.
Tản văn

Nghe trong hương bưởi

.

Cữ này trời dầm dề mưa, cánh đồng ngun ngún nước, các làng quê u ủ buồn. Và thi thoảng, trăng thu đung đưa trong trời đêm. Hương trăng vấn vít gợi buồn. Mà trăng bao giờ cũng đẹp, một vẻ đẹp buồn lạ. Nhưng thể nào, giữa mùa thu cũng có những đêm trăng đẹp tuyệt diệu. Đó là khi hương bưởi biết làm dáng, muốn sánh ngang với chị Hằng, nên vắt kiệt cùng mùi thơm của nó hiến cho đời.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ở phố hiếm hoi mới thấy một dáng bưởi. Có chăng phải về ngoại thành. Mà Hà Nội, nổi tiếng với làng bưởi Diễn, thì nay, cơn lũ quét đô thị đã quét gần như sạch những bóng dáng một thời. Nhưng các làng quê không thiếu. Có khi, là cả một khu vườn, mà những cây bưởi cứ cúi lum khum, như người mẹ bồng bế cả chục đứa con nhỏ trên mình. Quê tôi chưa bị đô thị hóa, nên nhà nào dường như vẫn có vườn, ít nhất là một góc cho không gian xanh. Góc nhà, thường có cây bưởi cổ thụ, một cây rơm tựa hờ duyên dáng. Cũng có khi, dưới gốc bưởi là một chiếc cọc trâu, đó là nơi chú trâu nghỉ ngơi, ăn cỏ ăn rơm vào ban ngày. Nhà nào không nuôi trâu bò, gốc bưởi trước hiên là nơi hò hẹn lý tưởng của cô chủ hay cậu chủ. Nơi ấy thấm đượm lời hò hẹn, chứng kiến cái gật đầu ái ngại của cô gái khi chàng trai vừa dứt lời tỏ tình. Mùa nào, gốc bưởi cũng nên thơ và đẹp. Có khi nồng nồng mùi bùn. Khi ngan ngát đòng đòng đồng lúa. Khi no nê mùi lúa chín. Nhưng cũng có khi ngai ngái mùi phân trâu.

Mùa này, ngoài đồng lúa đang độ ngả vàng. Cây bưởi hiên nhà tôi hứng gió. Hương lúa tràn qua. Cánh cổng tre cọt kẹt. Lá bưởi xạc xào. Trái bưởi đung đưa. Ngẫm đến nay, nó cỡ gấp đôi tuổi bảy mươi của cha tôi vậy. Thân mộc xì xì dấu vết thời gian. Có đận, anh tôi gợi ý, chặt cây bưởi già để trồng lại chỗ đó mấy cây bưởi giống mới, cũng chỉ hai năm bói quả. Cha lụ khụ cười buồn, dứt khoát không cho chặt. Tôi biết, ông đã dán lên đó cả một quãng dài ký ức với những câu chuyện mênh mang suốt những năm tháng qua. Rồi khi về hưu, ông còn kê ghế đá, cùng người bạn vong niên ngồi thưởng trà, đánh cờ, đọc thơ. Người bạn ấy đã về với ngàn thu. Những cơn gió hai năm trước nói lời tiễn biệt. Ghế đá vẫn còn trơ trơ. Cha tôi vẫn ngồi, độc ẩm, ngắm bộ cờ cũ kỹ, nhớ bạn xưa và soi bầu trời qua đáy cốc. Chắc ông chưa tìm được người tri kỷ, để cùng mình xếp những quân cờ mùa thu, quân cờ trải nghiệm cuộc đời, giữa dòng thời gian cuồn cuộn chảy.

Và có lẽ, những chú chim vẫn trú ngụ trên tán bưởi đó là vui hơn cả, vì vẫn được vẫy vùng trong bầu trời rộng, và an lành bên cổ thụ vững chãi. Tôi cũng an lòng tự nhủ, linh hồn cổ thụ đã nhuốm vào thứ cây bền bỉ, dâng hiến cho đời. Tôi tự hào, đó là cây bưởi vĩ đại nhất mà tôi từng thấy. Trên nó, tôi dán ước mơ trẻ con của tôi, cả những khát khao đầu đời của chú bé tập làm người lớn.

Tôi đã đón bao nhiêu mùa hương bưởi chín trong cảm giác bồi hồi của tuổi hoa niên, mà trong từng thớ mùi, có sự ngầy ngậy, ngòn ngọt của phù sa. Mà lạ nhỉ, bưởi là thứ cây không sang trọng, nhưng ngay từ khi đơm nụ, hương của nó đã vấn vít lòng người.

Giữa tháng tám, nhẹ lòng gối đầu lên mảnh gió thu. Tôi bỗng thương cha mất một người bạn tri kỷ. Bưởi quê vẫn nặng trĩu, mùi thơm vẫn gieo rắc. Chú chim mổ vào hương bưởi, lích chích. Thu chảy thành dòng nơi xạc xào ngõ quê.

NGUYỄN VĂN HỌC

;
.
.
.
.
.