Chiếc xe tải nhỏ, trọng tải khoảng một tấn, nước sơn đã cũ nhưng máy móc vẫn còn rất tốt, băng băng qua đèo dốc bụi mù bởi hàng hóa nó chở là vật dụng bằng nhựa để dùng trong gia đình tuy cồng kềnh nhưng khá nhẹ. Đó là chén bát, rổ rá, ly tách, khay bình…, những vật dụng mà đồng bào vùng sâu, rẻo cao rất cần bởi sự tiện dụng, rẻ, bền, rơi rớt chẳng phải lo.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Từ hoa văn trang trí cho đến màu sắc sản phẩm luôn hoàn hảo, rực rỡ và phong phú. Chúng là niềm tự hào của những gia đình có vụ mùa bội thu. Chúng quyến rũ mọi người từ già chí trẻ, từ già làng tới trưởng bản, trưởng ngành. Chúng là vật thay thế cho những cốc sừng trâu, chén bát đũa tre, mâm lá chuối… có tuổi đời đã mấy nghìn năm.
Khi hợp tác xã mua bán không còn nữa thì đồng bào phải vất vả vượt trăm suối, nghìn khe mới tới được chợ của người Kinh để mua bán. Với giá trị không lớn, như một chục chén giá chỉ vài ba chục ngàn, mà phải tiêu tốn mất một ngày đi lại và sức lực thì không ai dại gì mà không mua chúng từ những chiếc xe tải nhỏ như thế này với giá cả chẳng chênh lệch là bao.
Là một hộ kinh doanh cá thể, với bộ máy bán buôn gọn nhẹ, tinh giản tới mức tối đa, phục vụ tận tình chứ không hách dịch như nhân viên thương nghiệp ngày trước. Thường là hai vợ chồng; chồng lái xe, bày hàng; vợ mời chào, buôn bán. Họ vào tận buôn, bán tận tay cho đồng bào. Mua những thứ mà đồng bào cần bán, bán những thứ mà đồng bào cần mua dù giá cả có đắt hay rẻ hơn một chút thì đồng bào cũng ưng cái bụng hơn là khiêng vác chúng ra tận chợ mà giá cả nào chắc hơn gì.
Chiếc xe buôn này không thế, bên cạnh tài xế còn trai trẻ là một người đàn ông lam lũ, khắc khổ tuổi ngoài năm mươi, giọng miền Trung đặc sệt. Họ là đôi bạn từng buôn thúng bán rổ một thời. Không tri kỷ tri âm thì cũng quá đỗi thân thuộc. Họ gọi nhau là anh em dù tuổi tác chênh nhau đến vài chục.
- Tối nay ngủ chỗ mô hè.
- Thì trên xe chớ mô tê gì. - Đức, tên gã tài xế, trả lời tỉnh queo.
- Biết là trên nớ nhưng địa phương mô?
- Chư Sê, nghe nói nơi đó đang thu hoạch tiêu.
- Heo hút lắm à.
- Cũng gần như thế, cách Pleiku bốn mươi mấy cây.
Chiều, họ dừng chân ở sân chợ thị trấn. Thị trấn Chư Sê khá buồn và đầy sương mù. Dân cư đông nhưng đường phố thưa thớt bởi vườn nhà nào cũng rộng, cây trái sum suê che khuất hết mọi hướng nhìn.
- Ông ra chợ mua thức ăn đi - Đức lấy tiền ra đưa cho ông Tư.
- Có thấy cái sạp nào còn buôn bán đâu.
- Chẳng lẽ ăn mì gói nữa.
- Nấu cơm nghe.
- Ừ.
- Ăn với gì?
- Rau luộc chấm xì dầu cũng được.
- Rau đâu?
- Ông thường nói dân mình chết trên đọt rau, ngọn thuốc mà. Đi kiếm đi.
- Mi đừng lên giọng kẻ cả với tau nghe thằng ôn dật, chờ đó.
Ông Tư bắc nồi cơm lên bếp gas mini, giao cho Đức trông coi rồi cắp rổ đi vào một khu vườn không có tường rào gần đó. - Rau có mà bạt ngàn. Ông Tư hí hửng reo mừng khi thấy mã đề, tàu bay, rau má, rau dền, me đất, hạt nút tràn lan. Vừa thu hái vừa hát nho nhỏ đủ để mình nghe bài hát của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định: “Phố núi cao, phố núi đầy sương, phố núi cây xanh, trời thấp thật buồn. Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương…” thì ông lại nhớ vợ, nhớ con vô cùng.
Khổ quá mới phải ruổi rong vào cái xứ cũng đẫm mồ hôi, nước mắt này. Đổi được hạt cơm, hạt muối ở xứ đó thì mồ hôi, nước mắt phải gấp đôi người ta. Ông cảm ơn Đức, cảm ơn người bạn trẻ đã không để ông phải cơ cực như thế. Vất vả thì có vất vả nhưng ngồi xe đi đây đi đó mà chẳng phải mưa nắng gió sương gì. Bán được hàng, lãi nhiều thì ăn ngon. Không, thì vẫn cơm ngày hai bữa, chiều vẫn có rượu lai rai, lương tháng lãnh đủ, lâu lâu còn được đi gió về mây thì sướng quá rồi còn gì - Chậc, phước chủ may thầy.
- Có gì vui mà trông ông hân hoan thế.
- Ở đây cả tháng, rau ăn cũng không hết.
- Lạy ông, trù ẻo tui vừa vừa.
- Thì bán hết, về mua, vô lại.
- Tội quá cha, tiền của họ không có lỗ xỏ chắc!
Ngày về ngang qua Hồ Lắc, thấy sầu riêng bày bán dọc đường, Đức dừng xe lựa mua mấy trái thật to, thật ngon. Sầu riêng thì chẳng bao giờ rẻ, mấy trái mà giá tới vài trăm ngàn. Khi xe chạy rồi ông Tư mới tiếc hùi hụi:
- Ăn chi, phí rứa.
- Biếu chớ ăn uống gì.
- Quà này mà điếu đóm thì quý hóa lắm.
Chàng trai trẻ cười thầm bởi từ điếu đóm. Nghe qua thì chẳng có gì ngoài hành vi mua chuộc nhưng người trong cuộc thì nghĩ khác, nó ý nghĩa và hàm súc hơn nhiều. Tuy vậy chàng trai trẻ cũng giật mình. Không giật mình sao được khi mà nhà ông Tư có việc gì cần thì cách liên lạc duy nhất với ông là cú điện thoại của cô con gái duy nhất của ông với máy của Đức. Đức biết ông tính mua cái máy điện thoại cu cũ nhưng nghĩ nhà còn quá khó khăn nên thôi. Hơn nữa, người nhà ông cũng không thường xuyên gọi.
- Điếu đóm gì, tui mua cho chị Tư.
- Bả làm chi có tiền.
- Tui có bảo ông bà trả đâu. Có thì ăn chớ để làm gì, hơn nữa chuyến này tui thấy ông nhiệt tình quá.
Ông Tư chơm chớp mắt nhìn về xa xa. Ông nghĩ Hằng, cô con gái cưng của ông sẽ thích lắm. Nghèo quá, cơm còn chưa đủ ăn, dám đâu mơ mòng cao lương, mỹ vị. Ông lại tiếc, lại trách chàng trai trẻ chẳng tâm lý gì. Cái ông cần là cái điện thoại cu cũ giá có khi còn ít hơn giá của mấy trái sầu riêng kia. Ngon thì có ngon đấy nhưng ăn rồi phẹt toẹt là xong, chẳng lợi lộc gì. Dốt quá.
Ông làm sao biết cô con gái rượu của ông vẫn thường xuyên liên lạc với “chú Đức” khi ông không đi bán, ở nhà quanh quẩn bên mấy luống cải, gốc su su.
- Chiều nay chú rảnh không?
- Để làm gì?
- Tập cho cháu đi xe máy với.
- Ừ, mấy giờ.
- Lúc nào cũng được.
Những cung đường vắng vẻ là nơi lý tưởng để tập lái xe, ở đó cũng rất lý tưởng để trai gái hàn huyên tâm tình. Chuyện chẳng có gì để nói nếu họ là những người trẻ chưa vợ chưa chồng, đằng này Đức đã hai lần “lên xe hoa” nhưng đều đổ vỡ. Duy nhất một con trai với bà vợ thứ nhất nhưng con phải ở với nội vì cả hai bà vợ đều không chịu nổi cảnh hồng nhan gối chiếc và đã lần lượt cắt đứt dây tơ. Họ chia tay mà không hề vướng bận gì bởi tay trắng, nhà thuê, cơm hàng cháo quán.
Thương cho chú út lận đận, tảo tần anh em giúp vốn liếng cho Đức tậu con xe tải này để thuận việc buôn bán làm ăn. Lạy trời, nói không thiêng bằng tiền của. Có xe, có hàng hóa đẹp thì ai cũng tin là hàng hóa đó có chất lượng tốt. Mà tốt thật, bởi có vốn liếng nên những doanh nhân này luôn mua hàng với số lượng lớn ở những cơ sở sản xuất có uy tín tuy là hàng tồn kho, mẫu mã đã lỗi thời nhưng giá cả cực kỳ rẻ bởi đồng vốn nào cũng phải quay nhanh. Quay càng nhanh càng tốt, còn nằm là chết. Nếu ai đó thắc mắc, làm một so sánh thì sẽ biết là các sản phẩm này vào tới tận bản làng giá bán vẫn rẻ hơn chợ xã, chợ huyện cho dù phải vận chuyển xa xôi. Còn đem so sánh với người buôn gánh, bán bưng thì quả là khập khiễng bởi ai cũng biết nghèo quá hóa liều, người buôn gánh bán bưng đa phần là ít vốn nên họ chỉ mua hàng thải do tì vết, méo mó trong quá trình sản xuất với giá cực bèo rồi đem bán với giá trên trời thì hiển nhiên là sống khỏe. Khác với những xe buôn bán lưu động, người bán phải suy tính lựa chọn từng thương trường một, nắm bắt thị hiếu và túi tiền của cư dân vùng đó rồi mới dấn thân nên thường là chiến thắng và tạo được uy tín bởi khi sử dụng thì người mua mới biết hàng nào là hàng tốt, hàng nào là kém chất lượng, rẻ tiền. Một lần bất tín vạn lần bất tin, người mua sẵn sàng chờ những chuyến xe hàng kia đến hẹn lại lên mới mua sắm là vậy.
Cây kim trong bọc trước sau gì cũng thòi ra. Chuyện tình cảm của “chú Đức” và “cháu Hằng” đã tới tai ông Tư. Ông giận lắm mắng vợ như tát nước:
- Mụ ở nhà với nó mà để nó quen thằng trời đánh thánh vật kia là sao? Mụ ăn gì rứa.
- Tại ông chớ ai, ông rủ nó đến nhà ăn nhậu mới sinh chuyện.
- Trời ơi là trời, tui chỉ có một đứa con gái duy nhất lẽ nào đem gả cho thằng đã hai, ba đời vợ, lại con riêng con tư nhì nhằng.
Ông quay qua con gái với cái roi dứ dứ trong tay:
- Mi tính sao đi.
- Sao đâu cha, ảnh lấy thì con ưng.
- Đồ mất dạy.
Tiện tay ông phếch cho con gái mấy roi vào mông, nó mím môi cắn răng nhịn đau mà không khóc. Chẳng lẽ chém con rồi đi ở tù, ông tìm quán rượu, than thở với bạn bè cùng khổ như ông:
- Úi trời, việc chi mà ông quýnh quáng thế. Nó ưng đâu thì gả đó, nó ưng chứ ông ưng mô.
- Thì nó ưng, nhưng làm sao mà tui gả con cho thằng du thủ du thực được.
- Răng không được, hay ông muốn con ông nhảy sông?
- Nói chi mà độc mồm độc miệng rứa.
- Báo chí có viết bừa mô, sao ông không đọc?
Ông Tư im lặng nhưng lòng ông dậy sóng. Có thể lắm chứ, Hằng trẻ người non dạ lại bướng bỉnh, không thể đoán trước được điều gì nếu ông cấm đoán nó. Ông càng thương con thì càng sợ mất con. Thôi thì, đành phó thác cho trời. Hơn nữa thằng Đức tuy lang bạt kỳ hồ nhưng lòng dạ nó cũng tốt. Con gái ông thương nó cũng có lỗi cõng rắn cắn gà nhà của ông, ông khóc.
Vài năm sau gặp lại, thấy ông Tư trắng trẻo, có thịt, có da người ta không ngớt trầm trồ:
- Buôn bán khá giả anh hỉ.
- Cũng nhờ cái xe của thằng rể tậu giúp.
- Nghĩa là sao?
- Thằng Đức cho mượn vốn mua xe, cu cũ thôi, còn hàng hóa thì lấy bán rồi trả tiền lại cho nó sau.
- Thế là nhất rồi.
- Ừ, cũng có thong thả.
- Mấy cháu ngoại rồi?
- Hai, một trai một gái.
- Vẫn nhậu với thằng rể ôn dật đó chớ?
- Khe khẽ thôi, nó nghe nó buồn. Vẫn.
Căn lều rách nát te tua của gia đình ông Tư đã được xây mới khang trang, tuy nhỏ nhưng ấm áp đủ sức chịu đựng bão táp phong ba. Căn nhà đó luôn đầy ắp tiếng cười mỗi khi con cái, dâu rể tề tựu sum vầy. Nắng đã lên, cơn mưa đã tan vào dĩ vãng, mùa đã xuân.
Giàn su su oằn trĩu quả, luống cải hoa cũng đã rực vàng không là biểu tượng của sự sung túc thì mới là lạ. Bởi không lạ thì hoa cải đã không nở vàng mà là chết xanh trong nồi canh hay trên đĩa luộc. Ông Tư cười cười, cái nào cũng có cái hay của nó, chẳng qua nghèo quá, lo lắng quá mà không thấy được cái đẹp ẩn tàng trong cái thế giới luôn toan tính này thôi.
LÝ THỊ MINH CHÂU