Cái ảng nước là cách gọi tên của một vật dụng thông thường dùng để chứa nước uống của người dân xứ Quảng quê tôi. Cái ảng được làm bằng xi-măng, có 3 chân, phần đáy thì bé và phình to ra nơi miệng ảng. Mỗi chiều, sau khi từ ngoài đồng trở về, các mẹ, các chị thường quảy đôi thùng gánh nước ra cái giếng làng gánh về vài đôi ba gánh nước đổ vào ảng cho cả nhà dùng.
Nước trong ảng chỉ dành nấu ăn, những đứa lớn thì chạy ra sông mà tắm, những đứa trẻ mới sinh thì mới được ưu ái tắm vài ba gáo từ nước ảng mà thôi. Trên miệng ảng thường được đậy bằng một cái nia, hoặc cái nong, đan bằng tre để không cho bụi và lá rụng rơi vào. Dưới chân ảng thường lót một lớp gạch nung sao cho cao hơn mặt đất để rút nước.
Thuở nhỏ, mỗi khi muốn tìm giun câu cá cùng chúng bạn, chúng tôi chỉ cần cạy lên vài viên gạch là có mồi câu ngay, sau đó lắp gạch lại như cũ. Cái ảng nước cũng thăng trầm vui buồn như cuộc sống của người dân quê. Những ngày giỗ chạp, biết bao câu chuyện ngày xưa trong gia tộc được các bà, các mẹ kể lại bên ảng nước trong khi làm cỗ. Mỗi khi nước lụt tràn về, cái ảng được cho vào đầy nước để nó chìm xuống, dùng dây dừa cột ngang lưng ảng và quấn vào một cây mít hay cây xoài to trong vườn để nó khỏi bị trôi theo dòng nước lũ. Còn với lũ trẻ chúng tôi khi đi học, hoặc đùa nghịch hái trộm xoài chấm muối sống bị khát nước chỉ cần chạy ra ảng nước múc vài gáo nước uống ừng ực để dịu đi cơn khát, mặc dầu nhiều lần bị người lớn cảnh cáo sẽ đau bụng.
Giờ đây, phương tiện dùng đựng nước uống cho cả nhà tiện nghi hơn, hiện đại hơn, những cái ảng dần dần biến mất nơi làng quê, hay nói theo cái giọng mang màu sắc lý luận một chút: cái ảng mất dần vai trò lịch sử của nó trong cộng đồng. Nhưng dẫu sao, những cái ảng bình dị ấy đã từng một thời làm nên cái hồn quê mà mỗi lần đi xa, những người lớn lên bên cái ảng quê nhà như chúng tôi cũng thấy lòng mình nhớ nhớ…
NGUYỄN VĂN HỌC