.
Truyện ngắn

Con mắt thế gian

.

Cắm mười cành hồng vào chiếc bình pha-lê đặt trên bàn ăn, ngồi ngắm nghía một lúc, thấy hài lòng. Ngà đứng lên, bước vô bếp định bày sẵn mâm cơm, thì chuông điện thoại reo. Tiếng reo từ điện thoại bàn. Dạo này, gọi điện thoại nhà chỉ có mẹ và chồng Ngà. Thằng con chỉ cài số di động mẹ vào cái di động nó. Mẹ chị gọi lúc Ngà chuẩn bị cắm hoa. Thằng con lúc xế chiều khi vừa đến điểm du lịch dã ngoại đã gọi ngay cho mẹ.

Chồng gọi vợ giờ này thường lặp lại câu: “Anh không về ăn cơm được, anh có hẹn, anh phải ăn cơm với khách…”. Chị bước đến nhấc điện thoại. Khi nghe đúng cái điệp khúc quen thuộc đó, Ngà chỉ nói: “Anh cứ giữ đúng lời hẹn!”. Chị ngạc nhiên trước câu nói ráo hoảnh của mình dù trong lòng vừa buồn, vừa tủi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trở lại ngồi trước bàn ăn, Ngà đưa mắt nhìn đường phố xuôi ngược người xe rồi tần ngần hồi lâu trước những bông hồng thắm đỏ nồng nàn. Bất giác chị thở ra, rồi với lấy remote, bật ti-vi.

Màn hình đang phát lại chương trình thời sự buổi sáng. Trên màn hình, cũng như lúc sáng, Quân lại xuất hiện. Nhưng khác hơn lúc sáng, chị không vội chuyển kênh mà chăm chú xem. Rồi, dường như từ tâm trạng hụt hẫng trống vắng, chị lại thấy Quân, một tuýp người có bước công danh không khác nhiều so với chồng chị, rõ hơn. Mặt vuông, mày rậm, sống mũi cao, mắt sáng, tóc rẽ ngôi bồng bềnh. Do sớm được giao giữ chức trách nên Quân trông chững chạc so với tuổi. Môi miệng tươi cười, Quân gây thiện cảm không chỉ bằng gương mặt thông minh dễ mến mà còn bằng cách nói lôi cuốn cùng những điều được nói vừa tâm huyết vừa chân thành đã khiến người nghe đặt niềm tin nơi Quân, tin điều Quân nói có giá trị của một lời hứa. Từ bục phát biểu, giữ nụ cười trên môi, Quân bước xuống mấy bước, thân mật đưa tay siết chặt bàn tay những người ngồi trên hàng ghế đầu.

Bàn tay Ngà một lần cũng được Quân siết chặt: “Em sẽ email câu hỏi ôn thi cho chị!”. Lúc đó, Ngà vừa cảm kích vừa kỳ vọng.

Là một cán bộ trẻ giữ một vị trí then chốt ở một cơ quan đoàn thể, vị trí mà từ đó, cũng như chồng Ngà, Quân dễ dàng bước lên những nấc thang cao hơn. Quân nổi bật trong lớp luyện thi chuyển ngạch công chức của cả khu vực đông đến hàng trăm người, trong vai trò lớp trưởng.

Lớp trưởng hoạt bát, nhanh nhẹn, luôn thể hiện sự quan tâm đến mọi thành viên lớp học, dĩ nhiên, là có cả Ngà, một học viên hay vướng phải những zích zắc như kẹt xe hay kẹt việc nhà hoặc việc cơ quan nên thỉnh thoảng vào lớp trễ hoặc rời lớp sớm. Một lần do rời lớp sớm mà Ngà chưa chép được câu hỏi ôn thi của chuyên đề ngày hôm trước nên Quân sốt sắng hứa giúp. Ngà vội nhắn vào điện thoại Quân: “Email của chị đây:…”. Quân nhắn lại: “Em sẽ gởi. Chị yên tâm!”.

Về đến nhà, Ngà mở mail mới biết mail mình bị virus. Mày mò toát mồ hôi, Ngà không cách nào khôi phục được cái địa chỉ email mà chị đã nhắn vào di động của Quân. Loay hoay một hồi nữa, với khả năng i tờ vi tính, Ngà không sao tạo được cái email mới. Chị lật đật gọi cho thằng con đang chơi bóng với đám bạn ở một sân bóng cách nhà khá xa. Chị gọi đến lần thứ ba, mới nghe nó lên tiếng. Chị liền nói: “Con chạy về ngay, mẹ có việc nhờ con…”. Thằng bé vừa thở vừa nói: “Mẹ chờ chừng một tiếng nữa, con đang chơi!”. Chị cao giọng: “Một tiếng nữa thì trễ việc của mẹ!”. Thằng bé vùng vằng: “Con đang chơi mà, mẹ chịu khó chờ con…”. Chị ngắt lời thằng bé, lệnh: “Con ngừng chơi một lát, về giúp mẹ, mau lên…”.

Trong lúc chờ thằng con chạy về, Ngà thấy bứt rứt. Lẽ ra, chị không nên kéo thằng bé ra khỏi đám bạn đang hò hét nhễ nhại mồ hôi. Lẽ ra, chị không được dùng cái quyền làm mẹ khi đột ngột tách thằng con mười sáu tuổi ra khỏi sân bóng. Lẽ ra, chị phải biết tôn trọng những khoảnh khắc vui chơi của nó. Và, lẽ ra, chị phải làm được cái việc mà bất kỳ bà mẹ nào cũng phải làm là biết nâng niu cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc có được từ một trận bóng mà con mình là một cầu thủ.

Và rồi, một điều gì đó, không chỉ là sự bứt rứt, đang dày vò Ngà. Chị biết, điều chị thật sự cần, không phải là một địa chỉ email. Đó là điều mà một thằng bé mười sáu tuổi không thể giúp được mẹ. Ngà cũng biết rõ, chị không hẳn cần bốn câu hỏi mà chị chưa chép vào vở. Bởi, bốn câu hỏi đó chị cũng biết là được post ngay lên trang web của đơn vị tổ chức cuộc thi. Ngay cả khi mạng Internet hay cái máy vi tính trục trặc hoặc hỏng hóc và không “tải” xuống được, Ngà chỉ cần bỏ ra mươi phút thong dong thả bộ qua hai con phố là đến nhà chị bạn đang cùng lớp học thi với chị và Quân. Chị muốn gọi lại cho thằng con, bảo nó cứ chơi xong, hẳn về. Chị bấm điện thoại cho con, thay vì nói như vừa nghĩ, chị lại giục khi thằng bé vừa lên tiếng: “Nhanh nhanh lên con!”.

Thằng bé ào về, quăng chiếc xe đạp ngã xuống nền nhà một cái rầm rồi sà vào ngồi trước máy vi tính, cắm cúi thao tác. Cái lưng áo của nó ướt đẫm mồ hôi.

Chỉ ít phút, thằng bé lập cho mẹ cái email mới. Rồi nhoáng một cái, nó cưỡi xe, vù đi. Ngà chỉ kịp nói với theo: “Chạy cẩn thận đó, con…”.

Ngà nhắn vào di động của Quân địa chỉ email mới của mình, rồi chờ.

Kim đồng hồ chỉ 9 giờ tối. Ngà nán chờ kim phút quay thêm một vòng nữa, chị mới bấm số di động của Quân. Trong âm thanh ồn ào tiếng cười, tiếng nói, tiếng cụng ly: “Nào, dô…”, chị nghe Quân nói: “Chị chờ em ra ngoài, ở đây ồn quá”.

Mươi giây sau, chắc Quân đã bước ra khỏi đám đông đang phấn khích, giọng vồn vã: “Em đang tiếp khách, lát nữa về nhà sẽ email cho chị ngay!”.

Lại cảm kích. Lại kỳ vọng. Lại thấy đôi vai rộng của Quân không chỉ đủ sức đảm nhiệm vị trí hiện tại mà còn dư sức gánh vác chức trách cao hơn trong nay mai. Ngà tiếp tục ngồi chờ, mắt chăm chăm nhìn vào Hộp thư đến, hồi hộp chờ thư Quân.

Từ phòng riêng của thằng con, chị không còn nghe âm thanh lục rục, chắc nó đã lên giường ngủ. Còn từ phòng ngủ của mình, chị nghe tiếng ngáy rõ to của chồng sau buổi tiếp khách kéo dài, khi về đến nhà chỉ kịp tháo giày và ngủ vùi.

Chờ đến lúc cơn buồn ngủ khiến mắt Ngà díp lại. Màn hình máy vi tính trước mặt chị lúc rõ nét, lúc nhòa mờ. Chờ đến lúc không thể chờ được nữa, Ngà đành tắt máy vi tính.

Sáng hôm sau vào lớp, một người bạn cùng lớp đã photocopy sẵn một xấp câu hỏi và sẵn sàng cho những ai còn chưa có. Ngà cũng được nhận một tờ giấy nhỏ bằng bàn tay in bốn câu hỏi ôn thi. Chị kẹp tờ giấy nhỏ vào vở ghi bài giảng.

Buổi sáng hôm đó, lớp học được nghe chuyên đề “Công chức và cán bộ công chức”. Giảng viên là một vị giáo sư có giọng nói to, vang và ấm. Ông có cách truyền đạt sinh động và lôi cuốn, nhất là phần liên hệ thực tiễn. Vị giáo sư mạnh dạn đưa ra những dẫn chứng về thực trạng một bộ phận cán bộ công chức, bằng nhiều cách đã biến chất dù vẻ ngoài vẫn được bao bọc trong lớp vỏ trung thành. Ông dành thời gian phân tích khá kỹ về sự nguy hại từ việc cán bộ có chức trách nói thì giỏi nhưng ngại làm hoặc không làm. Ông còn dẫn ra nhiều trường hợp mà nhiều vị hay hứa, dễ hứa nhưng lại quên đi lời hứa, có không ít người còn làm ngược lại lời hứa. Mà lời hứa, với một nhân cách, đó còn là lương tâm, là danh dự, là lẽ sống còn. Với một người giữ chức trách trước cộng đồng, lời hứa không còn là lời hứa của cá nhân người thốt ra lời hứa.

Ngà còn nhớ, trong buổi học hôm ấy, mấy lần chị ngoái đầu lại dãy bàn học phía sau lưng để “tìm” Quân, với hy vọng sẽ gặp được ánh mắt “thay lời muốn nói”, hay ít ra cũng là ánh mắt ngượng ngùng hoặc né tránh.

IPad để trước mặt, Quân như không nhận ra điều gì, cảm thấy gì cả ngoài việc tập trung nghe và cắm cúi ghi chép. Ngà muốn nhắn vào điện thoại Quân câu gì đó nhưng rồi chị bỏ ý định và quay lại với bài giảng. Dù rất muốn tiếp tục lắng nghe và chăm chú ghi chép như Quân nhưng Ngà không sao tập trung được. Chị cứ phấp phỏng. Lại chờ đợi. Lại hy vọng cái di động của mình báo có tin nhắn.

Bởi, thật tình, lúc đó Ngà chỉ mong đọc được chữ “sorry” từ Quân gởi đến.

Mà cũng có thể Quân đã không còn nhớ lời đã hứa.

Như chồng Ngà, cũng đã nhiều lần không giữ được lời hứa ăn bữa cơm gia đình với vợ, với con, tuy đôi lần anh cũng biết nói lời “xin lỗi” mặc dù Ngà biết, nhu cầu để sửa lỗi như luôn thiếu hụt dù đó không phải là việc làm vượt quá khả năng của anh. Đơn giản chỉ là thói quen của đầu lưỡi.

Ngà cầm cái remote lên, nhấn phím tắt.

Hình mất, tiếng mất, màn hình trở lại cái màu xám đen. Ngôi nhà vắng lặng và hiu quạnh dù tiếng xe vẫn rền rĩ ngoài đường. Ngà muốn gọi cho mẹ, chỉ để nghe bà càm ràm về sức khỏe mình hay trách hờn con cái. Chị nhìn đồng hồ, thấy muộn, nên không dám quấy rầy bà. Ngà lại cầm remote, bật ti-vi. Khi vừa nghe âm thanh lao xao, chị lại ấn vào phím tắt.

Ti-vi trước Ngà chỉ còn phủ một màu đen. Chị nhìn màn hình và chợt liên tưởng nó với con mắt của thế gian.

Một con mắt thu nhận tất cả hỉ nộ ái ố của cõi người. Một con mắt khi nhắm khi mở. Một con mắt có thể nhìn xuyên thấu.

BÍCH NGÂN

;
.
.
.
.
.