông nhìn thấy trong đó có tờ bạc 100 đồng, đang định nhét vào túi thì từ trên vai ông, con chim sáo đột nhiên kêu lên: “Tiền giả! Tiền giả!”. Vị khách tóc đỏ thấy vậy liền chỉ vào con sáo lấp liếm: “Nói càn! Câm ngay! Nếu không, ông sẽ làm thịt mày, đem nấu làm món ăn”. Lý Tiểu Cao vội lấy tờ bạc 100 đồng ra, đưa vào máy kiểm tra tiền. Lập tức, liền kéo còi: Toe, toe, toe, báo cảnh sát. Người khách tóc đỏ chỉ có thể lấy ra tờ bạc 100 đồng, tiền thật, đổi lại cho Tiểu Cao, mặt mũi xám ngoét, rồi vội vàng lẩn trốn. Các thực khách trong cửa hàng chứng kiến cảnh tượng ấy, họ vô cùng kinh ngạc. Một thực khách quen nói: “Chủ quán, con chim sáo của ông đúng là “Thần Điểu”. Có thể phân biệt được cả tiền thật và tiền giả. Ha, ha!...”. Lý Tiểu Cao cười nói: “Thế nào là “Thần Điểu”? Đoán mò!”. Một vị khách quen khác nói: “Đúng vậy! Hiện tại, tiền giả làm giống như tiền thật, đến con người còn khó có thể nhận ra, mà sao con chim lại có thể phát hiện được?”. Nói đoạn, ông bảo chủ quán tính tiền, Lý Tiểu Cao nói: “Của ông hết 50 đồng”. Người khách lấy ra bốn tờ 10 đồng đưa cho chủ quán. Ngay bấy giờ, trên vai Lý Tiểu Cao, con sáo lại kêu: “Thiếu rồi! Thiếu rồi!”. Người khách quen há hốc mồm ra nhìn con sáo, sự kinh ngạc khiến đôi mắt lồi lên như muốn bật ra khỏi tròng nói: “Chủ quán! Sao ông còn bảo là, nó không phải là “Thần Điểu”. Lý Tiểu Cao cũng thấy kỳ lạ, ông ngoái đầu nhìn lại con sáo trên vai mình, rồi nói nhỏ: “Ông ấy là khách quen, nên nói đủ, thu bớt, 40 đồng là đủ rồi!”. Con sáo trên vai ông lại nói: “Đúng rồi! Đúng rồi!”. Từ đây, Lý Tiểu Cao hiểu rằng: Mình đã nhặt được một con sáo thần kỳ. Buổi tối, sau khi đóng cửa hàng, Tiểu Cao cùng với bà xã Hồng Mai hiếu kỳ đem tiền ra thử con chim sáo mấy lần, họ phát hiện: Con sáo chẳng những phân biệt được giấy bạc thật giả, mà còn biết tính toán nữa. Trước tiên, Lý Tiểu Cao nói: 300 đồng, sau đó lấy ra ba tờ giấy bạc 100 đồng đưa cho bà xã, đứng bên cạnh, con sáo lập tức nói: “Đúng rồi! Đúng rồi!”. Sau đó ông lại đổi thành sáu tờ 50 đồng, con sáo cũng nói: “Đúng rồi! Đúng rồi!”. Ngay lập tức, ông lại đổi hai tờ 100 đồng và một tờ 50 đồng, con sáo liền cất giọng lanh lảnh: “Thiếu rồi! Thiếu rồi!”. Khi ông lấy thêm một tờ 100 đồng ra, con sáo liền nói: “Thừa rồi! Thừa rồi!”. “Thần Điểu!”. Đích thực là “Thần Điểu!”, chúng ta phát tài rồi!”. Lý Tiểu Cao kích động vỗ đùi kêu lên. Bà xã Hồng Mai hỏi: “Chim sáo sao có thể là thần được. Chúng ta mở quán ăn, sao lại phải dựa vào con chim sáo này để phát tài?”. Lý Tiểu Cao đắc ý nói: “Bà xã ơi! Bà không biết rồi! Hiện tại thực khách đến quán ăn, không chỉ để thưởng thức mùi vị của món ăn, mà còn thích thú với những điều mới lạ. Cần thiết sau này, khi thực khách thanh toán tiền, họ phát hiện chỉ có con chim sáo thu tiền, bà thử nói xem, vậy chẳng phải sự hiếu kỳ sẽ hấp dẫn họ trở lại sao?”.

Nói là làm, chỉ sau mấy ngày huấn luyện, Lý Tiểu Cao đem tấm biển “Thích Trở Lại” phá đi, thay vào đó là tấm biển mới có tên là: “Quán cơm Chim Sáo” rồi buộc vào chân sáo một cái hộp giấy nhỏ. Thực khách ăn xong, gọi chủ quán tính tiền, chủ quán căn cứ vào thực đơn mà thực khách đã dùng, rồi thông báo số tiền. Lập tức “Thần Điểu” liền bay đến bàn ăn, thu nhặt từng đồng tiền mà thực khách vừa trả, cho vào hộp giấy nhỏ đeo bên chân. Có lần, thực khách cố ý trêu đùa “Thần Điểu” trả thiếu tiền, con sáo liền kêu to: “Thiếu rồi! Thiếu rồi!” và đứng lỳ tại đó, không chịu bay đi, khiến mọi người ôm bụng phá lên cười. Thực hiện một thời gian, Lý Tiểu Cao kiểm toán số tiền do “Thần Điểu” thu của khách, không thiếu một đồng. Sau này thấy không có sai sót gì, nên không cần để mắt đến nữa, chỉ việc lấy số tiền trong hộp giấy nhỏ ở chân “Thần Điểu” bỏ vào trong két.

Sự kiện kỳ lạ hiếm thấy này lan truyền rất nhanh. Nghe nói ở một quán cơm, có con chim sáo thần kỳ, phóng viên của đài truyền hình, chuyên mục “Chuyện lạ đô thị” đến quán cơm của Lý Tiểu Cao để quay phim, phỏng vấn. Sau khi tiết mục được phát trên truyền hình, người người mến mộ, đổ dồn về quán cơm của Lý Tiểu Cao, nói là để dùng bữa, thực ra là họ muốn được chiêm ngưỡng “Thần Điểu” mà đến. Thu nhập của quán cơm đương nhiên tăng vọt lên. Đêm đêm Lý Tiểu Cao lại đem số tiền thu nhập trong ngày ra kế toán, thấy mỗi ngày lại tăng lên gấp bội. Sung sướng khiến mồm ông há hốc ra, tưởng như không ngậm lại được. Bà xã Hồng Mai nói: “Anh có thấy quán cơm Thực Huệ ở bên kia tường đã bị quán cơm của nhà ta hút hết khách rồi không? Hiện tại chỉ có thể đổi thành “Quán ăn bữa sáng thôi”. Lý Tiểu Cao đắc ý nói: “Kinh tế thị trường, mau chóng trở thành cuộc chiến sinh tồn, chẳng có gì lạ cả, họ bán hàng ăn bữa sáng thì chúng ta cũng bán”. Quán cơm Chim Sáo kinh doanh ngày càng phát đạt. Lý Tiểu Cao ngày càng xem con chim sáo như một vị thần tài, không gì bằng.

Một thời gian sau, Lý Tiểu Cao phát hiện một chuyện lạ: Mỗi tối, ông lại cùng bà xã ngồi kiểm toán đều phát hiện thấy thiếu tiền, tuy chỉ trong giới hạn từ 20 đến 30 đồng, nhưng đã hơn nửa tháng nay, ngày nào cũng thế. Mấy ngày sau, ông sàng lọc và tìm ra một đối tượng nghi ngờ. Người ấy khoảng trên năm mươi tuổi, trang phục rách rưới, mỗi ngày ba bữa, đều đến ăn tại quán cơm của ông. Bữa trưa và bữa tối, vị khách ấy thường gọi một bình rượu Nhị Oa Đầu, khi báo tiền để ông già thanh toán, Lý Tiểu Cao ngầm ghi lại số tiền, khi lấy tiền trong hộp giấy ở chân con sáo ra kiểm, quả nhiên chỉ có mấy tờ giấy bạc một đồng, thậm chí có khi chỉ có mấy tờ giấy bạc một hào. Lý Tiểu Cao giận dữ, hàm răng ngứa ngáy, cứng đờ, sở dĩ ông không thể lập tức vạch trần, vì thấy ông lão vô cùng kỳ quái. Thông minh siêu đẳng như con sáo của ông, từ trước đến giờ chưa một lần sai sót. Sao ông già lại có thể lừa được nó? Ông ngầm để mắt quan sát, theo dõi. Điều mà ông nhìn thấy, lại chỉ khiến cho ông càng thêm kinh ngạc: Ông lão chẳng làm trò che mắt; không bỏ thuốc mê hoặc con sáo, mà đường hoàng, khoan thai rút tiền ra, nhét từng tờ một vào trong hộp giấy. Con sáo vốn thông minh là vậy, chẳng ngờ khi đối diện với ông lão, lập tức biến thành ngu xuẩn, mặc cho ông lão trả tiền nhiều ít thế nào, đều không kêu lên một tiếng.

Một hôm, vào buổi tối, sau khi ăn xong, ông lão lấy mấy hào bạc ra, bỏ vào hộp giấy ở chân con sáo. Lý Tiểu Cao không nhịn được nữa, chạy tới nắm lấy tay ông lão nói: “Thưa chú! Tuổi chú đã cao, vậy sao chú không biết ngượng, lại đến đây lừa gạt một con chim sáo?”. Ông lão luống cuống, tất tất tả tả nói: “Tôi!... Tôi không có...”. Lý Tiểu Cao kéo ông lão sang bên uy hiếp nói: “Nếu chú không nói ra cái cách mà chú đã lừa gạt con chim sáo của tôi, thì tôi sẽ lôi chú đến đồn cảnh sát”. Chỉ trong giây lát, sự kháng cự của ông lão tiêu tan hết, liền ậm ậm ừ ừ kể rõ sự tình.

Nguyên do, ông lão xuất thân từ một gia đình nuôi dạy chim, biểu diễn, làm nghề sinh sống, con chim này là do ông lão huấn luyện mà nên. Mặc dù ông lão có nghề huấn luyện chim tuyệt kỹ, do tổ tông truyền lại, nhưng chơi bời, du thủ du thực, ham rượu chè, say sưa đến một hai ngày. Con chim sáo này theo ông, thường xuyên bị bỏ đói. Mấy tháng trước, ông lão mang chim sáo lang bạt nơi thành thị, tại Lập Giao Kiều Đồng Lý, uống rượu say, ngủ suốt một ngày một đêm. Tỉnh dậy mới biết là đang nằm tại trạm cứu trợ của cơ quan hành chính. Không thấy chim đâu, nghĩ rằng: Khi say rượu nằm ngủ miên man, con sáo đói quá, bay đi tìm thức ăn, khi trở lại không thấy chủ, nên bay đi mất.

Một thời gian sau, ông lão nghe người ta đồn thổi là: Ở một quán cơm, có con chim sáo biết tính toán và thu tiền của khách. Ông lão đoán chắc là con sáo của mình, nên làm ra vẻ một khách hàng đến quán, định đem con sáo đi, chẳng ngờ con sáo đã có tình cảm với chủ quán cơm, nên không chịu đi, nên đành phải thôi. Ông lão ăn xong bữa, mới nhớ mình không đủ tiền, đành trơ trẽn rút mấy tờ tiền lẻ, bỏ vào hộp giấy của con sáo. Mừng thay! Con sáo thông minh, vậy mà biến thành xuẩn ngốc, không nhận ra, mà chủ quán cũng không kiểm tra tiền bên trong hộp. Ông lão thấy đến quán cơm này, khả dĩ có thể được ăn uống nhiều hơn nơi khác, sướng đến chết đi được, nên ngày ngày lại đến đây dùng bữa.

Lý Tiểu Cao nghe hết câu chuyện, dường như ông có điều suy nghĩ. Hồi lâu, ông mới xúc động than thở: “Lúc con sáo biến thành xuẩn ngốc, là lúc nó giả vờ hồ đồ, vì nó nhớ đến nghĩa tình với người chủ cũ”. Lý Tiểu Cao chẳng những không làm khó với ông lão, mà còn lấy ra 3.000 đồng đưa cho ông lão, nói rằng: Đó là số tiền mà ông mua lại con chim sáo. Ông lão sung sướng vô cùng, ngoáy mông, ngoáy đít đi luôn. Buổi tối hôm ấy, bà xã Hồng Mai sung sướng đắc ý thông báo với chồng: “Quán ăn buổi sớm ở bên kia tường, mở cửa mà không có khách, xem ra ngày bỏ nghề, đóng cửa không còn xa nữa rồi”. Lý Tiểu Cao nghe xong, ông không còn cái vẻ phấn khích của mấy ngày hôm trước, mà trầm ngâm hồi lâu, rồi nói: “Hồng Mai này! Chúng ta không cần bán hàng ăn bữa sáng nữa. Xét cho cùng thì người ấy cũng là anh ruột mình”. Hồng Mai thất ý nói: “Trước đây, Lý Đại Cao đối đãi với anh như thế nào. Quên rồi à?”.

Nguyên do là: Quán cơm Thực Huệ ở bên kia tường là của chủ quán Lý Đại Cao, là anh cả của Lý Tiểu Cao. Cha mẹ mất sớm, để lại quán cơm Thực Huệ. Ai ngờ, khi Lý Tiểu Cao lớn lên, người anh liền độc chiếm cửa hàng, đuổi người em đi. Lý Tiểu Cao bất bình phẫn uất, liền thuê ngay cửa hàng, cách cửa hàng của người anh một bức tường, để cạnh tranh buôn bán. Lý Tiểu Cao đem câu chuyện ông lão huấn luyện chim, cùng con sáo giảng giải cho Hồng Mai, ông nói: “Tuy anh cả làm nhiều điều không phải, nhưng anh ấy đã dìu dắt tôi lớn lên. Một con sáo còn biết đến đạo lý ân nghĩa. Chúng ta lại không bằng loài chim sao?”. Cũng tối hôm ấy, Lý Tiểu Cao đến quán cơm của người anh cả, hai anh em hàn huyên trò chuyện mãi đến khuya...

HOÀNG SIÊU CẦU

NGUYỄN HỮU LƯỢNG dịch


(Theo bán nguyệt san (Cố sự hội) quyển hạ số ra tháng 7-2011 của Hội Văn nghệ Thượng Hải)

;
.
.
.
.
.