.

Thơ: Nguyễn Hưng Hải

.

Tính chuyên nghiệp Nguyễn Hưng Hải thể hiện ở chỗ người viết khá chủ động trước tất cả mọi đề tài, mọi chất liệu của đời sống. Từ những đề tài lớn như đất nước, lãnh tụ, nhân dân, lẽ sống... đến những đề tài tưởng là nhỏ bé như: cái cày, cái cuốc, con trâu, con tép đồng... đã vào thơ anh tự nhiên, không hề có sự kén cá chọn canh, thích cái này hơn cái kia, trọng cái này hơn cái khác. Ngòi bút ấy trượt trên giấy hệt như đường cày theo sau con trâu, vượt hết vấp váp của đá, sỏi, cốt để xới lật tất cả những bí mật của lớp đất nâu làm phơi bày những gì anh cần nói, cần thông tin đến mọi người...

Nhân dịp Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo thơ Kim Dũng và Nguyễn Hưng Hải tại Phú Thọ nhằm đánh giá những đóng góp của các nhà thơ cho thơ ca miền đất Tổ cũng như thơ ca cả nước, ĐNCT xin giới thiệu chùm thơ của Nguyễn Hưng Hải, cộng tác viên của Báo Đà Nẵng.

Giao thừa thế kỷ

Thế kỷ của văn minh tri thức bắt đầu
Ta sung sướng bắc cầu qua cái đói
Trong khoảnh khắc giao thừa đâu cái mới
Hoa nở rồi, sao lá vẫn không xanh

Bao nhiêu năm chắt nhựa để nuôi cành
Cây tự biết ngọt lành cay đắng lắm
Gió cứ đến rủ cành cao đưa võng
Gốc nghìn đời im lặng mãi xin thưa

Sao đêm nay ta nhớ phút giao thừa
Nồi bánh sắn lên hơi từ nước mắt
Mẹ dành dụm cho ta tiền ăn học
Suốt cuộc đời cơm nhạt, áo phong phanh

Khi đã thành chính quả, ngát công danh
Ai còn nhớ đoạn đường xe tuột xích
Bạn đã đèo mình qua bao nhiêu đoạn dốc
Giờ vẫn ngồi cọc cạch ngã ba kia

Thế kỷ của văn minh tri thức cầm chìa
Cánh cửa mở còn đầm đìa sương muối    
Thương cái cũ, ngập ngừng yêu cái mới
Đâu hóa Rồng, đâu vẫn nón mê mâu?

Thôi bạn ơi, trong giây phút lên tàu
Đừng vội trách người sau len kẻ trước
Trong cái mất biết đâu nhiều cái được
Giữa vuông tròn hao khuyết đã nằm trong

Thế kỷ cũ đi qua trên bãi cát gặp Rồng
Ta vùng vẫy lấm lưng vì ít chữ
Trong khoảnh khắc giao thừa không do dự
Ta cùng con học lại chữ i, t…

Đá trống, đá chiêng
        
Chẳng thấy chiêng đâu, thấy trống đâu
Lô xô một lũ đá chen nhau
Dùi trơ mặt gõ nằm mê muội
Đá cũng len vào mọi nỗi đau

Xăm xắp bàn chân ngang mắt cá
Lội qua Đầm Vực, trống chiêng sôi
Hò, reo dậy đất từng mơ ngủ
Vạn thắng mê người thuở ấy thôi

Tôi đến tôi đi bằng truyền thuyết
Tìm lưng ngựa đá cưỡi âm vang
Trống chiêng không đánh mà nghe vọng
Tiếng hí ngàn năm ngựa bất kham

Làng cười

Mẹ đã nuôi tôi bằng những chuyện cười
Củ sắn Văn Lang xuyên ngang đường hai bốn
Giắt bở tung cạp quần
Thúng xôi vò đội dính vầng trăng
Con gà gáy văng thành ngạnh
Đập cánh một lần tốc mái nhà tôi

Chuyện cười mà nói cứ như chơi
Bà tôi kể từ thời chưa biết chữ
Cái chưa đến tất cả rồi sẽ cũ
Cái ta tin ấp ủ lại không thành

Làng tôi ở giữa lũy tre xanh
Đã bịa chuyện để cười cho đỡ đói
Đã bịa chuyện để cười mong qua khỏi
Những cơn mưa gây rối chẳng ai mời

Cái đã qua còn lại trong đời
Thành huyền thoại một vùng quê khuếch khoác
Giữa muôn chuyện của muôn đời pha tạp
Chuyện làng tôi không lẫn được bao giờ
Kể thì cười
Có bán chẳng ai mua
Cha tôi bảo từ ngày xưa vẫn thế
Ai không tin tôi mách về hỏi mẹ
Chuyện làng tôi nghe đến bạc cả đầu
Chuyện làng tôi nghe đến khô nước mắt
Ngỡ không cười làng tôi không sống được
Cười cho tạnh nỗi lo toan sũng nước
Cười cho hết những cơn mưa trọc đất
Cười cho mềm sỏi đá để trồng hoa
Cười cho đầy trống vắng những ngày qua

Tôi đã mang làng cười đi xa
Đến với nước non bằng lời mơ mộng
Những câu chuyện nuôi cả thời ta sống
Khuếch khoác cả làng mà không ai lừa nhau?!

NGUYỄN HƯNG HẢI

 

;
.
.
.
.
.