Sáng nay, dọc hai bên bờ sông Maspero đông nghịt người. Nhiều thanh niên còn lội xuống cả mé nước xem bơi đua cho thêm hào hứng. Các ngả đường trong thành phố thuộc tỉnh lẻ này hầu như chật kín người. Đủ sắc màu và đa ngôn ngữ. Anh chị em Khmer, Hoa, Kinh tụ về bên sông. Không chỉ vậy, mà đó đây còn có cả những ông tây bà đầm cũng xì xồ, chỉ trỏ về mé sông nghe chừng thích thú lắm.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sơn Khleangs đầy phấn chấn. Anh đã trang bị cho mình một thể lực cường tráng hơn; tay dầm cho thêm nhanh, khéo, đều nhịp cùng bè bạn trong ghe. Vì anh biết, trên bờ sông sẽ có nhiều người xem anh bơi đua cùng các đội ghe khác. Nhưng quan trọng nhất là có nàng Thơm ngày đêm cổ vũ, mong chờ anh chiến thắng.
Còn một giờ nữa là cuộc thi bắt đầu.
Sơn Khleangs nhớ tối qua, anh cùng với Thơm đã ngồi bên nhau. Họ kể cho nhau nghe thật nhiều, hôn thật nhiều và môi hai người còn đọng lại câu chuyện về Lễ hội Oóc-om-bóc.
Thơm gốc người Hoa, xưa ông bà từ Triều Châu lặn lội về miệt quê này làm ăn sinh sống. Trải qua bao thăng trầm, giờ có thể nói gia đình của Thơm giàu nhứt nhì huyện Châu Hải. Mái tóc dài suôn mượt, sức trẻ căng tràn nhựa sống mười tám xuân hồng của Thơm làm Sơn Khleangs thêm ngây ngất sóng tình.
Trăng tròn và đẹp biết bao. Gió bên sông thổi mát rượi lòng trẻ. Thơm cứ hỏi về tích của lễ hội, về chiếc ghe ngo, câu hỏi như dài mãi. Họ như quên cả bóng đêm đang trùm dần. Họ đang mặc cả thời gian. Trên cao là nền trời trong vắt với những đám mây bạc bồng bềnh trôi, làm cho vầng trăng ngà lúc ẩn lúc hiện sau đám mây bông đó. Còn bên sông thì có những anh chàng điện đường, những trụ cột đèn ấy mặc cho mưa nắng, ngày đêm đi qua, các anh vẫn lực lưỡng làm cuộc hành trình soi mắt xuyên thấu bóng tối. Dường như ánh đèn hòa ánh trăng làm cho mọi góc đường huyện Châu Hải sáng rực.
Thơm ngồi yên trong vòng tay săn chắc của người tình. Thơm thỏ thẻ: “Ý nghĩa của Lễ hội Oóc-om-bóc là sao vậy anh?”. Chàng trai trẻ Sơn Khleangs như được dịp tỏ bày, anh nói: “Lễ hội Oóc-om-bóc có ý nghĩa là đưa tiễn nước ra sông, vì thời gian tổ chức lễ hội vào thời điểm cuối năm. Lúc này thì lượng mưa đã giảm nhiều, mực nước ở ruộng, ao, hồ, sông bắt đầu hạ xuống. Nhà nông mình bắt đầu vào thu hoạch vụ mùa và các nông sản. Đồng bào Khmer vốn đã được tiếp thu cả hai nền văn minh của đạo Bà-la-môn và đạo Phật, nên mới có nghi lễ Cúng Trăng trong Lễ hội Oóc-om-bóc”. “Ồ, anh nói sao mà y như sách vở vậy?”. “Thì sự thiệt là vậy mà”. Cả hai cùng cười. Hồi lâu, Thơm lại nói: “Nhưng em lại muốn biết về truyền thuyết này. Anh có thể kể cho em nghe không?”. “Quá sẵn lòng kể cho nàng nghe đó chớ”.
Rồi anh kể, giọng trầm ấm cứ bay trong đêm trước ngày Hội: “Theo truyền thuyết, có một tiền kiếp của Phật Thích Ca Mâu Ni hiện thân là một con thỏ, sống quẩn quanh bên bờ sông Hằng. Một hôm, thần Sakah xuống trần giả làm người ăn xin để thử lòng thỏ. Không có gì làm phước, thỏ đốt lên đống lửa, nhảy vào và mời người ăn xin dùng thịt mình. Lửa bỗng dưng tắt ngấm và người ăn xin biến mất, rồi thần Sakah hiện ra khen ngợi lòng hy sinh cao đẹp của thỏ và vẽ hình thỏ lên Mặt trăng. Từ đó trở đi, người ta thường nhìn thấy hình con thỏ ngọc trên cung trăng vào tiết Hạ nguyên (ngày 15-10 Âm lịch). Vì vậy, lễ cúng trăng là để tưởng nhớ đến tiền kiếp của đức Phật Thích Ca. Còn lễ Oóc-om-bóc có nghĩa là “đút cốm dẹp” hay còn có nghĩa khác là lễ cúng trăng, người Khmer quan niệm tín ngưỡng Mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm.
Lễ cúng trăng diễn ra tại sân chùa hay sân nhà, bắt đầu từ lúc trăng lên. Đây là dịp tạ ơn thần linh đã giúp cho mùa màng tốt tươi, có được lương thực dồi dào cho con người. Lễ hội này diễn ra hằng năm vào ngày Rằm Cađấc theo Phật lịch, tức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Thường sau buổi lễ cúng trăng, người nhiều tuổi nhất trong gia đình gọi các em nhỏ lại ngồi gần mình, chắp tay hướng về mặt trăng, rồi lấy cốm dẹp và các đồ cúng khác, mỗi thứ một ít đút vào miệng từng em. Do đó mới có tên là “lễ đút cốm dẹp”. Khi đút cốm dẹp, người ta lấy tay vỗ nhẹ vào lưng các em, hỏi các em muốn gì. Những câu trả lời của các em sẽ gieo niềm tin cho người lớn suốt chu kỳ mặt trăng xoay quanh trái đất năm tiếp theo”.
Thơm khen Sơn Khleangs sao mà biết nhiều tích xưa, hiểu về dân tộc mình. Sơn Khleangs nhìn trăng mà nói như cho chính mình nghe: “Ai cũng cần nên hiểu về dân tộc mình mà. Đó là gốc. Đó là cuộc lần tìm trong hành trình văn hóa đẹp. Điều đó không gì có thể thay thế, đổi dời”. “Đêm nay anh triết lý nhiều đó, nhưng em chấp nhận. Mong anh mai sẽ bơi cho khỏe, cho chắc, chiến thắng em sẽ thưởng đó nhé!”. “Em chuẩn bị phần thưởng là vừa”. Trăng đã bị mây che theo hơi gió mạnh. Lúc khoảnh khắc tối trời đó, không ai biết cặp tình nhân trẻ đã làm gì. Có thể họ đã yêu nhau sâu hơn và chỉ có bóng tối nghe rõ tim họ đập rộn ràng.
Tiếng còi đã huýt lên. Giục mọi người chuẩn bị tâm thế sẵn sàng. Sơn Khleangs như choàng tỉnh sau giấc mộng đẹp tối qua. Mặt trời đã hồng rực trên sông. Cờ đã rợp, phấp phới căng theo gió. Các đội ghe ngo của từng đơn vị đã vào vạch xuất phát. Ngo là một loại ghe có mũi cong được làm bằng thân một cây gỗ to, đục ở giữa làm chỗ ngồi cho các tay đua. Có chiếc đủ sức chứa đến trên 50 người. Chiều dài từ 30m đến 40m thậm chí còn dài hơn nữa. Đầu ghe có hình rồng, rắn, mình thon như con rắn, hai bên thân ghe có vẽ những hình kỉ hà nhiều màu sắc, lướt sóng khá tốt nhờ lực cản nhỏ, mũi và lái ghe đều cong vút, nhưng mũi thấp hơn lái. Mũi ghe chạm đầu chim phượng. Ghe ngo tượng trưng cho sức mạnh và sự hung dữ.
Tương truyền, ghe ngo xưa kia đã từng là phương tiện đánh giặc và đua ghe ngo cũng là một môn thể thao quân sự. Ngày nay, không còn thân gỗ lớn để làm nên ghe ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Chiếc ghe ngo có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho ghe của mình. Dưới lườn ghe người ta đặt một cây dài từ đầu đến cuối thân ghe gọi là cây cần câu (đonxanh tuôk) nhằm giữ thăng bằng và làm cho ghe vọt khi bơi. Ghe ngo được xem là tài sản quý giá và thiêng liêng của phuôm sróc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ngày xưa, chiếc ghe ngo chỉ được hạ thủy một lần trong năm vào ngày Lễ hội Oóc-om-bóc, mỗi lần hạ thủy phải làm lễ long trọng.
Có tiếng hò hét inh ỏi cổ vũ của bà con chật hai bờ sông. Có người còn đem cả xoong nồi hoặc 2 nắp xoong mà vỗ như vỗ trống. Nhiều nhà gần mé sông có gác, có lầu thì in như những mái đầu lô nhô đầy trên mái tôn, ban-công ấy. Họ thây kệ cái nắng đang bốc hơi. Mặt nước như duềnh lên. Sông Maspero như đang nghe lại lịch sử kể bao chiến công năm nào. Giờ thì dòng nước hiền hòa ấy chuyên chở bao ân tình của phù sa, của bao chuyến hàng…
Ghe của Sơn Khleangs đang chồm lên lướt sóng. Ghe lao vun vút. Tay dầm anh hòa cùng đồng đội như đang nhấn chìm bao ý nghĩ của đơn vị bạn. Tiếng còi hiệu cứ huýt liên hồi, cánh tay của đội trưởng khi thì ra hiệu tay trái, lúc thì tay phải, chốc chốc cả hai tay ông ấy ôm chồm về phía trước. Còn chút nữa thôi, khoảng hai lượt dầm quét sóng thì đội ghe ngo của anh sẽ thắng trong niềm vui lớn. Các đội ghe của đơn vị bạn còn thụt lui phía sau ghe anh khá xa. Cái nắng như đang đong đầy niềm vui nhễ nhại mồ hôi mặn trên gương mặt họ.
“Thắng rồi! Ghe ngo đội chùa Xẻo Lá thắng rồi! Hoan hô! Hoan hô!”. Nhiều tiếng reo mừng vang dội cả mặt sông. Đội ghe ngo của Sơn Khleangs thắng đậm quá! Đường ghe lao thẳng, vạch nước như vẽ sẵn cho ghe của họ vậy. Khỏi phải nói là Thơm đã vui như thế nào. Thơm nhảy cẫng lên như con bé ngây thơ. Còn lúc này Sơn Khleangs lại chuẩn bị tham gia tiếp nhiều trò chơi của lễ hội. Anh càng thêm hăng hái. Tiếng cười như đang xé gió. Anh đâu ngờ trò chơi dân gian hằng năm, bây giờ đã được nâng tầm thành Lễ hội Festival đua ghe ngo. Anh miên man nghĩ trong niềm vui mùa màng, niềm vui cùng con nước lóng phù sa, niềm vui cùng tỉnh nhà đang dần thay da đổi thịt. Màu áo quê hương đang thơm cùng hương cốm dẹp.
Rồi cuộc vui cũng qua.
Sơn Khleangs hỏi Thơm: “Qua con trăng này mình chuẩn bị cưới nghe em?”. Thơm đỏ mặt, mắc cỡ, không thèm nói với người yêu. Nàng nhìn xa xăm: “Để coi tía má em xổ tôm lần này sao đã. Nghe tía nói sú 30 con cũng được non ký. Chắc vài bữa nữa xổ. Tía đang chờ giá”.
Đôi tình nhân trẻ dắt tay nhau men theo bờ kênh xáng. Họ rủ nhau đi bắt con ba khía về rang muối ăn chơi. Dọc mé biển, nơi trùng phùng của họ hàng đước, mắm, sú, vẹt. Nơi đó cũng là nơi trú ẩn của những cô cậu ba khía. Sơn Khleangs nhón chân đi trong cát biển nghe vị mặn của gió đang phả vào người. Mái tóc quăn lơ phơ trong gió. Anh khẽ gọi Thơm: “Có ba khía làm hang trong rễ cây mắm, cây đước nè. Lại đây mau đi em, kẻo nó chạy mất…”.
Chắc rằng tối đó, đôi tình nhân ấy lại có câu chuyện vui về ba khía rang muối. Họ lại kể cho nhau nghe câu chuyện quê hương dưới ánh trăng quê. Không lâu nữa Thơm sẽ về nhà chồng. Sơn Khleangs đang ra sức chăm sóc mấy công hành tím và vườn rau nhà mình. Anh hăm hở và chuẩn bị cho một dự tính lớn trong đời. Tối đó anh cứ lăn mình trở giấc, mãi mân mê tấm ảnh chụp chung với Thơm hôm bữa kết thúc thắng lợi cuộc thi đua ghe ngo trên tỉnh. Trong ảnh, nụ cười hai người chừng như rất ư là viên mãn
Trăng vén mây đêm như đang dõi theo giấc ngủ của chàng trai trẻ. Đâu đó trong gió lao xao bụi tre bên hông nhà. Giấc ngủ của Thơm hay của Sơn Khleangs lúc này, có lẽ cũng đang giống nhau của niềm riêng mong đợi ăm ắp tin vui như đang lướt sóng.
TRẦN HUY MINH PHƯƠNG